Entropy: Chúng ta rồi sẽ không ổn thôi

abstract black and white pattern

Từ suy ngẫm của tác giả trong dòng thơ “Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình”, Anh/Chị hãy rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân.

Trích đề thi thptqg môn ngữ văn 2023

Có lẽ nếu mình ở trong phòng thi môn Ngữ văn của kì thi THPT QG ngày 28/6 vừa qua, mình sẽ viết bài với mở đầu như thế này:

Ơ, nghiêm túc đấy, không đùa đâu.

Công thức trên đây là định nghĩa của một khái niệm có tên Entropy, được giới thiệu lần đầu tiên bởi nhà vật lý học người Đức Rudolf Clausius vào thập niên 1850s.

Hiểu đơn giản thì đây là một đại lượng vật lý dùng để đo tính ngẫu nhiên hoặc rối loạn của một hệ thống. Nó đại diện cho “sự hỗn loạn”, “bừa bộn” hay “lộn xộn”. Bản thân entropy không có quá nhiều ý nghĩa thực tiễn, song khái niệm về sự thay đổi của entropy lại rất phổ biến và có giá trị hơn nhiều.

Trong một hệ kín, hễ cứ có thay đổi trong bất kỳ yếu tố nào là sẽ có sự thay đổi của entropy. Ví dụ như:

  1. Buổi sáng ngủ dậy, bạn mặt mày hớn hở, tóc tai gọn gàng và tràn đầy năng lượng. Sau một ngày làm việc/ học tập vã mồ hôi hột, bạn “hết pin”, đầu óc bắt đầu “lag”, và đầu tóc nếu không bù xù thì cơ thể cũng kêu gọi bạn đến giờ nên đi tắm. Khi ấy ta nói nếu xét chính mình như một hệ kín (không bao gồm thứ gì khác ngoài cơ thể bạn), thì entropy của cái hệ cơ-thể-bạn ấy đã tăng.
  2. Bạn vừa rửa xong bát buổi tối. Sang tới ngày hôm sau, sau những bữa ăn trong ngày, chậu rửa lại đầy những bát đũa bẩn chưa được rửa. Khi ấy nếu bồn rửa bát là một hệ kín, thì ta nói entropy của nó cũng đã tăng.

Chúng ta rồi sẽ không ổn thôi

Mình không thể nhớ được đã bao nhiêu lần mình đã đọc hay nghe câu nói “Chúng ta rồi sẽ ổn thôi” ở trên Internet lẫn ngoài đời thực. Ý là “sau cơn giông, trời lại sáng”, tức khó khăn nào rồi cũng sẽ qua. Cũng có thể nói là một lời an ủi.

Chỉ có điều, lời an ủi ấy có vẻ không phù hợp với mình.

Vì sau khi trời sáng, không sớm thì muộn lại có một cơn giông tiếp theo. Điều ấy làm mình phát ớn.

Nhưng tại sao cuộc đời lại cứ phải khó khăn đến vậy nhỉ?

Mình có thể nói “vì đấy là đời” và chấm hết bài viết tại đây. Nhưng nếu mình là người đọc thì mình đấm đứa viết bài này luôn quá.

Vì câu nói ấy chẳng làm sáng tỏ nên điều gì. Khó khăn chồng chất khó khăn, và khi chúng ta còn đang ấm ức vì “tại sao người [phải chịu những bể khổ] ấy lại là tôi?” thì có một tay viết bảo đấy là bởi vì kiểu gì bạn cũng phải chịu như thế thôi.

Vậy nên dưới đây là 2 lời giải thích, một cái ngắn và một cái dài.

Lí do ngắn: Câu trả lời của xác suất thống kê

“Anything that can go wrong, will go wrong.” (“Việc gì tồi tệ có thể xảy ra thì nó sẽ xảy ra.”)

— Murphy’s Law

Hãy tưởng tượng bạn đang ném gạch dồn vào một chỗ. Bạn nghĩ xác suất mà gạch sẽ thành chồng như thế này là bao nhiêu?

Và xác suất cho những trường hợp còn lại như thế này là bao nhiêu?

Hoặc một ví dụ khác. Bạn đi thi nhưng học láng cháng, chữ được chữ mất. Khả năng bạn khoanh bừa được 10 điểm là bao nhiêu?

Hoặc một ví dụ nữa có số má hẳn hoi, nếu như bạn vẫn chưa công nhận điều mình muốn nói:

Nếu như chúng ta tung 100 đồng xu vào cùng một thời điểm, đây là xác suất xảy ra của các trường hợp. Physics Principles with Applications, Global Edition © Douglas Giancoli

Những trường hợp mà ta cho là của sự quy củ và gọn gàng trên thực tế có xác suất xảy ra rất ít, hay phải nói là cực kỳ ít. Chiếm đa số là những trường hợp của sự bừa bộn và làng nhàng. Nếu như ta làm một hành động đòi hỏi không quá nhiều công sức (ví dụ: ném gạch thay vì xếp gạch, “làm chủ” thay vì ôn tập tốt) thì ta cũng hiểu là xác suất của việc mọi thứ tồi tệ xảy ra khá cao.

