Tiền, sức khoẻ và thời gian

shattered pink piggy bank

20 giờ 10 phút, ngày 13 tháng 10 năm 2024

DoDee Paidang
1 Main Street, Box Hill Central, VIC 3128

“Nào nào, ăn nhiều vào đi các bạn trẻ. Ăn để bù cho chỗ năng lượng đã mất hôm nay.” Minh Anh hồ hởi mời, đoạn chị vừa kéo nồi sườn lợn ú ụ lại gần chỗ chúng tôi, vừa gắp bỏ bát tôi vài miếng. “Bổ sung protein để hồi phục cơ bắp nào.”

Sau một chuyến leo núi Dandenong gần 20 km suốt 10 tiếng, không còn chỗ nào trên người tôi lành lặn. Người tôi dính đầy đất, cát, hoa lá cành, lông chim và sâu, thứ Minh Anh lấy khỏi người tôi không lâu sau đó. Đất ẩm đóng chặt thành tảng ở đế giày tôi, mãi tới giờ vẫn chưa khô. Vai tôi mỏi nhừ vì lỡ mang chiếc ba lô quá khổ. Cả người tôi rã rời, dĩ nhiên rồi, nhưng tệ hơn cả là người bạn thân mến của tôi – một chấn thương mạn tính bên chân trái kéo dọc từ hông xuống hõm bàn chân của tôi, thứ tôi có được từ những năm đua xe đạp và tới giờ chẳng bác sĩ nào gọi tên được nó – đang gào lên với thái độ lỗ mãng hơn bình thường.

Mồ hôi bấy giờ thấm ướt hết cả chiếc áo cuối cùng tôi mang theo, cởi ra chẳng được mà mặc vào cũng không xong. Mặc mấy lớp áo mà tôi cảm thấy mình như đang có cái điều hoà thổi gió bên trong người, ấm đâu chả thấy, chỉ thấy rét run.

Mặt mũi tôi đỏ ửng lên vì lạnh, âu cũng vì tôi đang bị cảm. Tôi vác theo cả bịch giấy ăn, chốc chốc lại xì mũi, xung quanh chỗ ngồi toàn là cục giấy. Đợt này tôi đến Úc đúng mùa trái gió trở trời: Geelong gió lồng lộng lạnh cắt da cắt thịt, tới Melbourne ngày nào cũng âm u mưa.

Vậy mà tôi lựa chọn đi. Để biết thế nào là trekking.


Trong đời tôi, số lần leo núi chỉ đếm trên đầu ngón tay, sở dĩ vì gia đình tôi cũng chẳng bao giờ đi đó đây. Nếu có thì chủ yếu toàn là… leo bậc thang, lên tới đỉnh núi thì gặp tượng này tượng nọ, nhìn thấy người ta cúng bái, ngửi hương đốt được vài phút thì đau hết cả đầu. Những trải nghiệm từ hồi nhỏ như vậy làm tôi chẳng thấy thích thú gì lắm khi nghe hai chữ “leo núi”.

Lớn lên một chút, tôi nhận ra những hành trình thực sự khiến mình sung sướng đòi hỏi chính bản thân tôi phải tự giác tìm kiếm, lên kế hoạch, chuẩn bị và quyết tâm cho nó. Bạn có thể leo núi vì chính ngọn núi đó, chứ không phải lên để thắp hương.

À, không thể không nói đến việc mở lòng cho một chút bất ngờ nữa.

Chuyến đi này có được là nhờ một người em trong đoàn Việt Nam của chúng tôi, Quang, một chàng trai sinh viên Trường Điện của Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh (HCMUT) mời tôi.

Tuần đầu tiên ở Geelong, tôi đi chạy bộ dọc bến cảng, đoạn em nó có hứng thú thì tôi rủ đi cùng. Quang báo với tôi khi nào lên Melbourne, chị họ em đang học ở đó, hay đi leo núi, chị có muốn đi cùng không. Tôi nhận lời cái rụp. Và thế là tôi gặp chị Minh Anh. 3 đứa chúng tôi quyết định leo Dandenong vào Chủ nhật, ngày duy nhất trong chương trình trao đổi không có lớp học hay hoạt động bắt buộc nào khác.

Chúng tôi leo lên tàu từ 7h sáng, mãi 10h hơn mới tới nơi. Minh Anh dẫn đoàn, chị chọn cho chúng tôi một cung đường thuộc loại trung bình. **

Ở đây có một cái hay là có nhiều những ứng dụng mà trên đó, những người chuyên trekking/ hiking họ đi trước và tạo nên những lộ trình, cung cấp thông tin và đánh giá mức độ khó rồi chia sẻ cho cộng đồng. Bạn có thể đơn giản là chọn một lộ trình theo mong muốn và đi theo nó. Cũng có những cung đường dễ và ngắn hơn nhiều, dành cho phần đông khách du lịch, điển hình như cung đường có tên “10000 bước chân”.

