Sách là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Kể từ năm 2021, mình đã xây dựng thành công thói quen đọc sách. Mình đọc mỗi ngày, cùng một thời điểm mình có thể đọc đến 4-5 cuốn. Cũng vì thế, trong những bài viết của mình trên blog – nếu bạn đọc đủ nhiều sẽ thấy – rất nhiều những trích đoạn từ sách.
Trong những quyển sách mình đã đọc năm nay, có những cuốn mình vô cùng tâm đắc. Xin được chia sẻ với bạn trong bài viết ngày hôm nay.* Mỗi cuốn đi kèm với mục “Cuốn sách này có gì?”, trình bày một vài điều mình cảm thấy đặc sắc nhất.
Bạn đã đọc cuốn nào trong số này chưa? Hay có dự định sẽ đọc cuốn nào đó trong năm mới 2024? Hãy chia sẻ với mình dưới mục comment nhé!
*Bài viết này, và danh mục sách dưới đây là gợi ý cá nhân của chính tác giả, hoàn toàn không phải là quảng cáo.
1/ Give and Take – Adam Grant
Nếu bạn giống mình, bạn sẽ cảm thấy cuốn “Đắc nhân tâm” không thực sự phù hợp với bản thân cho lắm. Dale Carnegie đã làm một việc không tồi với cuốn sách của ông, song cách tiếp cận ấy khiến mình cho rằng có gì đó hơi “vụ lợi”: Cảm giác như người ta bước vào một tương tác xã hội chỉ là để lấy được cái lợi nào đó cho mình. Mặc dù mình không phủ nhận điều ấy, nhưng nó không nên là cái đích duy nhất.
Trong “Give anh Take”, Adam Grant dẫn chúng ta đi một con đường mới mà mình cho là tuyệt vời hơn.
Sách đã được dịch sang tiếng Việt với tựa “Cho và Nhận”, hay cái tên cũ hơn “Cho khế nhận vàng”, bởi First News và Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuốn sách này có gì?
Trên thế giới này tạm chia ba kiểu người: Kẻ thiên cho (giver), kẻ thiên nhận (taker), và kẻ trao đổi công bằng (matcher). Mỗi người thường là sự kết hợp của cả ba yếu tố, trong đó có một yếu tố trội nhất định hình họ.
Ở đời, người thành công là người có thiên hướng nào? Những kẻ thất bại là người có thiên hướng nào?
Câu trả lời của bạn là gì?
Đáp án của Adam Grant cho cả hai câu hỏi trên hoàn toàn giống nhau: Kẻ thiên cho (Giver). Họ là những người có thành công lớn và mang sức lan toả mạnh nhất, thành tựu của họ cũng là niềm hạnh phúc của những người xung quanh. Nhưng giver cũng là những người dễ bị lợi dụng nhất – và rơi xuống đáy tháp trong thang đo hạnh phúc, thành công, mối quan hệ…
Đến cuối ngày, chúng ta đều có khả năng nuôi dưỡng yếu tố “cho” trong con người mình, bất kể ta có thiên hướng nào. Khi thế giới có thêm những giver, nó trở thành một nơi tốt đẹp hơn.
Đồng thời, khi là một người giver, có những cách để bạn hướng đến mục tiêu của mình mà không bị burn out hay trục lợi. Hãy mở sách và tìm câu trả lời cho mình!
Nhưng trước đó, hãy thử làm bài trắc nghiệm trên chính trang của Adam Grant để xem bạn là kiểu người nào nhé.
Đây chính là cuốn sách mà mình đưa được nhiều nhất những bài học của nó vào cuộc sống trong năm 2023. Bạn có đoán được mình thuộc kiểu nào không?
2/ This Is Not a Photo Opportunity: The Street Art of Banksy – Martin Bull
Dành cho người chơi Hip Hop:
1 phút kiểm tra bài cũ. Năm yếu tố của Hip Hop là gì?
MC (EmCeeing) – DJ – Breakdancing – Graffiti – và…?
Knowledge (Kiến thức).
