Điều đầu tiên, một lần nữa chúc mừng bạn đã đỗ đại học! Những điều gì đang chờ bạn ở phía trước? Nhập học xong thì sẽ phải làm gì, sẽ tham gia những gì, sẽ gặp những ai? Bài viết này sẽ giúp bạn phần nào hình dung bức tranh trong những ngày tháng sắp tới để bạn có thể vững tâm hơn. Điều quan trọng nhất: Hãy giữ cho mình một cái đầu mở.
Những gì mình viết là góc nhìn cá nhân, và có những thứ sẽ thay đổi từ năm này sang năm khác, đòi hỏi bạn tiếp thu có chọn lọc và cập nhật những thông báo mới nhất từ nhà trường.
Các thông tin cụ thể trong bài viết này áp dụng với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Các bạn sinh viên trường khác có thể tham khảo những nội dung tương tự.
Tài khoản sinh viên
Mình để phần này ở trên đầu, bởi muốn có truy cập tới những thông tin cần thiết nhất để nhập học thì cái bạn cần là tài khoản sinh viên do nhà trường cấp. Thường thì đây là một địa chỉ email trường kèm với mật khẩu mặc định (cái mà sau này bạn nên tự đặt lại) để bắt đầu.
Thông tin về sử dụng email trường các bạn có thể đọc thêm tại Email @EDU 101: Bạn có thể làm gì với email trường cấp?
Kênh thông tin
Cổng thông tin Sinh viên (Student Portal/ Student Info Hub)
Cổng thông tin
Đây là địa chỉ bạn sẽ truy cập vào nhiều nhất trong thời gian là sinh viên của trường. Các thông tin về lớp học, thời khóa biểu, bảng điểm, học phí phải đóng, lịch thi,… đều có trên này.
Trang Quản lí đào tạo
Nếu như trên Cổng thông tin còn thiếu thông tin nào liên quan tới học tập thì bạn có thể hi vọng tìm thấy ở trên này. Mình đã xem thời khóa biểu tạm thời hồi đầu học kì trước trên này, cộng với kết hợp xem điểm trên cả hai trang (có những môn có điểm chỉ hiện lên ở trang này mà không phải trang kia).
Trang Facebook (Facebook Fanpage)
Có thể nói bên cạnh trang web chính thống thì rất nhiều trường chọn Facebook là nơi cung cấp thông tin chủ yếu. Bạn nên theo dõi những trang thông tin này thường xuyên và cài đặt cho các tin bài từ trang được ưu tiên hiển thị trước để không bị bỏ lỡ thông báo nhé. Cá nhân mình ban đầu không thích lắm việc tiếp nhận thông tin quan trọng qua mạng xã hội (tin thật giả lẫn lộn, dễ phân tâm) nhưng sau vì đó là kênh mà thông tin được cập nhật nhanh nhất và đầy đủ nhất nên cũng phải tập làm quen.
Dưới đây là một số trang thông tin bạn nên theo dõi để bắt đầu:
- Tuyển sinh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
- Đại học Bách khoa Hà Nội
- Hỗ trợ Sinh viên Bách khoa
- iCTSV
Nhóm Facebook (Facebook Group)
Các nhóm Facebook sẽ là những nơi các bạn có thể trao đổi và đặt câu hỏi nhanh nhất, tìm được người có cùng vấn đề, và nhận được giải đáp hay các bài đăng chia sẻ thông tin của những người khác. Lựa chọn kĩ nhóm chất lượng mà tham gia nhé, những nhóm không có người quản lí hay nội quy rõ ràng thường thông tin trong đó chất lượng cũng kém và nhiều quảng cáo linh tinh.
Một lưu ý là các bạn hãy ưu tiên hỏi han được những người thân cận, những người trong mạng lưới của mình trước rồi mới tham khảo diễn đàn mạng nhé. Bởi trên các nhóm, tương đối khó để phân biệt được đâu là thật, đâu là đùa; đâu là câu hỏi của tân sinh viên, đâu là mấy comment dạo của các anh chị rảnh vào trêu các em… Nếu không chắc điều gì thì nên inbox hỏi trực tiếp, nhất là thầy cô Phòng Tuyển sinh, cán bộ trong trường, hay các anh chị sinh viên bạn quen biết nhé.
