Tiêu thụ như một dancer: 3 Bước để học từ những “idol”

person using a smartphone

Tuần vừa rồi, học bài “Tiêu thụ như một blogger” từ khóa Writing On The Net, ngồi ngẫm nghĩ và tập sử dụng những kỹ năng ấy vào trong việc viết, mình bắt đầu ngộ ra một sự trùng hợp khá hay ho.

Cũng giờ ấy, tháng trước, mình đang ngồi trong WS Dance Studio và học cách phân tích một dance battle cùng với chị Rùa và anh Phương Xù.

Mặt trời chân lý chói qua tim. Mình nhận ra:

1 – Không có thứ gì là nguyên bản tuyệt đối.

Theo mình, quá trình sáng tạo luôn luôn có:

Trong đó việc tiêu thụ những gì người khác tạo ra là cần thiết để làm giàu thêm vốn sáng tạo của chúng ta.

2 – Để trở nên giỏi hơn, ta cần tiêu thụ nội dung với tâm thế của một người nghiên cứu.

Ta không ngồi lướt để thấy nó “hay hay”, “đẹp đẹp” và… chấm hết – mà luôn luôn sẵn sàng học hỏi, phân tích, “đánh cắp” những cái hay của người khác.


Trong cuốn Discovering Dance (tạm dịch: Khám phá nhảy múa), Giáo sư Kassing Gayle đã chỉ ra 3 tiến trình mà một người vũ công tham gia:

  1. Dancing: Hoạt động chuyển động theo nhịp điệu và năng lượng theo không gian và thời gian. Có thể có ý nghĩa khác nhau cho từng văn hóa và từng người: thể thao, nghệ thuật, thể hiện bản thân, nghi thức…
  2. Dance making: Công việc tạo nên các tác phẩm nhảy/múa sử dụng chất liệu của bộ môn. Bao gồm biên đạo lẫn diễn viên, và đôi khi có thể họ cùng là một người.
  3. Dance appreciation: Tham gia vào các hoạt động liên quan đến nhảy múa để học hỏi thêm về nó. Chúng có thể bao gồm xem, suy nghĩ, chiêm nghiệm, đọc tư liệu, đánh giá… những gì ta đang nghiên cứu.

Bởi vì nhảy múa là một bộ môn nghệ thuật trình diễn, việc xem nhảy/ múa là một trong những điều không thể thiếu. Việc làm này sẽ giúp vũ công phát triển ngân hàng của những kí ức hình ảnh trong đầu, và sẽ giúp đỡ họ rất nhiều trong quá trình sáng tạo của chính họ.

Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ cách chúng ta có thể tiêu thụ nội dung như một dancer. Để những giờ ta lướt Instagram không bao giờ là lãng phí.

Giai đoạn 1: Hãy crush một ai đó

Không biết bạn thế nào, nhưng mình rất hay có những giai đoạn cực kỳ yêu thích một dancer tới mức có phần hơi “fangirl”, đi rình rập (stalk) họ ở mọi mặt trận. Từ Instagram, tới Facebook, YouTube, Twitter, chỗ nào có thông tin của họ là mình đi tìm hết cho bằng được. Cứ như vậy, sau một thời gian tìm kiếm là mình như một chuyên gia: Tùy vào mức độ chia sẻ của dancer đó mà mình biết được họ từ hồi trẻ trâu, những năm đầu luyện tập không nhìn thấy kết quả và cực “suy”, tới những giải đầu tiên, sự kiện trọng đại này kia.

Đây là một cách rất nhanh để đào sâu vào một đối tượng mà bạn có hứng thú.

Giống như khi bạn crush một ai đó, bạn chẳng cần ai phải nhắc bạn, này, hãy tìm hiểu về người kia đi. Bạn tự thân vận động. Và cứ như có một động lực to lớn, bạn chăm chỉ cần mẫn đi đọc từng cái cap, xem từng cái ảnh, tua từng cái video.

Nghe thì có phần hơi creepy, nhưng nếu bạn biết tập trung vào đúng chủ đề và cái mình cần phải thu thập, bạn sẽ học được rất nhiều thứ.

Tuy rằng mạng xã hội không thể hiện hết mọi mặt trong đời sống của một con người, song những gì ta tìm được cũng đã là quá đủ để phục vụ cho mục đích học tập.

Làm thế nào?

  1. Hãy bắt đầu từ một ai đó. Nếu chưa có ai thì mình nghĩ là bạn chưa nhìn kỹ. Người ấy không nhất thiết phải là người bạn thực sự cần nghiên cứu, nhưng họ có liên quan đến đối tượng đích của bạn.
    • Ví dụ như mình. Thời điểm chị Lisa (BLACKPINK) bắt đầu làm LILI’s FILM, hầu như cả cõi mạng điên đảo vì chị ấy nhảy rất đẹp. Mình cứ xem và bóc tách động tác, cố gắng hiểu tại sao Lisa lại làm được như thế. Nghiên cứu một hồi thì bắt đầu tìm ra Cheshir Ha, biên đạo chính và cũng là người dạy nhảy cho Lisa. Và mình học Cheshir từ hồi ấy đến giờ.
  2. Tập trung vào mục tiêu chính. Nói chung một con người có nhiều khía cạnh, và tường nhà họ cũng vậy. Để không mất thời gian, bạn cần biết càng cụ thể càng tốt thứ mà bạn muốn tìm, và chỉ chọn lựa đi tìm những thứ có liên quan mà thôi. Những ảnh đồ ăn, chó mèo, selfie – có thể được để dành cho dịp khác.
  3. Lưu trữ và tổng hợp (không bắt buộc). Điều này còn tùy xem liệu bạn và idol có “yêu” đủ lâu để tiến tới những giai đoạn sau đây hay không. Nếu có thì điều này khá cần thiết cho công cuộc nhìn lại và phân tích sâu hơn sau này.

