Với những yêu cầu ngày càng khắc nghiệt của môi trường học tập và làm việc hiện nay, chúng ta càng ngày càng phải học thêm những kĩ năng và trau dồi chúng để có thể đáp ứng với thời thế. Đối với những người bận rộn và không có quá nhiều tiền để chi trả cho các khóa học, những giải pháp học tập online sẽ chính là câu trả lời cho các bạn. Vấn đề là, website nào có thứ mà bạn muốn học? Những khóa học có miễn phí hay không, chương trình học dài ngắn thế nào? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc đó nhé!
Chú ý: Tất cả những trang web này đều là bằng tiếng Anh, nên hãy chắc chắn rằng bạn có đủ vốn từ vựng cũng như quyết tâm để tiếp thu kiến thức bằng ngôn ngữ này.
1. Dành cho học sinh tiểu học, trung học và người chuẩn bị đi du học: Khan Academy
Khan Academy được thành lập bởi Sal Khan vào năm 2006, là một tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu đưa giáo dục đến với tất cả trẻ em trên thế giới. Trang web được thiết kế đẹp với nhiều màu sắc và các hiệu ứng bắt mắt, rất thích hợp với những bạn mong muốn có sự hứng thú khi học. Các khóa học được thiết kế với nội dung phong phú, trải dài từ mẫu giáo đến hết cấp ba. Các môn học chủ yếu là các môn chính khóa được giảng dạy tại các trường học hiện nay: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Anh, Văn, Âm nhạc, Kĩ thuật, Tin học và Kinh tế học. Ngoài ra Khan Academy cung cấp rất nhiều tài liệu và các bài test miễn phí của các kì thi: PSAT, SAT, LSAT, MCAT, GMAT …
Môn học được chú trọng nhất trên Khan Academy là Toán và đây cũng là môn có lượng bài tập phong phú nhất, vì vậy nếu bạn muốn học thêm Toán trên lớp thì đây sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho bạn.
– Giá thành: Miễn phí
– Điểm cộng:
- Giao diện đẹp mắt
- Nội dung học là chương trình học văn hóa trên lớp
- Có các bài thi chuẩn hóa dành cho những bạn có nhu cầu du học (đương nhiên là miễn phí)
- Có ứng dụng trên Android và iOS, và bản web trên trình duyệt dành cho máy tính
- Các nguồn từ các tổ chức giáo dục khác với nội dung hay và có tính tương tác cao
– Điểm trừ:
Chủ yếu các bài giảng do Sal Khan (người sáng lập trang web) giảng dạy dưới dạng các video YouTube. Sal vừa giảng vừa viết như cách viết trên bảng truyền thống, vì vậy có thể gây nhàm chán đối với một số bạn.
2. Dành cho sinh viên đại học: edX, Coursera
edX có những khóa học dành cho các ngành chuyên sâu, phù hợp với người muốn học thêm để có thành tích tốt hơn với những tín chỉ của mình. Các khóa học của edX nổi tiếng bởi chúng được cung cấp từ những trường đại học hàng đầu thế giới: Đại học Havard, Viện Công nghệ MIT, Đại học Bách khoa Kĩ thuật Hồng Kông, … Những khóa học được giảng dạy bởi những giáo sư hàng đầu và có cung cấp chứng chỉ nếu bạn hoàn thành khóa học. Hãy chú ý rằng khóa học chủ yếu là miễn phí, nhưng bạn sẽ cần phải bỏ ra một khoản phí để lấy được chứng chỉ từ khóa học. Hãy cân nhắc, bởi chứng chỉ từ những trường đại học này cũng có giá trị rất lớn, chúng sẽ là điểm sáng trong CV của bạn. Chúng được sử dụng tương đương như những chứng chỉ bình thường do trường cấp.
Tương tự edX, Coursera cũng cung cấp những khóa học đến từ những trường đại học hàng đầu thế giới. Tuy vậy, những khóa học trên Coursera chủ yếu là về Công nghệ thông tin và Toán học — Logic. Trên website có đầy đủ những khóa học lập trình (Python, Ruby, Java …), an ninh mạng, hệ thống máy tính, khoa học máy tính … Nếu bạn là một sinh viên ngành IT, Coursera sẽ là lựa chọn số một dành cho bạn.
– Giá thành: Miễn phí nếu bạn Audit khóa học (tức học mà không lấy giấy chứng nhận);
Nếu lấy giấy chứng nhận bạn sẽ phải trả một khoản phí
– Điểm cộng:
- Khóa học chất lượng, bài tập phong phú
- Được học với các giáo sư từ các trường đại học hàng đầu
- Chứng chỉ có được sẽ là một điểm cộng dành cho CV của bạn
- Có phiên bản di động dành cho Android và iOS
– Điểm trừ:
- Các khóa học có lịch bắt đầu và deadline nhất định, nên một số khóa học có thể không khả dụng cho bạn vào một thời điểm đó
- Có một số khóa học thực sự mất phí mới có thể tham gia
3. Học kĩ năng mềm: SkillShare, Udemy
Ngoài những kiến thức trên trường, đôi lúc chúng ta phải học thêm các kĩ năng mềm khác. Có rất nhiều website chia sẻ kiến thức kiểu này, nhưng đây là hai dịch vụ mình thấy làm được việc này tốt nhất. Mỗi trang lại có trọng tâm vào một ngành nào đó, nên hãy chú ý để bạn có thể tìm được đúng thứ mình cần.
