Recap: ASEAN Social Impact Program 2024 | Ngày 0

Cùng giờ này ba năm về trước, tôi cầm hộp quà Fulbright gửi tặng trong tay mà nước mắt rơi lã chã, vì tài chính không đủ để được học ở trường. Tôi ngồi trong giảng đường Bách Khoa mà lòng vẫn lưu luyến đầy tiếc nuối — về một nơi mình đã có thể đi tới, nhưng không bao giờ thuộc về mình.

Ba năm sau, cuối cùng tôi cũng đã được đặt chân đến Đại học Fulbright Việt Nam — ngôi trường mà nếu người ta hỏi tôi, “Nếu được chọn lại, liệu em có chọn Bách Khoa không?”, tôi sẽ không sợ mếch lòng mà nói “Không”. Đối với tôi, Fulbright là biểu tượng của điều tôi cần nhất trong sự học suốt đời: Sự khai phóng.


Banner chương trình ASIP năm nay. Tôi xin được ngả mũ trước đội thiết kế vì một bộ nhận diện quá tuyệt vời.

Chương trình ASEAN Social Impact Program là một sáng kiến giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV). Mục đích của chương trình là trang bị cho những hạt nhân thay đổi trẻ tuổi ở Đông Nam Á kiến thức, kỹ năng và tài nguyên cần thiết để giải quyết các vấn đề xã hội trong khu vực.

Năm nay là mùa thứ hai của ASIP với chủ đề: Mục tiêu Phát triển Bền vững số 3 của Liên Hợp Quốc (SDG 3): Sức khoẻ thể chất & tinh thần (Health & Wellbeing). ASIP năm nay đón nhận gần 500 lá đơn, và chọn ra 100 ứng cử viên đến từ 11 quốc gia. Người tham dự chương trình sẽ được Ban Tổ Chức chia vào các nhóm ngẫu nhiên. Nhiệm vụ của các nhóm sau 3 ngày tham gia là đề xuất một ý tưởng dự án cải thiện xã hội theo đề bài được đưa ra và trình bày trước Ban Giám Khảo. Các nhóm xuất sắc chinh phục được ban giám khảo sẽ nhận được số tiền tài trợ lên đến 10,000 Đô la Mỹ để triển khai dự án.

Nộp đơn đi, để đến Fulbright!

Số cũng là vì tôi luôn đau đáu về trường F, nên Facebook của tôi hay hiện bài đăng và quảng cáo từ trường. Đang mở Facebook trong giờ nghỉ của tiết học Nhúng, tôi bỗng thấy quảng cáo về ASIP hiện lên. Tôi tò mò bấm vào và thấy chương trình. Làm về SDG 3, Health and Wellbeing à. Cũng ổn đấy nhỉ. Ui được đến trường Fulbright! Lại còn được bao ăn, ở, vé máy bay trọn gói từ USAID nữa! Thôi thôi, quả này phải apply ngay và luôn.

Từ lúc tôi đọc thông tin tới lúc tôi quyết định làm đơn chỉ 15 phút. Kể cả sau đó form yêu cầu khá dài và công phu, tôi vẫn nói “Có” với việc nộp đơn. Vì đó là ước mơ 3 năm của tôi mà. Khi bạn mơ cái gì đó đến mức ám ảnh, tôi nghĩ nói như vậy cũng không quá (!), quyết định cuối cùng bao giờ cũng đến rất tự nhiên.

Lá đơn ASIP của tôi mất hơn 3 ngày để hoàn thành, dài gần 3000 chữ. Tôi cũng là đứa hay viết dài, nhưng nếu bạn làm đơn tử tế thì tôi nghĩ cũng phải đầu tư kha khá công sức đấy.

Dưới đây là những câu hỏi của lá đơn ASIP năm nay. Bạn nào muốn tham gia các mùa tới có thể tham khảo nhé.

  • Please share with us why you want to participate in ASIP, what you can contribute to ASIP, and what you hope to gain from ASIP.
  • Are you currently a member of a student club, organization, or project that aims to address an issue related to Health & Wellbeing? If yes, please share with us what the organization is about, your role and responsibility, and what you have learned while you are there.
  • Please tell us about a time when you work with a diverse group of people to accomplish a task.
  • Tell us about one initiative or project reflecting the enhancement of Health & Wellbeing towards a specific demographic in your country.
  • If you want to implement your own project related to Health & Wellbeing, please share your idea here, including the project’s goals, its target audience, planned activities, and beneficiaries, and how you think ASIP could help you realize the idea.
  • Please include a Google Drive link to your CV/resume.