Biết đến Banksy nhờ một bài đăng của Văn hoá đường phố. Không lâu sau đó mình thấy một tấm ảnh của anh Việt Max, cũng không nhớ rõ là status về cái gì, chỉ thấy giá sách của anh ở đằng sau. Học idol không chỉ là học từ chính họ, mà là học xem người idol đó học từ ai khác nữa. Anh Việt Max sưu tầm rất nhiều artbook, và anh nói rằng việc xem chúng là rất quan trọng, mặc dù cái giá có thể không hề rẻ nhưng đáng.

Và thế là công cuộc nghiên cứu bắt đầu. Đọc và học, mới vỡ ra nhiều vấn đề chính trị xã hội của quá khứ và hiện tại. Hiểu thêm được mục đích của người hoạ sĩ graffiti, hay ít nhất là với Banksy – một nhà hoạt động xã hội, nghệ sĩ đường phố ẩn danh nổi tiếng thế giới.
Cuốn sách này có gì?

- Kỹ thuật vẽ Stencil: Tô/đổ màu lên một khung đã khoét sẵn để tạo thành tranh. Một trong những kỹ thuật vẽ nhanh nhất thế giới, được dùng rất nhiều trong những ký hiệu dụng cụ hậu cần của quân đội.
- Chuột, khỉ, những đứa bé, bom đạn.
Bản thân Banksy cũng đã tự tay xuất bản sách, bao gồm: Cut It Out, Existencilism, Banging Your Head Against A Brick Wall; và Wall and Piece – cuốn dày nhất, tổng hợp của cả ba cuốn trước. Mình đã xem hết cả 4 cuốn, nhưng về phong cách trình bày và hành văn thì không đánh giá cao lắm. Nếu bạn muốn đọc từ chính tay tác giả thì hãy tham khảo nhé.
3/ The Defining Decade: Why Your Twenties Matter-And How to Make the Most of Them Now – Meg Jay
Cuốn sách này là một gợi ý đọc sách từ chị Chi Nguyễn (The Present Writer). Mình theo dõi chị cũng đã từ lâu, biết đến cuốn sách cũng nhờ review của chị.
Một sự trùng hợp khá thú vị là năm nay mình tròn 20 tuổi. Đúng người, đúng thời điểm, và khi đọc sách vào thì nhận ra một điều nữa: Đúng sách! Một cuốn sách tuyệt vời cho những bạn lứa tuổi 2x – mình cảm thấy thực sự may mắn khi đã biết đến và chọn đọc nó.
Sách đã xuất bản tiếng Việt ở Việt Nam với tựa “Tuổi 20 – Những Năm Tháng Quyết Định Cuộc Đời Bạn”, bởi AlphaBooks và Nhà xuất bản Văn học.
Cuốn sách này có gì?
The future isn’t written in the stars. There are no guarantees. So claim your adulthood. Be intentional. Get to work. Pick your family. Do the math. Make your own certainty. Don’t be defined by what you didn’t know or didn’t do.
Meg Jay
You are deciding your life right now.
- Khoảng thời gian những năm 2x quy tụ 80% những sự kiện quan trọng nhất trong đời. Tới khoảng 35 tuổi, phần còn lại của cuộc đời hầu như là sống tiếp, hoặc sửa chữa lại những lỗi lầm ta đã làm ra.
- Kiếm người yêu là một chuyện quan trọng, nếu bạn mong muốn lập gia đình. Qua một độ tuổi nhất định, khả năng sinh đẻ sẽ giảm đáng kể, và đi kèm với nhiều rủi ro hơn.
- Có những cửa sổ vàng cho phát triển não bộ hay cơ thể, và điều đó cũng đúng đối với tính cách và phẩm chất của một con người. Những năm 20 là cửa sổ thời gian cuối cùng để định hình con người bạn. Sau thời điểm này, thay đổi là có thể, nhưng vừa chậm, vừa khó.
- Ở những năm tháng này, có thể đi qua khủng hoảng căn tính (identity crisis), nhưng nhất định phải có cho mình tích luỹ bản sắc (identity capital). Đây là thời gian để bận rộn. Đây là thời gian để biết cái bạn ghét, và xác định cái bạn làm được.
- Thử thách thực sự của những năm tuổi trẻ chính là bản thân sự tích luỹ, sự lao động. Bạn cần bắt đầu làm. Để những mong có được điều gì đó thành hình trong tương lai.
