Recap: ASEAN Social Impact Program 2024 | Ngày 3 (Ngày cuối)

Ngày cuối cùng, cũng là ngày “căng não” nhất của chúng tôi. Lịch trình cơ bản của ngày hôm đó căng thẳng hơn những ngày trước, vì chúng tôi tiếp đón sự quay trở lại của Ban giám khảo, đại diện từ USAID và phải “trả bài” đúng hạn. Cụ thể như sau:

  • 10h sáng: Hạn nộp 1-pager (1 trang tóm tắt dự án) cùng slide thuyết trình. Ban tổ chức sẽ tải xuống các file này, nên sau thời hạn này chúng tôi không thể chỉnh sửa gì thêm nữa.
  • 11h: Có mặt tại Saigon Prince Hotel, địa điểm pitching cuối cùng.
  • 14h: Bắt đầu phiên pitching. Mỗi đội có đúng 10 phút trình bày và 5 phút hỏi đáp với Ban giám khảo. Ban tổ chức bấm giờ đến từng giây, cứ hết thời gian là MC “cắt họng” chúng tôi bằng mọi giá.

Chuyện “cột sống” Đì-zai-nơ: Nộp bản thảo vào phút thứ 89’

“Học IT Bách Khoa mà lại đi thiết kế slide, hí hí.”

Tên MC điển trai nhưng thái độ lồi lõm cứ lởn vởn đằng sau lưng tôi trêu trọc và đòi xem xem nhóm tôi làm đến đâu. Chả nhẽ tôi lại bảo nó là giờ tôi mới bắt đầu làm, vì nhóm chúng tôi đã quyết định “đập đi xây lại” cả dự án vào 2h30 sáng?

Cả đội tôi vật vờ như những hồn ma, nhưng không hiểu sao deadline sát đít luôn bơm cho người ta thứ năng lượng sinh tồn mạnh mẽ đến lạ. Tôi bật “chế độ designer” (iykyk), biến mọi thứ từ không thành có chỉ trong vòng 2 tiếng. Dĩ nhiên là không thể không kể đến sự hùn hạp của tất cả những người đồng đội của tôi, mọi người đã tổng hợp lại mọi thứ để tôi chỉ việc tab qua tab lại ném vào một format thân thiện với mắt người hơn.

Bạn có nhìn thấy con người đang cúi đầu vào Canva trước mặt kia không? Nếu bạn bắt chuyện với cổ trong thời gian này, cổ sẽ đấm cho bạn nhiều phát (!) với lý do gây cản trở người đang thi hành công vụ. Người chụp bức ảnh này là Phounsombath, anh bạn Lào trong team của tôi. Đến giờ bấn loạn, tụi tôi cãi nhau bằng tiếng mẹ đẻ, thành ra cậu bạn 2k5 không dám ho he gì thêm nữa.

Đúng 9 giờ 58 phút sáng, 2 phút trước khi cổng nộp bài đóng lại, con trỏ chuột của nhóm chúng tôi dí vào nút “Submit” trên Google Form. Không lâu sau đó, những tiếng thở phào nhẹ nhõm bắt đầu xuất hiện. Vỡ oà vì những sự căng thẳng đã đi đến hồi kết, cả căn phòng chúng tôi hò reo và hú hét, ôm hôn chúc mừng nhau rối rít.

SaiGon Prince Hotel: Trước giờ G

Tôi vẫn luôn nghĩ ASIP nên đổi tên thành ASIIP – thêm một chữ I, nghĩa là “ASEAN Social Impact Intensive Program”. Để tên “Program” không thôi làm tôi nghĩ nó chill lắm. Ai ngờ… Đại biểu lẫn Ban tổ chức, ai nấy căng như dây đàn mới kéo.

Sau khi thở phào (chắc được khoảng 30 giây?), chúng tôi lại lật đật sửa soạn thu dọn đồ dùng để di chuyển sang địa điểm cuối cùng: SaiGon Prince Hotel. Trong số chúng tôi, có những bạn vì chuyến bay về nước rất dài (6-10 tiếng) hay có lịch cá nhân, các bạn lựa chọn đi ngay sau khi kết thúc pitching. Các bạn này còn phải sở soạn cả vali và hành lý sẵn sàng, kéo toàn bộ đến khách sạn để ra sân bay ngay sau đó.

