Kì thi SAT: Chiến lược tự học, nguồn tài liệu, và đôi lời chia sẻ cá nhân

clever female student reading book in library

Trong những năm gần đây, những bất cập trong quá trình tổ chức và chấm thi kì thi Trung học phổ thông Quốc gia (THPT QG) đã khiến cho các trường đại học dần hướng sang các phương thức khác để tuyển sinh, cụ thể trong đó có xét tuyển bằng các chứng chỉ quốc tế như SAT, ACT, IELTS… Phụ huynh cũng như học sinh đã dần quan tâm hơn về những chứng chỉ này, tuy vậy, nếu không có mục tiêu rõ ràng, chỉ học và thi theo trào lưu, không tìm hiểu kĩ sẽ dẫn tới mất thời gian, tiền bạc và công sức một cách đáng tiếc, thậm chí “đứt gánh giữa đường”.

Bên cạnh những gia đình có điều kiện đưa con em đi học tại các trung tâm, có không ít những gia đình khó lòng đáp ứng được con số mà các nơi luyện thi, du học đưa ra. Đối với bài thi SAT, mình cho rằng các bạn hoàn toàn có thể tự học với cái giá 0 đồng. Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ đòi hỏi các bạn phải đánh đổi thời gian, công sức, và cần có sự quyết tâm rõ ràng.

Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ chiến lược tự học của mình để có được số điểm SAT mong muốn.

SAT (Scholastic Aptitude Test) là bài thi chuẩn hóa của Hoa Kì, áp dụng cho học sinh kết thúc quá trình học tập trung học phổ thông và được sử dụng như một khía cạnh để xét trong hồ sơ vào đại học. Bài viết này đề cập tới SAT I (gồm hai phần lớn là Toán và Đọc hiểu), là bài thi được sử dụng phổ biến. SAT II (SAT Subject Test) và SAT with Essay đã bị College Board loại bỏ vào đầu năm 2021.

Lưu ý: SAT không tương đương với IELTS hay bất kì chứng chỉ ngoại ngữ nào khác. Đây không phải là bài thi năng lực ngoại ngữ.

Một chút thông tin về xuất phát của bản thân mình:


Mình là học sinh chuyên Anh tại Hà Nội. Trước khi học SAT mình đã có IELTS 7.5 và cũng đã tự học toán tiếng Anh nhờ đi thi các kì thi toán hồi cấp hai. Quá trình chuẩn bị của mình kéo dài trong nửa năm, từ tháng 4/2020 đến tháng 10/2020. Điểm lần đầu tiên mình làm bài SAT khi “chưa biết gì” là 1170/1600 – và là 1470/1600 sau quá trình 6 tháng, trong lần thi đầu tiên và duy nhất. Ngoài lệ phí thi, và khoảng vài trăm nghìn đi photo tài liệu, mình không tốn bất kì một chi phí đáng kể nào khác.

Mình biết số điểm của mình không phải là cao so với nhiều bạn học giỏi khác, tuy vậy đối với mình là đủ. Dưới đây cũng là những chia sẻ vể quá trình, chiến lược và nguồn học tập phù hợp với riêng bản thân mình. Hãy coi bài viết này như một sự tham khảo, từ đó bạn có thêm gợi ý để làm tốt nhất trong bài thi của chính bạn.

gray and white click pen on white printer paper
Photo by Nguyen Dang Hoang Nhu on Unsplash

Chiến lược học của mình có ba giai đoạn chính:

Giai đoạn 1: Xác định điểm bắt đầu và điểm kết thúc

Đây là giai đoạn mà đa số những người thiếu chiến lược và vội vàng thường hay bỏ qua. Chúng ta thường nhảy ngay vào việc tìm kiếm và xin tài liệu, hỏi han người này người kia, tìm bí quyết,… mà quên mất đi việc đầu tiên là phải làm quen với bài thi và xác định bản thân mình đang đứng ở đâu.

