💡 Disclaimer: Những chia sẻ, quan điểm, hay lời khuyên trong bài viết này đều tới từ nghiên cứu và trải nghiệm cá nhân của chính tác giả. Người viết xin không chịu trách nhiệm cho những vấn đề phát sinh nếu bạn lựa chọn áp dụng, một hay nhiều phần, những điều được chia sẻ trong bài viết này. Vui lòng tìm đến bác sĩ và những người tư vấn chuyên khoa với những vấn đề sức khỏe của chính bạn.
“Ê Tiểu Phương, đọ tay với tao xem bắp tay ai to hơn.”
Đang ngồi trên giảng đường, thằng bạn bàn bên tự dưng giơ cánh tay ra, chúi người sang phía mình và tỏ vẻ thách đố.
Câu chuyện là từ khi lên Hà Nội học đại học, nó bắt đầu đi tập gym. Sau một thời gian ngắn khoảng 2-3 tháng, nó bắt đầu thấy tay chân nở bắp. Mình không rõ điều đó làm cho nó phấn khích đến mức độ nào, song mình có thể nói là nó đem đi hỏi cái câu trên kia với hầu hết những đứa bạn không kể gái trai.
Mình thấy cũng hay hay, bèn giơ tay ra so với nó. “Đấy nhé, tay tao vẫn to hơn.” Nó khẳng định một câu chắc nịch, cái rút tay về, lại trở về với việc riêng trong giờ giải lao. Mình ngồi cười ngơ ngác, đầu mọc lên một dấu chấm hỏi cho hành động kì quặc vừa rồi của nó.
Bạn đang tập vì điều gì?
Trước thời kỳ COVID-19, đi ra công viên, mình không thấy mấy ai kiểu như mình. Đông nhất là những người trung niên, đa phần đều đã gây dựng được sự nghiệp, con cái cũng trưởng thành, đi tập để lấy lại sức khỏe, hồi phục hoặc phòng ngừa cho thứ nguy cơ bệnh tật vốn rất hay xảy ra vào độ tuổi ấy. Tiếp đến là người già, các cụ thường tập theo nhóm theo đội, không còn tập vì thành tích hay hình thể, có thể nhanh chậm tùy người nhưng tập rất đều và rất bền. Cuối cùng mới là người trẻ, chủ yếu là những anh chị tuy có thể nhận mình là “không chuyên” song vẫn rất nghiêm túc với một bộ môn nào đó, có theo dõi các chỉ số này kia nhờ những thiết bị thông minh. Có nhiều người mặc quần áo chuyên dụng, và còn lác đác thấy áo của những cuộc thi.
Còn những người như mình, người trẻ tập đơn giản vì một mục đích sức khỏe đơn thuần, không vì thi đấu hay gì khác thì lại khá hiếm.
Từ thời gian giữa và sau dịch COVID-19, ngành Sức khỏe (Health & Wellness) đã nhanh chóng vươn lên trở thành một ngành công nghiệp mới giá trị nghìn tỷ đô, và vẫn đang tiếp tục lớn lên với tốc độ chóng mặt [McKinsey & Company].
Yoga và thiền nhanh chóng trở thành một sự khẳng định đằng cấp mới. Hàng loạt phòng gym bắt đầu sáng đèn không kể ngày đêm. Ở trong những phòng máy lạnh ấy, con người ta cần mẫn làm việc với những chiếc máy, nhưng không để nhằm sản xuất ra thứ gì khác ngoài chính bản thân mình.
Và những người bạn của mình, ai ai cũng tập tành hăng say hơn. Người nào chưa từng tập thì bắt đầu tìm đến gym, hứng khởi cho một sự lột xác bản thân.
Mình cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng khi nhận thức về sức khỏe trong dân trí đang dần được nâng cao. Song thứ gì thành trend thì cũng như con dao hai lưỡi. Có những người tập chỉ vì FOMO, có những người tập chỉ để có một body đẹp. Body đẹp không phải vì để bản thân cảm thấy tốt hơn, mà là để khoe ra và gây ấn tượng với người khác.
