Câu chuyện 1
Học kỳ thứ hai năm nhất.
“Ê, ê, mày xem tao đánh bóng đây này.”
Giờ bóng chuyền.
“Ờ, đâu, đánh thử đi xem có giống không nào.”
Những phút cuối buổi tập.
Ô, bóng chạm lưới rồi.
“Ui giời ơi… Thế mà cứ đòi.”
Trong bóng râm, mình đứng nhìn những người ngoài sân.
“Thế là được rồi! Tập mấy hôm nữa mày xem tao khác biệt ngay.”
Thở dài. Hóa ra chúng nó cũng giống mình à…
Số là mùa hè năm ấy Studio Production I.G đang ra phần cuối của Haikyuu!!, và cũng như mọi anime thể thao được xây dựng tốt, nó nhanh chóng trở thành xu hướng và trở thành đề tài bàn tán của những đứa wibu như mình. Anime thể thao thì khỏi nói rồi, các nhân vật có là chơi bộ môn gì thì trông cũng ngầu cả.
Mà thấy người ta ngầu thì mình cũng muốn thử. Thế là đăng ký học phần này.
Nhìn hai cánh tay lốm đốm chi chít những nốt màu tím, tê bì vì bài tập đỡ bóng thấp tay, mình bất giác thở dài lần hai.
Đúng là kiểu quyết định của mình mà.
Câu chuyện 2
Năm lớp 12.
“À, chuyện cũng chẳng có gì đâu.”
Nói chuyện với một người anh ở VietCode.
“Tối hôm ấy, cũng chẳng hiểu sao mà anh nhìn qua thời khóa biểu, thấy ngày mai có học Tin. Bình thường anh cũng chẳng phải kiểu học sinh chăm ngoan, soạn văn rồi đọc trước bài gì đấy đâu. Môn này nghe có vẻ mới lạ, nên anh giở sách ra đọc qua.
Sáng hôm sau ai ngờ thầy kiểm tra luôn đầu giờ. Xem đã có ai chuẩn bị bài chưa. Hóa ra có mỗi mình anh trả lời được. Xong thầy lại còn khen mình chứ.
Tự dưng thấy vui vui, hứng khởi thế nào ấy. Rồi anh theo nó từ hồi ấy đến giờ.”
Mình hỏi vu vơ kiểu sao anh lại chọn theo cái ngành này. Vốn là dân chuyên Toán, anh chọn lập trình thì cũng có liên quan, song mình vẫn muốn biết căn nguyên lí do như thế nào. Vậy là nhận được câu trả lời như trên.
Giờ thì anh đã ở Mỹ, và vẫn viết những dòng xanh đỏ.
Câu chuyện 3
“Nhiều bạn học sinh cấp ba thiếu tự tin nên mới tìm đến với nhảy. Nghe nghịch lý chưa. Em có biết vì sao không? Vì ở cái tuổi ấy, các bạn ấy rất muốn khẳng định mình nhưng hầu như chưa thể làm được. Đã có thêm tự do, biết thêm nhiều cái này cái kia, nhưng vẫn chịu sự kiểm soát của gia đình, và đa số cũng chưa làm ra được thành tựu gì quá lớn lao.”
Tối noel bên mấy cốc sinh tố vỉa hè. Mình và lớp ở Kinergie lại ngồi nói chuyện với Quay Trần, khi nhóm Abnormal Conceptz của anh vừa mới kết thúc thời gian training cho những bạn cấp ba thi HBDC 2023.
“Nhưng khi đến với nhảy thì các bạn ấy nhận ra, à, tôi có thể chưa làm được cái này cái kia, nhưng ở giây phút này, tôi làm được động tác đó. Một thứ hữu hình, và được người khác công nhận ngay tức khắc. Một điều mà không phải ai cũng làm được.
Và thế là các bạn ấy đến với nó, một cách tự nhiên như thế thôi.”
Câu chuyện 4
“Ê này, tao hỏi tí được không? Tại sao mày lại chọn học IT thế?”
Đây là lời mở đầu cho những cuộc đối thoại với rất nhiều bạn học khi mình vào Bách Khoa. Cho tới tận bây giờ mình vẫn hay đi hỏi câu đó. Hỏi n người thì luôn nhận về n câu trả lời khác nhau.
