Epilogue: Làm sáng tạo, chăm sóc cho bản thân là tối quan trọng
Khi ta bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết, khi ta dùng cách viết để kể một câu chuyện, dù muốn dù không, thì một kiểu độc chất nằm sâu bên trong mỗi con người cũng bộc lộ ra. Tất cả các nhà văn đều phải trực diện với độc chất này và ý thức được mối hiểm hoạ bao hàm, tìm ra một cách thức để đối phó với nó, vì nếu không thì sẽ không có hoạt động sáng tạo đúng nghĩa nào diễn ra được.
— Haruki Murakami, “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”
Suốt thời gian tập cho ‘A wo|man’, anh chẳng thể đếm được đã bao nhiêu lần anh khóc, khóc bù lu bù loa trong căn phòng này. Cứ vừa múa vừa khóc. Cũng không phải chỉ có anh. Vở diễn ấy nó lôi ra nhiều những thứ bên trong mình, nhiều những thứ ấy là những tổn thương, những cái đen tối, mà mình đã quên đi từ lâu lắm rồi.
— Quay Trần (Abnormal Conceptz), về vở diễn ‘A Wo|man’ (2022), một vở kịch múa đương đại trong khuôn khổ Dự án sân khấu Antigone, Goethe-Institut Hanoi
Trước khi nhận lời tham gia, mình đã được cảnh báo cho khó khăn trước mắt: “Làm vở là sẽ căng thẳng lắm đấy em ạ.” Biết là vậy, song chỉ để nó ở phía sau đầu, như một lời nhắc nhở thỉnh thoảng mới dùng đến. Đúng tinh thần “tấm chiếu chưa được trải”, mình vẫn quyết định trả lời ‘Có’ cho lời mời, trong đầu không có nhiều hình dung về những gì được mở ra sau đó.
Và đến khi vào việc thì cơn ác mộng đã thực sự bắt đầu.
Đời sinh viên như chơi tung hứng, không cẩn thận là bóng rơi
TL; DR: Bóng rơi mấy lần, phải đi nhặt lại. Có những quả phải chủ động vứt đi.
Mình vẫn hay tự giới thiệu với cái câu “ngày code, đêm bay”, ngay cả trong trang landing của website này. Nghe thì cũng hay, và thú thực là mình có sự yêu thích với cả hai lĩnh vực. Song lắm lúc chỉ muốn nói lại với những người “ồ à” khi nghe thấy câu đó và cảm thấy thú vị rằng: Xin đừng bắt chước.
Một ngày học của mình ở Bách Khoa bắt đầu vào lúc 6h45, phần vì nhà mình xa trường, muốn tránh tắc đường thì phải đi sớm; phần vì những học phần của mình đăng kí cứ bị xếp vào cái khung giờ đó (đơn giản là những khung giờ khác cũng gần như kín cả). Và cũng rất nhiều những ngày học đó kết thúc vào 17h30 chiều, tiết cuối cùng trong ngày.
Đến đây thì cũng chưa có vấn đề gì lắm. Cũng có những sinh viên có thời khoá biểu như thế này, chứ chẳng riêng gì mình.
Câu chuyện là “đời múa” của mình bắt đầu từ 6h tối.
Và nó kết thúc vào 11h đêm cùng ngày.
Để bạn hình dung rõ hơn về vấn đề ở đây, dưới đây là những mảnh ghép cuối cùng:
- Trong thời gian của “đời múa” hoàn toàn được dành cho công việc nhảy múa (và ngược lại). Không bài tập, không nhắn tin liên lạc, không gì cả. Giống như việc bạn khó mà vừa đọc sách vừa chạy (có thể lắm, nhưng đừng thử, vì sức khoẻ đôi mắt của bạn). Việc vừa múa vừa phân tâm cho thứ khác là một ý tưởng tồi.
