CÂU CHUYỆN SỐ 1
Mình ấy à, ngồi trong một lớp học ở Bách khoa, từ học kì đầu đi học trực tiếp đã chọn lên bàn đầu ngồi. Ngồi ấy vì muốn học, muốn nghe rõ, nhìn rõ, muốn đối thoại với giáo viên. Ngồi bàn đầu chỉ nhìn được bảng, chứ không nhìn được ai khác ngồi dưới. Trong khi bạn cùng lớp ai cũng nhìn thấy mình. Chưa biết gì về nhau, họ tìm cách đánh giá con người mình dựa trên những món đồ mình dùng, quần áo mình mặc, hay giọng mình là khẩu ngữ nơi nào.
Lên năm hai, vì là lớp trưởng nên đứa nào cũng từng phải nói chuyện ít nhất một lần, lại trở thành bạn với những người trước kia đã cố gắng để đánh giá xem mình là con người như thế nào. Nói chuyện trực tiếp cũng hiểu thêm nhiều điều về nhau, song cũng có những thứ các bạn không bao giờ hỏi mà tự đoán rồi mặc định mình là như thế. Có lẽ các bạn cũng chẳng có ác ý gì, nhưng mình thấy buồn vì họ luôn tự tạo ranh giới giữa người với người. Thỉnh thoảng ngồi nghe các bạn chia sẻ về cuộc sống mới trên Hà Nội, lại có đứa “Tiểu Phương dân Hà Nội thì xịn rồi, bọn tôi dưới quê lên biết cái gì đâu!”, chưa để mình kịp đóng góp một thứ gì. Thậm chí còn có người tự vẽ nên trong đầu họ một hình ảnh về mình và áp cái đó vào mình thay vì nhìn mình như chính bản thân mình ở hiện tại. “Tiểu Phương chắc cấp ba học trường quốc tế, con nhà giàu”, các bạn thầm thì, nhưng điều đó đâu phải sự thật. Chỉ mất chưa tới 1 phút để hỏi mình và biết câu trả lời, nhưng các bạn không hỏi và ngồi đoán già đoán non với nhau.
Bên cạnh lớp học trực tiếp, đa phần các thầy cô ở trường có duy trì thêm lớp học trên Microsoft Teams như công cụ trao đổi trực tuyến. Có cái gì cần hỏi thì đăng lên nhóm lớp, thầy cô trả lời, hoặc bạn cùng lớp ai biết thì trả lời. Nhưng mình thấy rất nhiều người bạn của mình, không rõ vì lí do gì, lại chọn một con đường “tốn calo” hơn rất nhiều: Tìm cách hỏi mình, và nếu mình không biết, thì nhờ mình “hỏi hộ” ở trên nhóm lớp, thứ mà họ hoàn toàn có thể làm ngay từ đầu. Điều ấy xảy ra nhiều lần, và với nhiều người, đến lúc mình phải ngạc nhiên hỏi lại, “Ủa thế sao mày không hỏi luôn đi?” thì luôn nhận được câu trả lời: “Tao… ngại!”
Xuất thân là dân học xã hội, lên Đại học lại học khối tự nhiên, mình gặp tương đối nhiều khó khăn trong việc lấy lại gốc những môn khoa học cơ bản. Kết cục là tự dưng thân với các thầy cô giáo trong Viện Toán, vì toàn là đứa ở lại cuối giờ để hỏi riêng nhưng câu hỏi hết sức cơ bản, thứ mà những bạn bè của mình thường hiểu sẵn nhưng không thể giải thích cho mình.
Có hôm nói chuyện với giảng viên dạy Xác suất thống kê, thầy cũng thắc mắc “Liệu các bạn nghe tôi nói các bạn có hiểu hết không? Tại sao chỉ có mình em đặt câu hỏi cho tôi nhỉ?” Cái mình mới hiểu ra, ồ, hóa ra từ phía giảng viên cũng đầy những mù mờ về những sinh viên của mình. “Tại sao các bạn lại không hỏi? Là do không có câu hỏi, hay là do có câu hỏi nhưng không muốn đặt?” Nghe thầy hỏi, mình cũng ậm ừ, tặc lưỡi, “Em cũng không rõ, nhưng có lẽ là do đa phần các bạn thấy ngại thầy ạ!”
Nhưng từ “ngại” để trả lời cho một lí do thì cũng khá vô nghĩa như thể “Bạn đi bơi ở đâu?”/ “Mình bơi ở dưới nước” – nó làm người ta buồn cười mà thở dài, vì chẳng rõ nguyên nhân thực sự gốc rễ là ở đâu.