“Mày có biết cái cảm giác không có một đam mê nào cụ thể không? Tao cứ vào đâu thì làm nó tốt nhất, cố gắng hết mức có thể thôi.”
“Tôi lúc đầu cũng nộp nhiều nguyện vọng lắm, thế rồi cuối cùng thì đậu vào ngành này nên học thôi.”
“Tớ thích chơi game, xong rồi mày mò thì cũng thích làm game. Lúc đầu định nộp vào ngành khác ở trường mình cơ… Nhưng xem chương trình học thì cuối cùng lại chọn cái này.”
Câu chuyện 5
“Chị đi học ballet vì chị thích đôi giày mũi cứng. Thích lắm ấy. Kiểu mình thấy mình thích mặc đồ xinh xắn, lại còn múa được theo nhạc. Có một cái hình ảnh như thế trong đầu mình, và chị muốn mình trở thành như vậy, có thế thôi.”
“Hồi cấp ba tao cũng chơi bóng rổ hăng say lắm. Còn tại sao thì chắc là vì… giày? Giày bóng rổ đẹp thực sự. Mày sẽ không kiếm được đứa nào thích bóng rổ mà lại không thích giày, hoặc không thích sưu tầm giày đâu. Niềm đam mê lớn lao đấy.”
Kết
Có lẽ mình còn có thể kể thêm nữa, nhưng chừng này cũng là đã đủ để tiến tới điều mình muốn nói.
Có những lựa chọn trong cuộc đời mình, kể cả những thứ mà người ta cho là “bước ngoặt”, hay “tối quan trọng”, không phải lúc nào mình cũng tìm ra được lí do hay phân tích được kĩ càng để đi đến một kết luận. Mình chọn vì mình cảm thấy nó ổn, hoặc vì không còn lựa chọn nào khác.
Những năm tháng cấp ba là những ngày mình thử nghiệm liên tục với những lĩnh vực khác nhau. Chừng nào còn thời gian là mình còn thử, vì mình không có một đam mê gì đặc biệt. Hay có thể nói mình yêu thích quá nhiều. Viết lách, hội họa, tranh biện, luật, thiết kế, nhảy múa, lập trình, thể thao. Kể ra đây không phải khoe, mà để chứng minh một thứ danh sách dài mình phải ném bản thân vào trong công cuộc thực hành để thực sự biết cần phải gạch nó đi. Có thể mình kém thật, hoặc cũng chưa có duyên với nó vào thời điểm ấy.
Lí do cho ngành học của mình hiện tại, chỉ đơn giản là vì giữa những thử nghiệm ấy, mình nhận ra ít nhiều sự thích thú và cái cảm giác “mình làm được”. Cộng với những phương án khả thi mà mình cân bằng giữa nguyện vọng gia đình, nhu cầu xã hội và đủ yếu tố vô hình khác.
Đôi khi mình tự hỏi liệu mình có hơi bị “hời hợt” với cuộc đời mình quá không.
Mình xây nên mục tiêu và kế hoạch, nhưng thường thì đến cuối cùng lại vẫn thường đặt cảm xúc vào những quyết định.
Trước đây mình hay nghĩ rằng việc người khác chọn đi theo con đường nào đó là vì những lí do vô cùng “đao to búa lớn”, hay chí ít cũng là những điều nghe hợp tình hợp lí.
Nhưng hóa ra đôi khi nó chỉ là một niềm yêu thích. Một sự công nhận. Một cảm giác tốt về bản thân.
Mình là người nghĩ rất nhiều, thường xuyên phân tích và bóc tách từng lựa chọn. Nhưng có những lúc vẫn không thể chọn lựa một cách dứt khoát. Sẽ đến một điểm “bão hòa”, nơi việc suy nghĩ thêm hoàn toàn không còn nhiều tác dụng nữa. Sometimes logic won’t work its magic.
Nếu bạn giống như mình, mình mong là bạn hiểu – tới lúc này, chúng ta có thể cho con tim mình lên tiếng.
Thường thì nó luôn biết điều gì đó. Và câu trả lời của nó, nếu có lí do, chỉ đi kèm với những điều vô cùng giản đơn.