Chương trình ASEAN Social Impact Program là một sáng kiến giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV). Mục đích của chương trình là trang bị cho những hạt nhân thay đổi trẻ tuổi ở Đông Nam Á kiến thức, kỹ năng và tài nguyên cần thiết để giải quyết các vấn đề xã hội trong khu vực.
Năm nay là mùa thứ hai của ASIP với chủ đề: Mục tiêu Phát triển Bền vững số 3 của Liên Hợp Quốc (SDG 3): Sức khoẻ thể chất & tinh thần (Health & Wellbeing). Nhiệm vụ của các nhóm sau 3 ngày tham gia là đề xuất một ý tưởng dự án cải thiện xã hội theo đề bài được đưa ra và trình bày trước Ban Giám Khảo. Các nhóm xuất sắc chinh phục được ban giám khảo sẽ nhận được số tiền tài trợ lên đến 10,000 Đô la Mỹ để triển khai dự án.
Tôi đi chạy bộ: Fulbright – Docklands Loop
Điều đầu tiên tôi làm khi đến Sài Gòn?
Tôi đi chạy bộ các bạn ạ.
6h sáng tôi dậy, và 6h20 sáng tôi nện những bước đầy háo hức trên đất Sài thành.
Từ trước đó vài tuần, khi Ban tổ chức phổ biến về lịch trình và địa điểm, tôi đã thấy được chỗ chúng tôi ở chỉ cách Fulbright tầm 2km. Với khoảng cách đó, tôi hoàn toàn có thể đi bộ từ nhà đến trường và ngược lại. Nhất định phải đi chạy, làm một vòng từ nhà đến trường rồi từ trường về nhà! Và tôi đã thực hiện được nó.
Hồ Bán Nguyệt vào sáng sớm là một cái gì đó thật đẹp. Nhảy chân sáo trên những sảnh trống người của Trung tâm thương mại Crescent Mall, tôi hít đầy phổi thứ không khí trong lành – thứ đang có chỉ số màu xanh lá trên AirVisual đo từ trạm cảm biến của Đại học Fulbright. Ở phía bên kia của trường là một khoảng sân trống, nơi này sáng nào cũng là chỗ luyện tập của một lớp patin cho trẻ em.

Đường xung quanh khu vực Quận 7 ổn áp tới độ tôi tiếc vì mình đã không mang theo ván trượt để đi được nhiều nơi hơn.
Đang mải ngắm trời ngắm đất, sực nhớ ra lịch chuyến bus chở chúng tôi từ Docklands tới Fulbright sẽ đi lúc 8h, trong cái tất tưởi, tôi lật đật chạy về. Đúng 8h tôi về được sảnh, nhưng mọi người đã đang xếp hàng để chuẩn bị đi. Thành ra sau đó tôi phải bắt Grab để đến.
Tôi tranh thủ bắt chuyện với anh Grab – và nhiều anh Grab nữa sau này – và hiểu hơn con người nơi đây. Phương châm của tôi đi du lịch là đi du lịch “con người”, tương tác và thấu hiểu người địa phương – chứ du lịch địa điểm chỉ là điều thứ yếu.
Dù sao thì tôi cũng không thấy hối hận về việc đã đi chạy. Nào tôi biết được trong suốt những ngày sau đó, đây là lần hiếm hoi duy nhất tôi có thời gian tập thể dục cơ chứ…
Lễ khai mạc: ASIP 24 chính thức bắt đầu!
Lúc tôi đến, mọi người đang ăn sáng và chuẩn bị ổn định tổ chức để bắt đầu lễ khai mạc. Ngày đầu tiên, chúng tôi chào đón các khách mời từ Lãnh sự quán Hoa Kỳ (US Consulate General), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Đại học Fulbright Việt Nam (FUV).
Hãy lặp lại theo tôi, các bạn trẻ, vì thông điệp này rất quan trọng:
“Everyone can be great, ‘cause anyone can serve.”
Sau khi chạy, tôi lại được luyện thanh thế đấy. Trong không khí mát lành và sự hồ hởi của một khởi đầu, chúng tôi nhận ra mình được những nhà lãnh đạo gửi gắm nhiều hi vọng nơi mình quá đỗi. Những lời động viên ấy truyền cho tôi một thứ năng lượng lạ lùng.