Kết cục là khoảng thời gian đó trong ngày mình như “bốc hơi” khỏi Trái Đất, và chỉ quay lại vào sáng ngày hôm sau. - Và có những cuộc điện thoại đưa nhịp tim của mình lên 120 nhịp/phút vào gần 12h đêm cùng ngày từ thành viên của GDSC-HUST nhắc nhở mình về một tác vụ chưa hoàn thành cho sự kiện diễn ra vào tháng ấy.
- Bận bịu khi ở một chỗ là một chuyện, việc chuyển từ nơi này sang nơi khác để làm nhiều việc lại là một câu chuyện khác. Khoảng cách xa lắc lơ 8km gần như một tam giác cân giữa 3 điểm: nhà, studio và trường học; cộng với cái tắc đường thường nhật của thành phố khiến cho riêng bài toán di chuyển đã là một thứ tốn năng lượng.
- Chẳng ai tập mà lại không nghỉ ngơi. Mình biết điều ấy, thậm chí nằm lòng cả 5 khía cạnh của tập luyện do Nike Training Collective đề xướng. Nhưng khoảng thời gian đó thì đúng là… điên rồ thật. Đỉnh cao của nó là việc tập liên tục từ 4h chiều tới 11h đêm Chủ nhật hàng tuần:
- 4h-6h: Lớp Hip Hop Experimental, Quay Trần
- 6h30-8h: Training cho Trainee, Wonder Sisters
- 8h15 – 11h: PAS

Có những vấn đề ở đời mà nếu ta không giải quyết được ngay là ta… chết chắc. Ít nhất là ở trường hợp này, vào thời gian ấy, mình thấy tình hình thực sự cấp bách như thế. Kết cục là mình đã phải buộc đưa ra những lựa chọn cắt bỏ “không thương tiếc” với rất nhiều những thứ khác, và “gọt” đi tối đa cái lịch ở trên kia.
Gần cuối tháng 5, mình bị COVID quật thêm 1 tuần rưỡi. Liền ngay tuần sau đó là kết thúc thi giữa kỳ, nói lời tạm biệt với Wonder Sisters và kết thúc khoá thứ 2 của Quay Trần – mình nhanh chóng có lại được “khoảng thở” để hoàn thiện vở diễn.
Nhưng cái “càn quét” mà vở diễn này để lại với sức khoẻ tinh thần lẫn thể chất của mình thì mãi đến gần đây mới thực sự được hồi phục phần nào.
Làm nghệ thuật như làm nghiên cứu khoa học: Nghèo đến bao giờ?
TL;DR: Vở diễn này hoàn toàn không được trả tiền.
“Muốn giàu thì đừng có làm nghiên cứu”, suốt thời gian thử nghiệm ở phòng lab, cộng với việc nói chuyện với những đứa bạn lựa chọn đường nghiên cứu, mình đã nghe câu này không biết bao nhiêu lần. Và đúng ra thì vẫn có những người giàu lên nhờ nghiên cứu, nhưng đó cũng chỉ là một nhóm thiểu số, giống như bao lĩnh vực khác trong đời sống hiện giờ. Còn với đa số, làm việc với khoa học cần thứ nguyên liệu động lực khác bên cạnh đồng tiền.
Mình nghĩ thực ra thì cũng chẳng phải ai cũng lựa chọn cái gì đó để “muốn giàu”. Thường thì khi họ nói câu đó, ý của họ không phải là “không giàu được đâu” mà lại là “lắm lúc đói ăn”, “tiền không đủ sống”. Tức là một công việc nào đó thậm chí không cho ta được một mức thu nhập cơ bản, chứ đừng nói đến chuyện làm giàu.
Và mình cũng đã rất hân hạnh được thế giới nghệ thuật hất luôn gáo nước lạnh vào mặt. Khá là đúng thời điểm. Lấy tay vuốt mặt và bừng tỉnh nhận ra:
Mới bắt đầu thì hầu như chẳng ai trả tiền. Cái ta làm ra thô sơ, non nớt, ít giá trị. Chưa kể là chẳng ai biết mình là thằng nào. Hầu như đúng trong mọi lĩnh vực, không riêng gì biểu diễn.