- Sự không đoán định, chênh vênh, bất ổn – là bình thường. Bạn phải bước qua được nó.
4/ Messy: How to be Creative and Resilient in a Tidy-Minded World – Tim Harford
Messy là cuốn sách mình được gợi ý từ… Pinterest. Quyển sách này xuất hiện đi xuất hiện lại trong những pin được gợi ý cho mình. Có vẻ là tín hiệu vũ trụ? Mình đã thử đọc ngay. Ôi, không thể nói cho bạn cảm nhận hết được mình đã “wow” như thế nào khi đọc cuốn sách này!
Con người chúng ta có xu hướng thích sự đoán định được, có quy luật, sắp xếp. Tuy nhiên, những diễn biến và luận động phát triển của tự nhiên lại hướng đến cái mà ta cho là “lộn xộn” (Bạn hãy thử theo dõi một mảnh vườn, bỗng nhiên một ngày kia không được chăm sóc cắt tỉa mà để phát triển tự nhiên xem?).

Trong cuốn sách này, Tim Harford chỉ ra cho chúng ta những mớ hỗn độn ấy có thể đem đến sức mạnh lớn như thế nào, nhất là khi chúng ta có thể chấp nhận và vận dụng chúng.
Sách đã được xuất bản với tựa Việt “MESSY: Sáng tạo từ sự lộn xộn” bởi AlphaBooks và Nhà xuất bản Thế giới.
Cuốn sách này có gì?
- Một không gian tối ưu để nhân viên làm việc trong một công ty là không gian họ có thể cá nhân hoá – tô màu, đính ảnh, vắt quần áo cho thoải mái. Chứ không phải những hộp cubicle giống y hệt nhau và đẹp như trong concept nội thất văn phòng nào đó.
- Khi chọn nhóm, chúng ta thường có xu hướng tìm đến những người giống ta. Một team toàn người ta biết, cùng khả năng, cùng hành động. Ngăn nắp và dễ quản lý. Nhưng chúng ta dễ rơi vào “groupthink”, hay đồng ý với nhau hơn và không nói ra những mâu thuẫn hay thách thức.
- Chìa khoá cho một sự hợp tác tuyệt vời? Sự đa dạng. Hãy mời gọi tới những con người mà bạn chưa từng nghĩ tới. “Diversity trumps ability.” và đây có lẽ cũng là nền tảng cho hợp tác đa ngành (interdisciplinary collaboration).
- Improv chính là sự lộn xộn trong khía cạnh biểu diễn: trong nghệ thuật, diễn thuyết, giao tiếp với khách hàng… những tình huống đòi hỏi ta phải phản ứng mà không có kế hoạch.
- Trái với suy nghĩ của nhiều người, ngẫu hứng không phải là bạn cố gắng để có thể “nói” trôi chảy, hay ho nhất có thể: Nó cho bạn không gian và thời gian để “nghe”. Cái “nói” sẽ đến một cách tự nhiên sau đó – nhờ vào 2 điều: (1) Rất nhiều sự luyện tập trước đây; và (2) Tinh thần sẵn sàng đối phó với những tình huống rối bời.
- Ruột khoẻ = cơ thể khoẻ mạnh. Quảng cáo sữa chua, có lẽ bạn cũng đã nghe mãi rồi. Nhưng thế nào là ruột khoẻ? Không phải là một cái ruột sạch bong sáng bóng, mà là bạn phải có trong bụng một hệ sinh thái đa dạng “hầm bà lằng” rất nhiều những vi khuẩn – cả lợi, cả hại, cả trung tính lúc lợi lúc hại. Đến lúc phải suy nghĩ về việc có nên uống kháng sinh lần tiếp theo hay không…
5/ Originals – Adam Grant
Trước khi mình giới thiệu cuốn sách này, có thể bạn đã biết (và đã xem) bài TED Talk trên đây. Với hơn 10 triệu view trên YouTube tính đến thời điểm hiện tại, bài nói này của Adam Grant được liệt trong danh sách những bài TED Talk nổi tiếng nhất. Và có nhiều lí do cho điều đó.