Thành thực mà nói, tôi chưa bao giờ thấy mình quá giỏi hay sáng chế ra một thứ gì đó hay ho để mà gọi là “tạo ra ảnh hưởng xã hội”. Nhưng có lẽ đó không phải là vấn đề, hay chưa bao giờ nên là vấn đề ngăn cản một người có thể đóng góp phần của mình cho thế giới này.
Có quá nhiều những vấn đề lớn nhỏ hiện diện ngay xung quanh chúng ta, trong cộng đồng, trong đất nước vẫn đang chờ giải quyết. Đôi khi cái khó nằm ở chỗ ta nhận diện và đánh trúng vấn đề, còn giải pháp lại là một câu trả lời đơn giản. Thứ ảnh hưởng mà chúng ta tạo ra có thể khắp năm châu, nhưng cũng có thể chỉ cho một nhóm nhỏ. Điều quan trọng là, tổng hoà của những nỗ lực ấy là một thế giới tốt đẹp hơn.


Nếu những điều tôi học được ở ASIP chỉ được tóm gọn trong một câu, thì nó sẽ chính là câu nói phía trên từ ngài Lãnh sự: Tất cả đều có thể trở nên tuyệt vời, vì mỗi người chúng ta đều có thể phụng sự cho xã hội!
Bài giảng từ USAID Việt Nam: Cùng hiểu những định nghĩa cơ bản nhất
Sau lễ khai mạc là hai bài giảng. Bài giảng thứ nhất tới từ Tiến sĩ Amaka Nwanko-Igomu – Chuyên gia Y tế công cộng từ USAID. “Đối với các bạn, như thế nào là định nghĩa của sự khoẻ mạnh (healthy)?” Các bạn đua nhau phát biểu. Tôi cũng không chịu kém cạnh. “8-hour of quality sleep” (8 tiếng cho một giấc ngủ chất lượng), tôi la lớn. Thứ tôi đã quá thiếu trong suốt thời gian vừa qua.

Bài giảng thứ hai của thầy Tuấn Anh – Chuyên viên Phòng tránh HIV/AIDS, USAID Việt Nam giúp chúng tôi hiểu về khái niệm “đối tượng dễ bị tổn thương” (vulnerable group), cùng với các phương pháp khảo sát và đánh giá những giải pháp tiềm năng.
Tôi cứ đinh ninh là học xã hội thì không phải làm toán, ai dè vẫn phải làm! Chúng tôi phải dựng đường cong Lorenz (Lorenz curve), để từ đó kết luận được sự tương quan giữa một yếu tố kinh tế-xã hội tới một hệ quả tương ứng.

Câu chuyện bắt đầu trở nên căng thẳng khi chúng tôi phải tính tổng tích luỹ (cummulative sum) để có thể dựng nên biểu đồ. Cả nhóm có mỗi tôi học kỹ thuật, thành ra chúng nó cứ ném hết cho tôi, “Để cho dân Bách khoa lo.” Mọi thứ sau đó giống y hệt trên giảng đường trường Bách: Tôi giơ tay để thầy Tuấn Anh làm rõ mọi thứ cho tôi hiểu (trên trường, phong cách của tôi cũng là “tra khảo” thầy cô), rồi sau đó hăng hái giảng lại cho đồng đội đến khô cả nước bọt.