Được một thời gian đáng kể rồi, cũng có thể có ai đó sẽ trả, nhưng không thể nói là nhiều. Hay nói thẳng ra là bèo bọt. Người ta hay bảo “Nếu bạn giỏi thứ gì, đừng bao giờ làm nó miễn phí”, cũng có lí thôi.
Nhưng mình cho rằng, những lĩnh vực mà con đường đi của nó là một thứ đường không được đi đủ nhiều (well-travelled) như bác sĩ, kỹ sư… – tức là phải tự mò mẫm, tự xây dựng đường mà đi, thì việc được trả tiền (cho ra hồn) đã là cả một mục tiêu dài hơi trước mắt.

Học ở một ngôi trường tốt, trong một cái ngành được coi là “hot”, mình nhận ra điều này vô cùng rõ ràng: Bất kể là mình chọn lối đi nào trong ngành này, luôn luôn hoặc là có cơ hội trong nước, hoặc là có ở ngoài nước. Miễn là mình biết mình muốn gì, tập trung cố gắng theo đuổi. Đường đi nước bước rõ ràng, lộ trình thăng tiến ổn định.
Nhưng tới tối là nhận ra, mình không còn đi trên đường quốc lộ bê tông đẹp đẽ. Mà là lần mò trong rừng rú, phạt cây giẫm cỏ mà đi.

Ngay cả khi ta đã trở thành một cái tên lớn trong ngành, vẫn không có ít người kỳ vọng ta làm thứ gì đó miễn phí, hoặc ở một cái giá không-thể-chấp-nhận-được chỉ vì họ cho rằng “nghệ thuật dành cho tất cả mọi người” (điều này đúng, nhưng nó bị đặt sai ngữ cảnh) hay đơn giản là họ không thực sự tôn trọng công sức của các nghệ sĩ.
Bạn có thể nói mình thiếu kiên nhẫn, vì đúng là mình cũng chỉ mới là một đứa ‘tập sự’ đầy nghiệp dư. Song cái việc làm lụng từ ngày này qua ngày khác và biết là mình sẽ không nhận được xu nào, bạn có hiểu cảm giác ấy không? Mình vẫn hay trộm nghĩ một điều, rằng vấn đề này nếu không được giải quyết hay có tiến triển theo một cách nào đó, sớm hay muộn nó cũng sẽ đánh gục một con người, bất kể là trình độ của anh ta ở mức độ nào.
“Bù lại, dù không kiếm được tiền từ phòng vé nhưng Herzog trở thành huyền thoại với những người biết trân trọng điện ảnh thật sự.
— “House” Nguyễn Anh Tú, “Thư từ xứ con người”
Còn bây giờ? Không có ai đủ điên như họ để làm chúng ta rung động thực sự.
Ngay cả Herzog cũng đã theo tiếng gọi đồng tiền mà chạy theo Hollywood với những tác phẩm nhạt thếch vô vị.”
Mình thiết nghĩ Herzog đáng ra không nên bị House trách móc đến như vậy khi ông lựa chọn rời bỏ Neuer Deutscher Film. Vì lí do đã ngay ở đó, điều anh đã viết ngay trong những dòng đầu.
Với hai nan đề kia trong đầu, mình cũng đã sụt sùi khóc, như anh Quay với A Wo|man, suốt một thời gian những ngày lái xe về nhà lúc nửa đêm.
Đến bây giờ mình cũng chẳng có lời giải nào cho điều ấy. Mình chỉ đinh ninh một điều như thế này.
Rằng mình cứ làm tốt hết sức mình, và chăm sóc tốt cho bản thân. Như vậy là được.
2 responses
This is such a cool blog! Please share more cool events like this!
Thank you so much 🫶💗