Về Kinergie Studio
Kinergie Studio là một studio múa được đồng sáng lập bởi nghệ sĩ múa Đỗ Hoàng Thi Ngọc và Long Sleepy. Studio được thành lập với mong muốn đưa múa đương đại (Contemporary Dance) và Ballet đến gần hơn với cộng đồng thông qua việc giảng dạy và các dự án biểu diễn nghệ thuật. Nơi đây là “chiếc hộp đen” được nhiều người trong giới vũ công Việt ghé thăm để cùng sáng tạo và thử nghiệm cái mới, cũng như trao đổi và giao lưu những phương pháp thực hành nghệ thuật.
Về KÉN Performance
Cứ định kỳ nửa năm một lần, các học viên từ các lớp học của Kinergie sẽ cùng lên ý tưởng, tập luyện và thử nghiệm để cho ra những tiết mục đóng góp cho Đêm diễn tháng 6 và Đêm diễn tháng 12. Đây là cơ hội để các bạn ứng dụng những kỹ thuật chuyển động đã được học, cũng như rèn luyện kĩ năng ngẫu hứng, bố trí sân khấu, biên bài, trình diễn và làm việc nhóm. Bên cạnh những vở múa từ học viên, Đêm diễn còn có sự tham gia từ nhiều nghệ sĩ khách mời khác.
KÉN Performance là chủ đề của Đêm diễn tháng 12 cuối năm 2022.
Disclaimer: Những bài học được đúc kết dưới đây, đặc biệt về phần chuyên môn [nhảy múa], là kinh nghiệm và góc nhìn của cá nhân người viết. Những ý tưởng này hoàn toàn có thể đúng sai tùy trường hợp, trong hiện tại hay tương lai có thể thay đổi. Bạn đọc vui lòng tiếp cận với tinh thần tham khảo và có sự chọn lọc.
Quá trình luyện tập
1/ Biên bài
“Phương với Hưng về biên bài, mỗi người ít nhất khoảng 4 lần 8 nhé. Nhiều hơn được thì càng tốt.” Chị Hải nhắc nhở hai anh em.
Ờ thì… nghe cũng khá là đơn giản?
“Nhưng nhạc chưa chốt đâu, tụi em cứ biên động tác trước đi.”
Biên bài mà không có nhạc, cũng không có chủ đề là gì á?
Xuất phát điểm tập tọe đi học Hip Hop, khi tập chủ yếu là freestyle; tới Kinergie học Đương đại cũng dành hầu hết thời gian để múa ngẫu hứng (improvisation) – kinh nghiệm biên đạo của mình gần như là con số 0 tròn trĩnh. Nói là gần như con số 0, bởi trước đó mình cũng đã có một vài lần tập tành biên bài, làm bài tập của CLB, song cũng chưa lần nào đưa ra được một bài biên hoàn chỉnh.
Thế mà cuối cùng mình vẫn biên ra động tác, và nộp đủ 4 khổ 8 nhịp đó vào đúng ngày nộp bài biên, ngày mà âm nhạc hay chủ đề cũng vẫn chưa được chốt.
Bài học
- Chưa có nhạc thì chủ động chọn một bài nhạc và chọn lấy một chủ đề. Đây là một trong những cách đơn giản để đặt ra giới hạn và bắt đầu. Cũng tùy: có những người sẽ sáng tạo tốt nhất khi họ không bị giới hạn bởi chủ đề nào cả – nhưng cũng có những người sẽ rất dễ bị lan man, không đi tới đâu khi không có trước một định hướng trong đầu.
- Bám vào bối cảnh của bài biên. Trong bài sẽ có bao nhiêu vũ công? Nhảy/ múa thể loại gì? Năng lượng sẽ ở mức như thế nào? Tính chất chuyển động là gì? Kể cả khi chưa có nhạc hay chủ đề cụ thể thì bạn vẫn có thể tìm kiếm ít nhiều thông tin để định hướng cho việc biên bài của mình. Hãy để ý và quan sát kĩ, và hỏi đạo diễn/ chỉ đạo nghệ thuật khi cần thiết. Trong trường hợp bạn có nhiều quyền quyết định hơn với hướng đi của bài/ vở múa, việc lựa chọn sẽ đến từ bạn là chủ yếu.
2/ Trao đổi ý tưởng
Một nhiệm vụ mới mẻ nữa đi kèm với biên bài: Hướng dẫn những thành viên trong team tập bài mình biên. Chưa bao giờ đứng lớp hay hướng dẫn người khác tập routine, mình nhanh chóng thấy một bản thân khá lúng túng ở hàng đầu trước gương. Song học bằng thực hành, hay học khi hoàn cảnh đòi hỏi thì cái sự học nó nhanh lắm – mình sớm đúc kết ra vài kinh nghiệm “bỏ túi” cho bản thân.

