Câu chuyện này xảy ra vào buổi học thứ 6 của học phần Chạy mình đăng ký kì này, một tuần trước khi bài kiểm tra giữa kỳ diễn ra. Không chỉ bộ môn chạy, các lớp học phần Giáo dục thể chất khác cũng ngập tràn không khí thi thử, tập dượt cho tuần thi sắp tới.
Lớp kết thúc sớm, thầy trò mình ra một góc có bóng râm ngồi nghỉ. Chỉ còn vài phút trước khi hết giờ, thầy dặn dò mấy điều rồi ai nấy ngồi trong im lặng. Một vài người (trong đó có mình) tò mò nhìn sang lớp học Nhảy cao bên cạnh.
Lớp Nhảy cao đó chia lượt cho nam và nữ với độ cao khác nhau, cùng luyện tập kỹ thuật nhảy cao kiểu bước qua. Sau khi các bạn nam hoàn thành phần thi thử của mình, các bạn nữ đứng vào hàng, chờ nhảy qua một cái xà ngang vốn đã vừa được hạ xuống thấp hơn để phù hợp với yêu cầu thể chất khác nhau cho hai giới.
Ở Bách Khoa nhìn chung số lượng nam và nữ vẫn còn chênh lệch nhiều – hay chí ít là ở lớp Nhảy cao này, chỉ có vỏn vẹn 5-6 bạn nữ trong một tập thể khoảng năm chục mạng. Cũng vì ít mà các bạn được thử đi thử lại nhiều lần. Hàng chục ánh mắt đổ dồn về phía các bạn, là những bạn nam trong lớp đó và cả những đứa lớp mình.
Xà cao khoảng 30 cm so với mặt đất, loanh quanh đâu đó ở cẳng chân chứ chưa quá đầu gối.
“Cạch! Cạch!” Tiếng xà rơi liên tiếp vang lên. Kéo theo đó là tiếng cười rả rích của những người học cùng lớp.
Tới lượt một bạn nữ. Bạn ngập ngừng và lưỡng lự, cứ chạy tới gần xà thì lại dừng lại, chẳng dám nhảy lên. Cứ mãi 3, 4 lần như vậy. Rồi cuối cùng bạn cũng nhảy, nhưng chân bạn chạm xà và xà lại rơi.
Vẫn còn tiếng khúc khích của những người xung quanh.
Dưới cái nắng 30 độ C của Hà Nội mới chớm vào hè, lòng mình cháy âm ỉ một sự tức giận không nói thành lời.
Ta có gì trong tay, ngay từ giây phút đầu tiên?
“Khi tôi thong thả chạy bộ dọc sông Charles, mấy cô gái hình như là sinh viên mới của đại học Harvard cứ chạy vượt lên tôi. Hầu hết mấy cô đều nhỏ nhắn, mảnh mai, mặc đồ màu hạt dẻ có huy hiệu đại học Harvard, tóc vàng cột đuôi ngựa, có iPod mới toanh, và họ chạy nhanh như gió. Ta dứt khoát là có thể cảm thấy một kiểu thách thức dạn dĩ toát ra từ họ. Họ dường như đã quen vượt qua mọi người, và có lẽ không quen bị vượt qua. (…)
So với họ thì tôi khá quen với thất bại. Có nhiều thứ trên đời này vượt quá tôi rất xa, nhiều đối thủ tôi không bao giờ có thể đánh bại. Không phải huyênh hoang, nhưng có lẽ mấy cô gái này không biết cái đau nhiều như tôi. (…)
Đã bao giờ tôi có được những ngày rực rỡ như thế trong đời mình chưa? Có lẽ có một ít. Nhưng cứ cho là hồi đó tôi có đuôi tóc dài đi nữa thì tôi không chắc nó cũng đung đưa kiêu kỳ như đuôi tóc của mấy cô gái ấy. Và chân tôi cũng sẽ không thể nện xuống mặt đường dứt khoát và mạnh mẽ như họ. Có lẽ điều đó là bình thường thôi.”
— Haruki Murakami, “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”
“Do giải phẫu cơ thể người nam và người nữ khác nhau, nên cùng một kỹ thuật mà nam và nữ sẽ có những người gặp khó khăn và có những người làm được nó dễ dàng. Chưa kể mỗi người cũng khác nhau nữa. Khi các em tập cũng đừng so sánh nhiều quá mà áp lực bản thân.”
Mình học được điều ấy từ khi còn rất nhỏ. Bài học ấy tiếp tục được củng cố và khắc sâu trong tâm trí mình, khi sau này mình bắt đầu luyện tập thêm nhiều bộ môn trong nhiều lĩnh vực khác.
Có những người mà mình mãi mãi không thể nào vượt qua. Có những đỉnh cao mình hoàn toàn không thể với tới được. Có những thứ mà chỉ một số người mới có thể làm.
