Chia sẻ trên Internet: Chuyện metric, filter, làm chuyên gia, và ý nghĩa của hành trình sáng tạo nội dung số
Năm cuối lớp 12, mình đã mở một tài khoản studygram.
“Studygram”, chơi chữ của “study” (học) và “Instagram” (tên mạng xã hội này), là cách gọi những tài khoản người làm nội dung số về chủ đề học tập. Những gì mà những nhà sáng tạo nhận mình thuộc thể loại này làm bao hàm khá nhiều chủ đề, từ những chia sẻ về học tập, năng suất, tới journaling (với nhiều hình thức như bullet journal, scrapbook, art book…), setup bàn làm việc, hay vlog ở trường lớp.
Sau đó đâu được khoảng 4 tháng, với tần suất đăng hầu như 1 tuần 1 bài, mình đã xóa tài khoản đó đi. Chấp nhận mọi sản phẩm của mình bốc hơi khỏi Internet.
Gắn bản thân với những con số
Khi bạn làm một nhà sáng tạo trên mạng xã hội, những nền tảng này cho phép bạn lựa chọn chuyển đổi tài khoản từ tài khoản người dùng thông thường sang tài khoản Creator. Loại tài khoản này ngoài những chức năng thông thường của một người dùng còn có thêm rất nhiều công cụ mạnh giúp người sáng tạo số có thể làm được nhiều điều:
Công cụ đặt lịch đăng bài (Scheduling)
Công cụ tạo quảng cáo (Ads)
Công cụ chia sẻ đa nền tảng (Cross-platform Sharing)
Công cụ phân quyền quản lý (Page Manager)
Công cụ giáo dục & training dành cho nhà sáng tạo (Resources/ Academy)
và không thể không kể tới Công cụ Thống kê số liệu (Analytics).
Khỏi phải nói, những con số trong những thanh Reaction hay Like/Followers đã có khi làm người dùng thông thường xì-trét một – thì những con số tới từ Analytics khiến cho người làm sáng tạo căng thẳng mười. Bởi vì:
Những con số thống kê trong Analytics nhiều và đa dạng hơn so với tài khoản thường. Nó cho phép ta nhìn thấy quy luật và cả những gì mà nó tính toán và cho là ta đang đi lên hay đi xuống.
Một tài khoản cá nhân có thể chỉ đăng vì sở thích hay nhu cầu riêng. Nhưng nếu bạn đã nghiêm túc với việc sáng tạo, khán giả sẽ là thầy của bạn. Ta hướng tới tạo nên giá trị mà cả ta và người xem đều vui, chứ không chỉ là mỗi mình ta vui nữa.
Có điều này hơi khó nghe song mình đã vẫn phải nghe – và giờ xin được nói lại:
Nếu đã xác định làm nội dung hay truyền thông thì phải biết lắng nghe người tiêu thụ. Còn nếu chỉ làm cho mỗi mình mình sướng mãi thôi thì tốt nhất là nên xác định nó chỉ là tài khoản cá nhân.
“Mẹ em mới nói em là, ‘Con ạ, bất kể ai ở xã hội đều có thể chỉ ra một điểm xấu ở mình để mình có thể cải thiện thì đó là một người thầy. Nếu con muốn đi theo cái nghề này, làm công việc MC hay truyền thông thì con phải coi tất cả khán giả là người thầy.’ Mà đã là người thầy thì làm sao mình sân si được với thầy của mình? Mình phải biết ơn thầy, trân quý thầy, kể cả thầy có cho mình những bài thuốc rất là đắng, gọi là ‘Thuốc đắng dã tật’.”
— Khánh Vy, Tập #11 Podcast Gen Z Truyền “Bao nhiêu lần quay, bấy nhiêu lần sợ bị ghét”
4 tháng không phải dài, song với những con số bé nhỏ khi mới bắt đầu cộng với áp lực của việc thi Đại học, mình nhanh chóng cảm thấy khủng hoảng trong việc làm này. Mới làm không ai biết tới, chỉ lèo tèo vài đứa bạn vào trêu, mình thực sự đã cảm thấy nản. Những con số như những đánh giá đầy khắc nghiệt của một ông thầy khó tính. Mình đinh ninh là do mình làm không hay, mình chẳng có gì đặc biệt nên mới bị như vậy.
Phải công nhận là mình cũng đã thiếu kiên nhẫn. Nhưng còn gì đáng sợ hơn là khi ta mới mon men với những thử nghiệm ban đầu thì người quen ta đã phát hiện ra và vào bình luận cơ chứ.
Chia sẻ hay khoe khoang?
