Banner của vở diễn, và cũng chính là hình ảnh bàn chân của mình, một chiếc bàn chân dài đến 25 cm. Nếu như bạn hỏi, thứ mình luyện tập và rèn giũa nhiều nhất cho vở diễn là gì, câu trả lời có lẽ sẽ làm bạn ngạc nhiên: Mình tập đi bộ.
Ý tưởng bước lên dây này được mình nghĩ ra vào một ngày labbing khoảng một tháng trước thềm sự kiện – và nó đã là một concept được khai thác bởi cả team suốt thời gian sau đó.
Giới thiệu chung
Về VCCA
Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) là trung tâm nghệ thuật phi lợi nhuận do Tập đoàn Vingroup tài trợ, với sứ mệnh kết nối nghệ sĩ với cộng đồng; tác phẩm với người yêu cái Đẹp; mỹ thuật đương đại Việt Nam với mỹ thuật đương đại thế giới.
Trung tâm phát triển trên cơ sở các hoạt động nghệ thuật đa dạng với cơ sở hạ tầng và trang thiết bị tiêu chuẩn quốc tế, hội tụ những người làm nghệ thuật tài năng và tâm huyết trong và ngoài nước.
VCCA hướng tới mục tiêu sẽ là một trong những trung tâm nghệ thuật quan trọng của Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Về Chiharu Shiota và “Thuỷ Triều Cảm Xúc”
Sinh ra tại Osaka, Nhật Bản (1972), Shiota hiện sinh sống và làm việc tại Berlin.
Dấn thân vào những vấn đề cốt lõi của con người như sự sống, cái chết và các mối quan hệ, Shiota khám phá bản chất con người qua nhiều chiều kích khác nhau bằng cách tạo ra sự hiện hữu trong sự vắng mặt, thông qua các tác phẩm lắp đặt sợi lớn có sự kết hợp của nhiều vật dụng thông thường và những kỷ vật bên ngoài, hoặc qua các bức vẽ, tác phẩm điêu khắc, nhiếp ảnh và video.
Thuỷ Triều Cảm Xúc là tác phẩm sắp đặt đầu tiên của Chiharu Shiota tại Việt Nam.
Về Đối thoại với không gian: thinh(g)
“ném hỗn độn vào thinh không, nhìn nghe thế giới thành hình”
“thinh” trong nín thinh, lặng thinh, thinh không. Trong không gian tĩnh mịch thanh lặng, “thinh(g)” chính là những rung động luồn len vào cơn thủy triều của Chiharu Shiota.Nơi chia sẻ những góc nhìn về kết nối muôn trạng của con người với con người và những sợi dây dù vô hình hay hữu hình vẫn đang luôn kết nối vạn vật.
“thinh(g)” — là một sân khấu trải dài và bao trùm khắp không gian triển lãm. Ở đó, chính các diễn viên là những người kể chuyện, dẫn dắt khán giả qua từng trạng thái cảm xúc hoàn toàn khác biệt.
Sợi chỉ — chất liệu chính trong triển lãm cũng hiện hữu trong “thing(g)” ở nhiều hình dáng và tính chất khác nhau, giúp làm rõ hơn sự nối kết không chỉ của các diễn viên đang đứng trong không gian mà còn là đường dẫn, đan cài cùng khán giả — như một dòng chảy không ngừng và xuyên suốt.
Thông qua ngôn ngữ múa đương đại kết hợp với âm nhạc và nghệ thuật thị giác, “thinh(g)”, với dấu ấn sáng tạo của các nghệ sĩ từ Kinergie Studio, sẽ mang đến cho khán giả một hành trình trải nghiệm nghệ thuật đa giác quan và đầy màu sắc, những cung bậc, thăng trầm cảm xúc khi chạm đến những tầng kết nối đa dạng — dù là mỏng manh nhất trong tâm hồn.
Tưởng dễ như chơi, ai ngờ chơi khó!
Thuỷ Triều Cảm Xúc là một dự án trải qua nhiều trắc trở: Triển lãm được tính đến từ 2 năm trước, song vì đại dịch COVID-19 mà hoãn lại. Dự án được tái khởi động vào đầu năm 2023. Thông tin đến tay đội Kinergie vào đầu tháng 8, hai tháng trước khi Trung tâm bắt đầu tuyển CTV và tiến hành sắp đặt.
Thuỷ Triều Cảm Xúc làm mình khá ngạc nhiên vì “độ tuổi” của nó: Một tác phẩm chiếm trọn không gian VCCA trong nửa năm. Mình đã từng đến xem rất nhiều triển lãm/ sắp đặt/ trưng bày ở VCCA, song đây là lần đầu tiên thấy thứ gì tồn tại lâu đến như thế – trước khi nhường chỗ cho thứ gì đó khác. Cũng vì thế, khá là dễ hiểu khi có một chuỗi các hoạt động nghệ thuật trên nền triển lãm. Đó là nhờ VCCA đứng ra mời các đoàn nghệ sĩ biểu diễn, trong đó có Kinergie.


