sudo: 5 điều tôi học về lãnh đạo

crop black businesswoman reading newspaper near modern building

Cái ngày tôi khám phá ra làm admin (quản trị viên) thì có nhiều quyền hạn hơn người dùng thường, chưa kịp chọc ngoáy gì, cái máy tính đã kịp thời giảng ngay cho tôi một bài học đạo đức:

“With great power comes great responsibility” (Quyền lực lớn đi kèm với trách nhiệm cao) là câu tôi đang muốn nói đến. Xuất phát từ Marvel, câu châm ngôn này đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng.

Ngoài chuyện ngày ngày gõ phím và ngày càng học được nhiều câu lệnh nguy hiểm hơn, dạo gần đây tôi cũng được giao thêm khá nhiều trọng trách trong nhiều khía cạnh khác. Nói là làm lãnh đạo thì tôi thấy… to tát quá, tôi còn nhiều thứ phải học lắm – song những vị trí này, quả thật, cho tôi nhiều quyền tự quyết, và đi kèm với đó là những trách nhiệm lớn hơn.

Tôi có thể ngồi đọc John C. Maxwell cả ngày và gật gù với một câu hay ho nào đó của ông về thuật lãnh đạo, nhưng có lẽ cái cách thực tế tát vào mặt tôi (không trượt phát nào!) lại khiến tôi học với một tốc độ thần thánh hơn nhiều – Tôi học như chưa từng có ngày được học.

Phải học và sửa thật nhanh, vì đó là một vấn đề sống còn, của chính tôi và những người đã lựa chọn theo tôi.

Bài viết ngày hôm nay là “trải lòng”, sau một chuỗi sự kiện mà tôi phải nắm cây gậy quyết định.

1 – Lãnh đạo ≠ Quản lý

Không phải tự dưng mà người ta giao nhiều trách nhiệm như thế cho tôi. Ai cũng phải bắt đầu từ đâu đó. Những ngày đầu, tôi cũng là trưởng ban, nhóm trưởng, lớp trưởng này nọ. Nói là “trưởng”, nhưng những vị trí ấy chỉ dừng ở tính chất của một vị trí quản lý hơn là một người lãnh đạo.

Nói toạc móng heo là tôi xung phong vào vị trí “vác tù và hàng tổng”.

Tôi đảm bảo là mọi người hoàn thành việc tôi phân, và đứng mũi chịu sào để báo cáo với “cấp trên”, ở đây là thầy cô, anh chị em ở các cấp cao hơn. Sở dĩ tôi cảm thấy việc đó giống với quản lý hơn là vì mọi thứ đều đã được quyết định rồi, việc tôi làm chỉ là khiến cho mọi thứ đi đúng theo kế hoạch. Đôi lúc giống chân sai vặt. Không có sáng tạo gì mấy. Chủ yếu là phân tích yêu cầu để chia việc, rồi theo dõi tiến độ mà thôi.

Tuần trước, tôi vừa “chạy sô” cho một tiết mục trong hội thảo của Viện Khoa học Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường. “Chạy sô” theo đúng nghĩa đen: Tôi chỉ có vỏn vẹn 3 ngày để lên chương trình, biên đạo, âm thanh, trang phục… Show này làm tôi phát ốm. Tôi hẹn sẽ kể cho bạn trong một bài viết khác sau.

Cuối cùng thì mọi sự cũng diễn ra trôi chảy. Đánh giá là như vậy, nếu như ta tạm gạt đi tiêu chuẩn và xu hướng cầu toàn của chính tôi. Lần đầu nhận làm đạo diễn, tôi thấy mình yếu kém khủng khiếp.

Kết thúc tiết mục, các nghệ sĩ ra về. Tôi đi uống nước với anh tôi, một người trong đội và đã là một biên đạo múa lâu năm.

Ngồi nói chuyện với anh, tôi nuốt từng lời anh dạy. Hoá ra một đạo diễn không chỉ có mỗi việc nói với diễn viên của mình cô ta muốn họ phải làm gì – mà còn:

  • Quản lý năng lượng và trạng thái cảm xúc của cả team trong khi luyện tập, rehearsal hay onset*;
  • Tinh chỉnh lịch trình và chủ đề luyện tập phù hợp;
  • Biết minh hoạ – bằng bất cứ kênh truyền tải nào (múa, nói, viết…) – để diễn đạt được cho người khác hiểu cái mình muốn;
  • Làm việc hiệu quả với các trợ lý – trong trường hợp không có trợ lý, phải “làm dâu trăm họ”, kết nối được các team (âm thanh, hình ảnh, trang phục, makeup, địa điểm,…) lại với nhau;
  • Giao tiếp kịp thời và hiệu quả với bên “đặt hàng”, tức là bên chủ chương trình hay khách hàng của mình;
  • Chấp nhận được sự khác biệt của yếu tố con người, không để cảm xúc chi phối tiêu cực đến các quyết định: Có khả năng chịu đựng những giây phút khó chịu, căng thẳng, mâu thuẫn, áp lực cao;
  • Quản trị rủi ro đi kèm;

… vân vân và mây mây.