Skill Share là lựa chọn tuyệt vời dành cho những bạn làm công việc sáng tạo, bản thân muốn kiến tạo nên những thứ mới và làm việc xung quanh những ý tưởng. Những khóa học có thể tìm thấy ở đây là về: Đồ họa (chủ yếu Photoshop và Illustrator) — Vẽ, Làm phim — Nhiếp ảnh, Công nghệ, Viết lách và Kinh doanh — Khởi nghiệp.
Udemy lại là nơi dành cho những dân chuyên — những người là professional trong ngành của mình. Ngay cả khi là dân chuyên thì chúng ta cũng phải không ngừng học hỏi để có thể làm mới mình. Điều đó có thể thực hiện được bằng hai cách — Dạy lại người khác những thứ bạn đã biết và Học những thứ bạn chưa biết. Udemy cho bạn khả năng để làm cả hai điều đó cũng một lúc. Là một tổ chức vì lợi nhuận, Udemy cho phép người dùng tạo dựng những khóa học của mình và kiếm tiền từ khóa học online của chính họ. Cũng vì vậy, hầu hết các khóa học đều phải mất phí. Nhưng bù lại bạn nhận được thứ rất xứng đáng — được truyền bá kiến thức từ những người rất giỏi trong ngành.
– Giá thành: Mất phí (khoảng từ 200.000 VNĐ trở lên)
– Điểm cộng:
- Nhiều khóa học đa dạng, do người dùng tạo nên bạn hầu như có thể tìm thấy kĩ năng mình cần
- Tương tác trên trang web dễ sử dụng
- Có ứng dụng di động cho cả Android và iOS
– Điểm trừ:
- Mất phí 🙁
- Những tài liệu học là do người dùng cung cấp, vì vậy sẽ có những khóa không được cập nhật thường xuyên về tài liệu, bài tập,… như những dịch vụ tới từ các trường đại học ở trên
4. Những khóa học đến từ các công ty lớn, các tổ chức nổi tiếng: Udacity, FutureLearn
Bạn có biết rằng Google cũng cung cấp các khóa học miễn phí dành cho các Developer? Bạn có thể tìm thấy các khóa học này ở trên trang của Udacity. Udacity có giao diện rất đẹp mắt và các khóa học được sắp xếp rất khoa học. Đây là nơi tập trung các khóa học chuyên ngành dành cho các bạn ngành IT. Bạn mong muốn được làm việc ở Google, Amazon hay IBM? Hãy thử khám phá trước những gì bạn có thể có được từ những khóa học của họ trên đây nhé! Bạn có thể nhận được hỗ trợ tư vấn ngành nghề, mentor 1–1 và trực tiếp làm nhiều project thú vị ở đây.
Mình biết đến FutureLearn khi đang chuẩn bị thi IELTS. Đúng vậy! Những khóa học online của British Council có ở trên FutureLearn, chứ không chỉ có ở trang web của họ.
FutureLearn được sáng lập năm 2012 bởi Open University, Anh. Trên trang web này có rất nhiều các khóa học từ những trường đại học nổi tiếng (giống edX) và cũng có những cái tên không ngờ đến (như UNESCO, Rapsberry Pi Foundation, hội khảo thí Cambridge…). Là một dịch vụ mới, FutureLearn có một giao diện đẹp và hiện đại (trong khi edX có phần truyền thống hơn). Trang web này chủ yếu có nhiều khóa học về các ngành xã hội học, như Tâm lý học hoặc Sư phạm.
– Giá thành: Miễn phí
– Điểm cộng:
- Giao diện mới mẻ, đẹp và dễ dùng
- Các tài liệu học tập mới, được cập nhật rất thường xuyên
- Những video hay và đẹp, có tính tương tác cao
– Điểm trừ:
- Chưa có ứng dụng di động
- Số lượng khóa học chưa nhiều
- Có một số khóa học không có chứng nhận
Bản thân mình là một học sinh nhưng lại hiếm khi đi học thêm nên mình thấy những dịch vụ như thế này rất có ích và tiết kiệm được nhiều thời gian đi lại. Những dịch vụ trên đây mình đều đã sử dụng và đang theo học, nên mình hi vọng những review này của mình có thể giúp một phần cho bạn trong việc học online. Nhưng những khóa học online cũng giống như lớp học thật bên ngoài, nếu bạn không có kỉ luật cho bản thân, làm bài tập đầy đủ và theo khóa học đến cùng thì chúng không thể giúp gì nhiều cho bạn. Hãy chọn cho mình trang web phù hợp với nhu cầu và bắt đầu học ngay nhé!