Nhận đề bài từ Chiharu Shiota và VCCA, biên đạo và diễn viên dành ra nhiều thời gian để bàn thảo, thử nghiệm, cóp nhặt và đập bỏ liên tục. Tụi mình buộc dây, đu cột, làm con rối, biến thành chiến binh, đung đưa như sóng, vác cả… cuốc thuổng gậy gộc ra để thử. Lịch trình của 6 con người (không tính chị Hải, chỉ tham gia vào 2 tuần cuối) chỉ đơn giản là ăn, ngủ, đi học/đi làm, và lab.



Điều duy nhất không thay đổi, là sự thay đổi
Thêm người, bớt người
Ở mỗi thời điểm, luôn có những con người đến và đi, một số ít ở lại với nhau lâu hơn và hình thành các nhóm. Đội Kinergie, hay còn được gọi với đủ những cái tên “Đội sản xuất linh hoạt Kinergie”, “Team Đương đại Tiền nâng cao”, hoặc cái tên gần đây nhất là “Kin Crew”, là một kiểu như vậy. Chúng mình tập luyện hàng tuần, đều đặn và bền bỉ, và có lẽ cũng không quan tâm lắm đến chuyện thay đổi khỏi trạng thái “low-key”, nên cũng không mấy ai biết đến. Trước mỗi một “kèo” diễn mới, mọi người lại cùng bàn với nhau để xem ai có thể tham gia được, ai không, gom góp người cho một tác phẩm mới.
Cũng thời điểm đó, mình mới kết thúc thời gian training ở Wonder Sisters không lâu. Mình đề xuất với chị Hải mời thêm hai người anh là Quay Trần và Phương Xù. Kết cục là đội hình có thêm chất liệu Hip Hop Experimental, và mình cũng lại có thêm thời gian “tra khảo” hai anh, viết thành chuỗi bài về dance battle trong chuyên mục Trà đá Hip Hop. Bạn có thể đọc thêm ở đây.
Đổi biên đạo, đổi biên đạo!
Không lâu sau khi dự án bắt đầu, chị Minh Hải phải sửa soạn đi Đức theo khuôn khổ chương trình Frankfurt Moves! của Frankfurt LAB. Hồ sơ của chị đã được chấp nhận từ đầu năm, nên chuyến đi là việc đã được dự tính từ trước. Ban đầu chị cũng có nhiều phân vân về việc có nên bắt đầu vở diễn hay không, song có lẽ vì tụi mình muốn làm, nài quá nên quyết định vẫn là xây dựng tác phẩm.

Và với sự kiện đó, nhóm diễn viên chúng mình được chuyển sang dưới sự chỉ đạo của một biên đạo mới, chị Hoàng Hà. Công tác thuyên chuyển diễn ra khá đột ngột, nên cũng phải nói ở đây rằng có một sức ép và sự bối rối không nhỏ đối với chị Hà, khi bước vào và trở thành lead mới của một team đã thành hình và làm việc được một thời gian. Phần lớn những đào sâu và thể nghiệm của dự án được chị Hà phát triển cho đội diễn viên.

Chị Hải đi Đức trong một tháng, và quay về khoảng 4 tuần trước thềm vở diễn. Khi ấy dự án vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm các chất liệu – xét trên timeline là đã rất chậm trễ, vì đáng ra thời điểm này phải là thời điểm hoàn thiện và tinh chỉnh các chi tiết cuối cùng. Ekip lúc bấy giờ khá giống với một nhóm bài tập lớn với tinh thần “YOLO” ở đại học, đến tháng cuối cùng mới bắt đầu làm project.
Thầy Ngọc sau khi hỏi han về tiến độ mới lòi ra tương đối nhiều sự “bung bét”. Nói thật với bạn là hồi đó ai cũng stress khủng khiếp, thứ cảm giác được truyền đi theo một hiệu ứng lây lan. Dù sao thì sau đó, hai đạo diễn đã nhanh chóng “hiệp đồng”, thực hiện nhiều lần thực địa tới triển lãm và tiến hành gói ghém lại giai đoạn thử nghiệm, tập trung xây dựng khung chương trình cuối cùng cho tác phẩm.

