Recap Kyoka Special Workshop in Hanoi: Đi để khẳng định lại những bài học muôn thuở!

Tháng 3 vừa rồi, mình đã có cơ hội gặp mặt trực tiếp một người chị mà mình (và kha khá những anh chị em dancer khác) đã idol từ khá lâu – Kyoka (RushBall/ RedBull ALLSTAR) của Nhật Bản. “Trăm nghe không bằng một thấy”, mà thấy rồi xong được trực tiếp quan sát, đặt câu hỏi, cảm nhận thì đúng là không gì bằng. 

Giá workshop của dancer thế giới luôn không hề rẻ – nhưng nếu bạn có đủ cái nền cũng như mindset để hấp thụ cái tinh hoa, mình cho đó là khoản đầu tư đáng đồng tiền bát gạo. Mình đi cùng em Huệ Anh và Anh Quân “Charlie” của nhóm Wonder Sisters, ba anh em xúm xít với nhau mãi lúc cuối giờ để bàn luận cho thỏa cái “phê” khi được học quá nhiều điều ở trong ngày hôm ấy.

Một lần nữa, xin cảm ơn Ban tổ chức Wonderfunk Việt Nam và tất cả những anh chị em đã cùng chung tay để chúng em có được cơ hội học tập tuyệt vời này.

*Những cuộc đối thoại được trích dưới đây là lời tạm dịch của người viết từ hội thoại gốc bằng tiếng Anh và tiếng Nhật. Phần lớn chỉ tóm tắt ý theo ý hiểu và những gì tác giả nhớ được chứ không dịch sát hoàn toàn. Mong các bạn lưu ý và thông cảm.

Hãy nắm vững những điều cơ bản

“I fear not the man who has practiced 10,000 kicks once, but I fear the man who has practiced one kick 10,000 times.”

— Bruce Lee

Đúng một tuần trước đó, mình vừa kết thúc thời gian casting đầu vào ở Wonder Sisters và nhận được lời nhận xét từ chị Rùa: “Tiểu Phương thiếu foundation nặng đấy.” Mình học và tập, nhưng làm nó chưa đủ nhiều để biến vốn từ vựng cơ bản thành câu từ của bản thân. Học một kiểu nhưng đi nhảy lại ra một kiểu khác. Nói như Mr. Wiggles thì đấy là “một dancer không nhất quán với những gì anh ta tập”.

Bạn có hiểu cái cảm giác mà người idol bấy lâu nay của bạn, giờ bằng xương bằng thịt đứng trước mặt và sẵn sàng đối thoại, trả lời những câu hỏi mà bạn quan tâm không? Mình thực sự cảm nhận được sự tò mò của không chỉ mình mà rất nhiều những người bạn nhảy trong ngày hôm ấy. 

Có lẽ ai cũng đều rất muốn biết, điều gì đã làm cho một người trở nên xuất chúng đến như vậy. Họ đã có làm điều gì khác biệt so với chúng ta hay không, có bí quyết đặc biệt nào hay không?

Kyoka và Maika trong trận chung kết với Jeems và Lil Blade, Juste Debout 2016. Chiến thắng này đã làm nên tên tuổi của Rushball, khiến cho hai cô gái được toàn thế giới biết đến.

“Kyoka có thể kể mỗi ngày bạn tập như thế nào không?”

“Hàng ngày mình chỉ tập những thứ cơ bản thôi. [Isolation] Đầu, ngực, vai, hông… Mỗi ngày. Và cả những move rất đơn giản. Cứ bật nhạc lên và tập.”

“Bạn tập như vậy tới bao giờ thì dừng?”

“Cho tới khi mình cảm thấy OK.”

“Vậy có lẽ là khoảng một vài tuần, hay vài tháng?”

“Không không! Phải nhiều hơn thế nữa kìa. Thậm chí tới tận bây giờ mình vẫn tập những thứ ấy.”

“…”

“Vấn đề ở đây là, nền tảng làm nên tất cả mọi thứ. Nếu như người ta không có nền tảng trong chuyển động, làm sao họ có thể nhảy được?”

“Nhưng nếu ngày nào cũng tập thì sau một tháng hay vài tháng… hẳn là bạn cũng cảm thấy chán chứ?”