Photo by ThisisEngineering on Unsplash

Giả dụ như thuật lãnh đạo thực sự được gói gọn trong bộ Tứ thư lãnh đạo của Hoà Nhân, tôi thấy mình như kẻ mới đọc mỗi cuốn “Thuật quản trị”, mà lại còn chưa áp dụng được cho ra hồn. Có nhiều thứ phải bao quát và quán xuyến, tôi nghe mà óc quay mòng mòng.

Từ một người bình thường chỉ biết tung một trái bóng, tôi phải luyện thành diễn viên xiếc trong trò chơi mang tên lãnh đạo với vô vàn những trái bóng nữa:

Tôi nghĩ mình sẽ cần kha khá thời gian để dần có được khả năng này.

2 – Học nói điều mình muốn

“Điểm bùng phát” cho việc tôi nhận ra mình đang được giao làm lãnh đạo là việc tôi được nghe đi nghe lại một câu hỏi vỏn vẹn ba chữ:

“Em muốn gì?”

Trước quầy kem hay quầy bánh mì, có lẽ tôi không gặp khó khăn lắm với việc đưa ra câu trả lời. Nhưng trước một đoàn người hơn trăm mạng, trước một bản kế hoạch chương trình trắng trơn, hay vài chục phút trước giờ lên sân khấu, tôi thấy câu hỏi này có một sức nặng lạ kỳ.

Từ chỗ tuân theo lệnh, hay nhận lệnh rồi xử lý lệnh, giờ cỗ máy là cái đầu tôi cần được nâng cấp để đảm đương một đòi hỏi mới là tự sáng tạo ra lệnh. Người ta bắt đầu hỏi ý kiến của tôi, cần tôi “tham mưu”, hay chờ đợi quyết định đến từ phía tôi. Họ cần ý tưởng, và hơn thế nữa: Họ cần sự chắc chắn và quyết đoán của tôi đối với đề xuất đó, chứ không phải cái mạnh miệng chém gió bâng quơ.

Tôi toát mồ hôi hột. Vì nhiều lúc tôi cũng đã nghĩ ra được cái gì đâu.

Những lúc như thế, tôi lại càng thấy thấm thía cái câu “Lãnh đạo là thu phục được lòng người.” Bằng một cách nào đó, những người dẫn dắt xoay sở được mớ bòng bong trong chính bên trong họ và đồng thời khiến cho những người khác an tâm. Trong giây phút nước sôi lửa bỏng, phải bản lĩnh lắm mới giữ được bình tĩnh; chứ chưa nói đến chuyện ra quyết định.

Photo by Natalie Pedigo on Unsplash

Năng lượng là thứ dễ lây lan; nếu bên trong bạn thực sự không ổn, người khác cũng sẽ cảm nhận được, bất luận là bạn có cố tỏ ra như thế nào. Tôi học cách thành thật với chính mình, vứt cái tôi đi để đối thoại chân thành và thẳng thắn, hỏi ý kiến của cả đội về điều mà tôi chưa biết chắc.

Có ai bảo làm lãnh đạo là phải biết mọi thứ đâu?

Đừng đặt áp lực ấy lên bản thân bạn. Hãy suy nghĩ để đưa ra kiến giải. Nếu không thể, hãy trình bày và kêu gọi sự giúp đỡ.

Kể cả khi tôi biết mình muốn gì, cách mà tôi diễn đạt nó với những người cùng làm lại là cả một nghệ thuật.

3 – Phong cách sẽ đến dần theo thời gian

Trước đây, tôi có trong đầu một cái niềm tin rằng làm lãnh đạo là ăn to nói lớn, năng lượng bùng nổ, từng câu từng chữ nói ra là lấn át người khác, khiến họ phải răm rắp làm theo. Thứ lỗi cho tôi vì cái liên tưởng kỳ quặc tôi sắp nói ra đây: Tôi hình dung người lãnh đạo như rồng thét ra lửa, vỗ ngực bùm bụp như Vua khỉ đột và bước đi ầm ầm như một con Titan.