Mình nghĩ lí do có lẽ có nhiều, có những phần cá nhân mỗi người mình không thể nói thay, nhưng mình thấy cái ngại kia phần nhiều là do các bạn đã quen cái nếp tự đặt ranh giới giữa bản thân và thầy cô. Đi học 12 năm, thầy cô có quyền sinh quyền sát, thưởng phạt chấm điểm đều do họ. Lỡ nói cái gì sai thì không chỉ là sợ bị các bạn cười chê, mà còn sợ “mất điểm” trong mắt giáo viên. Hỏi phải cái gì đó dở hơi quá, không chừng cũng bị thầy cô nhớ mặt mà “trù” cho. Nó như tâm lí sợ những kẻ có quyền (authority), thứ thường tiếp diễn ngay cả khi ta ra khỏi môi trường của cơ sở giáo dục.
Hơn chục năm đi học, vừa làm cán bộ lớp, vừa may mắn gặp được (tuy không nhiều) những thầy cô chủ động đối thoại bình đẳng với học sinh, mình sớm nhận ra việc xây nên ranh giới giữa bản thân và người giáo viên chỉ gây cản trở cho việc phát triển của chính mình. Mỗi một lần ngại hỏi phải bù lại với hàng giờ kiếm đứa này đứa kia nhắn tin qua lại để hỏi, hay phải tra Google đến mệt nhoài. Có những khó khăn mà bạn gặp phải và thằng bạn của bạn cũng gặp phải – ví dụ, hỏi một đứa về nội dung thi trong khi cả lớp cũng mù tịt về điều ấy – thì việc hỏi nó không mang lại kết quả. Chỉ có cách hỏi trực tiếp giảng viên là có được câu trả lời. Vừa nhanh, vừa chuẩn xác. Có chăng thỉnh thoảng sẽ bị mắng hay thậm chí là từ chối trả lời, cũng chẳng sao, vì như vậy thì cũng còn hơn là không hỏi và cũng không mất gì nhiều hơn ban đầu. Chỉ là chuyện hạ cái tôi xuống mà thôi.
Hồi điền hồ sơ nguyện vọng thi đại học (năm của mình vẫn còn viết vào giấy và sau đó mới nhập vào hồ sơ điện tử), không biết nghe từ đâu cả lớp bắt đầu cãi nhau về chuyện ghi số 7 có gạch ngang hay số 1 có chân là đúng hay sai, đứa này hỏi đứa kia, phụ huynh thậm chí cũng tham gia bàn luận với nhau mất cả tuần, nhiều đứa không dám ghi hoàn thiện khi tới sát hạn nộp vì sợ viết sai – trong khi chẳng ai đi hỏi người thực sự nắm được thông tin. “Hỏi cái linh tinh ấy sợ các cô mắng”, con bạn lớp trưởng lo lắng nhìn mình. Mình xuống Văn phòng trường, sau khi nghe mắng thật, vì “Các cô cậu chỉ đồn thổi vớ vẩn” và “Nhanh lên để tôi còn làm hồ sơ”, nhận được câu trả lời rằng viết thế nào cũng được miễn là người phụ trách đọc được để nhập liệu hồ sơ online cho mỗi người. Một vấn đề chỉ mất 5 phút hỏi nhưng đã mất cả tuần mới được giải quyết.
CÂU CHUYỆN SỐ 2
Tuần trước, kết thúc Đêm diễn tháng 12 ở Kinergie Studio, hết các phần múa Đương đại, anh Tân dẫn chương trình nói thế này:
“Bây giờ chúng ta sẽ sang tới phần giao lưu giữa diễn viên và khán giả. Chúng ta sẽ xóa nhòa ranh giới giữa người xem và người biểu diễn, và đối thoại với nhau về những cảm nhận của chính mình sau buổi ngày hôm nay.”
Mình nghe mà giật mình quay lại nhìn các anh chị đang đứng cùng trên sân khấu. “Cái này nằm ngoài kịch bản ạ?” Mọi người ai nấy cũng cười cười, lắc đầu, “Anh chị cũng không biết là có phần này”. Mọi người bắt đầu ngồi xuống và xích lại quanh một vòng tròn, hệt như một buổi team building hay cắm trại của một đội nhóm nào đó.
Bước những bước chân đầu tiên đi học nhảy, con người mình đầy những sự tự ti về bản thân. Vào vòng cypher cũng ngại, đi đấu giải cũng ngại, diễn showcase cũng ngại.