Chị Hà giúp quay phim và chỉ ra những chỗ cần thay đổi của sân khấu.
Bài học
- Truyền đạt điều mình muốn rõ ràng và cụ thể. Đi dạy bài biên thì điều tiên quyết là bạn phải là người hiểu rõ bài biên ấy nhất. Bạn có thể sẽ quên mất nhịp đếm (count) ở chỗ này chỗ kia, song quan trọng bạn vẫn phải nhớ bài của mình.
Một đặc điểm của làm tổ hợp là sự ưu tiên tính đồng đều trong chuyển động của nhiều người. Do đó, với mỗi động tác bạn cần phải rõ ràng biên độ cần phải đến đâu, lực thế nào, hướng ra sao – và chú ý chỉnh sửa cho những người diễn viên của mình. Có đoạn nào tự do [freestyle] hay không, và nếu có thì có cần theo một tính chất, hướng, tầng,… cụ thể nào không? Bạn phải thực sự rất rõ ràng trong điều mình muốn người khác làm. Điều đó sẽ giúp cho diễn viên bớt đi phần nào hoang mang và khó hiểu để tập trung làm tốt những gì bạn truyền tải. - Có chính kiến riêng, và luyện tập phản ứng nhanh nhạy. Sẽ có một vài chỗ diễn viên không theo kịp, hoặc không có khả năng làm được. Trong một vài trường hợp, sẽ có những người này người kia góp ý bạn cần sửa đổi lại bài biên của mình. Bạn cần tính toán sao cho hợp lí, và luyện cho mình suy nghĩ nhanh để đáp ứng: đưa ra phương án thay thế, hoặc giữ nguyên, thêm bớt chỗ này chỗ kia. Bạn là biên đạo, sự quyết định cuối cùng vẫn là ở bạn.
Nếu chưa nghĩ ra phương án thay thế tại chỗ thì bạn hoàn toàn có thể yêu cầu mọi người tập theo những gì sẵn có để tất cả có thể nắm được bài biên. Ghi chú lại những chỗ cần xem lại, sau đó sửa đổi và cập nhật dần. Mình thấy làm như vậy tiết kiệm thời gian hơn nhiều so với việc cứ được một vài nhịp lại phải xem lại và nghĩ ra động tác thay thế nếu có gì đó chưa ổn – bởi làm như vậy thì có khi cả ngày vẫn chưa học xong được biên đạo mất.
Công phu chuyện setup sân khấu
Tính tới thời điểm trước vở diễn, ở Kinergie chỉ có rèm đen ở 3 phần cửa sổ và gương, được kéo lại vào mỗi buổi tập improvisation của lớp đương đại hoặc phục vụ cho công tác thuê phòng quay chụp đặc biệt. Ở khoảng 1/4 chiều dài của studio là thanh trụ đi xuyên qua các tầng của tòa nhà. Phần từ cột đổ ra ngoài (1/4 phòng) thường là chỗ ngồi dành cho khán giả. Song có một vấn đề – đó là không có gì khác ngăn cách giữa sân khấu và người xem. Mọi thứ thông với nhau và cứ lồ lộ như thế. Khán giả vào là thấy mọi thứ.
“Chúng ta có lẽ sẽ cần một cái rèm kéo ra kéo vào ở vị trí này.” Chị Hải nói và chỉ lên trần nhà, phần gióng thẳng với vị trí ngăn cách giữa chỗ ngồi khán giả và sân khấu. Thế là công tác đo đạc, mua vải làm rèm, mắc móc treo bắt đầu.

