Chủ nhật vừa rồi, Hanoi Rock City tròn 14 tuổi. Cùng chung vui với dấu mốc đó, anh Thu Vũ “Kirby” cùng Wonderfunk Vietnam tổ chức giải đấu nhảy “Zất Là Vui” mùa thứ 4.
Tôi đi đấu.
Như thường lệ, tôi tạch prelim.
Nhưng cái tạch prelim này đã khác. Tôi đã khác, và điều tôi nói với mình cũng đã khác.
Trong vỏn vẹn gần 5 năm đi nhảy của tôi, số lần tôi đi đấu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đáng ra, với một hip-hop dancer với mảng chính là freestyle, tôi phải đi đấu nhiều hơn thế. Những người anh em mà tôi quen, họ đấu với tần suất hầu như hàng tuần, hay chí ít là ít nhất mỗi tháng một giải.
Việc đi đấu không đơn thuần chỉ là để cố gắng giành giải (mặc dù nó thường là mục đích cuối cùng), mà đó còn là đi giao lưu với cộng đồng, khẳng định sự hiện diện của bạn và cho mọi người biết rằng “tôi vẫn đang hoạt động”. Có những người bạn của tôi, họ đi đấu và thắng giải với tần suất nhiều tới độ quyết định đi giải giờ đây đối với họ giống như một quyết định “đi làm kinh tế”. Nếu giải thưởng hợp lý và xứng đáng (và một vài yếu tố cá nhân khác phù hợp), họ sẽ tham gia.
Trong 5 năm đó, tôi vẫn học workshop, vẫn tập lớp, vẫn đi diễn, vẫn casting, vẫn giao lưu với những người anh em, chơi cùng người cũ và quen thêm người mới. Chỉ trừ có một điều, tôi không đi đấu.
Tôi phải thừa nhận rằng, việc không đi đấu làm tôi mất đi nhiều thứ. Sự “thoắt ẩn thoắt hiện” của tôi cũng làm cho phần nhiều những người bạn mới của tôi trong nhảy múa sớm trở thành những người chả nhớ tôi là ai, cùng lắm thì chỉ mang máng một cái tên, một cảm giác rằng “em này trông quen quen”, nếu như họ có cơ hội nhìn thấy mặt tôi lần thứ hai thật. Tôi vẫn nhớ, vẫn biết mọi người – vì tôi vẫn theo dõi hoạt động của các anh chị em. Về phần tôi, tôi đi lên núi sống đời ẩn dật, chưa biết ngày nào tái xuất giang hồ.
Tôi có nhiều lý do để giải thích cho điều này: Nào là tôi vẫn là sinh viên đại học, lại còn học ở ngôi trường “đầu hàng” Việt Nam trong một cái ngành cũng “khoai” không kém; nào là tôi cũng muốn mình phải học giỏi cơ; nào là tôi cũng phải tính bài toán kinh tế khi bỏ tiền ra đấu giải; nào là tôi bận đi cái này thì không đi được cái kia; nào là tôi có lịch tập khác, lịch đi diễn, nhà bao việc,…
Nhưng hôm nay tôi sẽ kể cho bạn nghe, lý do thực sự đằng sau việc tôi đã không có mặt trong những giải đấu trong suốt 5 năm qua.
Vào gần sinh nhật năm 17 tuổi, tôi đi đấu giải đấu hip-hop đầu tiên trong đời mình.
Giải cũng nhỏ thôi, của studio tổ chức cho học viên, gọi là cơ hội để các bạn thể hiện những gì đã được học. Gần dịp cuối năm, giải cũng là dịp để mọi người cùng nhảy với nhau, tổng kết một năm, có chút cạnh tranh cho thêm phần sôi nổi.
Thể thức là chia thành các vòng và cypher, judge đi loanh quanh vừa quan sát vừa chấm điểm trong đầu. Họ sẽ chọn ra những người mà họ cho là xứng đáng để đi tiếp và vào vòng sau. Sau đó là đấu trực tiếp 1-1.
Tôi nhảy với 200% sức của mình trong ngày hôm ấy.
Nhưng cuối cùng thì tôi không được chọn.