Không chỉ có một hình ảnh duy nhất cho sự khỏe mạnh
Nếu như bạn cũng giống như mình, học bộ sách giáo khoa kiểu cũ, hẳn là bạn cũng nhớ một quyển sách huyền thoại mà ai trong chúng ta cũng cười khúc khích mỗi khi nhắc về nó.
Quyển sách Sinh học 8, cuốn đầu tiên giới thiệu với những đứa nhóc 14-15 tuổi biết thế nào là cơ thể người trưởng thành. Đúng vào những thay đổi rõ rệt của tâm sinh lí trong tuổi dậy thì với nhiều dấu hỏi, những đứa trẻ hí hửng tìm tòi những thứ kiểu như thế, tò mò về chính mình và về người khác.
Điều làm nên sự thích thú ấy là bức tranh vẽ cơ thể hai người nam và nữ, nằm ngay trong trang đầu tiên của chương Cơ thể người, cả hai đều trong tỉ lệ cơ thể được coi là đẹp nhất, như bức tượng David của Michelangelo. Người nam có cơ bụng sáu múi, còn người nữ có dáng đồng hồ cát hoàn hảo.
Nhưng vấn đề là, đâu phải tất cả mọi người đều sở hữu cơ thể đúng theo tỉ lệ ấy.
Và câu chuyện là chẳng có một lời giải thích nào từ sách, hay từ thầy cô giáo, nói rằng với mình đó không phải là hình thể duy nhất mà ở đó ta được coi là khỏe mạnh. So sánh hình ảnh ấy với bản thân mình, mình dần nhận thấy những điểm khác biệt và dán nhãn chúng là “sự xấu xí”, hay “khuyết điểm” của bản thân. Lướt mạng xã hội, đập vào mắt là những hình ảnh hoàn hảo của những người trai xinh gái đẹp, mình không khỏi cảm thấy tự ti ít nhiều về bản thân.
Sau này đi tập, đi học, mới vỡ ra nhiều thứ. Dĩ nhiên là người có cơ bụng sáu múi có một sự tích lũy nhất định về mặt thể chất. Nhưng không phải sự khỏe mạnh nào cũng bộc lộ ra ngoài bằng hình ảnh sáu múi ấy.
“Vô hình” rồi cũng thành hữu hình, chỉ là cần rất nhiều thời gian
Đó là một buổi chiều học thể dục năm lớp 12. Ngày hôm đó chúng mình được học nhảy cao kiểu bước qua, giống môn Nhảy cao có trên trường đại học bây giờ. Đơn giản là bắc ngang xà, và nhảy làm sao qua mà xà không rơi. Do kinh nghiệm dạy các lớp trước đó, thầy biết mặt bằng chung thường xuyên sai kĩ thuật, cộng với ít người có khả năng thể chất tốt, nên yêu cầu của thầy cho lớp cũng khá đơn giản. 20 phân, nhảy thế nào qua là được. Đa phần đều đạt.
Gần cuối giờ, trước khi chuẩn bị dọn đồ, thầy cho mấy đứa con trai thử nâng cao xà lên và tập tiếp. Mình thấy vui nên cũng xin tham gia. Xà cứ được nâng cao dần, và cho tới khi mình kịp nhận ra còn mỗi mình mình muốn nhảy tiếp, thì xà đã cao đến 1 mét. Lần thứ nhất, xà rơi. Lần thứ hai, xà vẫn rơi. Tim mình đập thình thình như trống ngày khai hội, vì mệt một phần, thì tám chín phần là do hồi hộp.
Quay lại trước đó 5 năm, hồi ấy mình học lớp 7. Gần cuối học kì một, một hôm mình nhìn thấy hai thằng bạn cùng lớp đang loay hoay quanh một cái hàng rào tập nhảy qua nhảy lại. Tò mò nên đứng quan sát chúng nó từ xa. Mình đợi chúng nó đi hẳn rồi chạy ra cái hàng rào đó bắt chước cái chúng nó làm, nhưng không làm được. Đang lúc loay hoay thì hai đứa đó quay lại, cười cười, “Lazy Vault đấy. Mày có muốn tập Parkour không?”