“Ừ đúng. Cái đó là cái khó. Nhưng nó rất quan trọng [với việc nhảy]. Nên mình vẫn cố gắng để duy trì nó. Bây giờ việc mình muốn tập luyện, hay cảm thấy mình cần phải tập luyện – chủ yếu mình sẽ lắng nghe bản thân.”

“The thing is, foundation is everything. If people don’t have foundation, how do you think they can dance?”

– Kyoka

“Vậy là bạn vẫn cố gắng để tập mỗi ngày những điều ấy, dù là có ngày cảm thấy muốn tập hay không?”

“À, điều đó đúng với trước đây. Còn bây giờ thì mình tự do hơn. Chỉ bật nhạc lên và cảm nhận thôi. Mà không phải ngày nào mình cũng chỉ nghe mỗi nhạc Hip Hop. Sẽ có hôm mình bật House, R&B, Afro,… đó cũng là cách mình phát triển style.”

Cứ thử nghiệm, sửa và sai

“Ngay từ ban đầu bạn đã tập Hip Hop rồi hay sao? Bạn có tập những thể loại khác không?”

“Những ngày đầu tiên mình thử rất nhiều thứ. À, nhưng chỉ ở mức độ thử thôi nhé, chứ cũng không phải master gì đâu. Học những step cơ bản, kiểu thế. Nền tảng của mình là Hip Hop, và trên đó thì mình tập thêm Soul Dance, học từ những OG của Nhật; một ít Jazz…”

“Và sau những sự thử nghiệm đó thì bạn lựa chọn Hip Hop?”

“Đúng rồi. Nhưng bây giờ thì mình cũng vẫn có tập thêm những thể loại khác bên cạnh street dance như Latin, Salsa,…”

Photo by Ahmad Odeh on Unsplash

Với một người mới bắt đầu, bước chân vào thế giới nhảy múa có ít nhiều điều gì đó hơi choáng ngợp. Có rất nhiều thể loại nhảy ở ngoài kia, và khi nhìn người khác thì ta thấy cả một “bầu trời kiến thức” cần phải học trước khi mong mình làm được thứ gì đó nên hồn. 

Không như thế hệ đời đầu của Hip Hop Việt, cái thời Internet chưa có, anh em gặp nhau tập luyện, chỉ biết đến nhảy Popping hoặc là nhảy Breaking – như anh Hoa Đức Công chia sẻ trong “Lời tự sự” trên VTV3 – những bạn trẻ ngày nay có vô số sự lựa chọn, lạc trong sự đủ đầy đến dư thừa của thông tin trên mạng.

Từ khi biết mình đi nhảy, những đứa bạn thân của mình cũng hay hỏi han tò mò, kiểu mày đi nhảy thì mày làm gì, tập gì. Cũng hỏi chỗ đi tập, rồi hỏi xem mình gợi ý chúng nó nên học thể loại gì. Nhưng cũng được gần nửa năm, vẫn chưa gặp các nàng ấy ở studio nào trong Hà Nội này. 

Hỏi ra thì mới nói là phân vân. Phân vân vì không biết là bản thân có đủ trình độ vào lớp này lớp kia không? Đi tập liệu có đau người, có chấn thương, có nguy hiểm gì không? Nhỡ đâu thấy không hợp với mình thì sao?

Đây là một gợi ý nho nhỏ để các studio nhảy chú ý hơn trong việc cung cấp thông tin và tiếp cận những học sinh mới; song mình cũng thấy ít nhiều những vấn đề cá nhân. 

Photo by Brendan Church on Unsplash

Chúng ta ở trong một xã hội nơi sự lựa chọn và theo đuổi đến cùng (pick and stick) được tung hô nhiều, nơi những con người sớm tìm ra “đam mê của cuộc đời” ở độ tuổi trẻ măng nào đó, cày cuốc đến hết đời trong lĩnh vực đó và trở thành siêu sao được chú trọng. Còn những cá nhân loay hoay thử và sai, tốn nhiều thời gian để tìm ra cái phù hợp; hoặc có những bước ngoặt lớn, đi khác với định hướng trước đây của họ – bị coi là “thiếu định hướng”, hay “lỡ dở cuộc đời”, phí cái này cái kia. 

