Đến một khoảng thời gian nào đó, một điểm mốc nào đó của cuộc đời, con người ta muốn viết lại một điều gì đó. Có thể đó là những dòng nhật kí, có thể đó là những status dài chia sẻ cảm nghĩ về một điều gì đó, hoặc những bức thư ta tự viết cho mình trong quá khứ, cho mình trong tương lai. Có thể ta không phải là một nhà văn, cũng không phải là một blogger nổi tiếng, nhưng ta vẫn viết. Viết về những suy nghĩ của chúng ta. Viết để chia sẻ nó cho những người muốn lắng nghe. Viết để thể hiện cái tôi, viết để lưu giữ giá trị, viết để kể một câu chuyện. Có muôn vàn lí do để viết, và tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều nên viết.
Trong quá trình học ngôn ngữ, thường thường người ta biết đến với bốn kĩ năng: Nghe, Nói, Đọc và Viết. Nhất là những bạn học tiếng Anh hay thi IELTS như bây giờ thì khái niệm này không còn quá xa lạ. Nghe thì đi đôi với Nói. Còn Đọc thì đi đôi với Viết. Một cái là đầu vào, một cái là đầu ra. Bạn nghe và đọc là để đưa những thông tin từ ngoài vào, còn nói và viết là để đưa những thông tin, suy nghĩ của bản thân ra ngoài. Hai kĩ năng đọc và viết luôn đi với nhau và bổ trợ cho nhau. Nhưng có nhiều người vẫn không hiểu rõ lắm về sự liên quan của hai kĩ năng này. Tôi có những đứa bạn chuyên Văn hay nói câu này “Muốn viết giỏi phải đọc nhiều, nhưng đọc nhiều chưa chắc đã viết giỏi.”
1. Viết vì đọc thôi là chưa đủ!
Bây giờ đang là thế kỉ 21, thế kỉ của hội nhập, của sự phát triển công nghệ và giao lưu toàn cầu. Các bạn trẻ ngày càng phải làm mới bản thân, rèn giũa chính mình để có thể hội nhập thành công. Trong nỗ lực phát triển bản thân đó, chúng ta quả đã không xa lạ với những nỗ lực thúc đẩy văn hóa đọc giữa những người dân Việt. Những ngày hội sách được diễn ra thường niên, những khu đọc sách riêng cho trẻ em được mở ra, những quán cà phê sách vô cùng đáng yêu xuất hiện. Có cả những hội yêu sách và chuyên review sách trên mạng. Việc đọc rất được ca tụng bởi những lợi ích mà nó đem lại. Những bài báo, những video nói về những người nổi tiếng và cho chúng ta biết rằng họ đã đọc nhiều sách đến như thế nào. Và để thành công, đương nhiên ta phải đọc nhiều sách giống như họ.
Nhưng tôi nói, bạn thân mến ơi, đọc thôi vẫn chưa đủ. Bạn còn phải viết nữa.
Ở những trường đổi mới giáo dục và học tập từ nước ngoài, những em học sinh đọc sách được yêu cầu chuẩn bị sẵn một cuốn sổ để ghi chép những suy nghĩ của mình về quyển sách đó.
Ở trên lớp học môn Ngữ văn, chúng ta không chỉ học Văn bản mà còn phải viết những bài Tập làm văn.
Học bài ở trường thì ngoài nghe thầy cô giảng và đọc sách, ta còn phải ghi chép.
Những bạn đi du học khi nộp hồ sơ sẽ chủ yếu phải viết những bài luận — chúng là một trong những tiêu chí để đánh giá xét tuyển.
Khi bạn đi làm, ngoài đọc tài liệu, hồ sơ, bạn còn phải viết báo cáo, đơn từ gửi lên các cấp trên.
Ờ … và còn gì nữa?
Viết giúp bạn thực sự khơi thông tư duy và hệ thống thông tin, nhất là những thứ bạn đã đọc.
Để mình ví dụ nhé. Bây giờ bạn lên YouTube và xem một lượt khoảng mười video liên tục. Hành động bạn đang làm lúc này là “tiếp nhận thông tin” bằng cách liên tục tiêu thụ những nội dung trên YouTube. Bạn có nhớ được những gì mình đã xem không? Nếu như ngay lúc bạn vừa xem xong thì tôi cá là chí ít bạn cũng nhớ ít nhiều. Nhưng đến sáng ngày hôm sau, hoặc sáng ngày hôm kia đi, liệu bạn còn nhớ những gì mình đã xem hay không?