Cuốn sách “Originals” là phiên bản đầy đủ của những gì bác Adam trình bày: Bài nói trên chỉ là 1 ý tưởng trong số 8 ý tưởng, tương đương với 8 chương trong cuốn sách này.
Đọc ai xong cảm thấy mình thông minh hơn? Đối với mình năm ngoái, người đó là Malcom Gladwell. Còn năm nay, người đó chính là Adam Grant.
Tựa Việt của cuốn sách là “Tư Duy Ngược Dịch Chuyển Thế Giới”, xuất bản bởi First News và Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuốn sách này có gì?

- Trì hoãn không xấu. Những người đưa ra những ý tưởng sáng tạo bậc nhất là người dành một khoảng thời gian vừa đủ để trì hoãn: Không vội vàng, bấn loạn để chỉ nghĩ ra cái làng nhàng; cũng không lười nhác, làm trễ tới độ chẳng còn có thể nghĩ được gì nữa. Đối với họ, trì hoãn = thời gian để suy nghĩ.
- Những nhà đầu tư thông minh biết gìn giữ một danh mục rủi ro cân bằng (balanced risk portfolio). Khi họ thực hiện một dự án rủi ro cao, họ tìm cách bù đắp cho điều đó bằng cách gia tăng sự cẩn trọng trong tất cả những hành động khác.
- Những đứa trẻ tài năng rất giỏi giang, nhưng nhiều trong số chúng không đưa thế giới này tiến lên, trở thành những “originals”. Vì chúng luyện tập để thuần thục cái sẵn có, chứ không học để làm ra cái mới của riêng chúng. “Practice makes perfect, but it doesn’t make new.”
- Những đứa trẻ sáng tạo nhất thường lại không trở thành học trò cưng của thầy cô.
- Người tốt nhất để nhận xét những sáng tạo của chúng ta chính là những người trong ngành, cùng làm công việc đó. Không phải nhà đầu tư, không phải người khán giả, không phải nhà quản lý. Vì họ thực sự làm công việc, hiểu được cái khó dễ, có sự tự do khi không ở trong vị trí bị ảnh hưởng trực tiếp hay đang đầu tư vào ý tưởng của bạn.
- Thứ tự mà bạn được sinh ra không định hình bạn là ai, nhưng nó có ảnh hưởng đến xác suất mà bạn phát triển theo một hướng nhất định. Hơn nữa, những đứa trẻ được sinh ra với những phụ huynh tôn trọng và khen thưởng con đúng cách, sẽ trở thành những người cởi mở và phát triển thêm bản dạng mà chúng đã được cha mẹ khuyến khích (vd. Con là một người biết quan tâm đến bạn bè; Con là một người biết đứng lên sau thất bại,…).
- Có một hay nhiều thần tượng là rất quan trọng. Đó là cái khuôn để bạn hướng bản thân mình đến con người bạn muốn trở thành.
- Để nói ra sự thật, để thách thức bộ máy, bạn không thể chỉ có mỗi dũng cảm. Bạn cần có vị trí, địa vị trong hệ thống đó. Kiên trì và bền bỉ từng bước một.
- Originality (tính nguyên bản) không phải là một phẩm chất định sẵn từ lúc sinh ra. Nó nằm trong lựa chọn của bạn.
6/ Why We Sleep – Matthew Walker
Mất ngủ. Một trong những vấn đề sức khoẻ lớn nhất của mình năm nay.

Với lịch trình đi học, đi tập, đi làm dày đặc, việc hôm nay ngủ 10h, ngày hôm sau ngủ 12h, tắm đêm tắm hôm, ăn tối 9-10h, suýt nữa đã trở thành chuyện “cơm bữa”. Mình là đứa có phần rất cực đoan về chuyện phải sống khoẻ mạnh, giống như các cụ già. Đào bới khắp nơi, và câu trả lời cũng dần xuất hiện. Một phần lớn trong đó chính là cuốn sách Why We Sleep của Matthew Walker.
Sách đã được dịch sang tiếng Việt với tựa “Sao chúng ta lại ngủ”, xuất bản bởi NXB Lao động.
Cuốn sách này có gì?
