VOICE GEMS “1000 Năm Lưu Trữ”: Khi những tiếng nói được động viên

Bạn đã bao giờ quay lại bản thân mình trong lúc đang nói chưa?

Nếu bạn cũng như đa số mọi người, bạn sẽ có phần cảm thấy giọng nói của mình khá… kì cục. Chúng ta không dám hát to, không thích phải cầm mic, và rất ghét khi nghe bản thu âm của chính mình.


Ngày 18/11 vừa rồi, mình có cơ hội tham gia “84NOISE giới thiệu VOICE GEMS: 1000 Năm Lưu Trữ”. Đây là sự kiện do 84 NOISE tổ chức: Sự kiện này giới thiệu dự án VOICE GEMS, và một phần mở rộng của nó “1000 Năm Lưu Trữ”, sáng lập bởi Trung Bảo và Reeps100 (Harry Yeff), với mong muốn lưu giữ những giọng nói đặc biệt, yếu thế và có nguy cơ biến mất.

Banner của sự kiện.

Bạn có thể đọc thêm về VOICE GEMS tại trang chủ
https://www.voicegems.xyz/

Mình không tham gia ngày biểu diễn trước đó (17/11), mà chỉ có cơ hội đến vào buổi “mở xưởng” nghiên cứu ngày hôm sau của hai nhà sáng lập và Fustic. Studio.

Anh Yeff có kể một câu chuyện thế này, mà lúc nghe xong mình cứ thấy nhớ mãi:

“Ở bên của Reeps ấy, cứ lâu lâu người ta lại hỏi mình, là ông bạn có định làm triển lãm hay dự án nào mới không. Thường thường là họ muốn mình làm một cái gì đó thú vị, với yêu cầu là công chúng có thể tương tác được với tác phẩm của mình.

Có một cái triển lãm này Reeps làm, là xung quanh phòng có những chiếc micro và những màn hình rất to xung quanh. Hễ người ta nói vào mic là họ có thể nhìn thấy hình ảnh biến đổi tương ứng [của đá quý (một voice gem)] trên màn hình.

Có một cô bé này, cũng nhỏ tuổi thôi, chắc khoảng 6-7 tuổi gì đó, cùng đi với bố mẹ đến triển lãm. Cô bé đấy lúc đầu nhút nhát lắm, cứ bám lấy chân bố mẹ và nấp đằng sau ấy.

Ở trong phòng có một cái mic đặt ở tầm này (ý chỉ rất thấp, vừa tầm với trẻ nhỏ), cô bé ấy cũng cầm lên thử. Lúc đầu bé chỉ nói mấy tiếng thỏ thẻ thôi, kiểu “i, e, a” rất nhẹ, hầu như chẳng ai khác nghe thấy. Nhưng có vẻ như cô bé cuối cùng cũng nhận ra cái sự liên kết thú vị giữa giọng nói của mình và thứ ở trên chiếc màn lớn kia, và thế là cô dần nói to hơn, hú hét, cười toe toét, không ngại ngần bất kỳ điều gì nữa.”

Trung Bảo tiếp lời: “Và câu chuyện ấy cũng nhắc nhớ tụi mình khi làm dự án này, những gì chúng mình đang làm lại có thể động viên một ai đó cất tiếng nói, tự tin hơn vào giọng của mình, vào chính mình…”

Reeps100 (Harry Yeff) – bên trái, phía sau; và Trung Bảo – bên phải, phía trước; đang biểu diễn ngẫu hứng để giới thiệu hệ thống Voice Gems tương tác, vốn đang trong những phiên bản đầu tiên. Ảnh do người viết chụp.

Buổi giao lưu ngày hôm ấy, anh Trung Bảo giới thiệu hệ thống Voice Gems phiên bản “interative” trong những phiên bản thai nghén đầu tiên bởi Fustic. Studio. Một hệ thống vô cùng thú vị và cực kỳ dễ hiểu: Bạn nói trực tiếp vào mic, và thấy được biến đổi của viên đá quý trên màn hình.

Lúc đầu mình cũng ngại, xong được một vài lần có các bạn ngồi bên chuyển mic cho, cũng thử xem thế nào. Giọng không khoẻ được như hai anh nghệ sĩ, nên viên đá… không xi nhê mấy. Nhưng được cái là vẫn vui, cảm thấy thú vị và thực sự rất cảm hứng.

Từ lâu, mình đã rất muốn tìm thấy một điểm giao thoa nào đó giữa công nghệ và nghệ thuật, tới ngày hôm đó đã được thấy tận mắt.

Mình nghĩ rằng, không chỉ là câu chuyện tự tin hơn, khi người nghe, người xem được “tham gia” vào quá trình sáng tạo, được là một phần của tác phẩm, hay nhìn được sự ảnh hưởng của họ trong nó, họ sẽ có mong muốn tương tác sâu hơn và dành ra nhiều nỗ lực hơn để có thể hiểu nó.

“Reeps có hỏi mấy người, bảo họ là tôi muốn thu âm bạn, làm thành một bản lưu trữ cho 1000 năm sau này. Họ kiểu: ‘1000 năm á?’ Xong họ đột nhiên đăm chiêu suy nghĩ. Có vẻ như con số 1000 năm là đáng kể để cho một người suy nghĩ về lời nói của mình, thứ mà vốn chúng ta đưa ra chỉ trong tích tắc.

Một năm sau, họ quay lại và nói với Reeps: ‘Ê mày, tao nghĩ ra cái để nói rồi.’”

Và khi ấy câu chuyện “nghệ thuật vị nghệ thuật, hay nghệ thuật vị nhân sinh” có lẽ không còn đáng để bàn cãi nữa!

Xin được chúc cho Reeps100, Trung Bảo và Fustic. Studio bền bỉ tiếp tục hành trình sáng tạo và đem đến nhiều sản phẩm hơn nữa cho cộng đồng.

In