Mình nghĩ những cảm giác như vậy có thể có ở bất kì ai. Như thầy của mình chẳng hạn:
“Suốt chặng đường đi nhảy múa, thầy được gặp nhiều loại người. Có những người có thể làm những cái rất hay và đặc biệt. Mình thích, nhưng không làm sao tái tạo được điều ấy, dù có cố đến thế nào đi chăng nữa.
Ví dụ như một anh bạn của thầy. Anh ấy có khả năng diễn rất thật, và nhập được vào rất nhiều những vai diễn khác nhau, lần nào cũng với những sự chân thực và chuẩn xác đến khó tin. Kể cả là lần đầu làm, hoàn toàn chưa chuẩn bị gì từ trước. Cũng khó để tả, phải xem thì mới cảm nhận được, nhưng điều ấy còn hơn cả từ “nhập vai” mà người ta hay nói về những diễn viên giỏi.Một lần nữa, dù thầy có muốn làm được điều ấy đến thế nào, có hỏi han bí quyết của người ta thì thầy cũng không làm được. Vì ngoài kỹ thuật ra, có một điều giúp được anh ta làm được điều ấy: Anh bạn ấy là một người đa nhân cách.”
Tất cả những gì mình có thể làm khi thấy người khác làm được cái mà mình biết chắc là bản thân mình không làm được, hoặc chưa thể làm được trong thời điểm ấy chỉ gói gọn trong 2 chữ: “Chấp nhận”.
Cùng là một khoảng cách 30cm giữa thanh xà và mặt đất, đối với bạn nó là 30cm, với một ai đó khác là 10cm, và một ai đó khác nữa là 1m.
Nhưng đó cũng chưa phải là dấu chấm hết cho toàn bộ câu chuyện.
Trừ khi bạn thực sự đưa hết tất cả những gì mình có để cố gắng xây dựng nên một tài năng, việc so sánh những thứ định sẵn như gen di truyền hoàn toàn là vô nghĩa. Bởi những thứ như thế chỉ thực sự bộc lộ hoàn toàn khi ở một trình độ nhất định.
Điều ta có thể làm là tích lũy
We all like to think the world doesn’t work this way, but we all know it does. (…) Collectively, we should always try to increase the fairness of society, but remember: we will never be able to fully eradicate human biases that lead to unfair advantages like this. (…)
Life is too random and arbitrary to balance out and give everyone an equal share. We don’t all have the same opportunities. We don’t all get what’s coming to us. That’s why we have to make sure we are compassionate to others and ourselves if life doesn’t always turn out quite as well as we’d hoped.(…)
And yes, we all have unfair advantages. (…) The key is to start identifying and developing your own unfair advantages as soon as possible, no matter your age.
— Ash Ali & Hasan Kubba, “The Unfair Advantage: How You Already Have What It Takes To Succeed”
Giai đoạn cuối năm lớp 12, mình bắt đầu bắt tay vào công cuộc nộp hồ sơ đại học. Câu chuyện vào đại học vẫn là một đề tài tranh luận muôn thuở, với đủ thứ khía cạnh và cung bậc cảm xúc. Đối với cá nhân mình, giai đoạn ấy đem lại bài học lớn nhất về sự tích lũy.
Năm lớp 12 vẫn hay được gọi là năm “chạy nước rút” theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ai nấy đều nhìn thấy cái đích rất gần trước mắt. Đó chính là lúc mà ta nhận thức rõ ràng nhất khoảng cách giữa mình với những người khác. Khoảng cách một vài mi-li-mét thôi cũng đã khiến một ai đó thua cuộc, cũng giống như 0,1 điểm bị thiếu và có người học sinh đã không vào được trường mà họ mong muốn.
Cả quá trình ấy buộc mình phải hỏi đi hỏi lại bản thân rất nhiều lần một câu hỏi: “Mình đã tích lũy được những gì?”
Bằng tuổi mình, có những bạn:
- Có những dự án cộng đồng to lớn đem lại nhiều ảnh hưởng;
- Đạt được nhiều thành tựu trong học tập và cuộc sống;
- Kinh qua rất nhiều những trải nghiệm giá trị và đáng ao ước;
- Đã rất trưởng thành trong nhân cách và tư duy;
- Xác định được hướng đi và đích đến, quyết tâm theo đuổi một mục tiêu cụ thể.
Và còn rất nhiều những người bạn cùng tuổi khác…
Dĩ nhiên, việc so sánh bản thân với một ai đó luôn luôn không thể tránh khỏi sự khập khiễng. Ta chẳng bao giờ giống một ai đó hoàn toàn, và cũng chẳng bao giờ sở hữu những thế mạnh điểm yếu y hệt nhau.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Có thể có ai đó có những điều kiện thuận lợi tới mức người ta vẫn hay nói “Sinh ra đã ở vạch đích”, song trừ phi ta thực sự sống cuộc đời của họ, ta khó lòng mà khẳng định như đinh đóng cột rằng họ không phải chiến đấu với một cái gì đó để đến cái nơi mà họ đang đứng ngày hôm ấy.