Mỗi năm sẽ có nhóm được lập ra để phục vụ thông tin tới các tân sinh viên và người nhà của các bạn. Ví dụ như năm nay có nhóm K67 – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) chẳng hạn. Mình đã ở trong nhóm K66 hồi năm ngoái, và tìm được nhóm chat của lớp ngay trước khi chính thức học nhờ đó.
Ứng dụng
iCTSV
Ứng dụng do Tổ triển khai hệ thống iCTSV quản lí, trực thuộc Phòng Công tác Sinh viên, xét duyệt các hoạt động có tính Điểm rèn luyện cho sinh viên. Đã là sinh viên Bách Khoa thì sớm muộn gì cũng phải có nha, vì đây là địa chỉ giúp các bạn đăng kí hoạt động, minh chứng các hoạt động bản thân đã tham gia, và check xem điểm rèn luyện của mình.
eHUST
Ứng dụng mới do Nhà trường triển khai, ở thời điểm bài viết này chưa hoàn thiện đầy đủ tất cả các tính năng nhưng cũng đã có những tác vụ cơ bản. Mình sử dụng app này để xem thời khóa biểu và địa chỉ các phòng học, tìm kiếm thông tin về lớp mở trong học kì, và sử dụng mã barcode sinh viên để vào thư viện.
🗒️ Các bạn sinh viên từ các tỉnh thành xa tới học tại trường có thể sẽ phải tìm thuê trọ, nếu bạn không có sẵn nhà người thân hay người quen tại địa phương. Hãy tận dụng các kênh thông tin trên đây để sớm tìm trọ và ổn định trước khi bắt đầu với những hoạt động tại trường nhé.
Sinh hoạt công dân
Nghe bốn chữ “Sinh hoạt công dân” cảm giác có gì đó khá là nghiêm trọng đúng không nào? Nhưng thực chất Sinh hoạt công dân là chuỗi sự kiện nơi các bạn được học về trường và cuộc sống sinh viên từ A đến Z.
Khóa 66 của mình năm ngoái phải tham gia Sinh hoạt công dân online trên Microsoft Teams do COVID-19, nhưng thông tin được truyền tài vẫn rất đầy đủ. Trong một tuần, chúng mình được học về:
- Lịch sử và truyền thống của trường;
- Cấu trúc: Các Trường và Viện, phòng ban, đơn vị,… của trường;
- Giới thiệu các dịch vụ trong trường;
- Hoạt động sinh viên: Các tổ chức Đoàn-Hội, câu lạc bộ, sự kiện, ngoại khóa;
- Hướng dẫn nhập học, thuê trọ, hoàn thiện hồ sơ;
- Bài giảng về kĩ năng học tập, kĩ năng mềm ở Đại học…
Và dĩ nhiên không thể thiếu Lễ Khai giảng vô cùng trang trọng ở đầu chương trình!
Hãy chú ý tới thông báo tham gia Sinh hoạt công dân và tham gia đầy đủ nhé. Sự kiện này giúp cho các bạn có được những thông tin chuẩn xác nhất về hành trình sắp tới, cũng như là sự kiện tính điểm rèn luyện ngay trong học kì đầu tiên đó!
Hoạt động ngoại khóa
Sẽ rất sớm thôi sau khi các bạn nhập học, các tổ chức, câu lạc bộ,… sẽ rục rịch chuẩn bị những đợt mở đơn và phỏng vấn để tuyển thành viên mới. Các bạn nếu muốn tham gia thì hãy cố gắng theo dõi thông tin từ trước và chọn lựa hội nhóm mà mình thích để nộp đơn đúng hạn nhé.
Trong trường Đại học, số lượng các câu lạc bộ và hội nhóm cũng lớn hơn nhiều so với cấp 3, có thể sẽ khá “loạn” nếu bạn dạo quanh một vòng Facebook và lướt tìm. Dưới đây mình sẽ phân loại một cách tương đối để các bạn có thể dễ tìm kiếm hơn nhé.
