Mông lung, chuyện không của riêng ai

young concentrated asian woman looking at reflection

“Lũ trẻ tụi mình, hoang mang phân vân không biết mình thích gì. Giống như bị nhốt trong một cái lọ. Con ruồi bay tứ tung mọi phía, cuối cùng lại thoát ra; trong khi con ong chỉ nhắm đến đúng một hướng, bị nhốt trong đó lâu hơn nhiều.”

Tôi nói với bạn tôi, trong một buổi trưa tiết đông hè lẫn lộn và dễ bệnh. Ba đứa sinh viên Bách khoa, mặc áo đỏ, cắm mặt cắm cổ húp sùn sụt mấy bát bún bò rẻ tiền – thứ chỉ chực khiến chúng tôi đau bụng nếu đen đủi – nhưng vì cũng chẳng dư dả gì lắm nên chúng tôi chọn thế.

Ở một góc của nhà ăn sinh viên đã xuống cấp qua nhiều năm, có lẽ thanh niên ngày xưa cũng giống chúng tôi như bây giờ: Sì sụp những suất ăn bụi, mơ những ước mơ lớn và bàn về những lý tưởng cuộc đời. Mệt quá chuyển sang nói chuyện phiếm. Và thở dài vì những vô định tiếp theo. Tự dưng tôi thấy giây phút hiện tại đẹp. Và nó đẹp trong khi chứa cả mớ hổ lốn hỗn độn mông lung. Ừ, vô định thế, mà lại đẹp.

“Vậy thì một cách làm là gì. Ấy là ông cứ thử hết tất cả mọi thứ đi, giống như con ruồi bay linh tinh trong lọ, rồi cũng sẽ tìm được lối đi.”

Tôi khoát tay một cái hùng tráng. Đoạn lại nghĩ về chính mình. Ừ thì tôi đã thử, nhưng tôi đã thoát được lọ chưa? Riêng cái ngành tôi học đã rộng quá trời đất, tôi vào lab AI, theo module IoT, và giờ thì thực tập An toàn thông tin.

Mấy đứa bạn ngoác mồm ra khi biết thứ tôi làm. Chúng nó nghĩ tôi làm được nhiều thứ lắm. Tôi chỉ mong chúng nó hạ kỳ vọng xuống. Học tập nhiều thứ cùng lúc khiến tôi hết cả hơi. Lúc nào tôi cũng thấy mình “gà mờ” trong tất cả mọi thứ. Cùng khoảng thời gian ấy, người chọn một thứ họ đi được 10 bước, còn tôi chọn 10 con đường nên chỉ đi được có một. Tôi đành chấp nhận thế.

Chẳng có một cái hẹn trước, tôi chẳng biết sự mông lung này kéo dài bao lâu. Âu có lẽ cũng vì thế mà người ta sợ sự không chắc chắn. Chẳng phải vì bản thân cái không biết, mà là vì không rõ sẽ phải chịu đựng nó trong bao lâu.

Tôi khuyên bạn tôi thử, còn tôi thì chỉ sợ mình mười nghề chẳng chín được nghề nào.

Những người bạn của tôi, họ cũng dần cố gắng đi tìm kiếm hai chữ “đảm bảo”. Học để có cái bằng. Giữ CPA cho tốt. Ứng tuyển vào tập đoàn này, công ty nọ có danh tiếng một chút. Tham gia thêm cái này cái kia để “có thứ bỏ vào CV”. Lâu lâu cũng bới ra được một đứa nhận là nó “thực sự đam mê” một nhánh nhỏ nào đó. Nhưng đời vô thường, nên tôi cũng chẳng kết luận. Biết đâu đấy sau nó lại thích cái khác? Có khi chẳng liên quan gì đến cái hiện tại.


Ăn bữa trưa đầu tiên ở Cục Tần số, tôi ngồi nói chuyện với bạn. Mới quen. Nói là mới quen chứ thực ra tôi nghe tên bạn từ những ngày đầu năm nhất. Vì bạn là cán bộ lớp, một lớp học dưới cái ngành có tên rất kêu “An toàn không gian số”. Vào Trung tâm thì đúng chuẩn bài rồi. Chứ ai như tôi, bới cả giáo trình ra mỗi học phần “Nhập môn An toàn thông tin”, vậy mà chui vào đây. (Kể ra anh Trưởng phòng cũng phiêu lưu thật. Chẳng biết anh thấy ở tôi điều gì, nhưng tôi cũng thấy ít nhất anh cũng không đi mãi lối mòn HR mà tôi viết ở bài trước. Mà, dù sao thì “vào dễ ra khó” cũng là một phương thức tuyển dụng, nên có lẽ trường hợp của tôi cũng chẳng có gì đặc biệt.)

Tôi hỏi bạn tại sao bạn chọn ngành. Bạn bảo tôi bạn thấy ngành nghe kêu. Lại đúng dịp anh Hiếu PC về nước đầu quân cho NCSC. Chứ ở quê, nào bạn có thông tin gì.