Đành rằng vẫn còn câu chuyện về công tác định hướng, hay có những cá nhân chưa rèn được cho mình cái bản lĩnh mà dừng chân ngay ở những khó khăn đầu và cho rằng mình “không hợp” – mình cho rằng việc thay đổi sau khi nhận ra một điều gì đó không còn phù hợp với bản thân không đáng để bị chỉ trích đến vậy. Việc thử nghiệm để tìm ra cái phù hợp nên được khuyến khích, và người ta phải chăng cũng nên bớt đi cái áp lực lên bản thân rằng hễ cứ làm cái gì thì cũng phải hoàn toàn sẵn sàng và làm nó hoàn hảo. 


Quay lại câu chuyện cùng Kyoka. “Với những người mới bắt đầu, hay những dancer trẻ muốn phát triển sự nghiệp – bạn nghĩ rằng chúng ta nên chọn ngay một thể loại và master nó, hay cứ thử nhiều thể loại khác nhau trong một thời gian?”

“Thực ra mình nghĩ chọn kiểu gì cũng ok cả. Nhưng ý kiến của riêng mình nhé: Hãy thử thật nhiều thứ. Đấy là cái nên làm trước tiên. Và rồi sau đó bạn sẽ có thể quyết xem thể loại nào là phù hợp nhất cho mình.”

Chill thôi, đừng căng quá

Kyoka kể ở Nhật có một cái khá hay ho là phụ huynh có tư tưởng rất mở và hết sức hỗ trợ khi con cái họ muốn theo đuổi một thứ gì đó. Bóng đá, nhảy múa, trượt ván… họ đều sẵn sàng đầu tư. Phần còn lại là của đứa con – nếu nó thực sự muốn thì nó phải tự nhận thức mà quyết tâm đi đến cùng. 

“Nhảy nhiều như thế có lúc nào bạn cảm thấy chán nhảy không?”

“Ồ, có chứ! Có những hôm mình chẳng muốn lên studio tập tành gì. Nhưng lúc đó thầy lại nhắc nhở, kiểu vô cùng nghiêm khắc luôn ấy. ‘Nhưng em đã nói là em muốn [giỏi hơn] mà, Kyoka.’ Thế là lại phải tập tiếp thôi. (cười)”

Nói như vậy thì cũng gọi là một lời giải thích, song cũng không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Không biết chị đại đã có trải qua việc phải “hustle” cho nhiều cái cùng lúc hay không, nhưng bản thân mình cũng như những người mình tiếp xúc đa phần là những người có công việc kiếm cơm ban ngày, rồi sau đó đi nhảy ban đêm. Gọi là kiếm cơm nuôi đam mê, nhưng câu chuyện đôi khi nó không đơn giản như thế.

Photo by Hailey Kean on Unsplash

Khi chúng ta đặt lên mình cái mục tiêu phải giỏi hơn, hay “level up”, một áp lực nữa vô hình chung xuất hiện khi chúng ta tới phòng tập. Với áp lực tới từ công việc, gia đình, mối quan hệ… và giờ thêm cả áp lực để trở nên giỏi hơn, thật không khó để hiểu rằng nhiều lúc việc đưa bản thân mình đi tập không thể dựa vào mỗi ý chí cá nhân hay cú huých của giáo viên.

“Nhưng cũng sẽ có lúc bạn cảm thấy áp lực chứ? Làm sao bạn có thể tiếp tục đi với nhảy múa lâu đến như vậy?”

“Đúng là cũng có lúc áp lực thật. Nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn nào đó thôi. Còn nếu ngày nào mà cũng áp lực thì chắc chắn là không đi xa được đâu. Mình mỗi lần đến studio là luôn phải “refresh” lại cái đầu cho nó thông thoáng ra. Mình có mục tiêu cần phải đạt được và mình kỉ luật để đạt được nó, nhưng mình không ám ảnh bởi nó. Nên nếu có lời khuyên thì chắc nó sẽ là: Always keep a fresh mind.”