Xin lỗi, có vẻ như tôi đang tả quái thú mất rồi.

Câu chuyện ở đây là, tôi tìm thấy một bản thân hoàn toàn khác khi bước vào vị trí ấy. Tôi quan sát người khác như mấy con cú vọ, im im lâu mới mở miệng như cá vàng, và đặt câu hỏi liến thoắng như tụi vẹt.

Photo by SLNC on Unsplash

Trong quá trình làm việc, tôi đã và đang ở “dưới trướng” của khá nhiều con người. Mỗi người lại có lối lãnh đạo riêng biệt. Có người năng lượng và quan tâm, có kẻ thấu đáo và kín tiếng. Có người khiến tôi cảm thấy hơi “sợ”, có người lại như bạn đồng hành. Có những người chỉ nhỏ nhẹ gợi ý, mà tôi cảm giác mình sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành cho tốt nhiệm vụ.

Tôi học của mỗi người một ít, xào nấu với tính cách sẵn có của mình. Vẫn còn nhiều điều mà tôi chưa hiểu hết về phong cách của bản thân, nhưng dưới đây là một vài điều tôi đúc rút ra:

  • Có những thứ tôi thấy rất thích ở một người, nhưng tôi hoàn toàn không thể làm như người đó được. Phần vì cảm thấy “không đúng”, “không hợp” với bản chất con người mình, phần vì tôi có thể còn đang thiếu sót điều gì đó.
  • Phong cách cũng giống như một thói quen tốt được rèn giũa – nó chỉ được định hình khi ta làm nhiều theo thời gian. Tôi chẳng thể thức dậy vào một ngày mai và quyết định “Tôi sẽ là một nữ lãnh đạo như Margaret Thatcher” rồi tôi sẽ hành động như bà ấy khi tôi dẫn dắt đội. Điều ấy đơn giản là không thể.
  • Nếu như một tay viết văn biết việc đọc là thứ phải làm để hắn nuôi hi vọng mình sẽ viết ra cái gì khấm khá hơn, thì một kẻ muốn làm lãnh đạo phải hiểu rằng học từ chính lãnh đạo hiện tại của mình là một điều bắt buộc. Ngoài “nấu xói” sếp, có lẽ ta cũng nên bắt đầu tìm kiếm để học cái hay ho của người ấy. Họ ở vị trí đó ắt hẳn phải có một lí do nào đó – bất luận điều ấy có thuyết phục với bạn hay không – chí ít ta cũng nên hiểu được tại sao.

4 – Áp lực đến từ chịu trách nhiệm

Trong đội nhóm, tôi luôn là một trong những người đầu tiên giơ tay sau câu hỏi “Ai có ý tưởng gì không?” Tôi nghĩ đó một phần là tự nhiên, một phần là vì tôi hay học, đọc, xem nhiều lĩnh vực, nên có kha khá “vốn” để xâu chuỗi và sáng tạo.

Photo by FORTYTWO on Unsplash

Ở vị trí là một thành viên bình thường, tôi cảm thấy khá dễ dàng trong việc nêu ý kiến ý cò. Cá nhân tôi cũng quan sát thấy điều ấy ở những người đồng đội. Khi không phải là người chịu trách nhiệm, việc nêu ý tưởng là cái gì đó khá nhẹ nhàng.

Được giao cho vị trí chủ chốt, khi mỗi thứ mình đưa ra đều là những thứ có khả năng quyết định toàn cục, tôi cảm thấy cần phải cẩn trọng hơn trong mỗi nước đi. Tự dưng tôi thấy mình chậm lại, chứ không nhanh nhảu đoảng như trước được nữa. Tôi vẫn có thể đưa ra ý tưởng, nhưng mọi thứ không dừng lại ở đó. Tôi phải suy nghĩ để tiếp tục trình bày và giải thích cho những thứ mình đưa ra – nó có ổn/ đúng hay không, tại sao là phương án này mà không phải phương án khác, cái được cái mất…

Photo by Dan Dimmock on Unsplash

Dĩ nhiên, tôi không thể đóng cửa và bảo với cấp trên, “Cho em 2 năm suy nghĩ.” Cẩn thận là tốt, nhưng tốc độ cũng là yếu tố cần phải cân nhắc tuỳ tình huống. Đã đòi hỏi phải quyết đúng, lại còn quyết nhanh, và rồi lại còn chịu trách nhiệm cho điều ấy – hoá ra game khó là như thế này đây.

