Thức khuya nên sáng hôm sau tôi đã chẳng thể làm gì ngoài dậy vào mốc tối đa tôi có thể ngủ, rồi sửa soạn lết xuống tầng (vì thiếu ngủ), lên bus để đến Fulbright. Ngày thứ hai là một ngày dành toàn bộ cho học tập: Chúng tôi ở cả ngày trong campus Fulbright.
Làm gì bây giờ? Ngồi họp bàn ý tưởng
Nhiệm vụ của ngày thứ hai cho các đội là lên ý tưởng dự án và hoàn thiện các mô tả cơ bản của nó. Chúng tôi sẽ cần phải nộp một bản proposal về dự án trong buổi sáng, và sử dụng nó để tiến hành xin ý kiến góp ý và thực hiện các sửa đổi nếu có trong phiên họp với các mentor buổi chiều.
Sau này tôi mới được biết, quá trình lên và hoàn thành ý tưởng với mỗi đội đi theo những khung thời gian vô cùng khác nhau. Có những đội vốn toàn những người quen cùng trường, đã có sẵn ý tưởng từ trước, vào trong chương trình chỉ việc hoàn thiện và tinh chỉnh. Có những đội “quyết tâm” hoàn thành mọi yêu cầu đầu ra trong ngày đầu tiên, để (nói nhỏ) dành thời gian còn lại đi chơi thăm thú Sài Gòn. Có những đội thì con đường khúc khuỷu gập ghềnh, cãi nhau lên xuống, đập đi xây lại nhiều lần, nộp vào phút chót… như chúng tôi chẳng hạn.
Tóm lại, cả ngày thứ hai của tôi chỉ xoay quanh có màn hình laptop, đấm nhau với đồng đội và đối chất với mentor, giảng viên.
Tập huấn: Đi học bổ túc nào bạn ơi~
Sau khi thở phào vì đã gửi được proposal đi trước hạn đóng đơn, chúng tôi lại tất tưởi chia nhau ra các phòng học để tham gia tập huấn. Về bản chất đây là các lớp học bổ trợ với mục tiêu đem lại cho chúng tôi những kỹ năng cơ bản cần có để triển khai dự án.
Mùa ASIP năm nay có 4 lớp học, diễn ra trong cùng một thời điểm. Do đó, cũng giống như Site Visit của ngày hôm trước, mỗi đội phải tự phân bổ người đi tham gia các lớp khác nhau.
Các phiên tập huấn trong mùa ASIP năm nay có chủ đề:
- Chủ đề quản lý dự án | Chị Quý Trần – Chuyên gia Dự án tại FHI 360
- Chủ đề kỹ năng xây dựng chiến lược | Anh Rafael Masters – Nhà sáng lập Vulcan Augmetics
- Chủ đề phát triển tư duy thiết kế | Chị Chi Ngô – Chuyên viên Truyền thông cấp cao tại OUCRU
- Chủ đề xây dựng quan hệ đối tác | Ông Tony Louw – Giám đốc Quản lý tại Learning Strategies.
Về cơ bản là chúng tôi cắp sách cắp vở vào lớp và học thôi. Nếu có câu hỏi hay cần xin lời khuyên dự án, chúng tôi cũng có thể tranh thủ hỏi trong hoặc sau buổi học.
Lớp Partnership (Xây dựng quan hệ đối tác) của thầy Tony Louw là lớp tôi tham dự. Với một kẻ đam mê tới mức suýt học một minor về Tâm lý học nói chung và Tâm lý học hành vi nói riêng như tôi, lựa chọn vào lớp là một lựa chọn đúng đắn. Thầy nói từ khởi điểm sơ khai của loài người và lý do tại sao chúng ta cần xây một cái nền hợp tác vững chắc, trước đặt lên trên đó khi bất kỳ thứ gì khác, bất kể đó là chiến lược, kế hoạch, thiết kế hay quản lý.
Panel Discussion: Học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước
Ăn cơm trưa xong là chúng tôi quay về Fulbright Common Area để nghe trò chuyện. Không hiểu trời run rủi thế nào, tôi cứ rơi vào những văn hoá không có giờ ngủ trưa trong lịch biểu.
Panel discussion diễn ra vào đầu giờ chiều trong trạng thái thiếu ngủ của chúng tôi, nên tôi cứ gật gù mà nghe được tiếng còn tiếng mất.