Những gì mình đúc kết được từ cuốn sách và từ trải nghiệm cá nhân đều đã được đưa thành một “cẩm nang” chiến đấu với sự thao thức mỗi đêm, ngay trên blog này.
7/ Is Nothing Something? Kids’ Questions and Zen Answers about Life, Death, Family and Everything in Between – Thích Nhất Hạnh
Mình vô tình tìm thấy cuốn sách này khi đang đảo qua danh mục sách do thầy Thích Nhất Hạnh viết. Một cuốn sách tranh dành cho trẻ em, nhưng người lớn hoàn toàn có thể đọc – và đọc tốt!

Nếu như bạn đang mong muốn bắt đầu với những triết lý nhà Phật, mà rất sợ từ ngữ khô khan hay khó hiểu, những cuốn sách cho trẻ em như thế này là lựa chọn tuyệt vời. Vừa đọc, mà lại vừa có thể trao đổi với các em nhỏ (nếu bạn có các em bên cạnh), hẳn sẽ là một trải nghiệm hay ho!
Cuốn sách này đã được in ở Việt Nam với tựa “Trong cái KHÔNG có gì không?” bởi Nhà xuất bản Kim Đồng. Mình có một anh bạn sở hữu cuốn này. Được mượn cầm trên tay, thấy sách in rất đẹp. Bạn hãy tham khảo nhé.
8/ Dev Up – Nguyễn Hiển
Một điều quan trọng với người học IT nói chung và lập trình viên nói riêng, ấy là chuyện cập nhật kiến thức thường xuyên. Ngoài những kênh điện tử, sách giấy cũng là một nguồn tri thức tuyệt vời, mặc dù cá nhân mình cảm thấy anh em cũng chưa thực sự nhiều người chú trọng đến nguồn này.
Sang năm thứ ba của đời sinh viên, bắt đầu chiến đấu với các môn cơ sở ngành, cốt lõi ngành, lại càng cảm thấy nhu cầu kết nối học tập và “thực chiến” trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Học trên trường mà có cơ hội giao lưu với anh chị đi làm là tuyệt nhất, nhưng nếu không có dịp thì vẫn có thể đọc sách này nhé!

Cuốn sách này được xuất bản bởi Spiderum và Nhà xuất bản Thế giới.
Cuốn sách này có gì?
Sách này cho lập trình viên, do đó những lĩnh vực rộng hơn bên ngoài mặc dù có thể vẫn thuộc Công nghệ Thông tin nhưng không được tác giả đề cập đến.
- Khung năng lực của GitLab và Sijin Joseph: Bạn là Fresher, Junior hay Senior? Khung này sẽ giúp bạn tự đánh giá bản thân một cách toàn diện nhất có thể, chứ không chỉ mỗi riêng khía cạnh nào.
- Vấn đề của 2 phía: Lập trình viên và Doanh nghiệp – và cách để bạn có thể thông cảm và thấu hiểu, cũng như đưa ra những quyết định cho hành động của mình một cách trách nhiệm hơn khi đi làm.
- Rất nhiều framework, công nghệ, cách làm, nguyên lý – có những cái mình còn không biết là mình không biết!
9/ Why We Eat (Too Much): The New Science of Appetite – Dr Andrew Jenkinson
Một cuốn sách nữa với chủ đề sức khoẻ trong danh sách này. Vì ăn với ngủ – là chuyện hệ trọng – và cũng là thứ mình nhận thấy mình cần học hành tử tế. “Vì sao chúng ta ăn (quá nhiều)” (tạm dịch) là cuốn sách cung cấp cho mình một vài kiến thức cơ bản về các cơ chế tiêu hoá, đồng hoá – dị hoá, trao đổi chất và năng lượng cơ bản.

Đáng tiếc là tới thời điểm hiện tại, mình không tìm kiếm được phiên bản tiếng Việt của cuốn sách này – có thể là chưa được mua bản quyền, dịch và xuất bản. Nên nếu bạn nào có quan tâm hãy tìm đọc bản tiếng Anh nhé.
Cuốn sách này có gì?
- Lí do tại sao sau mỗi lần ăn kiêng và bỏ cuộc, bạn ăn nhiều hơn mức ban đầu và thậm chí còn trở nên béo hơn.