Tới tầm 6 giờ, 6 rưỡi tối, chúng tôi lê lết những bước chân cuối cùng xuống núi, tạm gọi là đã chinh phục được một phần núi Dandenong.


Ba đứa chúng tôi cúi mặt sì sụp ăn như những đứa trẻ háu đói. Húp tô canh nóng mà tôi thấy biết ơn, tôi được ăn, được ngồi ấm, quan trọng là vẫn còn khoẻ mạnh. Tôi ăn miếng nào thấy mình khoẻ ra từng ấy, cảm giác như được sống lại. Chỉ một bữa này thôi, rồi về đánh một giấc thật ngon, ngày mai tôi sẽ hồi sinh và đủ sức chinh phục cả thế giới.

“Hồi em mới sang đây, em ăn cái gì cũng thấy ngon anh ạ.”

Người tôi từ cơn mê về cơn tỉnh. Tôi định thần lại và nhận ra, ồ, ngồi ở bàn bên cạnh chúng tôi là một cặp đôi người Việt. Hai anh chị có vẻ như đã nhận ra chúng tôi là sinh viên người Việt từ nãy. Tôi ngẩn tò te tự hỏi tại sao, cúi xuống thì nhận ra mình vẫn đang đeo thẻ tên Đại học Deakin phát cho trước ngực.

Tôi để ý vì anh chị có vẻ như là người đã đi làm, nhưng lại nói chuyện thời sinh viên, có lẽ là do nhìn thấy chúng tôi chăng. Đoạn tôi vừa ăn vừa dỏng tai nghe lỏm tiếp.

“Trước khi đi em cũng sợ không hợp khẩu vị, nên mang rõ nhiều gia vị từ Việt Nam sang. Vali của em kiểu toàn đồ ăn í! Rồi có một hôm em đi ăn ngoài, em phát hiện ra có một loại nước sốt tương cà mà em thấy rất ngon. Anh biết sau đấy thế nào không? Em dành ra rất nhiều tiền để mua cái tương cà đấy, phải đến cả tủ tương cà đó, cất trong ký túc xá rồi ăn dần.”

Photo by International Student Navigator Australia on Unsplash

Anh trai cười. “Nhớ thời sinh viên đó ghê. Anh cũng thế. Ăn cái gì cũng thấy ngon, mà mình lại đang thanh niên nên ăn nhiều nữa. Tụi anh mới sang cũng xót tiền, cứ đổi đô sang đồng là thấy tiếc, rồi dần dần kiếm được cứ thằng nào thằng ấy ăn, đói thì không có sức học với làm.”

“Nhưng đúng là mình cũng phải tiết kiệm. Còn bây giờ, mua được rồi, không hiểu sao ăn cái gì cũng không thấy ngon như ngày xưa nữa.”

Anh chị còn nói chuyện một lúc nữa, sau đó ra về trước chúng tôi. Tôi không để ý thêm đoạn sau đó, vì quay lại nói chuyện với mọi người.

Sau khi chia tay mọi người và đi về, tôi nhận thấy những gì đôi anh chị nói cứ luẩn quẩn trong đầu.

Bữa đó chị Minh Anh khao chúng tôi. Trung bình một bữa ở DoDee khu vực Victoria rơi vào đâu đó từ 20~40 đô Úc, tỷ giá quy đổi (ở thời điểm bài viết này) sang Việt Nam đồng là từ 330k tới 650k. Nếu không được mời thì tôi sẽ phải trả khoản đó.

Chương trình mà chúng tôi đi trường Deakin cấp gift card đã bao gồm tiền ăn. Tuy vậy tôi vẫn nghĩ ngợi. Những tháng ngày ở Úc khiến tôi quan tâm và suy nghĩ nhiều về tiền. Nếu như phải tự túc ở trên đất nước chuột túi này, tài chính của chúng tôi phải thực sự đủ mạnh.

Khổ một nỗi, lúc trẻ, có sức khoẻ và thời gian, chúng tôi lại không có tiền. Hoặc là chúng tôi nhận chu cấp từ cha mẹ, hoặc đi làm kiếm tiền, hoặc cả hai – song trừ một vài trường hợp đặc biệt hi hữu, ở độ tuổi này chúng tôi khó lòng kiếm được số tiền có thể nói là dư dả.

Một phương trình ba ẩn

Điều đó khiến tôi nhớ tới một hình ảnh mình từng nhìn thấy nhiều năm về trước.