Hay một ví dụ nữa nhé. Bạn có dùng Facebook hay Twitter hay bất kì mạng xã hội nào mà có nội dung dưới dạng Feed không? Dạng Feed nó là kiểu kéo xuống dưới, vuốt xuống dưới hoặc nhấn “làm mới” thì sẽ có thêm nội dung mới để bạn đọc. Nếu có thì hãy thử làm nhé. Hãy đặt câu hỏi như trên sau mỗi khi bạn vừa lướt Facebook khoảng 15 phút, nửa tiếng hoặc thậm chí là một tiếng. Bạn có nhớ tất cả những gì bạn đã xem không?
Đối với thông tin, nếu có đầu vào mà không có đầu ra thì thực sự chúng sẽ không được lưu giữ lâu trong trí óc bạn. Điều này cũng áp dụng đối với những thông tin trong sách mà bạn đọc.
Bạn sẽ lại nói với tôi, “Lúc đấy thì mình đọc lại một lần nữa quyển sách là được mà. Nhất là những quyển hay, mình đọc đi đọc lại cả chục lần, nhớ từng chi tiết một ấy chứ!”
Cái này thì đúng, nhưng đấy là bạn chỉ nhớ chi tiết theo cách ‘lặp lại nhiều thì thuộc’ chứ không thực sự hiểu sâu những điều bạn đã đọc. Tôi cũng có những cuốn sách mà mình thích, đặt ở chỗ dễ tìm trên giá sách, lúc thấy ‘nhớ nhớ’ lại mở ra đọc. Nhưng những nội dung trong sách vẫn vậy. Vẫn là những con chữ ấy trên tờ giấy ấy và của tác giả ấy. Cái thay đổi là góc nhìn của chúng ta, cảm nhận của chúng ta đối với những nội dung ấy. Và chính sự thay đổi ấy mới làm bạn thực sự thích thú với cuốn sách về lâu về dài.
Để có được trải nghiệm đọc thực sự đầy đủ và phong phú hơn, tôi thật lòng khuyên bạn hãy viết. Viết gì cũng được chứ không nhất thiết phải là suy nghĩ liên quan đến quyển sách bạn đọc. Viết về cảm giác của bạn khi đọc sách, viết về những gì bạn thấy ngoài đời giống trong sách, hoặc viết cho nhân vật một cái kết khác. Làm như vậy sẽ giúp bạn có thêm trải nghiệm với cuốn sách như thể được đọc nó lại một lần nữa hoàn toàn mới lạ.
Và rõ ràng rằng, bên cạnh “Văn hóa đọc” đang ngày càng nở rộ (vốn là một điều tốt) thì chúng ta nên bắt đầu phát triển song song với đó “Văn hóa viết”.
2. Viết giúp bạn hiểu rõ bản thân mình hơn và kết nối với nhiều người hơn
Cứ hàng năm, ở các trường từ cấp một đến cấp ba các thầy cô lại phát động một cuộc thi — Đó là cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU tổ chức bởi Liên minh Bưu chính Quốc tế. Để bài năm nào cũng rất hay và độc đáo, buộc thí sinh phải tự tìm hiểu bối cảnh của đề bài cũng như đào sâu bản thân, giá trị của mình để thể hiện ý kiến một cách tốt nhất. Nếu bạn đọc thử một bức thư đạt giải của UPU, bạn sẽ thấy sự tuyệt vời nằm trong ngôn từ cũng như nhân cách của người viết chúng.
Bài giải nhất cuộc thi viết thư UPU lần thứ 47 năm 2018
Tôi không khuyên bạn phải viết những gì quá cao siêu hay khó nhằn đến như vậy (mặc dù nếu như bạn muốn thử thì hãy cứ tham gia nhé) mà chỉ cần bắt đầu từ những điều nhỏ. Dưới đây là một số ý tưởng bạn có thể thử:
- Viết một bức thư gửi cho bản thân bạn năm mười sáu tuổi. Bạn khuyên bản thân mình điều gì? Bạn mong muốn thay đổi điều gì?
- Viết một bức thư tình sến súa cho ai đó mà bạn sẽ không bao giờ gửi
- Viết về trải nghiệm khủng khiếp nhất bạn từng trải qua
- Viết về người bạn mà bạn quý trọng nhất trên đời
- Viết những lời cuối cùng cho tất cả khi một ngày nào đó bạn qua đời
Đối với những bạn thích đọc những thứ không thuộc về sách chính thống hay bị hạn chế về mặt nội dung thì những nền tảng nơi những tác giả tự do có thể viết là một nơi tuyệt vời. Một trong những nền tảng làm điều này tốt nhất phải nói đến Wattpad và Medium (hehe, dĩ nhiên rồi).