Đến nơi. Cái thằng tôi đương cáu kỉnh vì đã vừa thiếu ngủ lại vừa bị xách đi khắp nơi, lúc bấy giờ lại líu lô nói chuyện và nhảy chân sáo trong sảnh. Chẳng có gì lạ đâu, chỉ là hắn biết hắn sắp sửa được chiêu đãi buffet. Mãi đến ngày cuối cùng – có lẽ chương trình nào cũng theo mô-típ này – người ta mới mời chúng tôi một bữa ra trò.

Nói nhỏ: Tôi nhiệt tình với đồ ăn hệt như vị thầy giáo trong phim School Meals Time Graduation vậy.

Tôi lấy một bát tướng những đậu lanh, rau mầm, oliu, xà lách… Hạnh phúc là khi bạn cầm trong tay một tô chất xơ. Rồi tôi ngấu nghiến sashimi, ức gà, khoai tây – lấy cho bằng đủ đống macro tôi đã thiếu hụt trầm trọng trong những ngày ở Sài. Cứ cho tôi ăn uống đủ chất là tôi yêu đời, yêu người liền.

Chưa kịp nói cảm tạ cuộc đời vì bữa ăn, đồng đội kéo tôi lên về khán phòng để lên sân khấu tập duyệt bài nói.

Final Pitch: Thuyết trình hay… Plan B?

Ngay từ hôm đầu, Ban tổ chức đã quay vòng để xếp lịch thuyết trình cho 10 đội thi. Đội chúng tôi là được đánh số là Đội 2 theo danh sách, và thứ tự thuyết trình của chúng tôi cũng đúng là thứ 2, chỉ có là… từ cuối lên. Chúng tôi sẽ ngồi nghe 8 đội trước đó thuyết trình chán chê rồi mới đến phần mình.

Tôi khi lên thớt. Tự dưng có mấy cái cờ, trông mình không giống dân IT mà lại Diplomat dễ sợ.

Trong khoảng thời gian dài như thiên thu đó, tôi đã đóng mở máy và viết đi viết lại script, cân nhắc mãi việc thêm cái này bớt cái kia. Ba người thuyết trình, bao gồm tôi (phần đầu), Thu Thuỷ (phần giữa) và Phounsombath (phần cuối), ngồi bàn bạc kế hoạch đánh đấm khi chúng tôi đứng trên sân khấu. Dù đã rất cố gắng để nghiêm túc nhưng trong đầu chúng tôi vẫn lởn vởn ý định thực hiện Plan B như đã nghĩ ra đêm hôm trước =))) (Thank you sponsor!)

Tôi thấy áp lực đè lên mình khủng khiếp, nhất là khi nói mở màn cho một ý tưởng mà cả đội cũng cảm thấy là chưa được tốt như kỳ vọng. Thành ngữ tiếng Anh có câu là “fighting a losing battle”, đại ý là ra trận khi biết chắc phần thua. Ừ, cảm xúc của tôi khi ấy là như vậy đấy. Đứng sau cánh gà, tôi tập Pranayama* liên tục, trong khi teammate thì cứ đứng cười khúc khích (!)

Ý tôi với việc “chưa được tốt” ở đây nghĩa là nó… bung bét, và cả đội chúng tôi cũng đều biết điều đó. Nghe các nhóm khác thuyết trình, chúng tôi nhận ra mình thiếu quá nhiều thứ – trong đó thiếu một cái rất to: Bản dự trù kinh phí (Budget Plan). Hì hụi nháp ra giấy, tôi đưa vội cho người anh trong team hoàn thiện một kiểu tính toán “back of the envelope”**.

Cuối cùng thì tôi vẫn lên nói và vẫn làm tròn trách nhiệm với team 😃 Ban giám khảo hỏi về kinh phí, lúc bấy giờ chúng tôi mở giấy nháp vo cả cục trong tay ra và trình bày. Tôi phải nín lắm mới không bụm miệng cười to…

Chúng tôi đứng cả hội trên sân khấu để trả lời các câu hỏi từ Ban giám khảo. Tới giây phút đó, những gánh nặng bao nhiêu ngày qua như được gỡ bỏ khỏi vai tôi, và có lẽ điều ấy cũng đúng với những người đồng đội của tôi nữa…

Xả hơi! Mời bạn quốc tế ăn phở Sài Gòn, tâm sự deep ở Rabbit Hole Bar

“You guys are all baby! We drink every night on campus.”

(Chúng mày còn ngây thơ quá! Tối nào tụi tao cũng uống trong trường.)