Panel discussion này cũng giống như các panel discussion khác: Chủ yếu các diễn giả trao đổi về những câu chuyện của họ và bài học rút ra. Tôi vừa tranh đấu với cơn sóng melatonin trong não mình, vừa hì hụi viết lách ghi chép để mong không bỏ lỡ điều gì. Tôi nhặt nhạnh được một vài lời khuyên, thứ mà tôi biết chỉ phát huy tác dụng tối đa của chúng khi tôi thực sự triển khai dự án.
Mentoring Session: Tranh thủ từng phút giây, “mặt dày” không ngại khó!
Buổi chiều diễn ra phiên mentoring, nơi chúng tôi trình bày dự án của mình cho các mentor, nhận được các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự án.
Vì thời gian có hạn, các đội chúng tôi phải thực hiện công cuộc giới thiệu dự án theo phương pháp “Elevator Pitch”. Cho những bạn chưa biết: Elevator Pitch là cách thức trình bày ý tưởng hay khởi xướng của bạn trong thời gian ngắn, thường là từ 30-60 giây, thời gian trung bình mà chúng ta hay nói chuyện trong thang máy. Bạn sẽ nghe đến và có lẽ là dùng đến nó nhiều, nhất là khi ở trong văn hoá doanh nghiệp lớn, cooporate các thứ đồ.
Mỗi mentor lại đưa ra được cho chúng tôi nhiều góp ý xác đáng và giá trị. Chiến lược của chúng tôi khi book lịch ấy là:
- Book lịch so le, với thời gian nghỉ giữa các hiệp. Rõ ràng chúng tôi cần thời gian để “tiêu hoá” lời khuyên, cũng như đưa ra chỉnh sửa phù hợp. Nếu như không kịp thời chỉnh sửa, các mentor khác nhau sẽ cùng bắt lỗi vào một chỗ, và như vậy thì chúng tôi sẽ chẳng có thêm góp ý gì đáng giá cả.
- Book những người khác nhau để có được cái nhìn đa chiều. Luật book mentor hoàn toàn không có ràng buộc gì – chúng tôi thậm chí có thể book một người 3 session liên tục trong 45 phút, miễn là không trùng lịch với nhóm khác. Lúc đầu tụi tôi đã định book một người 2 session, nhưng sau đó thì thay đổi để thành 3 mentor khác nhau.
Tôi có một khía cạnh “mặt dày” mà những ai làm việc với tôi đều sớm biết, ấy là tôi (1) luôn có rất nhiều câu hỏi; và (2) đã muốn tìm câu trả lời thì tôi sẽ tìm nó đến cùng. Bất kể là giáo sư, anh chị, mentor,… tôi sẽ đeo đuổi họ đến cùng trời cuối đất để hỏi cho bằng được mới thôi. Tôi không sợ bị chửi, chê “gà” hay những thứ tương tự – tôi đã quá quen với điều ấy rồi. Đến cuối ngày, tôi biết người ta quan tâm việc tôi đã hiểu và làm được gì, hơn là chuyện tôi đã tỏ ra thông minh hay hiểu biết sẵn ra sao.
Trước giờ mentor, tôi bắt được anh Rafael Masters sau panel discussion, tranh thủ “tra khảo” anh mấy thứ. Thân là một người làm start-up công nghệ, anh nói chữ nào là tôi hiểu chữ ấy. Thông điệp của anh khá đơn giản: Những mục tiêu và sứ mệnh vẫn có thể cao đẹp, thậm chí hơi “trên trời” một chút – nhưng đến cuối ngày thứ làm chúng ta tồn tại lâu dài là TIỀN. Làm sao để ra tiền, để tiếp tục duy trì business? Làm gì cũng phải tính bài toán kinh tế, nhé, nhé, nhé!
Sau phiên mentor ngắn ngủi 15 phút, chúng tôi nhận ra chị Tricia Nguyễn là người làm dự án gần với dự án của chúng tôi nhất. Tôi nhanh chóng “truy bắt” chị theo đúng nghĩa đen – khi nhận ra sau phiên với chúng tôi thì chị không còn được nhóm nào book lịch nữa – chạy đuổi theo chị ra tận ngoài hồ để hỏi với theo liệu chị có ở lại cùng với chúng tôi được không. “Oke mấy đứa”, chị đi uống nước hóng gió 10 phút, sau đó quay lại nói chuyện riêng với đội. Chúng tôi nhanh chóng chia làm đôi, một nửa đi tham vấn với mentor cuối cùng đã đăng ký, nửa còn lại ngồi nói chuyện với chị Tricia.