Tìm kiếm và làm mới bản thân

Bên cạnh nhảy múa, Kyoka sở hữu nền tảng chuyển động từ võ thuật, trong đó có Capoeira và Flamenco từ dự án “Kyoka Step Out” với Red Bull. © Red Bull.

Không biết bạn thế nào, cá nhân mình thích Kyoka bởi cái cảm giác dancing của chị ấy. Chuyển động rất to, hit pop cực chắc và grooving đi rất sâu. 

“Nếu có một vài từ để mô tả về style nhảy của bản thân thì bạn sẽ nghĩ đến điều gì?”

“Ừm… Mình cứ nhảy và cũng có thử một số thứ, rồi tới lúc có cái mình thích mà mình làm đi làm lại. Rồi tới một ngày nó thành style mà mình cũng chẳng biết nữa, nên… cũng không biết tả nó thế nào. Mình chưa từng nghĩ đến điều ấy nữa, haha.”

Và một câu hỏi mà chắc mình biết chắc nếu mình quên hỏi thì cũng sẽ có người hỏi:

“Làm thế nào mà bạn có thể nhảy biên độ lớn như thế?”

“Thực ra thì lúc đầu đi tập mình cũng nhảy như bình thường thôi. Kyoka cũng không nghĩ là mình sẽ muốn nhảy kiểu phải to đùng hay gì cả. Nhưng tới một ngày mà lúc đó mình tự nhủ với bản thân, “Hay là mình thử nhảy rộng ra một chút xem cảm giác ra sao?” – và cứ thế, ngày qua ngày, bước nhảy của mình nó lớn dần lên.”

Kyoka có nói thêm rằng, ở Nhật, ngay cả khi xét đến tất cả các dancer cùng một thể loại (ví dụ là Hip Hop) thì ở mỗi vùng miền đã có những style riêng biệt rồi. Ở Kantō có style Kantō, ở Kyūshū có style Kyūshū, ở Hokkaidō có style Hokkaidō,… kiểu vậy. Nên một cách để làm mới bản thân mà chị đại thường làm, đó là dành thời gian đi lưu diễn, đi đấu hay đi du lịch để tranh thủ giao lưu với vũ công ở vùng đó, học cách mà họ chơi. 

“Đặc biệt là nếu bạn muốn tìm kiếm điều gì đang thịnh hành thì đến Tokyo. Thành phố này là nơi sáng tạo ra cũng như tiếp cận được những thứ mới nhất trên thế giới.”


Prologue: 10,000 giờ

“Thực sự là lắm lúc em chỉ ước gì mình chỉ có mỗi việc phải làm là nhảy mà thôi.”

– Huệ Anh (Wonder Sisters)

Kyoka chia sẻ chị bắt đầu đi nhảy từ năm 8 tuổi. Hồi nhỏ chị đại cũng phải đi học, từ trường về là đến studio lao vào đam mê. Cày đâu đó 8 tiếng mỗi ngày.

Nói như Kyoka và tính theo thuyết 10.000 giờ mà Malcolm Gladwell giới thiệu trong cuốn “Outliers” thì bà chị đã có được số giờ đó chỉ sau:

(10,000/8)/365 = 3,4 năm.

Vấn đề là James Clear sau đó đã chỉ trích điều này vì 10,000 giờ để đạt level “khủng” là tổng số giờ tập trong “deliberate practice”, nghĩa là thời gian tập trung cao độ và có mục đích luyện tập rõ ràng. Hay nói như Akwaaba Tùng trong bài “Ikigai, Học trọn đời, Gym và Nhậu” thì đây là số giờ tập trong Mode Gym. 

Câu chuyện là chúng ta khó mà tập trong “Mode Gym” toàn thời gian. Có những lúc ta tập chỉ để tập, có lúc chỉ để tận hưởng. Dĩ nhiên là phân loại buổi tập thuộc kiểu gì thì có lẽ nó sẽ nằm trên một thang đo liên tục “sliding scale” hơn là một thang đo rời rạc có giá trị rõ ràng như 0 hay 1.