Tổ chức Đoàn – Hội
Nếu bạn có mong muốn được làm cán bộ lớp, hay tham gia các hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên, thì đây sẽ là lựa chọn dành cho bạn. Những tổ chức này là “cánh chim đầu tàu” định hướng các phong trào sinh viên trong toàn trường. Hàng năm, các thành viên sẽ được tham gia các đợt tập huấn và bồi dưỡng bài bản để nâng cao trình độ bản thân.
Từ khóa tìm kiếm: “Ban cán sự"/ “Đoàn thanh niên"/ “Hội sinh viên" + Tên Trường/ Viện
CLB chuyên môn
Bạn chơi thể thao? Có một sở thích đặc biệt với ngoại ngữ, nhiếp ảnh, hay viết lách? Thích có nhóm cùng học thêm về chuyên ngành sau giờ? CLB sẽ là câu trả lời thích hợp cho bạn. Các CLB sẽ có văn hóa và tổ chức khác nhau chút ít, nhưng nhìn chung đều là những môi trường nơi bạn có thể giao lưu với những người cùng sở thích, xả stress sau giờ học, và học hỏi thêm về chuyên môn bạn muốn rèn luyện thêm.
Từ khóa tìm kiếm: “CLB" + Tên bộ môn + Tên trường bạn theo học (vd. Bách Khoa)
Các hội nhóm giao lưu
Bạn từ quê lên thành phố lớn để học tập và rất nhớ nhà, lại còn nhiều bỡ ngỡ. Làm sao để tìm ra người có thể trợ giúp bạn tốt nhất? Bạn có thể tham gia vào các nhóm sinh viên đồng hương, hay hội nhóm của trường/viện bạn đang theo học.
Từ khóa tìm kiếm: “Hội sinh viên" + Tên quê nhà bạn/ Tên Trường-Viện của bạn
Tình nguyện
Tuổi trẻ mà không đi tình nguyện một lần thì đúng là hơi tiếc đấy nhé! Việc tình nguyện sẽ giúp bạn có thêm cho mình những trải nghiệm, trách nhiệm công dân cũng như cảm nhận về cộng đồng. Có rất nhiều hoạt động tình nguyện quanh năm, nhưng thường chúng sẽ được tổ chức theo các đợt cố định, các bạn cần theo dõi được thông tin để tham gia.
Các bạn có thể tham gia các Đội tình nguyện để là những người đầu tiên được biết thông tin về các hoạt động này nhé.
Từ khóa tìm kiếm: “Đội máu"/ “Hiến máu", “Đội tình nguyện” + Tên Trường/Viện tương ứng
Cộng tác viên các phòng ban
Ngoài các tổ chức sinh viên, trong trường có những phòng ban nơi các thầy cô cần sự giúp đỡ của sinh viên. Việc trở thành cộng tác viên sẽ giúp bạn được làm quen với cách làm việc của các thầy cô, cũng như có nhiều cơ hội để tiếp xúc với những sinh viên bên ngoài vòng tròn của mình.
Thường các phòng ban này sẽ đưa ra kha khá các tiêu chí trước khi bạn có thể được chọn, đặc biệt là về học tập. Các thầy cô muốn chắc chắn rằng việc đi làm cộng tác viên sẽ không phải là điều ảnh hưởng tới kết quả học tập của các bạn.
Một số phòng ban các bạn có thể cộng tác: Tổ tư vấn tâm lý sinh viên, Phòng Hợp tác đối ngoại, Phòng Công tác sinh viên, Thư viện…
Lab nghiên cứu, nhóm nghiên cứu
Nếu bạn có hứng thú với nghiên cứu và muốn dành thời gian để đầu tư nhiều nhất cho chuyên môn của mình thì lab (phòng nghiên cứu) sẽ là điểm đến thích hợp.
Lựa chọn này sẽ phù hợp nhất với các bạn sinh viên năm 2 trở lên, khi các bạn đã được học một khối lượng cơ sở và cốt lõi ngành nhất định. Tuy nhiên, các bạn sinh viên năm nhất nếu có thành tích đặc biệt xuất sắc cũng có thể thử sức nhé! Các lab sẽ tìm kiếm sinh viên theo đợt, thường là vào cuối năm học, tranh thủ thời gian nghỉ hè để bắt đầu training và khởi động dự án.