Giai đoạn 2: Vì sao bạn thích người ấy?

“Bây giờ các em viết ra cho chị, đâu là những dancer mà các em yêu thích. Chị sẽ xem và có những điều chỉnh phù hợp cho mục đích lẫn cái “gu” của từng người.”

Chị Rùa nói với tụi mình, những đứa trainee của Wonder Sisters. Kết cục là cái mình nộp như này:

“Nộp thế này là hỏng rồi.”

“Dạ?”

“Mỗi người ai cũng có những thời điểm thần tượng người này người kia. Nhưng em phải biết tại sao mình lại thích họ, họ hay ở điểm nào, thì mới có thể xác định được cái mình cần học từ họ.”

Đọc đến đây chắc bạn cũng hiểu vấn đề là gì rồi ha.

Làm thế nào?

Tiếp tục làm công cuộc như Giai đoạn 1, có điều lần này bạn hãy làm thêm một số động tác:

  1. Cầm bút cầm sổ. Sẵn sàng ghi chép.
  2. Liệt kê những khía cạnh mà bạn muốn nghiên cứu. Cái này sẽ giúp bạn đỡ bị lan man trong quá trình xem và học. Ví dụ: Mình quan tâm tới cách họ (1) Transition từ tầng cao tới tầng thấp (floor); (2) Mở đầu và kết thúc 1 round đấu; (3) Chơi với không gian.
  3. Tìm những sự lặp lại. Thường idol sẽ có những move “tủ” mà họ rất hay dùng đi dùng lại, tới mức thành một kiểu “chữ ký cá nhân” (signature). Cái này cứ xem nhiều là bạn sẽ nhận ra.

Giai đoạn 3: Yêu bền vững

Sau quá trình bắt đầu yêu đương và tìm được lí do để ở lại, bây giờ chúng ta sẽ bàn với nhau chuyện yêu lâu bền người idol của bạn.

Không phải idol cũng sẽ trở thành người bạn yêu thích lâu dài, nhưng nếu có những người như vậy thì bạn sẽ vẫn còn thứ để học từ họ.

Yêu bền vững cho ta thấy được xu hướng và hành trình phát triển của một người – cả ở khía cạnh chuyên môn ta đang nghiên cứu nói riêng, và trên khía cạnh con người nói chung.

Bởi vì khi thời gian đủ dài, ta có thể nhìn lại và kết nối những dấu mốc mà họ đã đi qua. Họ đã thay đổi như thế nào? Tiếp thu cái mới ra sao? Sáng tạo thêm điều gì? Đấy là những thứ mà ta chỉ có thể thấy được khi theo dõi họ lâu.


Ví dụ của mình là trường hợp của Kevin Paradox. Sau hơn 6 năm, tới mùa Summer Dance Forever 2023 năm nay, anh Kevin mới thực sự giành chức vô địch.

Nghe có vẻ bình thường, chỉ là một người cố gắng nhiều năm cho ngôi vị quán quân.

Nhưng nếu như bạn chưa biết: Kevin đã rất nhiều năm tiến tới vòng chung kết của cuộc thi này rồi. Nhưng ở giải này, bao giờ MC cũng hỏi trước khi nhận quyết định từ giám khảo:

“Do you think you win, or you lose?” (Bạn thấy mình đã thắng, hay thua?”)

“I lose.” (Tôi thua.)

Kể cả bạn có thấy anh ấy nhảy hay thế nào, Kevin đã nói như vậy, tức là anh ấy cảm thấy bên trong mình như vậy. Và kết quả luôn được xử theo ý anh luôn.

Mình chẳng bao giờ biết rõ được cuộc chiến mà Kevin phải đấu với chính bản thân anh, song việc dõi theo đã thực sự là một bài học mở mang tầm mắt. Vì cuối cùng anh ấy cũng đã chiến thắng.

Làm thế nào?

Tới giai đoạn này thì thực ra bạn không phải làm điều gì quá nhiều.

Ngay từ Giai đoạn 1, sau một thời gian, nếu như mình đã tiêu thụ hết những gì mình cần từ một người và cảm thấy họ không còn phù hợp, mình sẽ thôi không nghiên cứu nữa.

Những người ở lại tiếp theo sau đó sẽ tới Giai đoạn 2, và nếu họ thực sự rất hay và phù hợp, họ sẽ tới với Giai đoạn 3 này.

Cái ta cần làm chỉ là tiếp tục tinh thần học hỏi từ họ.

Và nếu chưa, hãy thử bắt đầu một tương tác nào đó với họ. Thời kỳ crush trong thầm lặng cũng đã qua rồi. Comment đặt câu hỏi, xem live, học lớp họ mở nếu có thể nhé.

Kết

Mình nhớ mãi câu mà anh Tùng nói: Những người mà ta thần tượng là những người thầy cô tuyệt vời nhất. Bởi vì dù ít dù nhiều, họ chính là con người mà ta muốn trở thành.

Có thể bạn chưa là ai, mà họ cũng chẳng biết bạn là ai. Những idol như vì sao trên bầu trời, đẹp đẽ và xa xôi. Họ luôn ở đó, tỏa sáng cả trong những ngày ta cô đơn nhất.

Mong rằng, tới một ngày nào đó, ta cũng sẽ trở thành những vì sao ấy!