Tài khoản studygram năm ấy không phải thứ duy nhất mình đã xóa. Trước đó có rất nhiều lần mình đã thử nghiệm với những tài khoản ở những nền tảng khác, với những chủ đề khác mà bản thân quan tâm. Kết cục là giờ chúng hoặc là nằm một xó vì mình đã quên mật khẩu hoặc quên cả việc mình có nó – hoặc là đã bị “khai tử” khi mình nhấn nút Xóa tài khoản ở những nền tảng này.
Hôm offline lớp Writing On The Net ở Hà Nội nhân khóa 3 tháng vừa rồi, mình ngồi nói chuyện với anh Trần Việt Hà (Cá) về những nỗi sợ khi viết bài. Mình trình bày ngay lập tức, “Em sợ rằng việc mình chia sẻ bị đánh giá là khoe khoang.” Gặp phải ông thầy chiêm tinh học chính hiệu, mình bắt đầu bị anh Cá “tra khảo” về nguồn gốc sâu xa của việc tại sao mình lại có nỗi sợ này.
Tuy không có được trả lời câu hỏi ngay lúc ấy cho anh, song mình về nhà và ngẫm nghĩ nhiều về điều ấy. Và câu trả lời đến một cách khá tự nhiên.
Trước đây, ngoài tài khoản studygram, mình cũng có lập một tài khoản khác để chia sẻ về hành trình nhảy múa của mình. Vốn dĩ là đứa viết nhiều, ngoài việc chia sẻ những thể nghiệm chuyển động ra, mình gắn kèm với nó nhiều câu chữ, nhiều phần trong đó là những tâm sự khá dài mà mình chưa có cơ hội nói với ai bao giờ. Thời gian đó mình cũng là người khá ít nói.
Câu chuyện là một người chị bạn đã tìm thấy nó và đọc được hết. (Hồi ấy mình không để private, mà cũng không muốn để private – mình muốn nếu có ai cần điều ấy thì họ sẽ đọc được nó.) Trong một buổi tập, khi cuối giờ mọi người ngồi nói chuyện, chị ấy bỗng cold call mình “Tiểu Phương phát biểu gì đi chứ? Trên mạng thấy nói nhiều lắm cơ mà!”
Mình nghĩ chị cũng chẳng có ý gì xấu xa, song thực sự giây phút ấy mình chỉ như muốn nhảy luôn xuống tầng 1 để biến đi cho rồi.
Cũng chẳng biết phải giải thích cảm giác ấy thế nào, nhưng bạn cứ hình dung nó giống như bạn bị ai đó đọc trộm nhật ký. Và rồi trong một buổi tụ tập bạn bè, họ nói với bạn về một điều nào đó trong cuốn nhật ký và tất cả mọi người đều biết.
Mình không ngờ rằng chính điều ấy là nguyên nhân khiến mình cứ mở ra và xóa đi rất nhiều lần những tài khoản trong những dự định sáng tạo nội dung sau này. Cứ có người quen vào follow là mình chỉ muốn block họ (thực sự!) vì mình sợ rằng điều như trên đây sẽ xảy ra một lần nữa. Nỗi sợ ấy trồi lên kèm với những mớ bòng bong của người mới bắt đầu (và cứ là người bắt đầu một thời gian dài, vì cứ mở được tí lại đóng account) sớm muộn gì cũng khiến mình “bốc hơi” sau đó.
Đến mãi sau này, cụ thể là những tháng gần đây, mình mới có thể nói rằng mình đã phần nào được hồi phục từ những gì đã xảy ra năm ấy.
“No filter” nghĩa là có filter – tới một mức nhất định
Trên Internet, ta được chọn cái mình chia sẻ và cách mình chia sẻ. Nhưng đôi khi mọi thứ không đơn giản như thế.
Giống như cái cách người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn ở một nhãn hàng (Chúng tôi không chỉ cần một sản phẩm, chúng tôi cần những câu chuyện hay! Một brand biết bảo vệ môi trường và phúc lợi động vật! Một công ty làm ăn trung thực và luôn tiếp nhận phản hồi mới!), những người làm sáng tạo cũng phải vắt óc để đáp ứng được nhu cầu của những người tiêu thụ.
Một trong số đó là tiêu chí “transparency”, tạm dịch là “sự trong suốt” hay “sự trung thực”. Không gian mạng giờ “ảo” quá, cộng thêm Deep Fake và tin giả, nên người ta cần được hít thở lại những gì mà họ cho là thật hơn. Trào lưu #nofilter có thể nói đã là một cột mốc đánh dấu chính thức nhu cầu to lớn này.