Mỗi lab sẽ có những yêu cầu khác nhau về kĩ năng và trình độ, tuy nhiên năng lực tiếng Anh (để đọc các bài báo và tìm kiếm thông tin) cùng với nền tảng chuyên môn tốt luôn là thứ không thể thiếu. Hãy tập trung học tốt trong năm học – nhiều sinh viên giỏi được các thầy cô đích thân mời vào lab trước khi họ nộp đơn nữa kìa!
🗒️ Ngoài những tổ chức kể trên, bạn có thể chủ động tìm kiếm cơ hội cho mình bằng cách tham gia các cuộc thi, seminar, bài giảng đại chúng, chương trình trao đổi sinh viên,… Thông tin về những sự kiện có ở khá nhiều nơi và cũng không thiếu cái để tham gia. Quan trọng là bạn phải chọn lọc được thứ gì mình nên tham gia, thứ gì thôi, để có thể quản lí thời gian hiệu quả nhất nhé.
Những bài giảng đầu tiên

Bình tĩnh nhé: Sẽ chưa có “thầy viết kín 6 mặt bảng” với cả những “rơi bút là mất gốc” ở tuần đầu tiên đâu. Học kì đầu tiên và sau này cũng thế, tuần đầu tiên luôn là tuần để giới thiệu về giảng viên, nội dung môn học, cách thức giảng dạy và chấm điểm. Nghe thì có vẻ hơi thừa, 12 năm trước giờ giảng thế nào là do thầy cô, còn chấm điểm thì nộp bài rồi chấm, tổng điểm dựa trên thi giữa kì cuối kì, thế là xong, phải không?
Nhưng ở trên Đại học câu chuyện đã khác đi nhiều. Việc nắm rõ những thông tin này là cần thiết để bạn có thể lên kế hoạch học tập và tiếp cận môn học một cách tốt nhất. Không phải thầy cô, mà chính bạn, mới là người quyết định tiết học có thực sự hiệu quả hay không.
Hãy cố gắng trả lời được hết các câu hỏi dưới đây đối với tất cả các môn học bạn sẽ học trong học kì đầu tiên nhé.
Thông tin về giảng viên
- Tên tuổi, Trường/Viện trực thuộc
- Kênh liên lạc thường xuyên sử dụng để trao đổi với sinh viên. Đây là thứ bạn buộc phải biết nếu cần hỏi bài, xin nghỉ, hay có khiếu nại về điểm số sau này.
Thông tin về môn học
- Mục tiêu đầu ra. Học cái này để làm gì? Học xong thì làm được gì? Chỉ cần đọc để biết, không cần nhớ, nhưng cũng là thông tin cần thiết để bạn xác định tinh thần. “Tư tưởng không thông vác bình tông cũng nặng” mà.
- Nội dung môn học. Môn học có mấy chương, các chương học về nội dung gì? Nội dung này sẽ cần thiết để bạn có thể tự làm đề cương ôn tập, phiếu tổng hợp kiến thức… cho các đợt thi giữa kì và cuối kì; cũng như là một “bản đồ” để bạn định vị mình trên tiến trình học và kịp thời “lấp hổng” những nội dung kiến thức còn thiếu.
- Phương thức đánh giá. Mỗi trường sẽ có cách chấm điểm khác nhau, nhưng như ở Bách Khoa thì chúng ta có 2 đầu điểm là điểm Quá trình và điểm Cuối kì.
- Điểm Quá trình bao gồm bài thi giữa kì, các hoạt động trao đổi trên lớp, bài kiểm tra nhỏ, đi học đủ, làm bài tập đủ…
- Điểm Cuối kì là bài thi cuối kì theo đúng tên gọi của nó.
Cái bạn cần biết là trọng số của 2 đầu điểm này. Ví dụ: 0.4 QT – 0.6 CK nghĩa là điểm quá trình chiếm 40%, và cuối kì chiếm 60% để nhân hệ số tính ra điểm của môn học.
Với những môn học mà điểm cuối kì có trọng số cao, các bạn cần phải cố gắng làm sao để có thể thi cuối kì tốt nhất có thể. Với những môn mà hai đầu điểm này tương đương nhau, áp lực về thi cuối kì sẽ giảm bớt đôi chút, và việc tập trung tích cực tham gia trên lớp là đủ để đem về điểm số tốt rồi.
