3 – Nhất định phải học cùng bạn bè
Hồi năm nhất tuy không quá khép mình, song mình cũng là đứa lầm lì ít nói khi học trên lớp. Chơi vui vui thì vẫn trao đổi. Nhưng khi học và thi thì giống như “a lone wolf” (sói cô độc).
Khi ấy, mình nghĩ để hiệu quả thì phải học một mình. Yên tĩnh. Lên lớp im lặng nghe giảng. Hết giờ quẹt thẻ lên thư viện. Ngồi làm bài tập một mình. Giống những triết gia thời cổ đại, việc dành ra khoảng thời gian chỉ có bản thân để suy nghĩ sâu được đưa lên ưu tiên hàng đầu. Còn bạn bè? Chỉ nên gặp và nói chuyện với chúng nó lúc giải lao, nghỉ ngơi, vui vui thư giãn thôi.
Nói không quá chứ khi ấy mình thấy mình thật là giống Le Pensée của Auguste Rodin:
Vấn đề của Người suy tư là anh ta bỏ ngoài tai những tiếng nói xung quanh. Mặc cho thế giới có xảy ra chuyện gì. Anh ta vẫn ngồi đó: Chống cằm, lặng im.
Học từ thầy một, học được bạn mười
Bạn có bao giờ nghe thầy cô giải thích một khái niệm gì đó – theo một cách cực kì khó hiểu? Hỏi lại thì nhận được một lời giải thích nữa, hoặc là y như cũ (khác gì đâu?) hoặc mới hơn xíu – nhưng vẫn hoàn toàn không giải đáp được thắc mắc.
Oái oăm hơn, lắm lúc nghe giải thích xong ta lại còn thấy nhiều dấu hỏi hơn trước.

Khả năng cao khi ấy giảng viên của chúng ta đang mắc phải một thiên vị trong tư duy mang tên “Curse of Expertise/ Curse of Knowledge” (tạm dịch: Lời nguyền của tri thức). Thiên vị này giải thích việc những người sở hữu chuyên môn tới một mức nhất định gặp khó khăn trong việc truyền đạt ý tưởng tới những người ở bậc nhận thức thấp hơn của chủ đề đó. Họ ngầm định rằng người kia có cùng hiểu biết nền tảng và chiều sâu kiến thức để dễ dàng nắm được những gì họ đang giảng giải.
Khó khăn ấy xảy ra thường xuyên. Thầy cô của ta đều là những người đã học nhiều, nghiên cứu sâu về chuyên môn đó. Trong khi sinh viên chỉ mới là những người mới bắt đầu tìm hiểu. Thầy cô đã đi xa cái ngày họ là những người mới và cũng không thể nhớ được đầy đủ những “lỗ hổng” cần phải được lấp đầy trước khi sinh viên có thể hiểu cái họ đang nói.

Khi ấy, những người bạn sẽ chính là quân bài đắt giá nhất mà bạn có. Bởi vì bạn bè là người đi cùng, cũng trong tâm thế của người mới. Nếu như có nhanh chậm, hơn kém nhau thì chỉ chút đỉnh. Khoảng cách kiến thức giữa hai người sẽ không rộng như giữa bạn và thầy cô.
Hơn nữa, bạn bè là những người cùng làm, cùng mắc phải những thắc mắc mà khả năng là bạn cũng có. Nếu như có thể lựa chọn một người giải thích tốt, người ấy nhất định phải là những người bạn học.
Nhà phê bình xuất sắc nhất của ta
“The classroom is a wonderful, if artificial, place: Your professor gets paid to pay attention to your ideas, and your classmates are paying to pay attention to your ideas. Never again in your life will you have such a captive audience.”
— Austin Kleon, Steal Like An Artist (“Ăn cắp như một nghệ sĩ”)
(Lớp học là một nơi rất tuyệt vời, nếu không muốn nói tới mức nó quá tốt để có thể là sự thật: Giáo sư của bạn được trả tiền để lắng nghe những ý tưởng của bạn, và những người bạn học đang trả tiền để chú ý tới những gì bạn trình bày. Khó có một lần nào nữa trong cuộc đời bạn, bạn lại sở hữu những người khán thính giả nhiệt tình như thế.)