Trong những anime shounen có một mô-típ thường thấy như thế này:
Mở đầu, nhân vật chính là một bạn trẻ nào đó cùi bắp và ngáo ngơ. Sau một vài sự kiện đặc biệt nào đó, bạn bỗng nhận ra mình có một thứ nhiệm vụ, hay cao hơn là một sứ mệnh nào đó cần phải hoàn thành. Nhưng bạn còn cùi quá, nên bạn phải rèn luyện. Và thế là soundtrack hào hùng và những đoạn cut liên tục lướt qua quá trình bạn tích lũy bản thân. Bùm một cái, bạn trẻ có cơ bắp cuồn cuộn, một trí thông minh tuyệt hảo, hoặc một siêu năng lực gì đó, sẵn sàng để lên đường thực hiện mục tiêu đến hết phim.
Xem thì vẫn thấy hay, nhưng khác đời thực ở chỗ:
- Ta nhìn thấy quá trình (không toàn bộ thì một phần) của nhân vật. Trong khi ngoài đời thực, sự cố gắng của mỗi người thường không mấy khi ở bên ngoài ánh sáng, được nhìn thấy hay được chia sẻ. Cái mà ta nhìn thấy thường chỉ có kết quả. Âu đó cũng là điều khiến cho rất nhiều người trẻ đang cảm thấy thứ “áp lực đồng trang lứa” bây giờ.
- Quá trình của nhân vật diễn ra ít nhất thì chỉ trong vài khung hình, nhiều nhất thì trong toàn bộ phim, với tổng thời lượng chẳng là gì so với độ dài thời gian mà những thành tựu tương đương trong đời thực đòi hỏi. Cũng phải thôi, vì nếu làm theo tỉ lệ thời gian 1:1 như thế thì có lẽ khán giả đã ngủ gục hoặc bỏ đi trong khi nhân vật chính đang vật lộn với sự up level của anh ta.
Tương tự như vậy, những gì mà chúng ta thấy ở những người khác vào mỗi thời điểm chỉ là một lát cắt của thời gian cho thấy vị trí của họ trong thời điểm ấy. Nó không thể hiện bất cứ điều gì khác. Bạn chỉ biết là họ bằng tuổi bạn, chứ không biết được để có được những điều như thế họ đã phải bỏ ra những gì.
Mình thích ngắm nhìn những tài năng, và cũng như bác Đặng Hoàng Giang, có một niềm yêu thích đặc biệt với “những người chạy marathon về chót”. Người ta vẫn hay nói “Lịch sử thuộc về những kẻ chiến thắng”, nhưng đối với mình, cả người thắng kẻ thua, ai cũng có một câu chuyện để kể.
“Họ đã làm điều gì để đến được cái nơi mà họ đứng ngày hôm ấy? Điều đó cần bao nhiều thời gian?” – là những câu hỏi giúp mình biến chuyển áp lực thành động lực.
Vẽ lại vạch
Thường thường, khi nghĩ đến vạch xuất phát ở những cuộc thi, thể thao nói riêng và cuộc sống nói chung, thường chúng ta sẽ nghĩ đến một vạch xuất phát trông như thế này:
Song vạch xuất phát thực sự không giống một đường thằng cho lắm. Ít nhất là nó khó lòng mà tuyệt đối được như thế:
Mỗi lần đứng trước một đường chạy, mình luôn cảm nhận rõ ràng một vạch xuất phát như vậy, thay vì vạch sơn trắng kẻ ngay dưới chân. Mỗi một cuộc thi khác nhau là một lần mình hỏi lại bản thân một câu hỏi đơn giản đến ngớ ngẩn: Vạch xuất phát của mình là ở đâu?
Vạch xuất phát của bạn là những gì bạn vốn được cuộc sống này trao cho cộng với những gì bạn tích lũy được sau đó. Yếu tố thứ nhất có thể khó lòng thay đổi được, song bạn cần nhận thức được nó để lựa chọn đường đua và chiến lược cho hợp lý. Yếu tố thứ hai nằm trong tầm tay bạn, hay chí ít là nó có khả năng thay đổi ít nhiều.
Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng mình vẫn trộm nghĩ như thế này: Nếu như bạn có thể làm cho vạch của mình ở trên đa số những người khác vào cái ngày cuộc thi đến, khả năng bạn chiến thắng sẽ cao hơn nhiều.
Hãy chọn cuộc đua dành cho bạn, và tìm ra vạch xuất phát của bạn là ở đâu.
Và nếu lần tới có ai đó đánh rơi xà, mình mong chúng ta đều có thể dành ra, dù chỉ ít giây, nghĩ xem liệu điều ấy có thực sự đáng cười đến thế hay không.
Chúc bạn những điều tốt đẹp nhất trên đường đua của chính mình.