Cách thức dạy và học
Có thầy cô sẽ nói cụ thể, nhưng thường thì các bạn sẽ phải trải nghiệm, tự quan sát và rút ra cho mình. Các giảng viên có phong cách dạy khác nhau và theo đó, bạn sẽ phải tự lên chiến lược tự học, ghi chép, tiếp cận bài học… cho phù hợp.
- Nội quy lớp học. Thầy cô có yêu cầu đặc biệt gì trong lớp hay không? Lớp học này được khuyến khích để trao đổi sôi nổi, hay trật tự nghe giảng mới hợp lí? Có được sử dụng các thiết bị điện tử để ghi chép? Muốn phát biểu thì giơ tay hay cứ thế đứng lên và nói? Đa phần những thông tin này sẽ được giảng viên thông báo ngay ở tiết đầu tiên, nhưng nếu không, bạn có thể hỏi ngay, hoặc gặp thầy cô sau giờ để hỏi thêm về chỗ mình thắc mắc.
- Giảng viên dùng slide hay ghi bảng, hay cả hai? Nếu giảng viên chỉ sử dụng slide thì thường tốc độ nói sẽ khá nhanh, hay tập trung vào giảng giải vấn đề – việc chắt lọc ý để ghi bài là công việc của bạn. Nếu không tự tin vào khả năng tổng hợp thông tin tại chỗ, bạn có thể đọc trước slide và viết sẵn vở trước, tới lớp học có gì thì bổ sung.
- Bài tập độc lập hay làm nhóm? Có những môn học đòi hỏi bạn phải tạo nhóm ngay từ đầu và làm nhóm từ lúc đầu đến khi hết môn. Hãy cố gắng tìm kiếm nhóm cho mình càng sớm càng tốt, vì nếu chúng ta chưa quá quen ai thì việc làm với ai cũng như nhau. Đó cũng là một lần bạn rèn cho mình kĩ năng thích ứng linh hoạt với các đội nhóm và những con người mới.
Ngay cả với những môn học chỉ làm bài tập độc lập, việc tìm cho mình một “cạ cứng” để cùng lên thư viện, hay một nhóm bạn tập trung sửa bài và trao đổi với nhau sau giờ sẽ là một điều rất giá trị.
Bạn băn khoăn về cách ghi chép sao cho đúng? Tham khảo bài viết Học Đại học - Ghi chép sao cho đúng? | Phần 1: Các cách thức ghi chép.
Bạn bè

Một điều quan trọng không thể thiếu là những người bạn đồng hành cùng với bạn trong những ngày tháng sắp tới. Thường thường các lớp sinh viên năm nhất sẽ được sắp để học chung với nhau, do đó bạn sẽ có rất nhiều thời gian để làm quen và nói chuyện với các bạn cùng lớp.
Nếu bạn có người quen, là anh chị sinh viên hay giảng viên trong trường thì hãy chủ động hỏi họ để xin lời khuyên và hướng dẫn. Nếu bạn may mắn có bạn cùng trường cấp 3 nay cũng theo học cùng trường Đại học, hãy cùng nhau tranh thủ tìm hiểu về trường và dần làm quen với những người xung quanh, có gì hay ho thì mách cho nhau biết. Còn nếu không quen ai hết thì cũng không sao cả! Bạn có thể bắt đầu với những người ngồi bên, hay làm quen với giảng viên trước.
Bản thân mình khi vào trường cũng không quen ai hết, nhưng dần dà mình cũng đã làm quen được với nhiều người. Bí quyết của mình: Không để định kiến và đánh giá làm ảnh hưởng tới việc mình tiếp xúc với người kia.
Việc làm “sói cô độc” không có vấn đề gì – có những chặng đường ta phải đi một mình, và nếu đó là điều làm bạn thực sự cảm thấy thoải mái. Nhưng kết nối với những con người nơi đây, mình tin, là điều giá trị nhất khi bạn đầu tư vào trải nghiệm của hai chữ “Đại học”.
Bài cũng đã dài rồi, chúc bạn khởi động một hành trình mới với nhiều thuận lợi và những bất ngờ thú vị!