Đối thoại với không gian: thinh(g) ft. Chiharu Shiota “Thuỷ Triều Cảm Xúc” (VCCA)

Epilogue: Trong đương đại, không có gì là đúng hay sai

Mình có cái tật, vừa là điểm yếu mà cũng có lẽ là điểm mạnh, ấy là luôn luôn quan sát người ta, rồi tự nhìn mình mà chỉ trích, để xem bản thân làm được tốt hơn ở đâu. Người ta bảo làm nghệ thuật thì nên có một chút “cái tôi” healthy, bảo vệ lấy cái gu và chính kiến của bản thân – nhưng phải chăng mình hơi thiếu hụt thứ “vitamin sáng tạo” đó, để rồi cứ mãi băn khoăn liệu bản thân mình có “hâm dở” quá chăng, khi đang làm cái mình làm.

Ngồi vẽ doodle mọi người trong team, trong buổi tập viết phản tư “Noah’s Ark”.

Trong ekip sản xuất, mình là người nhỏ tuổi nhất. Suốt quá trình tập luyện, không ít lần mình nhìn anh chị để rồi tự hỏi “Liệu mình có đủ trình, có đủ xứng đáng để được làm việc cùng với những con người này?” Nhìn đâu cũng là những người đi trước, đã làm nhiều hơn, đã đạt được nhiều hơn. Mình có gì để đặt lên chiếc bàn đóng góp?

Khi đi học, đi làm, mình đã luôn được dạy rằng hãy nhìn những người giỏi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn để học hỏi. Mình nghĩ như vậy, mặc định cái anh chị làm là “thước đo” cho bản thân, và bỗng nhận ra thế lưỡng nan khi thực hành thể nghiệm: Mình không thể biết chính xác rằng cái mà anh chị đang làm là đúng hay sai, chỉ biết rằng cái mình làm khác với cái họ làm. Vậy thì mình nên giữ lại biểu cảm của bản thân, hay thay đổi để phù hợp với mọi người? Mọi người có trình độ cao hơn mình, vậy có phải chăng cái mình đang làm là sai, còn của anh chị mới là chuẩn…

Với công việc chuyên môn kỹ thuật thuần tuý, cái đúng sai rạch ròi và rõ ràng. Nếu đáp án là 0, thì câu trả lời bằng 1 là sai. Nhưng nhảy múa thì không như vậy, hay rộng hơn, nghệ thuật thì không như vậy. Chẳng có công thức, chẳng có barem điểm, chẳng có một tiêu chuẩn nào. Việc cố gắng để phân loại thứ gì là đúng hay sai trở nên vô nghĩa. Biên đạo sẽ chỉ nói, hoặc là “Đấy là cái tôi muốn”, hoặc là “Em vẫn chưa làm được cái tôi muốn”, và bạn phải tìm cách để tìm thấy thứ đó, thứ mà bạn (có khi là cả biên đạo) còn chẳng rõ ràng ý nghĩa lắm trong đầu.


Không chỉ là người thực hành, mình nhận thấy cả người xem, người nghe, khán giả nhiều lúc cũng cảm thấy mông lung trước hai chữ “đương đại”. Đứng trước nghệ thuật, họ cảm thấy mình cần phải tỏ ra hiểu biết, không thì hẳn là sẽ “quê” lắm trước mặt người khác. Ta vặn não mình để cố gắng hiểu xem tại sao cái thứ mà ai cũng bảo hay kia, ta lại chẳng thấy hay chút nào. Ta thấy kỳ quặc với bản thân khi không cảm thấy một cảm xúc – giống như với phần đông đa số – khi nghe một bài nhạc, xem một bộ phim, tới một buổi biểu diễn.

Việc bàn sâu hơn, mình sẽ để dành cho một bài viết khác. Còn ở đây, mình muốn bạn hiểu rằng nghệ thuật chẳng đòi hỏi kẻ thưởng thức phải cảm thấy áp lực vì nó. Bạn cứ xem, cứ nghe, cứ đọc, tới ngưỡng mà bạn có thể cảm thụ. Cùng một sự kiện xảy đến trong đời, những người khác nhau phản ứng cũng khác nhau. Vậy thì cớ sao bạn kỳ vọng bản thân mình phải như những người khác?

Bài học lớn nhất mình học được sau vở diễn này, đó là ta hãy cứ tin vào cái bên trong mỗi người. Đón nhận phản hồi để xem xét sửa đổi – song việc lắng nghe và rõ ràng với chính bản thân mình vẫn là quan trọng nhất. Bởi vì…

Trong đương đại, không có gì là đúng hay sai.

Bài học này không phải tự nhiên mà có. Nó là một lời nhắc nhớ từ trước đó, trong một sự kiện mình tham gia cùng với chị Luna, nhà sản xuất của tác phẩm này. Đó là sự kiện THANH CẢNH 2023 – “Showcase: Bên Bờ Hỗn Độn/ In The Middle of Chaos”, trong khuôn khổ Chương trình kỷ niệm 50 năm Việt Nam – Anh Quốc.

Eclips Studio, 10 phút trước giờ showcase. Chị Luna đã từng trong ekip sản xuất của mùa Thanh Cảnh trước, và thế là hai chị em được preserve cho một chỗ ngồi khá đẹp.

Nếu như bạn đã đến xem vở diễn, hẳn là bạn cũng đã nghe mình chia sẻ 😉

Pages: 1 2