Và thế là có ba đứa. Sau đó không lâu có thêm một người anh nữa, và một thằng bạn nữa. Tổng là năm người. Cứ đến giờ ra chơi là lại chạy quanh trường, băng qua đủ thứ địa hình theo một “map” mà cả bọn đã vẽ trước – vừa là để tập thể lực, vừa là để tập trick. Hẹn với nhau đi tập cả ở ngoài.
Hồi đó thể lực mình không có, tay chân bèo nhèo, thành ra là đứa đi chậm nhất trong bọn. Cộng thêm cái tính hay sợ sệt, sợ đau, sợ ngã, nghĩ lắm trước khi làm gì đó, nên kết cục là chăm đi tập mà cũng chật vật lắm. Mệt mỏi tay chân một, thì mệt mỏi về tinh thần mười. Anh em cũng động viên nhiều, xong lúc mà mình đã sợ rồi thì dứt ra khỏi nó khó lắm. Nhiều lúc cảm thấy cái sự chậm tiến và sợ sệt của mình còn khiến tinh thần đồng đội đi xuống, ảnh hưởng tới người khác, mình còn thấy buồn hơn.
Khi mọi người đã dần học những trick mới hay và khó hơn, mình vẫn luẩn quẩn với Lazy Vault, Turn Vault, và Monkey Vault. Mình lao vào tập chạy và tập bật cao một mình, nhưng hồi đó không có kiến thức, tập luyện không đúng, nên cái chuyện căng cơ bắp chân vào giữa đêm (và mất ngủ) đã thành cơm bữa suốt thời gian đó. Mọi thứ căng thẳng tới cái độ mình còn chẳng hiểu tại sao mình lại muốn tập bộ môn này từ đầu nữa. Sau này, khi mọi người đã tốt nghiệp cấp hai và mỗi người một nơi, nhóm dần tan rã và không gặp lại nhau nữa, mình cũng nghỉ tập bộ môn này.
Tuy vậy mình vẫn duy trì tập thể lực từ hồi đó tới giờ. Tại sao ư, mình cũng chẳng biết. Chỉ biết là khi nó thành một phần nào đó của thói quen, mình cảm thấy thiêu thiếu khi không làm nó, vậy nên mình tập. Tập miết. Đơn thuần là duy trì và giữ gìn sức khỏe. Cũng chẳng có điều gì quá kì diệu xảy ra.
Quay lại lớp học thể dục năm lớp 12.
Sau hai lần thử đầu thất bại, mọi người động viên nhảy nốt lần cuối vì đã hết giờ. Mình dậm chân nhảy. Nhắm tịt cả mắt. Và phía sau mình là thanh xà vẫn còn nguyên vẹn chưa hề rơi.
Thầy nhìn mình, rồi cười khà khà, “Tôi chả hiểu sao bố mẹ lại đặt tên cô là Tiểu Phương. Cô phải là “Đại Phương” mới đúng!”
5 năm trước đó, mình đã chẳng bắt đầu tập Parkour với cái ý nghĩ hay dự định ngày nào đó nó sẽ giúp mình làm những thứ vốn mình nghĩ là không tưởng. Chỉ đơn giản là thấy nó hay và mới lạ. Nhưng nếu mình đã không kiên trì tập luyện suốt những ngày tháng sau đó, có lẽ đã chẳng có mình của ngày hôm ấy. Ở trong lớp học, vào giây phút ấy, mình thực sự đã sẵn sàng cả về thể chất lẫn tinh thần.
Một trái ngọt muộn màng và không lường trước, từ một hạt giống được chăm bón 5 năm.
Kết: Cho những sự đổi thay không nhìn thấy được
Cảm hứng cho bài viết này bắt nguồn từ bài tập của học phần Thiết kế quảng bá sản phẩm mình học kỳ này. Chúng ta vẫn luôn nhìn quảng cáo như thứ gì đó tiêu cực, của những tay tư bản cứ mãi mong muốn thuyết phục ta phải mua thứ gì đó từ họ. Nhưng nếu làm chuẩn và làm đúng, những quảng cáo hoàn toàn có khả năng thay đổi thế giới.
Rất hân hạnh được giới thiệu cho bạn một chiến dịch quảng cáo mà mình tìm kiếm được, chứa tải toàn bộ thông điệp của bài viết ngày hôm nay. Từ ASICS, đây là “Dramatic Transformation”.