Hồi đầu năm nay, mình tới xem EXHIBITION BATTLE, một sự kiện do Wonder Sisters tổ chức. Ở phần Talkshow cuối chương trình, mình nghe anh Zjzu nói thế này:
“Mình thấy các bạn trẻ bây giờ ít khi đi đấu. Mình đã từng tổ chức một giải đấu nhảy cho học sinh cấp ba mà các bạn tham gia rất đông, hơn 180 bạn. Nhưng nếu bảo cũng vẫn những bạn đó, để kì vọng nhìn thấy các bạn đó trong những giải đấu khác thì có lẽ chỉ còn khoảng 20 bạn. (…) Các bạn bây giờ thích xem những người đi trước nhảy hơn là được lên cùng một sàn đấu để nhảy với họ. Các bạn cứ cảm thấy là “mình phải có cái gì đó” thì mới được đi đấu, trong khi ngày xưa bản thân mình mới học nhảy có 2 tháng đã đi đấu giải rồi. Mình không biết vấn đề ở đây là gì, nhưng hiện tại mình đang chứng kiến một điều như thế.”
– Zjzu (Last Fire Crew), trong EXHIBITION BATTLE 2022
Zjzu là người thầy đầu tiên của mình ở Last Fire. Mình tự hỏi anh ấy có nhớ ra mình mà nói điều ấy không. Ngồi dưới nuốt từng lời mà đến đoạn đó mình chỉ muốn đứng lên giãi bày tâm sự cho 160 bạn còn lại trong câu chuyện anh kể, vì bản thân mình có trong câu chuyện ấy.
Mình khó mà nói thay được lí do cho những người khác, nhưng mình biết tại sao mình lại như vậy.
Khi mình xem những anh chị đã đi nhảy lâu năm, mình thấy một sự chênh lệch lớn về trình độ. Họ như thể ở trên đỉnh Everest còn mình thì đang dưới chân núi ngước nhìn lên. Xem họ nhảy trên Instagram, rồi nhìn lại những video quay chính bản thân mình nhảy, vừa thấy ghen tị vừa thấy đuối đuối. Không nhìn ra được con đường để mình tới được cái mức như họ vì khoảng cách quá xa. Mà thường thì khi như vậy, con người ta thường có xu hướng “thần thánh hóa” để khiến bản thân thoải mái hơn về sự yếu kém của mình. “Người ta đẳng cấp nên nhảy khủng như vậy, mình mới tép riu nên nhảy xấu là dễ hiểu.” Mình không đưa người khác lên làm idol, mà tự nghi ngờ về chính khả năng của bản thân. Kết cục là tự tạo ra bức tưởng giữa mình và những người anh chị đi trước trong cộng đồng mà bản thân muốn gia nhập, và chẳng tiến lên được tí nào kể từ đó.
Lâu dần thành cái bệnh tâm lí. Tập ở trên lớp được 10 phần, khi đi đấu mình “xụi lơ” còn được có 1-2 phần. “Mày không lên được như lúc ở trên lớp”, có một người chị từng nói với mình như vậy. Đi lần nào cũng “tạch” prelim – lắm lúc ở những giải đáng ra thậm chí “không thể tạch”, sau 2 năm như vậy mình đi tìm tới Kinergie, một môi trường khác nơi mình có hi vọng tự chữa vấn đề của chính mình.
Mãi tới gần đây được đứng trên sân khấu, diễn vở múa đầu tiên trong cuộc đời, mới biết thế nào là cảm giác đứng bên cạnh những người nghệ sĩ mình hằng ngưỡng mộ. À, hóa ra họ cũng phải tập luyện, cũng phải sửa đổi, cũng có lúc bí ý tưởng, cũng có lúc áp lực vì chính thứ họ đang làm. Họ cũng mắc lỗi, cũng sai và cãi nhau, cũng có lúc lười và mất tập trung hay mất động lực. Họ cũng có những dấu hỏi về chính bản thân, và nhiều cảm xúc lẫn lộn khi nhìn những người khác giỏi hơn mình. Hóa ra ai cũng có một con đường dài để đi, và tốc độ đi cũng khác nhau. Đúng là trình độ ở một thời điểm nhất định có khác nhau, nhưng đó không phải cái ngăn cản mọi người nhảy múa cùng với nhau. Nếu đợi trình độ ngang nhau thì có lẽ còn khuya mới có thứ gì được tạo ra.

Với cái nhận thức ấy, những ranh giới mình đặt ra trước giờ đang dần mờ nhạt đi – tuy rằng cái chuyện “sợ” và “ngại” vẫn cứ còn đó. Hôm trước đi học lớp Quay Trần của Abnormal Conceptz, cuối giờ anh rủ “Nhảy không?”, đứng vào cypher 2 người với nhau. Mình ngay lập tức bị cái tâm lí kia ảnh hưởng, mặc dù là đang ở trong studio, chả có ai nhìn và chẳng phải đấu đá cho một thứ gì đó. Quay cũng nhận ra điều ấy, “Cypher thôi mà! Mày lúc nào cũng bị như này à?” Mình tặc lưỡi thừa nhận, có lẽ để hết được hẳn thứ này hẵng còn lâu lắm.
Nhưng chí ít mình cũng đã tiến lên.