Chuyện Dance Battle: Phần 4 – Hãy tôn trọng khoảnh khắc

grayscale photo of white flower

Bài viết này là phần tiếp theo trong Series “Trà đá Hip Hop”, trong đó featuring những đối thoại với hai người anh của mình là Quay Trần (Abnormal Conceptz) và Phương Xù (Wonder Sisters). Bạn có thể tìm đọc đầy đủ các phần tại đây.

Thinking is the biggest mistake a dancer could make. You have to feel.
(Suy tính là sai lầm lớn nhất một vũ công mắc phải. Bạn phải cảm nhận.)

— Michael Jackson

Đếm theo vòng thì chỉ còn vài người nữa là đến lượt bạn. Một con giải to, prelim toàn máu mặt. Nhưng cả ngày hôm nay bạn mất hết cảm giác, không cảm thấy như muốn nhảy chút nào. DJ nãy giờ chơi toàn những con track lạ lùng. Disco? Neo Soul? Gangsta Rap? Chưa tập nhạc này bao giờ cả. Làm sao bây giờ?


Hôm bữa, cô bạn du học sinh người Myanmar mới quen, hỏi mình, sau khi biết mình có đi nhảy: “Bạn có thích K-Pop phải không?”

Nếu xét tới thời điểm hiện tại nơi Hip Hop Freestyle là thể loại chính mình luyện tập, thì choreography cho giới K-Pop là hai thế giới khác xa nhau.

Photo by Maick Maciel on Unsplash

Nhưng ai thì cũng phải bắt đầu từ đâu đó. Và nếu như bạn đang đoán, thì đúng là K-Pop đã đem đến khái niệm cho mình khái niệm đầu tiên về nhảy múa.

Những ngày đầu mình chỉ tập thuần choreo/ open-style*. Theo được bài biên đạo nhưng khá chậm. Cộng với việc “vốn từ vựng” chuyển động còn hạn chế, mình hay “lấp liếm” những đoạn không làm được hoặc sự quên bài bằng động tác tự chế ngay tại chỗ.

Dần dà cảm giác của chuyện “tự biên tự diễn” ngấm vào người, cảm thấy thích thú hơn cả tập bài biên. Thế là đi theo freestyle. Và thế giới mới này đã mở ra cho mình cả một bầu trời… khó khăn.

Photo by Ilja Tulit on Unsplash

Theo mình, để freestyle tốt đòi hỏi ở người chơi hai điều tiên quyết:

  • Sự học nghiêm túc để tiếp thu các kiến thức – kĩ thuật nền tảng;
  • Sự tích cực tự giác trau dồi để luyện tập và phát triển trên những cái đã có.

Điều thứ nhất cho bạn sự tích luỹ cơ bản. Điều thứ hai giúp bạn tìm ra những cái của riêng mình.

Để đạt được điều đầu tiên, cách đơn giản nhất là đi học. Đi học lớp, học workshop, tham gia camp, jam, các sự kiện liên quan nơi bạn được tiếp thu kiến thức từ các bậc thầy hay anh chị đi trước.

Hầu hết chúng ta, nếu có thể bỏ ra một khoản nho nhỏ, việc thực hiện được điều trên là hoàn toàn có thể.

Photo by Dynamic Wang on Unsplash

Tuy nhiên, đạt được điều thứ hai là một điều không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi ở bạn những thứ không mua được bằng tiền. Đó là sự kỷ luật, dám chơi dám chịu, kiên trì và nhẫn nại – để ngày đêm mài dũa thứ ngôn ngữ nghệ thuật của bạn. Một mình.

Bạn vẫn có thể đến lớp để được thầy cô thúc ép việc tập thể lực, drill đi drill lại những bài tập và động tác, kéo vào vòng cypher, hay “trả bài” freestyle trước mọi người.

Song với giới hạn thời gian của một lớp học, hầu như rất khó để bạn có thể nhờ vào nó mà đào sâu khai thác những chất liệu mình có.

Đây là khi bạn cần một cách làm khác.

Trong nghệ thuật đương đại nó được gọi là “thể nghiệm” (experimental). Giữa anh em nghệ thuật đường phố nó được gọi là “labbing”.