Humanness → thinh(g)
“Đúng là mọi sự vô thường, đến cả tên vở diễn còn thay đổi…” Mình thở dài và nhận ra sự trùng hợp đến buồn cười, khi ngồi với chị Luna trong một buổi trưa nọ. Tên vở diễn ban đầu là “Humanness“. Tới những tuần cuối cùng, mình mới có thời gian để nhìn lại một chặng đường đã qua. Thời gian đó khá nhiều biến cố: Mọi thứ trong cuộc sống của mình đã thay đổi đến chóng mặt. Và vở diễn này cũng vậy.
Trước đây lâu lắm rồi, mình có từng làm thơ (read: con cóc) #NewspaperBlackout theo Austin Kleon, và một loạt thử nghiệm giấy bút kỳ quặc khác mình chôm được từ ông bác. Cao hứng tag Austin trên Instagram, và một cách khá đáng yêu là sau đó ổng đăng story với lời nhắn, cụ thể thế nào mình đã quên, nhưng đại loại là, “Khi ăn cắp thứ gì đó, bạn sẽ cố gắng để làm theo thứ mà bạn chôm được. Nhưng cho dù cố thế nào thì kết quả cuối cùng cũng chẳng bao giờ giống với bản gốc. Và sẽ đến một lúc bạn nhận ra, bạn đã tạo ra thứ của riêng mình.”

Những hành trình sáng tạo nói riêng, hay những bản kế hoạch cuộc đời nói chung, có lẽ đều giống như vậy. Cách để kế hoạch không bị phá, ấy là chẳng có kế hoạch gì cả. Vì thứ mà ta định ban đầu, bằng một cách nào đó, sẽ tìm được lối đi khác cho nó, hoàn toàn không giống với viễn cảnh ban đầu mà ta tưởng tượng!
Cái cốt lõi là tạo ra tương phản
Làm nghệ thuật biểu diễn không chỉ nặng về thể chất vật lý hay tư duy “nhiều não”. Thẳng thắn mà nói, nó bào mòn năng lượng và sức khoẻ tinh thần bạn với tốc độ khủng khiếp. Để có được 1 phần người xem nhìn thấy được, diễn viên phải đẩy quá cảm xúc ấy lên 100 lần. Bạn chỉ định “buồn man mác”? Người ta sẽ nhìn thấy một bạn lờ vờ trên sân khấu. Phải đẩy nó thành một sự buồn, buồn đến ủ dột trầm uất, thì may ra, có lẽ họ sẽ hiểu được là bạn đang buồn… man mác.
Vũ công đương đại không có công cụ đắc lực của quá nhiều biểu cảm, giọng nói hay phông nền như diễn viên điện ảnh – họ chỉ có thể ‘nói’ bằng chuyển động. Những giới hạn đó đòi hỏi người ta phải có khả năng đưa mình vào những trạng thái ở các “cực”, hoặc là 200%, hoặc là 0%, và cứ liên tục thay đổi giữa chúng. Tuyệt đối không có 50% theo kiểu “giữ sức” cả buổi – khán giả sẽ bỏ về hoặc gục ngủ trên khán đài.
Vũ công mang cuộc đời của họ lên sân khấu
Hãy viết, viết hết ra…
Tưởng rằng là vũ công, đi tập là sẽ chỉ nhảy múa? Nếu vậy thì bạn nhầm to… Chúng mình phải làm nhiều công cuộc, trong đấy công tác tư tưởng, viết lách, khai thác chất liệu đời sống cá nhân là quan trọng nhất.

Vì sao? Bạn hỏi. Vì rằng ta sẽ chẳng thể diễn tả được nó cho thật nhất, cho dù trình ta cao đến đâu, nếu như ta không thể liên hệ được điều ta muốn truyền tải với chính cuộc sống của mình.
Một bài tập hay ho trong những ngày đầu tiên cũng là viết. Mỗi người viết một câu chuyện ngắn, có thật, diễn ra với cuộc sống của mình. Biên đạo lần lượt đọc toàn phần hay một phần của những câu chuyện đó, và diễn viên có nhiệm vụ chuyển động đối với những câu chuyện gây ảnh hưởng nên họ.

