“Nhảy mạnh lên! Động tác em làm chẳng rõ gì cả!”
Đây là một trong những câu gây nản lòng nhất đối với mình mỗi khi đi tập. Giống như việc bạn leo lên một cái chóp, mệt muốn đứt hơi, chỉ để phát hiện ra rằng đó mới chỉ là lưng chừng của ngọn núi. Hoặc giống như khi bạn nghĩ mình vừa hoàn thành một bài tập nào đó và phát hiện ra rằng bạn mới chỉ giải quyết được 50% của vấn đề. Bạn tìm, tìm mãi, cố gắng với tất cả những gì bạn có và nhích thêm được một chút. Chậm y hệt như cái biểu tượng xoay mòng mòng đến bực mình của thanh tải xuống những ngày mạng nghẽn.
Và người trưởng nhóm thì vẫn đứng ở đó và nói với bạn rằng họ cần bạn nhảy mạnh hơn, rõ ràng hơn.
Chẳng phải tôi đã nhảy với hết sức bình sinh rồi hay sao? Bạn lẩm nhẩm trong đầu. Mồ hôi mẹ, mồ hôi con đua nhau chảy. Chân tay bạn rã rời bởi những lần làm đi làm lại. Mạnh nữa thì vừa mệt, mà hình như có gì đó hơi… vô lí, vì như thế giống như đánh chưởng trong võ, chứ chẳng phải nhảy nữa.
Mãi đến sau này mình mới lờ mờ tìm ra được câu trả lời cho những lần như thế. Rằng nhảy mạnh đôi khi không phải chỉ đến từ sức lực.
* Ở đây, để tiện đưa ra ví dụ, mình nói với trường hợp khi nhảy theo biên đạo (choreography). Nhảy mạnh (nhẹ) là khái niệm có thể áp dụng ở bất cứ hình thức biểu diễn/ thể loại nào khác.
1. Tương phản
Nếu như bạn nào học vẽ hay chỉnh sửa ảnh, hoặc từng có kinh nghiệm với bất cứ lĩnh vực nghệ thuật thị giác nào cũng sẽ đều học tới khái niệm “sự tương phản” (Contrast). Ví dụ như, nét mực đen trên nền giấy trắng sẽ nổi hơn nhiều so với một nét chì xám nhạt trên cùng tờ giấy đó. Việc nổi lên hay không là do sự tương phản tới giữa “nét mực” và “tờ giấy”. Còn trong nhảy múa, việc tạo ra tương phản tới từ nhiều hướng và cách thức khác nhau, trong đó có:
- Giữa động tác trước và động tác sau của bạn, từ khổ nhạc này sang khổ nhạc khác của bài biểu diễn;
- Giữa bạn và khung nền, trong đó khung nền có thể là:
- không gian như phòng nhảy, sân khấu,…;
- những người nhảy cùng đội, nếu họ đang làm backup dancer cho phần của bạn; …
- Giữa động tác và quần áo của bạn (đối với các thể loại khác nhau, việc lựa chọn quần áo phù hợp sẽ khiến động tác của bạn rõ ràng hơn);
… và nhiều thứ khác nữa.
Thông thường khi gặp vấn đề phê bình cần phải “nhảy mạnh hơn”, chúng ta sẽ rơi vào trường hợp do động tác của chính bản thân hơn là những vấn đề khác. Vì vậy, trong bài này mình sẽ chỉ đề cập tới các cách giúp bạn cải thiện sự tương phản giữa các động tác của mình thôi nhé.
- Nhảy đúng nhịp. Điều đầu tiên và quan trọng nhất, bởi âm nhạc là thứ sẽ dẫn đường và cho người xem hiểu được động tác của bạn thể hiện gì. Nếu như bạn nhảy lệch nhịp thì sẽ thật khó để hiểu được ý đồ, chứ chưa nói tới mạnh hay nhẹ. Tệ nhất là “giết nhầm con beat”, đừng để rơi vào trường hợp ấy nhé 😉
- Để ý tới texture. “Texture”, hay dịch nghĩa đen ra là “chất liệu”, là những cảm giác khác nhau khi thực hiện cùng một động tác. Động tác mà bạn cần làm có cảm giác gồng, nén, hay là thả trôi? Hãy tận dụng thời gian quan sát người hướng dẫn của bạn, nhất là khi họ đang nhảy mẫu để hiểu được những điều này.
- Thêm dynamic. Lại một thuật ngữ nữa, “dynamic” tức là sự thường xuyên thay đổi, và ở đây cụ thể chúng ta nói về lực và tốc độ thực hiện động tác. Khái niệm này gần tương đồng với texture ở trên, nhưng hai thứ này không phải là một. Những sự kết hợp khác nhau sẽ mang đến những kết quả khác nhau, ví dụ: mạnh và nhanh, mạnh và chậm, lỏng và nhanh, lỏng và chậm…
2. Thể lực yếu
Đôi khi người ta thấy bạn nhảy yếu vì đúng là vì bạn… yếu thật, và cái đó chủ yếu đa phần là do thể lực bạn chưa đủ để đáp ứng bài tập.