Group Work: Ác mộng đêm khuya và Plan B không bao giờ được công bố
Chúng tôi bắt đầu vào họp lúc 9h tối. Và kết thúc lúc 3h sáng ngày hôm sau.
Ừ, tôi không gõ sai, và bạn cũng không đọc nhầm đâu. 3h sáng ngày hôm sau.
Được mong muốn thiết tha về một giấc ngủ sớm thôi thúc, tôi đã xây agenda cho buổi họp và nhờ đến một người anh trong team điều phối. Chúng tôi bắt đầu với việc tổng kết mình đã học được gì trong tập huấn, sau đó là tổng hợp lại phản hồi của các mentor, cuối cùng là giải quyết những vấn đề đó và hoàn thiện dự án.
Có lẽ câu chuyện sẽ khá đơn giản nếu như chúng tôi có thể chốt được đối tượng hưởng lợi đích của mình là gì. Chúng tôi đã lựa chọn hai tập đối tượng tuy gần nhau nhưng nếu xét riêng thì cách tiếp cận và giải pháp lại vô cùng khác nhau. Bên cạnh đó, trong team có thành phần liên tục đưa ý kiến bác bỏ nhưng lại không đóng góp giải pháp gì – điều tôi không tiện nói ra cụ thể hơn ở đây – thành ra nhóm mất khá nhiều năng lượng để giải quyết các căng thẳng cá nhân.
2h30 sáng. Trong cái “trằm kẻm” của một dự án không đi tới đâu, cả đội bắt đầu “hoá điên” theo đủ các nghĩa bạn có thể tưởng tượng được của từ này. Tôi thiết tha lết vào phòng teammate đòi đi ngủ. Những đứa còn lại lật đật đi theo, vào định gọi tôi ra nhưng cuối cùng lại ở lại nói chuyện phiếm linh tinh. Con bạn giật cái chăn duy nhất của tôi, và tự dưng nó nghĩ ra cái gì đó. “Ê, cái chăn này màu trắng…”
“Hả, thì sao?”
“Tao no hope lắm rồi. Nếu đến ngày mai và dự án của mình không đi đến đâu, tao đề xuất là chúng ta mang theo cái chăn này.”
“Ê, đù má tao hiểu ý mày nha =))))” Ông anh còn lại cười hô hố. Tôi với anh bạn Lào nhìn nhau ngơ ngác.
“Chán chúng mày thật!” Nó bĩu môi. “Thế này này. Ngày mai trên sân khấu, nếu chúng ta vẫn ếu có cái gì để present, hay dự án của chúng ta như shiet, khi ấy mình cầm cái chăn này lên và vẫy. ‘We gave up! Thank you sponsors! We’ve enjoyed Ho Chi Minh City!’ Xin cảm tạ USAID và Lãnh sự quán Hoa Kỳ! Chúng em đã cố gắng hết sức mình nhưng dự án chẳng đi đến đâu cả! Xin cảm ơn vì đã tài trợ cho chúng em đến Sài Gòn! Chúng em rất biết ơn! Chúng em xin đầu hàng tại đây! =)))))”
Sau đấy chúng tôi cười như nắc nẻ, cười không nhặt được mồm, cười như một lũ dở hơi. Mong là không có ai đó mất ngủ lúc 3h sáng để rồi nhác thấy ở toà nhà đối diện, có một căn vẫn đang sáng đèn và trong đó nhìn thấy những thanh niên đang cầm chăn trắng vừa chạy quanh phòng vừa vẫy vừa cười như ma nhập. Hẳn họ sẽ đặt những câu hỏi đầy nghi vấn về nhân sinh và tự hỏi tương lai của đất nước sẽ ra sao khi vào tay những người trẻ này…
Trong cái rủi có cái xui, và trong cái trằm có cái điên 😂 Tôi không quá nhớ những gì diễn ra sau đó – Chúng tôi đã chốt được ai sẽ làm gì và sẽ “chạy sô” vào sáng ngày hôm sau trước deadline nộp bản kế hoạch cuối.
Bằng một phép màu nào đó tôi đã lết được về phòng. Quái gở ở chỗ, tôi chỉ vừa nhắm mắt, mở mắt ra đã là 7h sáng. Chỉ 3 tiếng nữa là đến hạn nộp bài, và chỉ 7 tiếng nữa là tôi phải đứng trên sân khấu…