Noah’s Ark
Triển lãm “Thuỷ triều cảm xúc” của Chiharu Shiota khá nổi danh trên truyền thông nhờ biển chỉ đỏ đầy ấn tượng, mà đôi khi người ta quên đi những con thuyền. Shiota đòi hỏi phải có những con thuyền cũ, và có lẽ bà cũng có lí do cho yêu cầu ấy. Không chỉ chơi với dây, ekip cũng đã mất kha khá thời gian để đào sâu về ý tưởng của những con thuyền. Tổng cộng là 7 con thuyền ở mặt trước và 5 con thuyền ở mặt sau, đánh dấu những điểm neo trong không gian di chuyển, song cũng là một phần của tác phẩm, cần được khai thác tốt.
Do đó, chúng mình đã tìm đến Noah’s Ark (Tàu Nô-ê, hay Con thuyền của Nô-ê) – một câu chuỵện trong Kinh Thánh – là điểm khởi đầu cho những khám phá sau này.

Tàu Nô-ê (hay Noah) là con thuyền được nhắc đến ở chương 6 đến chương 9 của Sách Sáng thế trong Kinh Thánh. Văn bản đó mô tả việc ông Nô-ê đóng con tàu này theo ý Chúa là để cứu ông và gia đình cùng các loài động vật nhằm khỏi bị diệt vong bởi trận trừng phạt đại hồng thủy của Thiên Chúa.
Đức Chúa Trời nhận ra rằng, loài người càng sinh sôi nhiều thì họ càng phạm tội đến nỗi không thể cứu chữa. Ngài hối hận vì đã tạo ra loài người nên quyết định sẽ hủy diệt tất cả thế giới bằng trận đại hồng thủy. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời thấy ông Nô-ê là người công chính nên không nỡ loại trừ cả ông. Đức Chúa Trời phán truyền cho ông Nô-ê: “Ngươi sẽ làm tàu thế này: chiều dài một trăm năm mươi thước, chiều rộng hai mươi lăm thước, chiều cao mười lăm thước. Ngươi sẽ làm một cái mui che tàu, và đặt mui cách phía trên tàu nửa thước. Cửa tàu, ngươi sẽ đặt ở bên hông; ngươi sẽ làm tầng dưới, tầng giữa rồi tầng trên.” (Sáng Thế 6:15-16).
Ngoài ra, Đức Chúa Trời cũng hướng dẫn ông Nô-ê cách thức để sinh tồn và bảo tồn giống động thực vật trong tàu: “Trong mọi sinh vật, mọi xác phàm, ngươi sẽ đưa vào tàu mỗi loại một đôi, để giữ cho chúng sống với ngươi; phải có một con đực và một con cái. Trong mỗi loại chim, mỗi loại gia súc, mỗi loại vật bò dưới đất, mỗi loại một đôi sẽ đến với ngươi, để ngươi giữ cho chúng sống. Phần ngươi, hãy lấy mọi thứ ăn được và tích trữ cho mình; đó sẽ là lương thực của ngươi và của chúng.” (Sáng thế 6:19-21).
Sau trận lụt kinh hoàng, nước rút dần khỏi mặt đất thì ông Nô-ê thả một con quạ bay ra khỏi tàu xem tình hình bên ngoài. Lần thứ nhất, con quạ không tìm được chỗ đậu chân vì nước chưa rút, nên nó bay về lại tàu. Bảy ngày sau, ông Nô-ê lại thả con chim bồ câu , và lần này nó bay trở về, trên mỏ ngậm cành lá ô liu tươi. Ông Nô-ê biết là nước đã giảm xuống, mặt đất đã hòa bình vì Đức Chúa Trời đã thôi cơn thịnh nộ.
(theo Wikipedia)
Bây giờ ngẫm lại mình cảm thấy khá may mắn khi đã không biết đến câu chuyện này từ trước, và phần lớn mọi người trong ekip cũng vậy. Vì khi tìm kiếm thông tin về câu chuyện trên mạng, mình thấy rằng có đủ thứ nguồn mổ xẻ ý nghĩa và chúng tương đối giống nhau, không có gì mới mẻ hơn nữa. Nghe được lần đầu, và được yêu cầu viết – vẽ tuỳ ý để tự liên hệ, 6 người đem lên 6 câu chuyện khác nhau.