Photo by l ch on Unsplash

Bạn muốn học báo chí. Bố mẹ gàn. Hay đi dạy? Mẹ làm giáo viên, nhất quyết không muốn con mình theo sư phạm. Hồi bạn định bỏ chuyên Lý sang thi khối D, gia đình vất vả nhờ thầy làm “công tác tư tưởng” cho bạn. Cái ngày quyết nguyện vọng đại học, bạn và phụ huynh chiến tranh lạnh.

Thế rồi bạn vào Bách khoa. Rồi sau đó bạn vào Trung tâm.

Bạn đã ở đây một năm. Những tưởng bạn phải là người chắc chắn với lựa chọn của mình. Vào được Trung tâm vài tuần, ngồi làm bài tập “code web bằng PHP thuần”, tôi liếc sang và thấy bạn đang học fuzzing* với reverse engineering**. Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ đến khả năng một người như vậy lại có thể cảm thấy mệt mỏi với chuyên ngành đã chọn.

Ngồi với bạn 30 phút, tôi đếm từ lời bạn giãi bày không dưới 5 từ “mông lung”.

Sự đã rồi. Tôi hiểu sự mệt mỏi của bạn. Chỉ biết nói với bạn, đừng áp lực bản thân phải đi mãi với một lựa chọn cũ.


Tôi nghĩ chúng ta nên bớt cái việc hô hào khẩu hiệu đeo đuổi đam mê đi một tí.

Vì nào có phải ai cũng có hai chữ “đam mê”.

Tôi bền bỉ đi học, đi nhảy, người ta bảo tôi “đam mê”. Tôi xua tay. Tôi chỉ dám nói mình thích. Nhỡ đâu có ngày hết thích. Tôi chẳng muốn bị kết tội “hết lửa”, “hết đam mê”. Người ta hay cho như thế là kẻ thất bại.

Con người chúng ta thích kiểm soát, thích sự chắc chắn, yêu những cái đã biết. Nhưng cuộc sống thì không như thế. Chẳng ai biết giây tiếp theo có gì. Nhắm mắt chọn cũng là một cách. Thử nhiều thứ cũng là một cách. Xuôi theo người khác cũng là một cách. Dù thế nào thì tôi vẫn tin, rằng cả cuộc đời là một thử nghiệm lớn.

Cho phép mình mông lung. Thử nghiệm.

Và những người lớn kia, họ nhìn trông chắc chắn là vậy, nào ai biết họ phân vân hay hối hận những gì.


P/s.

Vào thực tập được ít lâu, tôi nhận ra (hay đúng hơn là tự khẳng định, một điều bấy lâu nay tôi đã cảm nhận) mình cũng có một chút tài năng ở mảng này. Nhưng không phải những vấn đề kỹ thuật, mà là khía cạnh con người. Người ta ngồi với tôi, và bằng cách nào đó tôi khiến cho họ kể cho tôi nghe nhiều thứ mà bình thường chưa chắc họ đã nói với ai. Tôi cũng chưa nuôi dã tâm gì, chỉ muốn đem tâm sự kể bạn nghe, trong những bài viết tiếp theo…

Tôi giấu đến tận cuối cùng không nói với bạn, rằng hình ảnh con ruồi và con ong là tôi lấy từ anh Lý Thượng Long, chứ chẳng phải tự tôi nghĩ ra. “Đại học không lạc hướng”, ấy là tựa cuốn sách, và cũng là điều tôi mong mỏi – cho cả bạn và tôi – trong những dòng cuối, và cả những ngày tháng sau này.


*Fuzzing, một kỹ thuật trong Kiểm thử phần mềm (Software Exploitation). Nôm na là bạn viết một chương trình tự động gọi là fuzzer để cung cấp input vào một chương trình nào đó một cách ngẫu nhiên để tìm ra lỗi. Nếu bạn là dev và phải ngồi tìm lỗi, thay vì bỏng mắt ngồi đọc và review code, bạn viết một cái fuzzer. Cho fuzzer chạy để tìm bug, và bạn ngồi chơi xơi nước, vậy thôi. Fuzzer không tìm ra được mọi lỗi, nhưng người ta tìm được phần nhiều lỗi nhờ cách này.

**Reverse engineering (Kỹ thuật hay Kỹ nghệ đảo ngược), là quá trình tìm ra các nguyên lý kỹ thuật của một phần mềm ứng dụng hay thiết bị cơ khí qua việc phân tích cấu trúc, chức năng và hoạt động của nó. Hiểu đơn giản là bạn tháo tung một thứ gì đó ra – ví dụ như nó là một món đồ cơ khí chẳng hạn (quạt, điện thoại, máy tính…) – và tìm hiểu về các bộ phận bên trong để hiểu cách nó hoạt động. Trong lĩnh vực An toàn thông tin, RE đòi hỏi bạn phải hiểu mã máy, hợp ngữ, CPU, etc.

(Chú thích này có tham khảo từ bài blog “Bắt đầu học An toàn thông tin như thế nào?” của anh Mạnh Luật, founder CyberJutsu.)