Bản thân tôi rất thích những người làm công việc sáng tạo một cách tự do mà không bị quá ràng buộc bởi một công ty đại diện nào. Bởi những cá nhân này có thể tự do thể hiện chất riêng và con người họ, làm những điều họ thích mà không sợ một giới hạn nào và được đón nhận bởi những người khác thích những gì họ làm. Trong Âm nhạc chúng ta có thể loại Indie, là một thể loại chỉ chung nhạc của những nghệ sĩ tự do. Trong viết lách thì có những blogger, họ viết và đăng tải những nội dung, một cách thoải mái và không chịu ảnh hưởng nhiều từ người khác. Trong công việc nói chung chúng ta có những freelancer, những người làm tự do hoặc theo hợp đồng ngắn hạn.
Tôi khuyên bạn là hãy thử viết blog một lần. Việc viết blog sẽ cho bạn trải nghiệm về một “không gian số” riêng của bản thân bạn, nơi bạn thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của mình đối với người đọc. Hoặc bạn có thể viết fanfiction trên Wattpad, kể về một câu chuyện mà bạn đã ấp ủ từ lâu.
Và hãy cứ tiếp tục viết, trau dồi bản thân, những người yêu thích những gì bạn viết sẽ tìm đến với bạn.
3. Viết giúp bạn lưu giữ những giá trị, cảm xúc
Nhà bạn có quyển photobook nào không? Hoặc một thứ gì đó lưu giữ kỉ niệm vô cùng quan trọng với bạn? Nếu có thì hãy mở chúng ra nào. Bạn cảm thấy như thế nào khi nhìn lại những hình ảnh xưa cũ và thấy mình trong đó? Dù những bức ảnh đó như thế nào, tôi dám chắc chúng cũng ít nhiều sẽ làm bạn mỉm cười. Bạn có thể sẽ nhớ lại và trải qua khung cảnh ấy trong đầu mình một lần nữa. Dẫu sao thì, những món đồ kỉ niệm mang lại cảm xúc. Âu đó cũng là giá trị của kỉ niệm. Bởi vì chúng mang lại cảm xúc.
Hơi lan man chút. Mẹ tôi năm nay đã ngoài bốn mươi, nhưng mẹ lại rất thích được chụp ảnh cũng như selfie giống như giới trẻ ngày nay vậy. Tôi cũng có chút kĩ năng bấm máy cộng thêm con máy ảnh kĩ thuật số nhỏ của Canon nên đi đâu mẹ tôi hầu như đều kéo theo đi cùng. Đương nhiên là để … chụp ảnh cho mẹ. Có vài dịp hai mẹ con đi hội hoa, đi đến đâu mẹ cũng bắt tôi chụp làm tôi chẳng dừng lại ngắm được một chút nào. Chụp hơn nghìn bức ảnh, nhưng cuối cùng mẹ chỉ chọn có một hai cái đăng lên Zalo. Tôi rất bực mình, cái mới hỏi mẹ: “Mẹ đi đâu sao cứ bắt con chụp hoài vậy? Chụp mãi cho mẹ mệt chết đi được, đã thế lại con lại chẳng ngắm được tí hoa nào!”
Mẹ tôi mới cười cười kiểu ân hận “Mẹ biết rồi, lần sau con không cần phải chụp nhiều đến mức ấy đâu. Nhưng mà con cứ chụp cho mẹ một ít nhé! Được không? Đi mà… Hồi còn bằng tuổi con mẹ cũng ghét chụp ảnh, thành ra bây giờ chả có cái ảnh nào nhìn lại thời thanh xuân à. Giờ nghĩ lại mới thấy hối hận. Giờ mình vừa già vừa xấu… Chụp lại nhỡ đâu sau xấu nữa nhìn lại đỡ tiếc con ạ!”
Tôi vẫn còn hậm hực trong lòng lắm, nhưng mẹ đã nói vậy rồi thì mình cũng thông cảm cho mẹ. Việc chụp ảnh là để lưu giữ lại khoảnh khắc, và tôi tin rằng viết cũng có khả năng làm điều tương tự.
Đừng nghĩ viết là cái gì đó quá cao siêu mà chỉ những nhà văn, nhà thơ mới có thể làm. Hãy học cách tiếp nhận những thứ xung quanh mình, nuôi dưỡng cảm xúc và rồi cứ thế viết thôi. Hãy viết vì những thứ bạn yêu mến. Viết về những điều làm bạn cảm thấy tồi tệ. Viết để thể hiện một suy nghĩ mới, ý kiến cá nhân của bạn.
Viết cho một bản thân của quá khứ hay tương lai để động viên chính mình.
Hoặc viết cho cô gái hay chàng trai năm ấy bạn đã không dám ngỏ lời, và để người ta đi…