Site Visit: Chuyến tàu của những cảm xúc vui buồn lẫn lộn
Buổi chiều, chúng tôi được tham quan các văn phòng các đối tác của chương trình, bao gồm:
- Christina Noble Children’s Foundation (CNCF)
- Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU)
- Làng trẻ em SOS (SOS Children’s Villages)
- AN Space
- Yoga Planet
- Bệnh viện Nhi đồng 2
- Psychub
- Learning Strategies
Những chuyến tham quan này không đơn giản chỉ là đến thăm: Chúng tôi hiểu rõ mình cần phải lắng nghe câu chuyện của họ và biết cách đặt câu hỏi, để hiểu hơn về những gì các dự án thực tế đang làm và ứng dụng điều ấy vào dự án của chúng tôi.
Do đặc tính của một số văn phòng và các nội quy tham quan nhất định, 100 người chúng tôi không được đi tất cả những địa điểm trên, mà được chia ra thành 4 nhóm, mỗi nhóm tham quan 2 địa điểm được chỉ định. Theo cách chia như vậy, các thành viên mỗi đội sẽ đi những nơi khác nhau, và chúng tôi có thể tổng hợp và cập nhật với nhau vào cuối ngày. Tuỳ vào điểm đến mà chúng tôi cũng cần phải ký các đơn cam kết (Commitment Form) hay tuân thủ các chính sách riêng biệt của nơi đến như No Phone/ No Photos Policy (không quay chụp, không điện thoại).
Tôi được phân vào nhóm thứ 2, đi tới Christina Noble Children’s Foundation (CNCF) và An Space. Vì hai nơi này thuộc vào nhóm có chính sách không quay chụp, không điện thoại – nên tôi cũng chẳng có tấm ảnh nào để chia sẻ cho bạn. Nhưng tôi nghĩ điều ấy cũng là một cái hay: Khi chia tay với chiếc điện thoại, tôi ở trong giây phút hiện tại 100% và nhớ như in những gì xảy ra hôm ấy.
Nói như một cô bạn trong đoàn tôi, chuyến đi của chúng tôi là chuyến đi của “tàu lượn cảm xúc”: Ở CNCF, tôi khóc nức nở vì chứng kiến những mảnh đời trẻ em quá đỗi đáng thương và trước một nỗ lực phi thường từ cô Christina Noble. Tới An Space, bầu trời trong tôi lại toả nắng vì được ở trong một không gian với trà, bánh và những bức thư pháp của thầy Thích Nhất Hạnh.
Christina Noble Children’s Foundation
Sau khi được hiểu về công việc và cơ cấu của CNCF, chúng tôi lên chơi với các em nhỏ tại một phân khu mẫu giáo ngay trong Trung tâm. Tôi được xem tụi nhỏ biểu diễn văn nghệ, và dĩ nhiên là cũng không bỏ lỡ cơ hội “thể hiện” lại cho tụi nhỏ: Chúng nó quá thích thú với trò waving trong Popping, khả năng giữ đồ khi tôi chu mỏ 🙂 và cả tấn thể lực để bế 3 đứa leo lên cùng lúc.
Kết cục là các chị trông trẻ phải “giải cứu” tôi khỏi chúng để tôi kịp đuổi theo đoàn, lúc bấy giờ đã quay trở lại tầng trệt để đi sang phòng khác.
Phòng sau đó mà chúng tôi đi tới là phòng dành cho những bạn cần được sự trợ giúp y tế đặc biệt. Các bạn trong phòng này không giống như phòng vừa rồi: Những bạn nhỏ này không thể giao tiếp hay vận động bình thường. “Cứ mỗi 2 tuần lại có những đứa trẻ mới đến. Những đứa đã hồi phục có thể được xem xét để trả về cho bố mẹ hay người giám hộ của chúng.” Tôi đã không thể nói hay tương tác gì với các em, mà chỉ có thể dựa vào lời giải thích của những người chăm sóc để hiểu được các em đang cảm thấy hay muốn nói điều gì.

Tôi rời căn phòng đó mà nhận ra mình chưa bao giờ biết ơn đến thế khi được sinh ra trong cuộc sống này. Lành lặn. Và tôi có thể làm gì với đôi bàn tay này?
AN Space
Tới An Space là tới nơi tôi có cơ hội “trổ tài” là một học sinh… “chuyên thiền”. Tôi đến với thiền từ năm 2020, khi COVID-19 nổ ra, và theo với nó đến tận bây giờ.
Chào đón chúng tôi là thầy và cô, người mà chúng tôi sau đó gọi là “cha” và “mẹ”; cùng một người anh hiện đang theo học tại Fulbright đồng thời làm việc tại AN Space. Trước khi nói với nhau điều gì, chúng tôi cùng thưởng trà với nhau.