Ở trong đó, bộ ba Time (Thời gian) – Money (Tiền bạc) – Energy (Năng lượng/ Sức khoẻ) và cái cách người ta vẫn hay mô tả nó khi đi qua mỗi giai đoạn cuộc đời:

Nguồn: The Intentional Business

Về cơ bản lập luận chung là:

  • Khi còn trẻ, chúng ta có nhiều thời gian và năng lượng, nhưng cái chúng ta thiếu là tiền vì còn phụ thuộc ít nhiều;
  • Khi lớn lên, ta bắt đầu đi làm và kiếm tiền, khi đó bắt đầu tích góp được, vẫn còn sức thanh niên, song thời gian lại vô cùng eo hẹp vì bận rộn;
  • Khi về già, có tiền rồi, bắt đầu nghỉ hưu và có thời gian nhàn rỗi, sức khoẻ của chúng ta đi xuống và khó lòng làm được những gì ta muốn nữa.

Hồi đầu tôi nghe thấy xuôi tai lắm. Cộng thêm một minh hoạ đơn giản, cách giải thích dễ hiểu, vỏn vẹn 3 yếu tố mà lại thay đổi thừa thiếu có quy luật, tôi nghĩ hẳn điều này là chân lý cuộc đời rồi.

Bây giờ tôi thấy đó đích thị là thứ triết lý dỏm.

Có thật là như vậy không?

Thứ nhất, nếu không cẩn thận thì ở một thời điểm bất kỳ trong cuộc đời, ta sẽ chẳng có thứ gì trong cả ba thứ trên.

Có thể có nhiều nguyên do, cả chủ quan và khách quan. Tôi sẽ lấy vài ví dụ chủ quan để bạn hiểu:

  • Lúc còn trẻ, bạn vì sinh hoạt thiếu điều độ, thức khuya, tắm đêm, ăn đồ ăn nhanh, ngồi nhiều, không tập thể dục, chưa già đã mắc nhiều bệnh tật. Bao nhiêu năng lượng tiêu tốn hết vào iPad iPhone, lướt mạng đánh game từ sáng tới tối. Sức khoẻ và năng lượng của bạn bằng 0.
  • Lúc lớn lên, bạn bắt đầu kiếm được tiền, và có ngày một nhiều tiền hơn. Đi kèm với đó là “lạm phát lối sống” (Lifestyle Inflation). Bạn bắt đầu nghĩ mình phải đi xe này xe nọ, mặc áo này quần kia, ăn chơi đó đây thì mới xứng tầm, mới khẳng định được đẳng cấp. Thu nhiều mà chi cũng nhiều. Tài chính sau bao nhiêu năm chẳng tích góp được bao nhiêu. Vì lối sống tiêu tốn như vậy, bạn không còn cách nào khác lại phải tiếp tục cật lực làm lụng. Vừa thiếu thời gian, vừa cạn kiệt năng lượng.
  • Lúc về già, vì thiếu sự tích luỹ về mặt tinh thần, nhân cách từ phần trước của cuộc đời, bạn không tài nào sống an yên. Già rồi vẫn thị phi, suốt ngày cáu gắt, chửi bới, muốn người khác phải theo ý mình. Tức tối và bất lực trước từng ngày còn lại của cuộc đời. Bệnh tật nặng do tích luỹ từ một lối sống thiếu điều độ qua thời gian, giờ đổ ập xuống. Bao nhiêu tiền đổ hết vào chữa trị hòng cứu vãn. Thời gian tưởng có nhưng thực ra không. Cả ba cùng cạn kiệt một lúc.

Không thể không kể đến những yếu tố khách quan, như việc kém may mắn về mặt thể trạng, tài chính, môi trường sống,… Nói ra sẽ là những chủ đề muôn thuở khó trong xã hội học. Tôi xin phép để lại vấn đề này trong một bài viết khác.

Thứ hai, nó khiến cho ta mặc nhiên cho rằng những thứ này sẽ đến và đi theo thời gian. Nó khiến ta ngừng suy nghĩ về khả năng bản thân có thể thay đổi và xoay chuyển cuộc sống.

Tôi rất không hài lòng khi những “người lớn” thấy tôi có thể chất tốt và lý giải cho điều đó bằng “đó là do mày còn trẻ”. Rồi họ nói thêm, “cứ chờ tới lúc như các anh/chị/cô/chú/bác mà xem, rồi mày sẽ không còn khoẻ nữa”.

Cứ như thể đẻ ra ai cũng đã khoẻ mạnh, rồi cứ qua thanh niên là ai cũng bệnh tật như họ.

“Given the right conditions, the body heals itself. If you whack your shin really hard on a coffee table, it can get red, swollen, and painful. But your shin will heal naturally if you just stand back and let your body work its magic. But what if you kept whacking it in the same place three times a day—say, at breakfast, lunch, and dinner? It would never heal.”