Điều ấy đi kèm với một câu hỏi lớn: “Vậy thì bây giờ nên ‘thật’ tới mức độ nào?”
Một điều khó có thể phủ nhận là chúng ta là những con người với đủ những mặt tốt đẹp lẫn những mặt hạn chế. Bây giờ nếu tôi “thật” thì nghĩa là tôi sẽ phải đưa hết những gì của tôi ra? Cả cái xấu lẫn cái tốt?
“Em nghĩ là chúng ta vẫn cần đến những mặt nạ. Phải có mặt nạ chứ… Nó là cái thứ bảo vệ mình khỏi sự khắc nghiệt của thế giới ngoài kia, bảo vệ đứa trẻ bên trong mình.”
— MCK, Tập #117 Podcast Have A Sip “Những cách bao bọc đứa trẻ bên trong mình là gì?”
Mình nghĩ điều mà chúng ta có thể làm, ấy là tránh nêm mắm muối filter quá đà vào những gì ta chia sẻ. Còn nói cái gì và đến mức độ nào thì hãy cứ lắng nghe cảm xúc và mong muốn của bản thân. Nếu ta chia sẻ cái gì đó và kỳ vọng mình phải thành thật với điều ấy – trong khi lại cảm thấy cực kỳ không thoải mái – mình nghĩ khi ấy chúng ta có thể cho bản thân thêm thời gian. Cất ý tưởng ấy vào ngăn kéo và dùng cái khác trước đi.
Một đứa trẻ lên 10 đã biết viết nhật ký và giấu nó khỏi gia đình, thì cớ sao ta lại không biết giữ lại những mảnh của cuộc sống cá nhân khỏi Internet?
Những năm gần đây mình nhận ra ở một thời điểm, luôn luôn có người đã học cái mình đang học, và bản thân mình đã biết một điều mà ai đó khác đang tìm kiếm.
Trong khóa học Writing On The Net, mình được khuyên “Hãy viết cho bản thân 2 năm trước”. Ngoài ý nghĩa như là một lá thư tới từ tương lai, mình nghĩ âu nó cũng còn mang một ý nghĩa khác.
Tại sao sẽ luôn có ai đó cần những gì mình viết cho bản thân trong quá khứ?
Người ta thực ra chẳng quan tâm lắm 101 điều mà bạn tổng kết từ năm cũ về cuộc đời của mình, rồi những gì bản thân đã làm được trong mấy năm qua. Có chăng là một chút sự truyền cảm hứng mà thôi. Họ còn có cuộc đời của họ nữa chứ.
Nhưng mình nghĩ nếu mình có thể làm nội dung theo cái cách mà một ai đó – trong một vấn đề cụ thể, đang ở trình độ của mình 2 năm trước chẳng hạn – có thể nhận được những giá trị, đó sẽ là chiến thắng của người làm sáng tạo.
Đi học và thực hành nghệ thuật, mình nhận ra giới nghệ sĩ rất hay có cái kiểu chỉ trưng ra khi những tác phẩm của họ đã hoàn chỉnh. Mọi thứ đến với người xem, người đọc, người nghe luôn là những thứ đã xong, đã chuẩn chỉnh, tỉa tót đến hoàn hảo. Chụp cái ảnh kỉ niệm, phát biểu một vài lời cảm ơn, thế là tổng kết một show diễn/ trưng bày/ dự án nào đó.
Người ta sợ khán giả của mình sẽ thấy những thứ chưa hoàn chỉnh, chưa thành hình và chưa có mấy tiềm năng. Những giờ vật lộn trong studio cùng với mớ hỗn độn mà nghệ sĩ tạo ra luôn được giấu đi không ai biết.
Nhưng thật may là với sự phát triển của Internet, chia sẻ quá trình sáng tạo đã là một phần của công việc. Đơn giản là vì nhờ có như thế, những người khác cũng được tham gia cùng nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo của anh ta. Những người tiêu thụ hiểu quá trình một tác phẩm được làm ra và có khả năng nhận ra nhiều giá trị từ nó, còn người sản xuất nhận được những phản hồi kịp thời. Ví dụ như những nhạc sĩ bây giờ rất tích cực chia sẻ những đoạn nhạc mới do họ sáng tác ra, để kịp thời kiểm nghiệm phản ứng của thính giả trước khi quyết định đưa một ý tưởng thành dự án âm nhạc lớn.
Chúng ta không chờ tới khi trở thành những bậc thầy để có thể chia sẻ. Vì như thế thì sẽ chẳng có thứ gì được đưa ra.