Cô bạn người Sing mới quen khai sáng cho tôi thế nào là học Political Science ở Đại học Nanyang. Ngồi sau lưng tôi là các bạn người Việt, Lào, Malaysia và Indonesia. Dân chính trị với ngoại giao hay có cái lệ là joke với nhau bằng mấy phát ngôn gây buồn cười của các bác lãnh đạo, phốt này nọ của các NGO và Liên hợp quốc, và những sự oái oăm khi bạn biết quá nhiều thứ tiếng khác nhau.

Đoàn Việt chúng tôi đưa các bạn đi ăn phở, vì các bạn nài quá. Phở Sài Gòn, âu tôi cũng chưa ăn bao giờ. Thân là người Hà Nội được 20 năm, tôi đánh giá là không ngon bằng ngoài Hà Nội (!), phở miền Nam đậm hơn và sợi phở cũng khác, nhưng nếu bạn tò mò thì vẫn cứ thử đi cho biết. Tụi bạn ngoại quốc thì cứ tấm tắc, cứ là cái gì khác lạ là thấy thích thú. Giới thiệu được cho các bạn những cái hay ho của nước mình, tự dưng tôi thấy trong lòng một niềm vui nho nhỏ.

Ăn xong thì đi uống. Theo dấu được chỉ của cô bạn tao-đi-uống-ở-tất-cả-quốc-gia-tao-đến (aka. bạn Sing), chúng tôi kéo nhau vào bar.

Ở đó, chúng tôi tìm thấy nhiều những người khác đã ngồi sẵn, và dần tới đêm thì lại có thêm nhiều người nữa kéo đến. Tôi biêng biêng vì cồn và vì buồn ngủ, nhưng không hiểu sao ngồi được rõ lâu. Lắng nghe thứ jazz live với time signature kỳ dị (thứ chỉ để nghe, không phải để nhảy) cùng với những biến tấu polyrhythms, tôi thầm ghen tị với người chơi dương cầm giỏi hơn mình, đoạn quay sang tiếp tục tâm sự đủ thứ chuyện trên trời dưới biển với cô bạn Campuchia xinh đẹp bên cạnh.

Tôi gọi một ly mocktail custom vừa cay vừa đắng vị thảo mộc và uống nó như uống thuốc. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao, chắc tại tôi thích thế thôi. Lạ là tôi vẫn nhớ nguyên vẹn cái ly đó đến tận bây giờ. Nó làm tôi nhớ tới Sài Gòn theo một cách đặc biệt mà tôi muốn nhớ về: Mùa hè năm 20 tuổi, tôi đã đặt chân đến một vùng đất mới bằng nỗ lực tự thân.


Kết: Bạn có nên đi ASIP hay không?

Tranh thủ “súc miệng” một 5K run và cái kết… Đây là tôi, kẻ đến muộn vì đi chạy bộ.

Bạn đã đọc đến đây và đã đọc hết cả 4 phần bài viết của tôi và cũng hơi cân nhắc rồi thì… tôi nghĩ là bạn làm hồ sơ chuẩn bị cho mùa tới luôn đi. ASIP vui và mở mang, và sẽ phù hợp với bạn nếu:

  • Bạn có sức khoẻ tốt. Cái này là phải có nhé.
  • Bạn mong muốn làm việc, làm dự án. Được đi cũng là dịp để vui, nhưng đi ASIP tôi thấy giống đi thi hơn là đi chơi. Ít nhất là năm nay tôi chưa bới đâu ra thời gian để ngắm Sài Gòn cho tử tế.
  • Bạn thích kết giao và trò chuyện với người mới, với các bạn quốc tế. ASIP chắc chắn sẽ đảm bảo được cho bạn khoản này. Tôi đã và đang xây dựng cuốn từ điển cá nhân “Cách để chửi bậy trong mọi ngôn ngữ” (con xin lỗi bố mẹ!) nhờ những đợt giao lưu như thế này, và có vẻ như nó chỉ đang dày lên mà thôi.
  • Bạn muốn học hỏi, tạo đóng góp xã hội, và khai phá tiềm năng của bản thân. Dĩ nhiên rồi. Đây sẽ là giá trị đi với bạn lâu bền nhất sau những chương trình như vậy.
Tấm pano với tên của 100 người tham dự năm nay. Trong số này, có những cái tên tôi đã may mắn được trò chuyện và trở thành những người bạn.

*Pranayama: Tập hợp các phương pháp ổn định và kiểm soát hơi thở trong thực hành yoga.

**Back-of-the-envelope calculation: Ý chỉ các phép tính nhẩm đơn giản, vừa đủ để viết vào mặt sau của một phong bì thư.

In