Điều gì xảy ra cho những con người không được chọn để lên tàu Nô-ê? Liệu ông này đã có thông báo cho họ về trận đại hồng thuỷ, cái mà có thể đa phần họ sẽ cho rằng ông đùa cợt và từ chối lên tàu, rồi sau đó nhận ra mình sẽ mất mạng? Liệu Chúa có quá vô lý khi chỉ lựa chọn mình Nô-ê? Nếu ta là Nô-ê, một ngày nọ phải lựa chọn những gì để cứu, ta sẽ phải lựa chọn ra sao khi biết mình không thể cứu được tất cả? Có kha khá chủ đề để có thể khai thác từ đây.
VCCA: Những câu chuyện chưa kể

Chân nhảy, tay code
Nhiều người hỏi mình đi tập thế liệu có ảnh hưởng đến bài vở không. Dĩ nhiên là có! Mình đã phải đi học muộn kha khá các tiết Applied Algorithms (Thuật toán ứng dụng, một môn học nâng cao của Cấu trúc dữ liệu & Giải thuật), vì giờ tập ở VCCA là từ sáng đến trưa, khi triển lãm chưa mở cửa cho khách vào xem. Lớp đó thì vào học đúng 12 rưỡi trưa.
Cũng… may, là thầy dạy môn của mình (thầy Bùi Quốc Trung) hay bận việc không đến được lớp, thành ra lớp hay học online. Ngồi trong phòng staff của VCCA, mình lôi giấy bút ra và bắt đầu công cuộc chinh phục Dynamic Programming (Quy hoạch động), trong khi chân vẫn nhẩm theo nhịp chuyển đội hình của cả team.

Một ngày trước khi diễn, mình bấm bụng gửi mail xin thầy Trịnh Văn Chiến nghỉ tiết học Nhập môn Kỹ thuật truyền thông (Introduction to Communication Engineering), vì sáng hôm đó là buổi rehearsal cuối cùng. Khổ thay là đúng hôm ấy, có bạn trong lớp nói chuyện to, thầy bực, bắt lôi giấy ra kiểm tra. Sau quả đó, thầy báo bài kiểm tra ấy là bài thi giữa kỳ rồi, mình có xin cũng không cho làm! Mãi gần hôm thi giữa kỳ thật, mới nhận ra là thầy… chỉ đùa thôi.
Những bàn chân tím ngắt, quấn đầy băng
Nếu như bạn đến xem vở diễn, hoặc tinh ý khi nhìn từ ảnh poster ngay đầu bài viết này, có lẽ bạn đã nhận ra một điều: Đó là toàn bộ diễn viên phải đi chân trần, từ đầu đến cuối vở.
Có lẽ sẽ không có gì nhiều lắm để kêu ca, nếu như điều đó không xảy ra giữa cái lạnh 14 độ, và sàn VCCA làm từ gỗ ép thay vì từ bê tông.
Chân đất là chân ái…
Sàn bê tông vừa lạnh vừa cứng, lúc ngã thì chỉ còn biết… niệm. Tụi mình đã tốn kha khá xèng vào công cuộc mua băng keo để bó chân. Vừa mong đỡ lạnh hơn phần nào, vừa là hạn chế vì tập nhiều quá mà xước xát hết chân. Gan bàn chân người cực kỳ nhiều huyệt đạo – không kém gì gan bàn tay, nếu như bạn đã học giải phẫu – và khi để lạnh gan bàn chân, bạn hãy chuẩn bị cho nguy cơ của đủ thứ bệnh.
Bạn mới của mình mỗi tối là chậu nước nóng và những miếng dán thuốc bắc. Cũng chỉ biết “chữa cháy” vậy thôi!
Rón rén… như một điệp viên
Có lẽ hình ảnh sắp tới nghe hơi kỳ, nhưng hãy tưởng tượng bạn là một điệp viên. Bạn đang phải vượt qua một hàng rào laze đỏ giăng khắp phòng. Phải cực kỳ cẩn thận. Tia sáng ấy chỉ chạm vào người bạn thôi là cháy da cháy thịt, chuông báo động sẽ kêu. Bạn sẽ bị phát hiện, khi ấy, nhiệm vụ này sẽ thành công cốc.
Nếu như mình là James Bond 007, có lẽ mình đã vừa nhắm mặt vừa bước tới bên kia đầy nhẹ nhàng (và phong cách!). Nhưng đời không như là mơ: Lơ ngơ là đạp trúng dây, xô vào thuyền, nhảy lên chọc phải chỉ, hay quăng người đổ vào tác phẩm.
Cả team đã dựng nên một mạng chỉ như vậy trong không gian của Kinergie để tập trước, sau đó thời gian gần vở diễn đến VCCA tập tiếp. Khỏi phải nói với bạn, dù đã cực kỳ cẩn thận, thỉnh thoảng vẫn có những sự “va chạm” làm cả đội nhiều phen thót tim. Anh em thở phào, “May mà triển lãm… chưa sập!”