Chúng tôi được hướng dẫn sẽ chuyển trà, bánh và trái cây trên một đĩa lần lượt cho nhau. Tới lượt ai, người đó cúi đầu cảm ơn, nhận phần của mình, đón lấy đĩa và chuyển sang mời người tiếp theo. Sau đó là thực hành “mindful eating” (ăn trong chánh niệm), đơn giản là bạn tập trung vào thức ăn của bạn và cảm nhận của bản thân trong khi ăn. Trong một xã hội nơi người ta vừa cầm điện thoại vừa ăn vừa uống, tôi nghĩ đây là một thứ đáng ra nên được phổ biến rộng khắp hơn bao giờ hết.
“Khi ăn trái cam này, các bạn nhìn thấy gì?” Sau một khoảng lặng dài, thầy hỏi chúng tôi.
Tôi mỉm cười. Đây không phải là lần đầu tiên tôi được hỏi hay tự hỏi chính câu hỏi này, và câu trả lời của nó đã quá rõ trong tôi.
Có bạn đã xung phong trả lời trước. “Em thấy trái cam có màu vàng cam, vị ngọt và rất ngon.”
“Ồ. Thật tốt khi em thưởng thức được trái cam như vậy. Còn bạn nào có ý kiến khác không?”
Thời đến đâu ai cản được. Đến lúc tôi phát biểu rồi.

“Thưa thầy, ngoài trái cam trong tay, em nhìn thấy những điều không phải là trái cam. Đó là những gì đã làm nên trái cam đó. Em nhìn thấy cây cam và những vườn trồng, nhìn thấy người thu hoạch, người vận chuyển, người đã đưa trái cam này tới với em. Em nhìn thấy trong bản thân trái cam ấy, những cơn gió, côn trùng, cơn mưa và tia nắng mặt trời – tất thảy những gì của tự nhiên đã tạo nên nó.”
Căn phòng rộ lên tiếng “Ồ” và những cái vỗ tay. Thầy gật gù vẻ hài lòng. “Tuyệt vời. Đó là một quan sát rất tốt đấy em. Phải vô cùng tỉnh thức, ta mới có thể nhìn ra những điều đó.”
Phần còn lại, các bạn đặt các câu hỏi có phần tập trung nhiều hơn về vấn đề tâm lý cá nhân của chính các bạn và nhận lời khuyên. Tôi muốn hỏi những gì liên quan hơn đến dự án, nhưng thời gian đã hết nên thầy không trả lời kịp cho tôi.

Cuối giờ, chúng tôi ngồi hát những bài ca từ Làng Mai (Plum Village) và chụp ảnh kỉ niệm. Tôi cũng không quên hỏi han cô giáo về nguồn gốc của những bức thư pháp. Chủ yếu bản gốc được giữ ở Làng Mai, nhưng AN Space cũng có cho mình một số bức từ thầy Hạnh.
Sao mà tôi muốn đi Làng Mai thế không biết! Đọc sách anh Tâm Bùi, giờ là được đến AN Space, có lẽ tôi nhất định phải đưa Làng vào trong danh sách điểm đến của đời mình thôi.
Tối: Họp bàn ý tưởng
Nhóm chúng tôi hẹn gặp nhau vào buổi tối để bàn bạc ý tưởng. Sau khi thảo luận, nhóm đi đến quyết định sẽ chiếm dụng phòng khách của căn tôi ở để làm địa điểm họp bàn tác chiến. Hoá ra không chỉ mình chúng tôi, các nhóm khác cũng có động thái tương tự, nên mọi người cùng căn với tôi đều di chuyển ra chỗ khác để họp với nhóm của họ.
Chúng tôi tổng kết chuyến site visit và cãi cọ đến 12h đêm. Sau đó tôi phải “xua đuổi” mọi người về, vì tôi quá buồn ngủ, và cũng vì roommate từ các nhóm khác họ cũng đã về cả rồi. Nửa đêm vẫn đọc paper nghiên cứu rồi sáng mai dậy lúc 6h quả là một điều quá sức với tôi.
Điều tôi không ngờ đến, đấy là đây chưa là gì so với đêm tiếp theo…