Mình sẽ tự hiểu rằng nếu bạn đang đọc tới bài này là bạn đã chắc chắn rằng bản thân mình thực sự cần chứng chỉ SAT, và các bước dưới đây sẽ hướng dẫn cụ thể việc xác định mục tiêu cho bạn. Còn nếu chưa, hãy chủ động Google, tìm hiểu về trường và cơ sở giáo dục bạn muốn tới – nếu câu trả lời cho việc “có cần SAT không” là cái gật đầu, thì hãy quay trở lại đây.

  1. Hiểu được format của bài thi. Bài thi có mấy phần, mỗi phần kiểm tra gì, có bao nhiêu câu, trong bao nhiêu lâu, và tính điểm ra sao? Hãy chắc chắn rằng bạn nhớ nằm lòng những thông tin này – chúng sẽ có ích cho bạn trong quá trình phân bổ thời gian khi thi sau này.
  2. Thi thử. Hãy chọn ra 2 trong số các đề thi chính thức của College Board, in chúng ra và bắt đầu tính thời gian làm bài như đi thi thật. Không từ điển, không lật lại phần cũ khi hết giờ, không dùng máy tính những lúc không được – nói chung là không gian lận – để có được kết quả chính xác nhất.
  3. Xác định điểm bắt đầu. Tự chấm điểm cho bài làm của bạn. Thường kết quả hai bài sẽ không quá sai lệch, bạn có thể lấy trung bình cộng làm điểm xuất phát của mình.
  4. Xác định điểm kết thúc. Cần phải trả lời ba câu hỏi:
    – Trường mà bạn muốn tới lấy điểm SAT trong ngưỡng nào?
    – Bạn có bao nhiêu thời gian để ôn cho kì thi?
    – Bạn có cho rằng mình đủ khả năng để đạt được số điểm [X] trong khoảng thời gian [Y] không?

Hãy chọn một con số tùy theo đó, hoặc tùy theo động lực của cá nhân bạn. Tuy nhiên, mình cũng phải lưu ý rằng hãy đặt mục tiêu khả thi – nếu thời gian bạn còn rất ít, hoặc khoảng cách điểm quá lớn ngoài tầm với, hãy cân nhắc lại. Đây không phải là để làm giảm đi động lực của bạn, mà là đặt mục tiêu hợp lí chính bạn có thể thực hiện được.

Giai đoạn 2: “Thủng đâu, lấp đấy”

Đây sẽ là giai đoạn chiếm nhiều thời gian nhất (và cũng nhức đầu nhất) trong quá trình ôn thi. Một khi đã quen với đề thi và xác định được mục tiêu, việc chúng ta cần làm là ôn tập để cải thiện dần. Cốt yếu là hổng kiến thức chỗ nào thì học để bù lại vào đó.

  1. Xem lại bài kiểm tra trước đó. Bạn đã mất điểm ở đâu? Mất điểm như thế nào? Là do không hiểu đề, hiểu sai đề, hay sai lầm trong tô đáp án? Bạn đã làm tốt những phần nào? Bài đọc chủ đề nào bạn thấy dễ dàng hơn, dạng toán nào bạn thấy quen thuộc nhất? Hãy chỉ ra được cả cái được và chưa được.
  2. Đối với những điểm mạnh: Đây là những phần bạn cần phải “ăn chắc” từng điểm một. Hãy đảm bảo bạn không chủ quan khi gặp lại chúng, nhưng cũng hãy cho phép mình lướt qua chúng nhanh hơn để dành thời gian cho câu khác.
  3. Đối với những điểm yếu: Hãy dành thời gian nhiều nhất để xử lí gọn những khoảng trống này. Hãy tìm lại trong kho tài liệu ôn thi của bạn, chọn chỉ đúng dạng đó và làm nhiều bài tập trong đó. Nhớ rằng đừng để sót lại thứ gì còn “lung lay”, bởi không ai đảm bảo rằng cầu nguyện “thần may mắn” sẽ giúp cho đề thi của bạn ngày hôm ấy không ra vào đúng câu hay chủ đề mà bạn còn lơ mơ. Mà bạn cũng muốn thi với kết quả tốt nhất, đúng không?
  4. Test lại. Sau một khoảng thời gian “lấp hổng”, hãy chọn một bài test nữa và bấm giờ thi thử. Cứ như vậy lặp lại từ bước 1, cho tới hết thời gian bạn phân ra cho giai đoạn này, hoặc cho tới khi bạn cảm thấy đã đủ để chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