5 – Rèn luyện để đưa ra quyết định

Người ta cứ bảo làm sếp thì chỉ tay năm ngón. Tôi thì thấy việc giơ ngón tay lên mà chỉ được đã là giỏi lắm rồi.

Thứ nhất, việc đưa ra quyết định là một tác vụ đòi hỏi nhiều năng lượng, vậy nên hãy tối thiểu hoá số lượng quyết định mà bạn phải đưa ra trong ngày để tập trung vào số ít thực sự quan trọng.

Nếu như mỗi sáng tôi phải nghĩ xem hôm nay nên mặc cái áo nào, đi đôi tất màu gì và xỏ vào cái quần nào, có lẽ tôi sẽ chẳng còn sức làm bất kỳ thứ gì khác nữa. Tôi không nói chuyện phối đồ là thừa thãi – đây chỉ là một ví dụ – ý của tôi là bạn phải xác định xem cái gì là quan trọng với bạn để chú tâm. Nếu bạn là một fashionista hay một người mẫu, việc lựa đồ nên là thứ được đầu tư xứng đáng.

Photo by Keagan Henman on Unsplash

Với tôi, việc lựa đồ luôn được làm xong trước khi tôi đi ngủ, để tiết kiệm sức lực cho sáng sớm ngày mai.


Thứ hai, trước một loạt đề xuất mà mọi người đưa đến cho bạn, bạn sẽ chọn cái nào? Liệu có phải có nhiều ý kiến hơn sẽ là một điều tốt? Dù sao thì ta vẫn thường lo việc thiếu kiến giải hơn là việc thừa nó, nhưng đôi khi nhiều hơn cũng không phải là một điều tốt.

Nghịch lý Lựa chọn (The Paradox of Choice) là một ý tưởng được khởi xướng lần đầu bởi nhà tâm lý học Barry Schwartz trong cuốn sách cùng tên của ông vào năm 2004. Nghịch lý này giải thích khi con người đứng trước quá nhiều lựa chọn, thay vì hài lòng và hạnh phúc hơn, chúng ta có xu hướng khó đưa ra quyết định và cảm thấy bất mãn dù chọn bất cứ điều gì.

TED Talk của Barry Schwartz, 2 năm sau khi cuốn sách của ông ra đời, cũng là một TED Talk rất nổi tiếng với hơn 16 triệu lượt xem tính đến thời điểm hiện tại.

Điều này xảy ra là bởi:

  • Với càng nhiều lối đi để lựa, ta cảm thấy ngần ngại hơn trước việc cam kết với chỉ một con đường bất kỳ
  • Quỹ năng lượng bị phân tán khi cân đong đo đếm trước hàng loạt đối tượng, ta đứng núi này trông núi nọ
  • Tâm lý “tối đa hoá”, luôn muốn có nhiều hơn, đạt được cái tốt nhất, chọn được thứ đúng nhất có thể; về bản chất cũng giống như sự cầu toàn, không bao giờ đạt được tuyệt đối.

Chúng ta có xu hướng đồng nhất sự tự do đồng nghĩa với việc có nhiều lựa chọn hơn. Nhưng việc có quá nhiều lựa chọn lại khiến cho ta tê liệt.

Giống như bác Haruki Murakami, tôi không muốn nhập nhằng công việc với tình yêu, nhưng nghịch lý này cũng tồn tại trong câu chuyện hẹn hò, như trong bài viết của Trân Trân trên Vietcetera.

Giải pháp cho điều này? Hãy chọn một thứ và cam kết với nó. Rồi bạn sẽ lại hỏi, “Liệu tôi đã có thể ở một vị trí tốt hơn nếu như tôi đã chọn một thứ khác?” Lúc ấy, xin bạn hãy nhớ rằng, bạn không bao giờ có thể biết được mình có thực sự đã tốt hơn hay không, nếu như bạn đi con đường còn lại, con đường mà vốn dĩ bạn đã không bao giờ bước đi từ đầu.

Kết

Thú thực là viết bài này, tôi vẫn còn thấy mình non và xanh lắm, có nhiều chỗ tôi nói mà tôi cũng chưa làm được nó 100%.

Bài học ghi lại như cuốn sổ tay, chỉ thực sự có ích với người làm và trải, không ứng dụng e sẽ khó có tác dụng. Chia sẻ của tôi, mong là hữu ích với bạn, như là lời gợi mở hay lời nhắc, để bạn vận dụng vào chính cuộc sống của mình.


*Onset (Thuật ngữ ngành Điện ảnh): Trạng thái khi đang ở trong một set quay, khi cả đội đang làm việc để ghi hình.