Chương trình toàn bộ bằng tiếng Anh, do có sự tham gia của cả sinh viên quốc tế và các khách mời từ Lãnh sự quán Hoa Kỳ, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Đại học Fulbright Việt Nam và các đối tác của chương trình. Bạn hãy chuẩn bị tinh thần (và tiếng Anh, dĩ nhiên rồi) để sử dụng ngôn ngữ này xuyên suốt sự kiện nhé.

Để tham dự chương trình, tôi đã phải vứt hết liêm sỉ đi để xin nghỉ khắp nơi: Các tiết học trên trường, giờ dạy tôi trợ giảng, chỗ thực tập, studio múa nơi tôi làm. Thế mới thấy là càng nhiều cam kết thì càng khó để sắp xếp công việc mà đi! Nhưng vì Fulbright, tôi bất chấp tất cả…

Sài Gòn ơi, tôi đến đây…

Tôi thực sự biết ơn USAID và BTC vì đặt cho tôi vé máy bay giờ đẹp. Bay lúc 9h30 sáng, tôi sửa soạn ra khỏi nhà từ 6h và lên chuyến bus số 68 đi từ Hà Đông đến Sân bay Nội Bài. Sở dĩ tôi đi bus vì một là muốn thử (đã được đi máy bay đâu mà biết), hai là… sinh viên nghèo, đi bus cho tiết kiệm. Ngộ nhỡ phải bay sáng sớm hay đêm muộn thì chưa chắc tôi đi bus được.

12h trưa, tôi đặt những bước chân đầu tiên lên đất Sài thành, vẫn ngỡ ngàng vì không tin nổi mình đã đến nơi đây.

Ở sân bay, chúng tôi phải chờ khá lâu để xe bus của chương trình ra đón. 1h30 chiều, xe bus lăn bánh từ Tân Sơn Nhất về Docklands Residence, nơi chúng tôi sẽ ở trong mấy ngày tiếp theo.

Nhận ASIP package và Check-in Docklands

Tại sảnh, Ban tổ chức cho chúng tôi check-in và bắt đầu tiến hành phát ASIP package cho người tham dự. Nhận thẻ cứng in tên mình, tôi xuýt xoa vì sự chu đáo của chương trình.

Bạn nữ (bên trái) từ Ban tổ chức đang phát thẻ tên cho những người tham dự. Bạn ấy cũng là người đã điểm danh và đón chúng tôi lên xe bus từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Thẻ tên của tôi. Trông cũng ra gì và này nọ đấy chứ.
Tôi ngồi ở Bách khoa 3 năm rồi mà chẳng có tí quà nào, trong khi bình nước, miếng dán tủ lạnh, áo phông, sticker… của Fulbright đủ cả.

4h chiều, chúng tôi tập trung trong Common Area của Fulbright để được phổ biến thông tin chương trình. Nói chung vừa hạ cánh là… vào việc luôn, không có thời gian nghỉ ngơi hay ngao du gì hết. Lúc ấy tôi thực sự không nghĩ đến, nhưng đây chính là phát súng khởi đầu cho chuỗi ngày “all work, no play” (chỉ có công việc, không hề vui chơi) sau này.

Một game warm-up vô cùng thú vị từ các cố vấn của Đại học Fulbright. Chúng tôi bắt cặp tự do và làm quen với nhau trong chớp nhoáng. Đi ASIP để thấy rằng bạn có thể hướng nội, nhưng hết camp là ai cũng… hướng lung tung cả!

Trivia Game Night

Sau đó, chúng tôi được ăn tối và chơi game đố vui do các bạn cộng tác viên ASIP (vốn là các ASIPer mùa trước và câu lạc bộ STEM CLUB của Fulbright) tổ chức. Game rất vui, và tôi học được rất nhiều điều về văn hoá các nước ASEAN. Đây cũng là một điểm sáng của chương trình: Các yếu tố giao lưu văn hoá và tôn trọng đa dạng rất được quan tâm và đề cao trong những điều nhỏ nhất.

Game night kết thúc thì đã 10h hơn. Nhóm chúng tôi đa phần đều đã thấm mệt sau hành trình dài, cộng thêm Sài Gòn đón chúng tôi bằng cơn mưa rả rích, nên đều về phòng và đi ngủ.

Anh Tuấn Huỳnh, người điều phối vô cùng tận tình từ Ban tổ chức ASIP năm nay, với những lời dặn dò cuối cùng trong ngày. Sau này anh còn nhắc đội chúng tôi chăm sóc bản thân cho tốt, nhưng mà ai biết đâu? Đời không như là mơ, chưa xong project thì chưa dám đi ngủ…

In