Môi trường trường học là nơi tốt nhất để bạn có thể đưa ra thử nghiệm và ý tưởng của bạn. Tuy nhiên, để ý tưởng hay không vào sọt rác, hoặc phát kiến tưởng chừng hay nhưng thực hiện ra mới biết là dở ẹc, bạn cần có những người giúp bạn đánh giá đúng trong suốt những năm tháng trên giảng đường.
Đâu là người giúp sinh viên đánh giá những ý tưởng của mình tốt nhất? Gợi ý: Đó không phải chính họ, mà cũng không phải là thầy cô giáo.
Trong cuốn “Originals”, Adam Grant đã đưa ra một câu trả lời vô cùng xác đáng:
When we’ve developed an idea, we’re typically too close to our own tastes – and too far from the audience’s taste – to evaluate it accurately. (…) The best way to get better at judging our ideas is to gather feedback.
Rice professor Erik Dane finds that the more expertise and experience people gain, the more entrenched they become in a particular way of viewing the world. As we gain knowledge about a domain, we become prisoners of our prototypes.
(…) So neither test audiences nor managers are ideal judges of creative ideas. They’re too prone to false negatives; they focus too much on reasons to reject an idea and stick too closely to existing prototypes. And we’ve seen that creators struggle as well, because they’re too positive about their own ideas. But there is one group of forecasters that does come close to attaining mastery: fellow creators evaluating one another’s ideas.
(…)They lack the risk-aversion of managers and test audiences; they’re open to seeing the potential in unusual possibilities, which guards against false negatives. At the same time, they have no particular investment in our ideas, which gives them enough distance to offer an honest appraisal and protects against false positives.
– Adam Grant, “Original”, Chapter 2: Blind Inventors and One-Eyed Investors (The Art and Science of Recognizing Original Ideas)
Tạm dịch như sau:
“Khi chúng ta thai nghén một ý tưởng, chúng ta thường khá nghiêng về cảm quan từ phía mình – hơn là từ những người khán giả – để có thể đánh giá nó một cách chính xác. Cách tốt nhất để trở nên tốt hơn với việc tự đánh giá phát kiến của bản thân là thu thập phản hồi từ người khác.
Giáo sư đại học Rice, Erik Dane đã tìm ra rằng khi một người ngày càng tích lũy nhiều kinh nghiệm và chuyên môn, họ ngày càng bị bó hẹp trong một khuôn khổ khi nhìn về thế giới. Khi chúng ta có thêm kiến thức trong một lĩnh vực, chúng ta trở thành tù nhân của những gì ta đúc kết được.
(…) Vậy nên không phải người kiểm thử hay người quản lí là những người đánh giá tốt nhất những ý tưởng sáng tạo. Họ dễ bị rơi vào phủ định sai, quá tập trung vào việc tìm lí do để lắc đầu trước một sáng kiến và bám mãi vào những thứ cố hữu hiện có. Và chúng ta cũng đã biết rằng người sáng tạo ra cũng khá chật vật khi làm điều này, vì họ quá tự tin vào ý tưởng của mình. Nhưng có một nhóm người có khả năng tiệm cận đến sự đánh giá xác đáng: những người cùng làm đánh giá những ý tưởng của nhau.
Họ không có sự e ngại rủi ro như những nhóm quản lí, luôn sẵn sàng nhìn được tiềm năng từ những khả năng mới mẻ, thứ giúp tránh được phủ định sai. Đồng thời, họ cũng không có sự đầu tư nào nhất định vào ý tưởng của ta, thứ giúp cho họ có được một khoảng cách đủ tốt để đưa ra đánh giá thẳng thắn và tránh được khẳng định sai.”
Vậy nên, lần tới, nếu như bạn có một ý tưởng hứa hẹn thay đổi thế giới, điều tốt nhất bạn có thể làm là hãy thử trao đổi nó với những người bạn có cùng chí hướng với mình trước tiên.
Kết
Sự suy tư thường được gắn với vẻ đẹp trí tuệ cao quý. Kẻ nào biết dành thời gian để suy tư, kẻ ấy biết cách im lặng để làm việc từ bên trong chính mình.
Nhưng ở trong một hoàn cảnh khác, suy tư bỗng chốc trở thành sự thờ ơ và hờ hững khi con người hoàn toàn mất khả năng kết nối với thế giới xung quanh.
Những năm học đại học, những người bạn không chỉ để vui chơi. Hãy học cùng bạn bè. Họ là những người đóng góp nên một phần lớn sự phát triển của chúng ta.