Để có được sự ngăn nắp, công sức bỏ ra là điều cần thiết. Dĩ nhiên nó chỉ là điều kiện cần, chứ không phải điều kiện đủ. Không phải cứ nỗ lực thì mọi thứ sẽ thuận buồm xuôi gió. Nhưng bão đến thì phải biết đường chuẩn bị cho tốt.

Còn bể dâu của cuộc đời, nó đến với ta bởi vì nó là trường hợp có khả năng xảy ra cao nhất.

→ Để đọc thêm về các thí nghiệm và chứng minh, bạn đọc có thể tham khảo sách Physics Principles with Applications, Global Edition của Douglas Giancoli – Chương 15.10.

Lí do dài: Còn tiến lên là còn giông bão

Từ khi biết ý nghĩa thực sự của entropy cũng như cái cách nó được áp dụng ở nhiều lĩnh vực bên ngoài Vật lý học, mình hầu như nhìn thấy nó ở khắp mọi nơi. Sự thay đổi của nó nằm ở những đồ đạc trong căn phòng mình, trong bồn rửa bát, trong tủ quần áo, và cả trong mối quan hệ của mình với những người xung quanh.

Không biết bạn thế nào, chứ mình ghét cay ghét đắng việc rửa bát. Có thể cũng có lúc nó sẽ khá thư giãn khi ta thấy bát đũa được rửa sạch, nhưng hầu hết đối với mình điều tồi tệ là việc kể cả có như thế, vẫn sẽ có bát bẩn chờ mình vào ngày mai. Mình ước giá như người ta chỉ cần rửa bát một lần là được, hoặc chí ít là lâu lâu mới phải rửa.

Định luật thứ hai của Nhiệt động lực học đã dập tắt luôn tia hi vọng ấy:

Trong một hệ kín, entropy không bao giờ giảm. Nó chỉ có thể giữ nguyên, hoặc tăng lên.

hay một cách đời thường hơn:

Các vận động tự nhiên luôn có xu hướng tiến đến trạng thái hỗn loạn hơn.

Một trạng thái “hỗn loạn” có thể là một khái niệm không rõ ràng, nên chúng ta sẽ cùng đồng ý với nhau qua một số ví dụ như thế này:

  1. Bạn có một ly trà sữa, nhưng nó vừa mới được đem ra, lớp trà và lớp sữa tách rời khỏi nhau. Đây là trạng thái quy củ hơn so với khi bạn nguấy nó lên, trà và sữa trộn vào nhau.
  2. Bạn có một cái cốc. Nó được sản xuất và ở một hình dạng cố định, trong một trạng thái ổn định. Ở trong trạng thái này, nó sử dụng được và là một thứ hữu dụng. Nhưng nếu bạn đánh rơi nó, khi ấy cái cốc đã ở trong trạng thái lộn xộn hơn và bạn khó mà dùng nó như cái cốc uống nước được nữa.
  3. Hoặc như cái bồn rửa bát ở trên. Một cái bồn sạch sẽ ở trong một trạng thái ngăn nắp hơn so với một cái bồn chất chứa đầy bát bẩn.

Tiến trình của tự nhiên

Giả sử bạn như phần đông dân số, đến tuổi dậy thì là hormone thay đổi, mặt mũi bắt đầu nổi mụn tùm lum cả.

Nếu chúng ta xét cơ thể bạn là một hệ kín thì việc một yếu tố (hormone) thay đổi sẽ dẫn đến việc entropy của cả hệ thay đổi. Điều ấy khiến cho chính bạn trở nên lộn xộn hơn: Tính khí thất thường, mặt mũi nổi mụn, ngủ nghỉ không đều đặn.

Bên cạnh giai đoạn này, nếu xét tới những tiến trình phát triển sinh học khác ta cũng sẽ thấy một quy luật tương tự.

Hoặc một ví dụ gần gũi hơn như việc sửa bug trong code. Mỗi lần sửa được một con bug, khả năng cao là ta đã mở đường cho những con bug mới xuất hiện. Hệ kín là chương trình của bạn vẫn tiến triển theo hướng tăng entropy, bất kể thay đổi mà bạn đưa đến là gì.

Photo by Annie Spratt on Unsplash

Hay như việc sinh hoạt hàng ngày: Bạn còn ăn để sống, là còn bây ra bát phải rửa. Bạn còn mặc đồ đi hằng ngày, là còn làm ra quần áo bẩn phải giặt.

Cuối cùng, ta nói rộng ra như việc phát triển của nhân loại. Chúng ta đã đi từ những ngày mặc khố lên thành người hiện đại. Ta phát minh ra nhiều thứ, làm nên nhiều tiện nghi, sáng tạo nên nhiều điều; song những thứ tội lỗi mà chúng ta đã làm nên cũng nhiều vô số kể (bạn cứ mở thông báo bụi mịn ngày hôm nay lên mà xem). Nếu xét toàn thể Trái Đất là một hệ, thì việc phát triển của loài người cũng khiến cho hành tinh này tiến lên một trạng thái hỗn độn hơn nhiều so với thuở sơ khai.