Về cơ bản nó là:

  1. Bạn làm việc độc lập, hoặc cùng với người khác (trong trường hợp làm nhóm);
  2. Dựa vào một chủ đề (có thể là một ý niệm, khái niệm, âm thanh, trải nghiệm, mệnh đề, cảm xúc, cảm giác…);
  3. Liên tục freestyle hay ngẫu hứng (improvise) để khám phá chính mình và những gì mình tạo ra dựa trên chủ đề trên;
  4. Nhặt nhạnh lại những cái hay ho để đưa thành chất liệu sáng tạo.
Photo by Jennifer Griffin on Unsplash

Để lab tốt, bạn cần sự tập trung cao độ và kỷ luật với bản thân. Sự tập trung là để bạn nhận thức được mình đang làm cái gì, và để việc luyện tập thực sự hiệu quả. Kỷ luật là để bạn thực sự nghiêm túc làm việc, không hời hợt nửa vời, đưa mình vào khuôn khổ để sáng tạo.


Suy cho cùng, tạm gác lại những yếu tố về mặt trình diễn, tương tác, bố cục, thần thái, phong cách… mình nghĩ đi đấu về bản chất cũng là lên sàn và lab.

Có những ngày tập mải miết không tìm được thứ gì hay ho.

Có những ngày may mắn nhặt nhạnh vài thứ dùng được.

Vậy phải chăng cũng là lẽ bình thường, khi lên sàn đấu thì ta cũng có thể tìm thấy thứ gì đó, hoặc không?

“Bản chất của freestyle là vậy mà. Em không thể nghĩ trước cho 10 giây tiếp theo phải không? Phải nói là không thể ấy chứ! Trừ khi em làm theo set, mà thế thì mình đã không nói chuyện là freestyle rồi.”

Phương Xù đặt cốc nước xuống ghế, vung tay múa chân minh hoạ ý tưởng mà anh cho là không thể.

Quay khi ấy cũng gật gù. “Anh hay bắt đầu một round bằng những thứ quy củ. Chân tay nhún nhiếc các kiểu. Đến lúc có một cái ‘key’ xuất hiện: Nó chỉ là một thứ rất nhỏ. Phải tập trung thì mới kịp bắt lấy. Tới lúc đó thì anh bắt đầu vào ‘zone’, và cứ thế bắt đầu những chuyển động tự nhiên.”

Mình vặc lại ngay. “Nhưng nếu cái ‘key’ ấy không đến thì sao anh?”

“Thì anh chấp nhận thôi. Giây phút đó tôi đã cố gắng hết sức mình. Nhưng nó chỉ đến thế thôi và tôi chấp nhận điều đó.”

Khi ta tự tập, thời gian dài bao lâu là do bản thân quyết định. Nhưng khi đi đấu, ta chỉ có 30-45 giây để nói những gì mình cần nói.

Để nói hết, lại nói hay, đòi hỏi sự luyện tập không ngừng nghỉ. Nhưng cũng cần một chút may mắn. Nếu như cảm giác tốt không đến thì cũng là chuyện bình thường.

Hãy chấp nhận. Và tôn trọng khoảnh khắc bạn đứng trên sân khấu.


*Cho những ai chưa biết thì Choreography (hay gọi là choreo, cho-reo, tập bài, biên đạo – bạn gọi nó với cái tên gì cũng được) là khái niệm chỉ hoạt động, hay sản phẩm của người biên đạo nơi các chuỗi động tác đã được dàn dựng trước. Nhiệm vụ của vũ công là học và biểu diễn lại bài biên đạo đó. Đây không phải là một thể loại nhảy (như Locking, Waacking, Vogue, Salsa, Ballet…) mà là một khái niệm để mô tả một tinh thần khi tiếp cận chuyển động, ở đây là tính dàn dựng.

Để tìm hiểu thêm về sự khác biệt giữa tinh thần của Choreography và Freestyle, xin mời bạn tham khảo bài viết của Ben Lee tới từ STEEZY Studio.

**Bên cạnh nhảy, khái niệm choreography còn được sử dụng rộng rãi trong cheerleading (nhảy cổ động), trượt băng nghệ thuật, sân khấu dàn dựng, opera, bơi nghệ thuật, ban nhạc diễu hành…

*** Hồi mình tập, Open-Style mang một cái tên khác “Urban dance”. Nhưng vì những lí do chính trị và xã hội, cái tên này đã được đổi thành như bây giờ. Bạn có thể tìm hiểu thêm ngữ cảnh đó ở video giải thích của STEEZY.