- Gen di truyền ảnh hưởng đến hơn quá nửa việc bạn sẽ là người béo gầy ra sao, chứ không như nhiều người nghĩ là do chế độ ăn uống.
- Cơ chế phản hồi ngược (negative feedback) của cơ thể để giữ một trạng thái ổn định về năng lượng, và điều đó hoạt động ra sao khi bạn ăn quá nhiều hay quá ít.
- Việc chính tay bạn nấu ăn rất quan trọng.
- Trong cuộc chiến cân nặng, não bộ nguyên thuỷ của bạn luôn luôn sẽ chiến thắng ý chí hay nỗ lực giảm cân: Vì sinh tồn, cơ thể sẽ quyết tâm lấy cho bằng đủ năng lượng mà nó cảm thấy cần thiết.
- Và cách đi thuận theo tự nhiên để dần tiến tới một cân nặng khoẻ mạnh và an toàn.
10/ Một đời như kẻ tìm đường – Phan Văn Trường
Nằm ở vị trí cuối cùng và cũng là cuốn sách duy nhất bằng tiếng Việt trong danh sách, ‘Một đời như kẻ tìm đường’ là cuốn sách thực sự đã chạm đến mình trong năm nay.
Cuốn sách này có gì?
Nói là cuốn sách lời khuyên thì không hẳn sai, nhưng bảo là để viết gạch đầu dòng ra những điều này điều kia thì thực sự khó. Cuốn “một đời” lần thứ ba của bác Phan Văn Trường hệt như một buổi nói chuyện tâm tình giữa hai người bạn. Chẳng triết lý gì cao siêu, chỉ có những trải nghiệm một đời người, chân thực, mộc mạc, cứ từ từ rót vào con mắt, đôi tai, bộ óc, trái tim…
Xin tặng bạn đọc một phần trong chương cuối, cũng là đoạn gói gọn một cách trọn vẹn trải nghiệm của mình với cuốn sách. Cảm giác có thứ gì đó lớn hơn mình, là suy nghĩ của mình khi đọc. Nó cảm thông cho nhiều nỗi niềm và là lời nhắn gửi đầy động viên dành cho một người trẻ.
Xin cảm ơn bác Phan Văn Trường (nếu như bác có đọc được những dòng này!), và những người đã góp phần khiến cho cuốn sách này được xuất bản và đến tay người đọc.
Cả một cuộc đời tìm đường để rồi mãi về lúc xế chiều tôi mới khám phá ra rằng chẳng có đường để tìm. Làm gì cũng được, đi đâu cũng đặng, thực hiện gì cũng thành công nếu mỗi chúng ta không quên mình là một thành phần của xã hội, đóng góp nhiều thì xã hội sẽ cho lại chúng ta nhiều.
Phan Văn Trường
Và “nhiều” không có nghĩa là số lượng, mà là tình cảm đậm đà, giá trị bền vững. Hạnh phúc đâu, nay tôi đã biết, thành thử lúc nào tôi cũng hạnh phúc, cho dù tôi có thể đang sống với một chuyện bất trắc. Hiểu được cuộc đời là thế, duyên nghiệp phải thế, những phản ứng âm dương, toàn là những chuyện bình thường có thể đoán được – biết trước là nghiệp phải thế thì đâu còn đau khổ nữa! Những hạnh phúc nhỏ thì nằm trên mỗi bước đi, nhưng hạnh phúc bền vững là thứ hạnh phúc lấy gốc từ sự trải nghiệm, từ sự từ bi chấp nhận, từ tinh thần tích cực mình luôn luôn có.
Tôi đã tìm thấy sức mạnh của mình trong những thử thách vô cùng gian nan. Tôi đã tìm được tình yêu khi trao trọn trái tim. Tôi đã tìm được quyền thế bằng cách cố gắng sống mẫu mực khiêm tốn. Tôi đã tìm thấy hạnh phúc khi tạo ra hạnh phúc cho mỗi người chung quanh. Tôi đã tìm được sự no ấm khi miệt mài tạo giá trị cho xã hội. Và may mắn thay tôi đã tìm được chính mình bằng cách tặng trọn bản thân cho xã hội. Cứ cho đi thì mới thấy được thứ mình đi tìm.