Đích đến cuối ngày
1 – Giúp đỡ một ai đó
Cái tuần mình quyết định xóa tài khoản Instagram để cắm đầu vào học thi Đại học, mình nhận được newsletter từ Matt D’Avella. Viết về những gì creator gặp phải và hành trình dài hơi cho đa số, email ấy rơi vào hòm thư của mình như thể nước mưa rơi xuống đầu kẻ lữ hành sa mạc. Mình đã gửi ngay cho anh ấy một email trả lời:
Lá thư “tâm sự tuổi hồng” mà mình đã gửi Matt D’Avella.
Và sau đấy thì Matt đã trả lời mình, không phải bằng một lá thư khác mà bằng một dòng chữ tí hon như một Easter Egg trong newsletter tiếp theo sau đấy của anh.
Đọc được email đó mà mình hí hửng cười mất mấy ngày.
Rất nhiều những creator mà mình ngưỡng mộ đã chia sẻ họ hạnh phúc như thế nào khi nhận được những lời cảm ơn từ những người theo dõi. Người xem ta nhận được giá trị từ ta, và ta cũng nhận được nhiều điều từ họ. Mình tin thứ làm công việc này thực sự hấp dẫn với rất nhiều người chính là bởi những kết nối như vậy.
Ghi lại hành trình bản thân
“Thực ra đăng tranh mình lên cũng chỉ có lèo tèo vài like từ những người bạn. Cái quan trọng là khi nhìn lại chính tường của mình, mình nhìn thấy hành trình của bản thân và mình đã thay đổi ra sao thôi.”
Trên đây là câu trả lời của một cô bạn thân, khi mình hỏi nó về việc nó nghĩ thế nào về chuyện chia sẻ online. Trên chuyến xe buýt uể oải và xóc nảy cuối cùng trong ngày, mình và nó làm thành hai bóng người duy nhất thì thầm giữa những băng ghế.
Là một đứa sống khá low-key, nó là một trong những người mình hay nói là “tiếc hùi hụi” khi thế giới này đã chưa biết đến tài năng của nó. Nhưng có lẽ thế cũng tốt.
Mình đã phi ra ngoài chốn công cộng quá nhanh mà chưa có lấy một chiếc la bàn để định hướng bản thân trong tấm bản đồ khổng lồ của Internet. Mình nghĩ nhiều về người khác nghĩ gì về mình, chứ không mấy khi nghĩ xem mình cảm thấy thế nào với những gì mình đã tạo ra.
Qua ô cửa sổ nhòe mờ nhấp nháy những ánh đèn tối muộn và thấp thoáng tiếng còi xe, mình thấy trong lòng trộn lẫn mối nghi ngờ và sự an ủi trong cùng một thời điểm.
Xây dựng một cộng đồng tài năng
“Tôi thích ý tưởng cộng đồng tài năng, vì nó tạo chỗ đứng cho tất cả chúng ta trong quá trình sáng tạo: những kẻ không tự coi mình là thiên tài. Bạn không nhất thiết phải tài ba hay thông minh xuất chúng để trở thành một mắt xích giá trị trong một cộng đồng tài năng, vấn đề là bạn đóng góp được gì – những ý tưởng bạn chia sẻ, chất lượng các mối liên hệ do bạn tạo ra, và những cuộc đàm luận do bạn khởi đầu. Nếu quên hai chữ thiên tài đi và cố nghĩ xem mình có thể đóng góp gì cho một cộng đồng tài năng, chúng ta sẽ điều chỉnh được những kỳ vọng của bản thân và của xã hội nơi chúng ta muốn được họ chấp nhận. Chúng ta có thể ngừng hỏi mọi người làm được gì cho ta, mà bắt đầu tự hỏi chúng ta làm được gì cho họ.”
— Austin Kleon, “Show Your Work” (tựa Việt: Nghệ thuật PR bản thân)
Trước khi là một người sáng tạo, mình cũng đã là một người chỉ xem, nghe và đọc, trong một thời gian dài. Mình tích lũy được nhiều thứ hay ho, biết cái này cái kia. Nhưng chỉ như vậy thôi.
Nếu coi mỗi người như một chấm tròn trên bản đồ lan tỏa tri thức, thì tri thức cứ tới chấm tròn [là mình] là không đi tiếp nữa. Vì mình chỉ dùng nó cho bản thân. Không chia sẻ gì thêm cho ai. Chỉ nhận vào mà không đưa ra cái mình có.
Chỉ nhận vào mà không đưa ra thì cũng như cái ao tù, chẳng có sự sống rực rỡ nào nảy nở ở đó cả.
Hãy tiếp nhận những ý tưởng mới, biến tấu chúng với gia vị của chính bạn, và mời món ăn ấy cho người tiếp theo.