Kyoka nói chị đã đi nhảy được 19 năm. Không biết thời điểm mà chị đạt được “mastery” là khi nào, nhưng mình chắc chắn nó phải là một thời gian dài hơn cái 3,4 năm kể trên. Bởi nếu chị đi nhảy từ năm 8 tuổi, vậy thì theo tính toán như trên đến năm 12 tuổi đã thành cao thủ rồi.


Có lẽ bạn cũng hiểu là chả ai ngày nào cũng có thể cày 8 tiếng liên tục mà không cần đến nghỉ ngơi, dưỡng sức và thư giãn – thậm chí là lo hồi phục sau những chấn thương có thể đã xảy ra.

Mình và em Huệ Anh cùng tham gia workshop ngày hôm ấy cùng chia sẻ với nhau cái cảm giác vội vàng, phải “rushing”, cảm thấy bản thân cần phải giỏi nhanh hơn, vì cho rằng “không còn nhiều thời gian”. Âu có lẽ cũng là suy nghĩ của nhiều người trẻ. 

Trong tập podcast nói chuyện với Sean Lew lần thứ 3 của Kinjaz, anh bạn Sean cũng chia sẻ sau khi hoàn thành dự án “The Unspoken Narrative II”: “Mình có một nỗi sợ, đấy là cảm thấy bản thân mình đang không trong quá trình làm một cái gì đấy, không tạo ra cái gì đấy, hoặc đang không phát triển bản thân mình. Lúc ấy cứ có cảm giác tội lỗi, rằng mình đang phí thời gian, thứ mà đang ra nên được dành cho một dự án nào đó tiếp theo.”

Nhưng mình cũng hiểu ý của Kyoka khi chị khuyên nên giữ cái đầu thoải mái khi đến trước mỗi buổi tập. Không phải cứ ám ảnh với mục tiêu, đẩy nhanh hay làm nhiều lên mà ta sẽ đến đích nhanh hơn. Có những người sự “cày” nhiều tỉ lệ thuận với sự nâng trình; song cũng có người cần thời gian nghỉ giữa những quãng tập để tối ưu hóa sự phát triển bản thân.

Trong cuốn “A Mind for Numbers”, Giáo sư Barbara Oakley, người nổi tiếng với khoá học “Learning How to Learn” trên Coursera cũng có chia sẻ nghiên cứu về hai chế độ làm việc của não bộ là Focus Mode (chế độ tập trung) và Diffuse Mode (chế độ lơ đễnh). Để việc học được tối ưu, việc đan xen hai chế độ này là cần thiết. Tức là có cày thì cũng phải có nghỉ.

Trong chế độ Tập trung (Focused), não bộ tiến hành tư duy theo một lối đi chặt chẽ, bước từ bước này sang bước tiếp theo, kết nối những thông tin có liên quan tới nhau.

Trong chế độ [mình tạm gọi là] Lơ đễnh (Diffuse), não bộ nghỉ ngơi, và cùng lúc đó tạo nên những mối liên kết tưởng chừng rất không liên quan giữa những thông tin sẵn có, giúp bạn nhìn được bức tranh lớn, liên hệ giữa nhiều lĩnh vực, hay sáng tạo ra những điều mới mẻ.

Mình thì nghĩ suy cho cùng nghệ thuật nói riêng hay việc học hỏi điều gì đó nói chung cũng giống như nấu cơm – không phải bạn cứ gia lửa lớn lên là cơm sẽ chín nhanh hơn. Nói như thầy Thích Nhất Hạnh thì là “Chén trà cũng cần thiền”.

Chúng ta cần cả sự nghỉ ngơi và “không làm gì” – một thứ mà mình nghĩ bạn đến giờ này cũng hiểu – điều vẫn rất năng suất để giúp chúng ta đến với mục tiêu.

Clip phỏng vấn Kyoka và Maika, thực hiện bởi The Interviews Japan. Ở cuối cuộc đối thoại hai chị có nói, “Suy cho cùng thì chúng tôi cũng chỉ là những cô gái bình thường… Theo đuổi nhảy cũng khó, đặc biệt còn khó hơn ở Nhật khi chúng tôi còn là nữ giới. Song đến bây giờ chúng tôi vẫn còn đang đi nhảy và vẫn sẽ tiếp tục đi nhảy.”