Ví dụ như với chân, Bam Martin của Kinjaz nổi tiếng với những bài biên với động tác chân vừa nhanh vừa di chuyển dài, nếu bắp chân bạn thuộc hàng “bèo nhèo” thì khó mà theo kịp. Tất nhiên bạn không cần phải đạt đến trình độ “quái vật” như vậy để có thể nhảy, nhưng chân là một trong những bộ phận sẽ được sử dụng nhiều nhất, vì vậy bạn tốt hơn hết nên rèn luyện cho nó. Bam cũng chia sẻ bí quyết “Don’t skip leg day.” (Đừng bỏ những ngày tập chân) với kế hoạch tập luyện của anh.
Điều này tương tự với các bộ phận khác trên cơ thể. Nhảy là bộ môn sẽ sử dụng toàn thân, vậy nên bạn hãy cố gắng dành thời gian để cải thiện những phần còn yếu nhé.
Điều này có thể giải quyết bằng câu trả lời đơn giản (nhưng thực sự làm nó đều đặn và trong thời gian dài thì không hề đơn giản): Hãy tập thể lực.
Bạn có thể rèn luyện thể lực bằng cách sử dụng những ứng dụng workout miễn phí trên điện thoại, hoặc mở YouTube tập theo những video hướng dẫn. Lớp học nhảy của bạn hay nhóm nhảy mà bạn tham gia cũng có thể đã có những buổi tập thể lực trong lịch rồi, hãy tập trung và cải thiện bản thân nhờ những buổi tập đó. Hoặc nếu bạn muốn có một trải nghiệm tập riêng tư và tùy chỉnh theo nhịp độ của cá nhân bạn, bạn có thể thuê PT (Personal Trainer, tức huấn luyện viên riêng) hoặc coach để giúp bạn tập. Họ sẽ giúp bạn đặt mục tiêu, lên kế hoạch, theo dõi tiến độ của bạn để có điều chỉnh phù hợp. Thường những coach giỏi và tốt sẽ có cái giá để thuê khá lớn, vậy nên hãy cân nhắc đến phương án cuối này nếu như bạn có điều kiện, và/hoặc thực sự muốn đi chuyên nghiệp với nhảy.
Hãy bắt đầu nhỏ, vừa sức rồi sau đó chỉnh sửa dần để phù hợp với mức độ tiến bộ của bản thân bạn. Một lời nhắn nhủ để giúp bạn không bỏ tập thể lực chỉ sau 1 tháng, hay 1 tuần, hoặc thậm chí là 1 ngày.
3. Chưa “full out”
“Full out”, một thuật ngữ trong nhảy múa, được dùng để chỉ trạng thái nhảy với phần sức lực, biểu cảm, chất liệu… đúng theo yêu cầu của người biên đạo hay ý tưởng biểu diễn khác. Nếu như không thể nhảy “full out”, bạn sẽ không thể thể hiện 100% bài nhảy, và cũng trông sẽ không hoàn toàn mạnh. Do để dịch ra tiếng Việt viết sẽ khá rắc rối, mình xin phép tiếp tục sử dụng thuật ngữ gốc tiếng Anh để giải thích thêm.
Lí do bạn chưa thể nhảy “full out” có nhiều, trong đó có thể kể tới như:
- Bạn mới bắt đầu với một động tác/ thể loại mới, chưa quen và vẫn còn hơi gượng;
- Bạn nhảy không đúng nhịp (off beat);
- Cơ thể bạn đang không ở trạng thái tốt: mỏi cơ, chấn thương, thiếu ngủ mệt mỏi…;
- Trạng thái tinh thần ngày hôm đó của bạn tệ, dẫn tới mất tập trung và khó kiểm soát cơ thể hơn bình thường;
… và vô vàn nguyên nhân khác mà bạn phải tự tìm ra tùy theo từng lúc.
Khi bị phê bình về lực, thường bài nhảy của bạn sẽ rơi vào hai trường hợp:
(1) Nhảy quá tốn sức và “điên cuồng” (lực lớn hơn cần thiết) hoặc;
(2) Nhảy chìm như bốc hơi mất đâu đó vậy (lực ít hơn cần thiết).
Thông thường để biết bản thân rơi vào trường hợp nào, mình sẽ quay lại bài nhảy của bản thân và xem lại.
Dưới đây là một video tới từ STEEZY, trong đó dancer Lil Swagg đã giải thích rất cụ thể về chủ đề này và cách làm thế nào để nhảy “full out”. Mình thấy video này khá đầy đủ và cũng phần nào giải quyết được kha khá vấn đề thường gặp (bao gồm hai trường hợp về lực kể trên). Vì vậy mình sẽ không đề xuất thêm giải pháp nữa, các bạn có thể tự xem và tìm hiểu thêm để có hướng giải quyết phù hợp cho bản thân nhé.
Lời kết
Trên đây chỉ là đúc kết những trải nghiệm hiện tại của mình trong quá trình đi học nhảy, chỉ mang tính chất tham khảo chứ không phải tài liệu hướng dẫn chuẩn chỉnh. Về bản thân mình, do kinh nghiệm còn chưa có nhiều, nên nếu mình có chỗ nào sai sót mong các bạn góp ý, sửa đổi. Để biết thêm kiến thức chuyên môn cũng như những lưu ý quan trọng khác giúp bổ trợ cho quá trình luyện tập của bạn, hãy chủ động tìm kiếm trên Google thêm nhiều nguồn đáng tin cậy, hỏi người huấn luyện viên hay người hướng dẫn của bạn.
Cuối cùng, mình nghĩ rằng, nhảy mạnh không phải là cái đích cuối cùng, mà là nhảy truyền tải được đúng ý tưởng, cảm xúc hay chủ đề mà ta muốn. Happy dancing!