Giải từ 1 giờ chiều tới tối, cypher đâu đó khoảng tiếng rưỡi, sau đó bắt đầu vào đấu theo top loại trực tiếp. Tôi bị loại sớm, ngồi ở ngoài xem mọi người nhảy tiếp. Một cảm xúc khó chịu cứ dồn ứ lên tới tận cổ họng tôi, chỉ chực trào ra ngoài. Gần chiều tối, khi vẫn còn đang ở Top 32 hay Top 16 gì đó, tôi không chịu nổi nữa phải ra về. Cúi gằm mặt trên đường, tôi bước từng bước nặng trịch trên lề phố, cứ phăm phăm đi sợ ai đó nhìn thấy mình đang khóc. Tôi chẳng thèm bắt xe buýt. Tôi cuốc bộ 5 cây số, vừa đi vừa ôm nỗi buồn của chính mình.
Về nhà, như bao người giáo viên có tâm khác, chị giáo của chúng tôi cũng đưa nhận xét cho từng người. Tại sao các em bị loại, chỗ nào các em cần cải thiện. Foundation của em chưa tốt đâu. Em không đẩy năng lượng lên được như lúc ở lớp. Việc các em nghĩ là các em tập “đủ nhiều” rồi nhưng thực ra là chưa hề đủ.
Thất bại đó như một cú tát vào mặt tôi, tôi cứ nghĩ trước giờ tôi ngon nghẻ lắm. Tôi dạ vâng, cảm ơn mọi người vì những phản hồi để mong mình tốt lên. Dù sao tôi cũng phải hạ cái tôi xuống để có thể tiếp thu những lời này.
Nhưng có một điều gì đó đã mãi mãi vỡ nát trong tôi, mà những điều được nói ra ngày hôm đó đã không thể hàn gắn chúng lại được.
Nhảy bỗng dưng trở thành thứ gì đó tôi không thể tận hưởng nổi được nữa. Giây phút đó, nó như là thứ gì đó máy móc, là một thứ kỹ thuật đơn thuần cần phải được rèn luyện, được đem ra đấu đá để chứng tỏ, để cạnh tranh với người khác. Việc tôi không được chọn phản ánh trình độ yếu kém của tôi, phản ánh chính con người tôi kém cỏi.
Giải đấu đầu tiên trong đời tôi, ai ngờ cũng là giải đấu cuối cùng suốt một thời gian dài sau đó. Trớ trêu thay, nó lại tên là “The Beginning Battle”.
Phải mất nhiều năm để tôi tiếp tục bền bỉ học tập, có những trải nghiệm và tự phản tư, làm việc với chính con người mình để nhận ra và thấu hiểu những gì đã diễn ra ngày hôm ấy.
Đối với tôi, ở thời điểm này, tôi và nhảy vẫn còn ở trong một mối quan hệ yêu-ghét phức tạp. Nó cho tôi thể lực, nhưng cùng lúc lại bào mòn tôi như đốt cháy một ngọn đuốc. Nó cho tôi những người bạn, nhưng đồng thời càng gần nhau, càng làm việc cùng nhau chúng tôi lại càng nhìn thấy nhiều mặt của nhau. Nó cho tôi cộng đồng, nhưng song song với đó lại cho tôi cả những thứ xấu xí phía sau danh tiếng, tiền bạc, và những điều phía sau một nghệ danh. Nó cho tôi một nơi để tôi sáng tạo và thể hiện, nhưng cũng mở ra hố sâu thăm thẳm tới những thứ đen tối nhất trong chính bản thân tôi.
Giá như năm ấy, có ai đó đã đặt tay lên vai tôi và nói với tôi rằng:
Một thất bại không định hình hoàn toàn con người em. Việc nghệ thuật của em không được chọn cũng không nói rằng em vô giá trị.
Một giải đấu không phải là tất cả. Quyết định của judge cũng không phải là tuyệt đối. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng thắng hay bại. Có những người họ chỉ đứng ở đó, nhưng cái “aura”, cái tên tuổi của họ đã thắng em rồi, chẳng cần em thậm chí phải bắt đầu.
Nhảy múa đâu chỉ có mỗi đấu đá.
Và đúng, em có thể đang kém thật đấy. Nhưng nhớ rằng:
Nếu hôm nay chưa giỏi, thì mai giỏi.
Bằng một cách nào đó, tôi đã cố gắng để nói được với mình những lời này, 5 năm sau ngày đó. Cũng là một thời gian dài, nhưng tôi nghĩ, có những thứ cần thời gian để chín, vậy thì mình hãy tôn trọng tiến trình tự nhiên của nó thôi.
Và có lẽ, cũng bằng một cách nào đó, tôi đã vượt qua được “trận đấu đầu tiên” năm nào!