Trong quá trình ôn thi, đặc biệt là những bài kiểm tra một lượng lớn kiến thức thuộc nhiều chủ đề, bạn cần liệt kê ra được một danh sách đầy những chủ đề cần phải ôn, và dựa vào mức độ giỏi – kém của từng chủ đề để phân bổ thời gian ôn phù hợp – tức có cái nhìn tổng quan thay vì chỉ đi theo mạch thời gian ngày 1 ôn gì, ngày 2 ôn gì…

Mình đã học như thế này trong một thời gian dài và khá bất ngờ khi phát hiện ra Ali Abdaal đã làm một video về chính cách làm tương tự. Ali gọi đây là “Retrospective Revision Timetables”, hay nôm na là “Thời khóa biểu ôn tập tổng quan”. Bạn hãy thử tham khảo nhé.

Giai đoạn 3: Tăng tốc tổng ôn

Phew, giai đoạn cuối chính là giai đoạn có lẽ cũng không còn quá xa lạ với nhiều bạn. Ở khoảng thời gian này, chúng ta sẽ cố gắng hết sức để quen với đề thi: luyện đề, luyện đề và luyện đề – sao cho tới ngày thi, việc bạn ngồi ở đó và làm bài cũng đã là một cảm giác quen thuộc, không còn gì phải quá bứt rứt hay lo lắng.

Làm bao nhiêu đề là đủ? Theo mình, cái quan trọng không phải là đạt tới một số lượng đề nào đó, mà chuyện bạn đã nắm chắc bao nhiêu % của những thứ được kiểm tra. Trong giai đoạn này, mình chỉ làm 1 bài/ tuần, do còn khối lượng học ở trên lớp, cũng như cần dành thời gian để chấm, xem xét lại bài làm của mình và chỉnh sửa cái sai. Bạn hãy thử nghiệm để tìm ra lượng phù hợp với bản thân nhé, bởi không có công thức rạch ròi nào cho việc này cả.

Trong trường hợp điểm của bạn bị dừng lại và quanh quẩn ở một mốc nào đó không mong muốn, hãy thử truy tìm nguyên nhân bằng cách tìm ra cái chung giữa những bài kiểm tra mà bạn đã làm chưa tốt, và quay lại quá trình giống như giai đoạn 2. Hoặc hãy cho phép bản thân bạn tạm nghỉ một vài ngày, đôi khi đó cũng là do yếu tố tâm lí.

Đây cũng là khoảng thời gian mà các mẹo hay thủ thuật mới có thể giúp ích được bạn phần nào – bởi lúc này bạn đã quen và thực sự hiểu bản chất của bài thi.

Nếu như bạn là một trong những học sinh xuất sắc có khả năng đạt điểm SAT gần tối đa ngay từ lúc mới làm đề lần đầu tiên, có lẽ hướng dẫn này sẽ không giúp ích cho bạn nhiều lắm. Tất cả những gì bạn cần làm là giữ vững phong độ, tập trung và cẩn thận trong quá trình làm bài trong ngày thi thôi!

Các nguồn tài liệu

Đề thi

  • College Board’s Official SAT Practice Tests: Những bài kiểm tra chính thức từ những người tổ chức nên kì thi SAT. Bạn nên “dành dụm” những bài này cho những ngày cần đánh giá thực lực quan trọng, thay vì lôi chúng ra “cày” hết luôn ngay từ đầu.
  • r/SAT: Nơi tổng hợp đầy đủ và nhiều nhất những bài thi SAT cũ trên Internet, trong đó có nhiều bài bạn không thể tìm thấy trên trang của College Board. Và hãy cẩn thận kẻo trôi theo dòng meme thường thấy trên Reddit mà quên đi việc phải học nhé…
  • Khan Academy: một trang web giáo dục phi lợi nhuận, đã chính thức hợp tác với College Board để soạn ra những học liệu SAT rất sát với đề thi thật và miễn phí.