— How Not to Die: Discover the Foods Scientifically Proven to Prevent and Reverse Disease Michael Greger, MD

“Với điều kiện thích hợp, cơ thể sẽ tự chữa lành. Nếu bạn đập ống quyển của mình thật mạnh vào bàn cà phê, nó có thể bị đỏ, sưng và đau. Nhưng ống quyển của bạn sẽ tự lành nếu bạn chỉ cần đứng lại và để cơ thể thực hiện phép màu của nó. Nhưng nếu bạn cứ đập vào cùng một chỗ ba lần một ngày—ví dụ, vào bữa sáng, bữa trưa và bữa tối thì sao? Nó sẽ không bao giờ lành lại được.”

— Bác sĩ Michael Greger, tựa sách tiếng Việt: “Ăn gì không chết”

Tôi nghe xong chỉ biết vâng dạ liên hồi. Dĩ nhiên là họ không còn khoẻ. Đâu có khó để thấy điều đó? Nhất là sau khi giảng thứ “chân lý” đó cho tôi xong, tối nay họ đi một cuộc nhậu bét nhè nữa.

Và họ cũng chẳng biết từ cái ngày tôi sinh ra tới gần chục năm trước, bệnh viện với tôi như ngôi nhà thứ hai. Thay vì ra ngoài chạy nhảy nô đùa như chúng bạn, một ngày của tôi là nằm, ngủ, tiêm truyền, hết nước truyền, gọi bác sĩ đổi chai khác, lại nằm, ngủ. Cứ như vậy. Mê man. Mệt mỏi. Yếu nhớt. Xung quanh là bốn bức tường trắng và những con người áo trắng đi ra đi vào, tôi chẳng biết khi nào là ngày, khi nào là đêm.

Nói không quá, nếu không tập tành, ăn uống, ngủ nghỉ cẩn thận chắc tôi không còn ngồi trên quả đất mà viết những dòng này.

Mọi người hay cười bảo tôi sống như người già. 10 giờ đã đi ngủ! Tôi chẳng biết nói gì nữa, lại cười. Ừ, tui là người già nè.

Thứ ba, nó đơn giản là không đúng với những người đã vượt lên trên nó. Họ có được cả ba thứ và sống một cuộc sống đủ đầy.

Tôi không hoàn toàn phủ nhận lập luận gốc: Trong một thời điểm bất kỳ của cuộc đời, bạn có khả năng sẽ thiếu hụt một hay nhiều yếu tố. Tuy nhiên, tôi tin rằng:

  1. Bạn sẽ có được những thứ này nếu chịu khó tích luỹ từ sớm. Tìm hiểu về dinh dưỡng, sinh hoạt và tập luyện. Đặt năng lượng đúng chỗ, đúng việc, đúng người. Học về tài chính cá nhân. Học cách kiếm tiền, giữ tiền, tiêu tiền, đầu tư tiền. Làm việc chăm chỉ và hiệu quả.
  2. Bạn chơi tung hứng giỏi với cuộc đời. Cụ thể là: Xem xét lấy tiền đầu tư cho sức khoẻ và mua lại thời gian. Dùng thời gian để tập cho khoẻ, làm việc hiệu quả để có tiền. Có được sức khoẻ hãy tích cực sống và làm, lại bồi đắp cho hai yếu tố kia.

Và còn một điều nữa mà hình ảnh kia còn thiếu…

Đó là bạn sẽ còn có thể có nhiều hơn thế.

Không chỉ có thời gian, tiền bạc và năng lượng, bạn còn có cho mình nhiều thứ khác. Những thứ khác này là gì, tôi xin bỏ ngỏ cho bạn đọc tự suy ngẫm.

Kết

Ngoài chuyện tôi bắt đầu chuỗi suy nghĩ đầy triết học từ một sự thật rằng bản thân trẻ-ngu-nghèo (read: Young, Dumb, and Broke – thank you Khalid!), còn có một câu hỏi khác từ câu chuyện trên bàn ăn ở Melbourne.

Tại sao anh chị ấy bây giờ ăn không còn ngon nữa?

Tôi đã không quay sang làm quen họ để có được câu trả lời cụ thể. Có thể là đã ăn ngon nhiều rồi, thấy cái gì cũng bình thường. Có thể sức khoẻ dạo này không được tốt nên cảm thấy nhạt miệng. Có thể không còn thấy thích món nào đó nữa.

Mọi diễn giải đó đều có một điểm chung ở chỗ: Chúng ta luôn luôn thay đổi.

Những gì bạn thấy ngon hôm nay, chưa chắc ngày mai đã còn hấp dẫn.

Những gì bạn mong muốn có bây giờ, sau này nghĩ lại cũng chẳng đáng để vật lộn vì nó.

Quan trọng là…

Bạn thực sự muốn điều gì cho cuộc đời mình?