Tản mạn về chuyện viết

person holding orange pen

Câu chuyện số 1

Đối với mình, điều mà cách dạy và học môn Ngữ văn đã làm tồi nhất là việc nó đã ấn vào đầu những người học sinh một cái tư tưởng rằng “phải viết dài – và cứ viết dài – là được điểm cao”.

Mình may mắn có một cô giáo dạy Văn đập tan niềm tin kỳ quặc ấy vào năm lớp 8.

“Các em có hay nghe hoặc đọc về những câu chuyện trong thời chiến không? Những người lính, đi chiến đấu xa gia đình, xa người yêu, họ nhớ nhà lắm. Chiến tranh đặt con người ta vào trạng thái luôn luôn căng thẳng, phải phản ứng nhanh trước cái không ngờ tới. Thời gian rảnh để nghỉ ngơi rất hiếm, mà nếu có, thì cũng không được lâu. Nhưng cũng nhiều người lựa chọn viết thư gửi về nhà trong gia đình.

Cô từng đọc một quyển sách có lá thư bắt đầu như thế này:

‘Gửi em thân yêu,

Lâu lắm rồi anh mới viết được một lá thư cho em. Thời gian anh cũng không có nhiều, vả chăng đầu óc anh những ngày này cũng căng thẳng, luẩn quẩn lắm; nên anh xin với em là thư này anh sẽ viết dài…’

Các em đừng nghĩ rằng viết ngắn là một cái gì đó xấu, hoặc cứ phải bôi ra dài là tốt. Viết ngắn gọn súc tích là cả một nghệ thuật.”

Một điều mình nhận ra ở bản thân và ở những người bạn học, ấy là khi ta không biết câu trả lời, mà vẫn buộc mình phải nói gì đó là khi ấy chúng ta bắt đầu nói nhăng nói cuội để lấp liếm. Nói trên trời dưới biển, có từ khóa liên quan đến câu hỏi, song câu hỏi chính thì không bao giờ được trả lời. Kiểu nói như… chỉ để nói, nghe xong ai nấy đều ngán ngẩm vì vừa tốn thời gian vừa không giải quyết được vấn đề.

Nói cũng như viết: Ngắn hay dài, điều ấy có tốt hay không còn tùy thuộc vào nội dung. Content ngắn không phải thứ gì cũng là rác. Content dài mà chẳng nói lên điều gì thì cũng không có mấy giá trị.

Câu chuyện số 2

Trong tập số 48 của podcast Have A Sip, bác Đặng Hoàng Giang có kể về hành trình viết nên 5 cuốn sách của mình, trong đó có một ý tưởng như thế này: Nếu như chắt lọc hết những bài học và trải nghiệm trong cuộc đời của một con người thì ta có khả năng viết nên một, hoặc hai cuốn sách. Nhưng đến cuốn sách thứ ba thì khó mà làm lại được điều đó lần nữa. Tới đây là khi mà công việc thực sự bắt đầu – người ấy sẽ phải đi ra ngoài, gặp người này người kia, thậm chí mời họ vào trong những trang viết của mình. Có thể nói điều quyết định sự nghiệp dài hơi ở một cây bút nên chỉ được xét từ cuốn sách thứ ba trở đi của anh ta.

Nếu như nói mỗi con người đều có một thế giới riêng với các góc nhìn và trải nghiệm cá nhân; thì việc viết giúp mình cảm nhận được ranh giới của thế giới ấy. Nó ở đó, mỏng tang và bồng bềnh như một màng bong bóng xà phòng, dễ vỡ trước đủ thứ ngoại lực.

Con chữ thúc đẩy mình làm một công việc không cấp bách nhưng vô cùng quan trọng: Liên tục va chạm và mở rộng thế giới của bản thân.

Câu chuyện số 3

Hồi đầu tháng, trong buổi offline đầu tiên của lớp Writing On The Net từ MỞ – Mơ và Hỏi, mình có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện cùng anh Trần Việt Hà (anh Cá, founder Chiêm Tinh Học Tâm Lý) trong một nhóm nhỏ giữa học sinh khóa mới và khóa cũ.

Một mối lo chung khá phổ biến là chuyện thiếu ý tưởng. Bước vào một thử thách viết 30 ngày liên tục, ai cũng có sự nghi ngại ít nhiều về những trở ngại kiểu như vậy.

Photo by Priscilla Du Preez on Unsplash

“Nói chung em cứ làm những công việc hàng ngày như bình thường. Đừng vì viết mà đóng cửa với thế giới.

Những gì mà chúng ta sáng tạo ra đều phải bắt đầu từ đâu đó, trong đấy cuộc sống của chính em là một điều không thể thiếu. Một ngày bình thường của em, em thức dậy, rồi em ăn sáng, đi học đi làm, rồi về nhà tắm rửa nghỉ ngơi – nó cứ trôi qua như vậy, và nhiều lúc chúng ta cũng chẳng nhận thức đầy đủ rằng chúng ta đang làm một cái gì đó. Nhưng khi em ép mình phải viết, phải cho ra một thứ gì đó, điều ấy buộc em phải mở to các giác quan, kiếm tìm cảm hứng từ trong những điều nhỏ nhất.

Trải qua thử thách rồi, anh có một cảm nhận như thế này: Suốt thời gian diễn ra thử thách, anh thấy mình sống chậm và sâu hơn. Những ngày ấy đối với anh như dài ra, và anh cảm nhận mình đang sống nhiều cuộc sống cùng một lúc, gấp nhiều lần cái cách bình thường anh vẫn sống.”

Anh Cá nói với tụi mình như vậy. Và kết luận, “Viết nhắc nhở mình sống nhiều hơn ở giây phút hiện tại, em ạ.”