Sách

  • Pwn the Sat: Math Guide, Mike McClenathan: Quyền sách toán duy nhất mình sử dụng trong quá trình ôn thi. Sách được viết theo chuyên đề, bao phủ toàn bộ các kiến thức trong bài thi giúp bạn xác định ngay điểm yếu và tập trung cải thiện. Và ông tác giả viết cũng rất hài hước, giúp bạn giảm đi những sự bực bội với toán =))
  • Magoosh SAT Guide: Một ebook miễn phí tới từ Magoosh, một tổ chức với các dịch vụ luyện thi. Mình đã sử dụng cuốn này trong giai đoạn đầu những ngày cần lên kế hoạch cho bản thân. Sách phân tích kĩ càng về đề thi, đưa tới một số kế hoạch tùy theo mức điểm, và cũng gợi ý (và review chân thành) đa số những cuốn sách SAT nổi tiếng khác.

Một số mẹo và lưu ý

Photo by Jeswin Thomas on Unsplash
  1. Hãy chấm điểm và xem xét lại bài làm của bạn với thời gian bằng, hoặc nhiều hơn thời gian bạn dành ra để làm bài thi. Cái quan trọng không phải là bạn “tiêu diệt” được bao nhiêu đề, mà là bạn có nhìn ra điểm yếu của mình sau mỗi bài thi hay không.
  2. Ngoài học, hãy chuẩn bị kĩ càng giấy tờ, hiểu rõ các quy định trong ngày thi để đảm bảo mọi thứ có thể suôn sẻ nhất. Đừng để vì thiếu chuẩn bị những thứ như vậy khiến cho cả quá trình học tập của bạn “đổ sông đổ bể”. College Board cũng đã có checklist những thứ bạn cần mang trong ngày thi, và cũng sẽ gửi mail trước ngày thi một ngày để nhắc nhở bạn.
    Ngoài những thứ thiết yếu, những vật dụng được cho phép khác đã giúp cho mình có ngày thi tốt là:
    – Đồng hồ đeo tay (đã bật chế độ im lặng)
    – Energy bar và nước uống
    – Một bộ quần áo thoải mái
  1. Kiểm tra thật kĩ thông tin khi đăng kí và khi có phiếu dự thi. Trường hợp của mình bị sai ngày sinh, mình đã phải gọi điện và mail cho College Board, thấp thỏm trong 2 tháng mới có người sửa lại cho. Do đó bạn cũng hãy chú ý đừng đăng kí thi sát ngày quá nhé.
  2. Khi nhận điểm: Tôn trọng số điểm của chính bạn, cũng như của người khác. Mỗi người đều trải qua một quá trình, khó khăn, và mục tiêu khác nhau, vì vậy con số không nói lên toàn bộ mọi thứ. Có những người cần sự riêng tư tuyệt đối với điểm số của họ và chúng ta cần tôn trọng điều đó. Theo mình, tốt nhất là không nên so sánh, mà nếu có, thì chỉ nên để phục vụ cho phấn đấu lành mạnh, và tốt hết là nên để trong đầu thôi.
  3. SAT không phải là tất cả. Trường đại học cần những con người đã sẵn sàng toàn diện để có thể học khối kiến thức đồ sộ ở đó và phát triển như một người trưởng thành. Bạn cần có sức khỏe, đời sống xã hội, kĩ năng sống và nhiều thứ khác.

Lời kết

Trên đây là những đúc kết kinh nghiệm của mình sau nửa năm tự học và ôn thi SAT. Đây chính là kì thi đã đem lại cho mình sự tự tin đầu tiên về khả năng tự học của bản thân, cũng như đã giúp mình bước đầu phát triển nên cách học và thi của riêng mình.

Mình mong rằng bạn có thể có được thêm những hướng dẫn, gợi ý có ích để chuẩn bị cho kì thi sắp tới. Mình chúc bạn, nhất là những bạn đã lựa chọn con đường tự học, nhiều may mắn, giữ vững phong độ, và luôn giữ sức khỏe trong quá trình ôn và đi thi.

Và gửi tới bạn trong tương lai, người cầm phiếu điểm của bản thân – hãy vỗ vai và cảm ơn chính bản thân bạn nhé! Bạn đã rất vất vả rồi.