Chuyện Dance Battle: Phần 2 – Thắng bại chưa chắc tại kĩ năng

close up photo of person holding a trophy

Bài viết này là phần tiếp theo trong Series “Trà đá Hip Hop”, trong đó feature những đối thoại với hai người anh của mình là Quay Trần (Abnormal Conceptz) và Phương Xù (Wonder Sisters). Bạn có thể tìm đọc đầy đủ các phần tại đây.

Một cảm giác tốt thường cho một dự đoán tốt. Song không phải lúc nào kết quả cũng như kì vọng. Điều này nghe có vẻ hiển nhiên? Nhưng dù ta có biết trước về khả năng như vậy, mỗi lần nó xảy ra lại vẫn là một lần bất ngờ.

Nhiều khi gật gù đứng xem giải, anh em ai nấy đều đinh ninh “Thôi, quả này là bên này ăn rồi”. Hết round, judge chấm. Anh em quay ra nhìn nhau: ngạc nhiên, ngơ ngác, chưng hửng.

Chấm thế là thế quái nào?!?

Có rất nhiều yếu tố có thể đi đến điều tréo ngoe trên đây, đến mức đôi khi ngay cả giám khảo ngồi cùng bàn cũng bất ngờ về quyết định của những người còn lại, còn thí sinh thì vỡ oà trong sung sướng hoặc thất vọng. Tựu chung lại, mình cho rằng những yếu tố đó tập trung ở một biến số: Con người.

Judge đang nhìn thấy gì?

Nếu em hợp gu của judge thì em có khả năng đi đến chung kết. Nhưng nếu trước giải đấu, em cãi nhau với judge ngay từ ngoài bãi gửi xe (!), thì hẳn là em có nhảy hay đến mấy, người ta cũng không cho em vào đâu.

— Nguyễn Trần Phương “Phương Xù” (Wonder Sisters)

Biến số con người không chỉ nằm ở cảm xúc trong một tương tác hay một cái gu, như ví dụ (khiến mình cười đến sặc trà đá) của anh Phương Xù trên đây. Một phần lớn của nó đến từ khả năng nhận thức, cái “nhìn được” của mỗi cá nhân.

Cùng là tiếp nhận thông tin, nhưng mỗi người lại có những cảm nhận, liên hệ và suy nghĩ hoàn toàn khác nhau. Nghe một bài hát, xem một bộ phim, ăn một món ăn, ngắm một bức tranh, hay nhìn ai đó nhảy: Chúng ta đều hiểu thế giới theo cách của riêng mình.

Cụ thể hơn trên sàn đấu thì:

  • Người chấm giải có thể nhìn thấy dancer đang phô diễn một kĩ năng/ trick mà họ chưa bao giờ tập. Một thứ hoàn toàn mới với họ. Nếu họ cảm thấy điều đó hay, khả năng cao họ sẽ đánh giá cao thí sinh này.
  • Một người giám khảo khác có thể lại là người đã tập kỹ thuật đó lâu năm và nhận ra là dancer này đang chưa tập luyện đủ nhiều: Có sạn ở chỗ này chỗ kia, động tác còn hời hợt chưa dứt khoát. Chấm thua.
  • Người xem cũng tương tự như judge: Nếu bạn chưa ở một level đủ cao (chí ít là tương đương với người bạn đang đánh giá), bạn sẽ khó lòng phân tích được cái hay cái dở của người ta. Xem hết chỉ thấy cũng được được, hoặc thấy người này hay, người kia cũng hay; nhưng để bảo là đặt lên bàn cân (họ hay ở mức độ nào?) thì không trả lời được.
  • Và dĩ là chúng ta đều có những cái thích nhất định (aka. gu) mà cứ nhìn thấy ai làm nó là ta đã thấy cảm mến họ và đánh giá cao họ cao hơn những người khác.

Mình tin điều này không chỉ đúng trong giải đấu nhảy, mà còn đúng trong bất kể cuộc thi nào mang yếu tố con người. Mọi nỗ lực đo đếm và lượng hoá, đến cuối ngày, cũng chỉ đạt được một mức độ tương đối mà thôi.

Bạn không thắng ai, ngoài chính bản thân mình

Về phía thí sinh, câu chuyện thắng thua cũng không hoàn toàn là kĩ năng. Người ta nói “học tài thi phận”, âu cũng có cái lí do của nó. Đành rằng là may mắn cũng là một yếu tố, nhưng câu chuyện không chấm dứt ở từ “phận”:

Có người, bình thường học rất nhanh, tập rất tốt; nhưng cứ đi thi là lại bị lo lắng, tâm lí. Lo đến bất ổn tinh thần, đầu óc không còn sáng suốt. Không bung được hết những gì họ có. Họ “thua” sự căng thẳng.

Có người, đứng trước một đối thủ mạnh, bỗng thoáng sự sợ hãi và trồi lên một mong muốn chứng tỏ. Thể hiện rất nhiều, nhưng chẳng đi vào trọng tâm vấn đề. Nói râu ria trang trí. Trình ra thứ không phải là mình. Họ “thua” sự sợ hãi.

Có người, vì những sự kiện đời sống, hay tình hình tâm trạng sẵn có, không thể nào tập trung được vào giây phút hiện tại. Họ nhảy, nhưng không kết nối được với cơ thể và âm nhạc. Phí toàn bộ thời gian họ có. Họ “thua” sự mất tập trung.

Photo by JD Designs on Unsplash

Đối với mình, tham gia một giải đấu là làm hai bài thi cùng một lúc: Một bài với đối thủ là người khác, và một bài với chính bản thân mình.

Và mình nghĩ là bạn cũng hiểu, rằng mình cho bài thi nào là quan trọng hơn.

Việc chiến thắng chính bản thân không đảm bảo cho bạn một chiến thắng trước đối thủ.

Nhưng nếu bạn không vượt lên được chính mình, chắc chắn bạn cầm tấm vé thua.

Nói cách khác, thắng những thứ bên trong bản thân là điều kiện cần để bạn có thể vươn tới chiến thắng.


Khi biết những điều này, mình đã dần học được cách để không quá dằn vặt và trách móc bản thân khi kết quả không được tốt.

Nếu thắng, trân trọng chiến thắng ấy nhưng đừng tự phụ vỗ ngực mình quá lâu.

Nếu thua, hãy học bài học bạn cần học, và bước tiếp.

Để kết lại bài viết này hôm nay, xin được gửi tới bạn video chia sẻ của anh Nguyễn Sơn Lâm (X-Clown), một người anh mà mình vô cùng ngưỡng mộ. Anh đã dành chiến thắng Red Bull Dance Your Style tại khu vực Oakland và tiến tới ngôi vị á quân tại chung kết toàn quốc nước Mỹ năm 2022. Tuy nhiên, anh dừng chân ở top 16 tại cùng giải đấu này trong khu vực vào năm nay (2023).

Nếu chỉ nhìn vào ngôi vị mà nói thì có thể nói là anh đã không làm tốt được như năm trước đó. Song nghe những gì mà anh chia sẻ, cộng với việc đối chiếu những trải nghiệm của bản thân, mình tin rằng có những bài học lớn và giá trị hơn nhiều, so với một kết quả thắng thua.