Toàn bộ vở diễn phải ngẫu hứng, chỉ có tuyến di chuyển là định sẵn. Trong một thời điểm, tâm trí bạn phải tập trung cao độ để:
- Quyết định chuyển động tiếp theo của bản thân;
- Quan sát những người khác – và phối hợp cùng họ;
- Để ý đến bố cục chung và không gian, xác định xem mình nên di chuyển tới đâu;
- Triển khai và chơi cùng đạo cụ;
- Tránh bản thân và “cứu” cả người khác khi sắp có nguy cơ đụng vào tác phẩm.
Từng ấy là đủ để não mình có thêm chục nếp nhăn.
5s quảng cáo: Nếu bạn cảm thấy mình hay đơ lag quá, hay tham gia cùng chúng mình. Mình xin đảm bảo: Bạn, hay đúng hơn là não của bạn, sẽ chẳng bao giờ dám “cu đơ” nữa. Chỉ cần một giây sơ sảy, bàn tay của ai đó sẽ quạt vào bạn và bạn sẽ ngã lăn ra đấy. Giống như cách một bàn chân đạp vịt từ ai đó trong bể bơi “hạ cánh” trên mặt bạn, sự cố này “thốn” và không kém phần đau đớn. Đa phần chấn thương trong múa đương đại cũng từ đây mà ra.
Lời cảm ơn
Đằng sau những tác phẩm lớn luôn là những con người, cho dù có đứng dưới ánh đèn sân khấu hay không, đều làm việc tận tuỵ và hết mình. Mình vẫn biết ơn lắm cuộc đời trước đây đã cho mình rất nhiều năm phía sau cánh gà, để đến ngày được bước ra, bản thân luôn biết trân trọng tất cả những người xung quanh.
Đồng đạo diễn: Hoàng Hà, Minh Hải
Chỉ đạo nghệ thuật: Đỗ Hoàng Thi Ngọc
Diễn viên: Minh Hải, Trần Minh Quang, Nguyễn Hoàng Dung, Nguyễn Trần Phương, Nguyễn Tiểu Phương, Huyền M Hoàng, Nguyễn Khánh Linh
Âm nhạc: Tâm Thị Phương
Sản xuất: Luna Nguyễn Thu Thuỷ
Cố vấn sản xuất: Nguỵ Hải An
Make-up: Luna Nguyễn Thu Thủy
Video: Nguyễn Minh Thông, Bach Viet Phan, Nguyễn Hữu Ngọc
Photo: Bach Viet Phan, Phan Quang Hưng, Lê Hoàng Anh
Âm thanh: Phạm Hải Đăng, Lê Minh Tân
Hỗ trợ kỹ thuật: VCCA
Cũng xin cảm ơn toàn thể đội cộng tác viên, các tình nguyện viên hỗ trợ sản xuất vở diễn, Kinergie Studio, VCCA, Quỹ Japan Foundation và Chương trình kỷ niệm 50 năm Việt Nam-Nhật Bản.
thinh(g) là một vở diễn thực cảnh, nghĩa là người xem không ngồi một chỗ và ngước nhìn lên sân khấu – họ là một phần của sân khấu, di chuyển cùng với các diễn viên. Những sản phẩm không bao giờ trọn vẹn nếu như không có khán giả, và với vở diễn này, chúng mình nói điều đó theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Xin cảm ơn bạn – người đã đến xem – và đã là một phần của tác phẩm.
(Đọc tiếp Epilogue ở Trang 2)