Mũi tên của thời gian

Chúng ta thỉnh thoảng vẫn hay nhìn thấy những thước phim tua ngược, ví dụ như chiếc cốc vỡ tự gắn lại và nằm lên mặt bàn, hay bóng bay nổ liền lại và trở về như mới.

Và ta biết điều ấy không xảy ra trong thực tế. Đó là những tiến trình mà entropy giảm, tức nó vi phạm Định luật thứ hai của Nhiệt động lực học. Nó chỉ xảy ra khi ta tua ngược lại thời gian [trên video], tức hướng của entropy là một hướng cùng chiều với mũi tên của thời gian.

Photo by Google DeepMind on Unsplash

Nhiều những lần thất bại hay sai lầm trong đời, mình luôn luôn ước gì có cỗ máy thời gian của Doraemon để làm lại từ đầu.

Nhưng ít nhất là với hiện tại, khi người ta cũng còn quá xa với giấc mơ của cỗ máy ấy và khi mình hiểu rằng entropy là thứ đại lượng đặc biệt chỉ ra được hướng đi của thời gian – thì việc xé nháp làm lại là điều bất khả.

Tờ nháp hỏng vẫn ở đấy, nó đã hỏng rồi. Ta không xé nó và làm lại chính nó. Điều ta làm là lấy tờ giấy mới, và viết trang tiếp theo.


Có lẽ bên dưới công thức trên kia, mình sẽ viết thêm vài dòng ở cuối, phòng trừ trường hợp người chấm không hiểu ý của mình mà đinh ninh là đứa ngáo ngơ làm nhầm đề Văn với đề Vật lý:

  1. Giông kiểu gì cũng đến, với bất cứ ai. Như một thứ quy luật tự nhiên.
  2. Không chỉ cơn giông của riêng, mà có cả những cơn giông lớn nhỏ đủ thể loại, mà những nhóm người phải đi qua cùng nhau. Đôi lứa, gia đình, bè bạn, thành phố, quốc gia, nhân loại – đủ thứ cả.
  3. Và cách tốt nhất là học cách sống chung với lũ. Một vài cách tiếp cận:
    1. Dưỡng sức để phục hồi lại sau khi bão đi qua;
    2. Tiếp tục phát triển trên tiền đề đổ nát của giông bão;
    3. Biết yêu lấy những lộn xộn trong hành trình phát triển của bản thân.

Những nguồn “bổ não”

James Clear viết về Entropy

Còn gì hay hơn là nghe một người chuyên nói về thói quen, cổ vũ cho trật tự trong đời sống viết về chủ đề này cơ chứ. Ai mà biết đến “Atomic Habits” hoặc những chủ đề xây dựng thói quen thì chắc chắn phải biết đến bác James rồi.

Mình tìm được bài của bác khi đang viết dở bài này, và đã suýt định bỏ luôn việc viết. (Vì người ta khủng thế còn viết hay, viết cả đống thứ như kia – mình còn viết thêm được gì nữa?) Nhưng cuối cùng thì cũng có bài này để bạn đọc. Chê quá hoặc cần thứ “đẳng cấp” hơn cho não bộ thì có bài của bác James đây nhé.

Vsauce giải thích về ‘Heat Death’ của vũ trụ

Nếu như bạn quan tâm nhiều đến khía cạnh vật lý của khái niệm này, Vsauce là một địa chỉ không thể không nhắc đến. Chỉ trong 11 phút, Michael hoàn toàn có khả năng “tẩy não” bạn và khiến bạn đặt câu hỏi cho mọi thứ đã xảy đến với cuộc đời mình.

Và đến cuối video, bạn sẽ hiểu có thể người đời sẽ quên đi bạn là ai, nhưng vũ trụ này thì không (gợi ý: Vì bạn luôn tạo ra entropy trong quá trình tồn tại). Và việc ta dành thời gian nghỉ ngơi và không làm gì, thực chất lại là một cách giúp cho vũ trụ này không lụi tàn sớm hơn.

Tim Harford, quyển sách “Messy: How to Be Creative and Resilient in a Tidy-Minded World”

Riêng sách này thì bạn phải tự tìm theo tiêu đề nhé.

Cuốn sách này dành cho ai quan tâm tới việc tận dụng được thứ không thể thiếu của đời sống – là sự hỗn độn – bằng cách nhận ra những giá trị của nó và khai thác được những giá trị mà nó đem lại. Con người chúng ta thích những quy luật và sự ngăn nắp, nhưng đôi khi cố gắng để sắp xếp mọi thứ lại đang cản trở chúng ta tiến đi xa hơn.

Trong cuốn sách, ta sẽ học lỏm được cách mà Brian Eno làm nên những bản hit; vì sao doanh nghiệp tốt hơn hết là hãy để cho nhân viên được tự trang trí góc làm việc của họ; và lí do tại sao những đội nhóm tổ chức chặt chẽ thì có thể vui nhưng những team lộn xộn hơn lại làm xong nhiều việc hơn.