Man muss noch Chaos in sich haben, um einen tanzenden Stern gebären zu können.
― Friedrich Nietzsche, Thus Spoke Zarathustra
The ideal is unnatural naturalness, or natural unnaturalness.
― Bruce Lee, Bruce Lee: Artist of Life
Những con dao hai lưỡi có ở khắp mọi nơi, ngay cả trong lựa chọn của mỗi chúng ta. Bài viết này thuộc Series “The Gray Line” (Đường kẻ xám), nơi mình thảo luận về những câu chuyện đa nghĩa trong cuộc sống.
I
“À, lớp chị dạy mới có thêm chị H. Nghe nói là đi học như để bổ trợ cho thực hành của chị ấy. Em có biết không?”
“Có, em có biết. Trước từng đi học một lớp hay workshop hay gì đó từ chị ấy. Chị H. làm trị liệu tâm lý thông qua sáng tạo, có dùng đến múa hay chuyển động để chữa lành ấy.”
Hết giờ tập. Mình ngồi ngẩn ngơ nghe hai chị lớn nói chuyện.
“Thảo nào… Ừ, chị cũng hiểu là người ta đi học để có thêm chất liệu cho cái họ làm. Nhưng chị thấy chị ấy bị kiểu… Thế nào nhỉ, kiểu như là hay hỏi nhiều ấy: ‘Động tác này để làm gì? Làm cái kia để làm gì?’ Nói chung là rất hay hỏi mục đích tại sao lại cho lớp làm cái này cái kia.”
“À, em nghĩ cũng là vì người ta thực hành như thế, thì người ta cũng muốn hiểu liệu múa thế này thế kia thì có tác dụng gì với cơ thể hay tâm trí gì không á.”
“Ừ, thì đấy. Nhưng mà… Chị kiểu ‘Bạn cứ tập trung múa đi đã. Không phải nhất thiết làm cái này hay cái kia thì có mục đích gì cụ thể đâu.’”
“Đúng là có người hỏi nhiều quá mà quên đi mục đích chính là tập luyện thật.”
Im lặng.
“Ờm, em nghĩ là,” Bấy giờ mình mới lên tiếng. “Có lẽ đối với chị ấy thì chuyển động là một phương tiện để đến cái đích nào đó nữa. Còn đối với chúng ta thì bản thân chuyển động là cái đích rồi.”
II
Tạm gác câu chuyện trên sang một bên.
Bây giờ, tưởng tượng bạn có một đồng xu trên tay.
Bạn có thể tìm thấy bao nhiêu trạng thái của nó?
Mặt sấp ở trên, mặt ngửa ở trên, và còn gì nữa?
Bạn có tin rằng, có một trạng thái thứ ba mà đồng xu này có thể tồn tại không?
Một trạng thái không phải mặt sấp, cũng không phải mặt ngửa. Nó không thuộc về trường hợp nào trong hai trường hợp trên – trừ khi bạn buộc phải kết thúc trạng thái đó và đưa nó về sấp hoặc ngửa. Trong quá trình nó ở trạng thái thứ ba kia, nó vừa là sấp và vừa là ngửa – miễn là, mình vẫn phải nhắc lại – bạn không kết thúc trạng thái này của nó theo một cách nào đó, để đưa về hai cái kia.
Trạng thái này có trên thực tế không? Có.
Làm thế nào? Hãy xoay đồng xu. Hoặc tung nó lên thật cao.

Trong quá trình này, khi đồng xu chưa trở về trạng thái đứng yên, chúng ta không quyết định được nó ở mặt sấp hay mặt ngửa. Trong vật lý lượng tử, trạng thái này được gọi với cái tên rất kêu “Superposition” (Chồng chập lượng tử)
Bạn đọc quan tâm sâu hơn có thể tìm đọc về Thí nghiệm khe kép, hay Con mèo của Schrödinger.
III
Lại quay về với cuộc hội thoại ban đầu. Các chị gật gù, ừ đúng, cái giải thích của em nghe có vẻ hợp lý đấy.
“Em nghĩ cái hỏi của chị ấy âu cũng là tự nhiên thôi. Giống như ngày hôm qua em cãi thầy ấy: Khi mình học nhiều môn, nhiều trường phái khác nhau, có những lý thuyết và cách làm đập vào nhau chan chát. Người thầy cứ dạy những gì họ có, song anh học trò thì phải vật lộn với mâu thuẫn trong chính anh ta.”
Đứng trước một mâu thuẫn, chúng ta có xu hướng muốn một sự rõ ràng. Ta cố gắng để đưa ra lựa chọn, hoặc là cái này, hoặc là cái kia. Trí óc của chúng ta không thích một sự mập mờ: Như trạng thái của sự chồng chập, ta tốn quá nhiều năng lượng để duy trì được nó.
Tuy nhiên, trong quá trình đi học, việc gặp phải những lời dạy có phần trái ngược nhau là chuyện khá thường tình. (Ít nhất là với mình!) Đi học kỹ thuật, rõ ràng 1 + 1 = 2 thì không nói, nhưng đi học nghệ thuật thì là cả một câu chuyện khiến đầu bù tóc rối.
Điển hình như:

Không chỉ là giữa những lời dạy của các thể loại, ngay cả riêng trong một lớp học:

Thế giờ phải làm sao?
IV
Mình tiếp tục trình bày:
“Nhưng thời gian gần đây em đã thử nghiệm được một cách thức tiếp cận phù hợp với mình hơn:

Đấy là mình giữ cái cốt lõi của mình, rồi mở mình với những ý tưởng mới. Giống như đi trên dây: Mình không ngả sang một bên nào quá để rồi ngã khỏi cái gốc rễ. Đối với người thầy có xu hướng mong muốn một thứ này, em sẽ thử để vừa tôn trọng thứ của thầy và vừa làm cái của em. Và khi đổi thầy thì em lại tiếp tục như thế, lần này là theo một hướng khác tương ứng với cái dạy của người đó.”
Thay vì là một bit thông thường, tại sao ta không đưa bản thân trở thành một qubit (bit lượng tử)?
Hành trình tiếp nhận, sống chung, và lựa chọn gỡ rối hay không những lằn ranh của những thứ nghe chừng mâu thuẫn hoàn toàn không phải điều dễ dàng.
Nhưng mình tin nó đáng để làm, để trải qua, để nghĩ đến sứt đầu mẻ trán.
Bởi vì, sau tất cả những chuỗi ngày đó, khi mở hộp ra, bạn sẽ mừng biết bao khi biết rằng chú mèo trong hộp vẫn còn sống khoẻ mạnh. Và nhận ra tất cả chỉ là một thể thống nhất.