Nhưng vẫn cần thêm rèm.
Với vở diễn Tam sinh, ý tưởng là sẽ chơi với bóng người và đèn flash, do đó cũng cần thêm 3 tấm rèm trắng mắc ngang ở cuối sân khấu. Song vấn đề ở đây không giống với tấm rèm đen ở trước. Lí do?

- Tấm rèm đen chia giữa người xem và diễn viên là tấm rèm được sử dụng nhiều lần, và hoàn toàn sử dụng lại được trong tương lai.
- Tấm rèm đen là tấm mắc ngang hết chiều rộng phòng tập, và thẳng trên trần là nhiều thanh cột kim loại có thể lắp sát theo. Rèm trắng lại là loại chỉ dùng một lần [trong bài múa], và chỉ là rèm dài dọc, treo lơ lửng ở giữa phòng, hoàn toàn không có mấu để móc chắc chắn như rèm đen.
Cuối cùng là cần có một máy chiếu để chiếu video trong phần giữa của vở múa. Máy chiếu ấy cần phải ngồi ở đâu? Để có thể chiếu được phim, nó cần phải được đặt với vị trí trong khu vực ghế ngồi khán giả. Vậy là chúng mình bố trí nó ở hàng cuối cùng, lọt thỏm giữa bóng lưng của người xem, chỉ kê cao lên và mở ra khi vở bắt đầu chạy.

Một điều chúng mình khám phá ra là việc chiếu phim lên nền vải trắng rất khó nhìn so với việc chiếu phim lên nền đen. Do đó, góc chiếu cũng được chọn là chiếu lên rèm đen gốc của Kinergie (thẳng với phòng kho), và rèm trắng sẽ được mắc ở vị trí sao cho nó không che mất phần được dành để chiếu phim kia.

Những công việc không tên
Ai cũng là đầu bếp
- 10 kg quýt
- Chục nải chuối
- 5-6 kg ổi
- Bánh mì
- Thùng nước chai Lavie
- Giấy ăn
- Thìa dĩa
Nghe giống như một danh sách đi chợ của một gia đình nào đó, chỉ khác ở chỗ toàn hoa quả bánh kẹo, và với một số lượng có phần khá “nặng ký”. Mình được giao đi cùng các anh chị ra chợ mua những thứ như trên kia, đồ ăn thức uống phục vụ cho cả diễn viên và khán giả. Đánh xe ra chợ Ngô Sĩ Liên, mặc cả chán chê mê mải, khệ nệ xách mang về. (Cũng sau vụ ấy mà cơ tay lên đáng kể.) Cắt lá, rửa quýt rửa ổi, lau chùi đĩa, sắp đồ, kiểm đồ… những thứ đó cũng là chúng mình làm cả, những gương mặt thân quen và đã lì qua những mùa diễn ở Kinergie – tập thể lớp Đương đại Tiền nâng cao.

Quà mình rồi lại tặng mình
Hướng dương? Khuynh diệp? Có đủ rồi thì ngâm nước cắt cuống, buộc thành bó đẹp, rồi lại bảo quản để giữ cho tươi, chờ tới giờ tặng những diễn viên. Được chị Trang và chị Mơ hướng dẫn, mình xí xớn buộc lấy vài bó. Hết hít hà lá khuynh diệp lại sang hít hà đống đồ ăn mua về.

Quà Giáng sinh cho các bé lớp Ballet Kid.
Được cái thế mạnh là tuy văn chưa hay, nhưng chữ nghĩa đọc được, nên lại được giao thêm chân (hay đúng hơn là tự ứng cử) viết kỉ niệm chương cho mọi người. Ngồi trước bảng Excel của những cái tên và ghi xuống, mình không khỏi ngẫm nghĩ điều gì đã khiến những con người này bỏ ra những ngày cuối tuần để đến đây, bỏ ra những buổi tối tới lớp luyện tập và thực hành thứ nghệ thuật mà, thẳng thắn mà nói thì thì đôi khi lại chẳng liên quan lắm tới chuyên môn nghề nghiệp của họ.
Tổ đội gói quà gồm mình, chị Dung và chị Hà My.

Fix bug, fix bug đi!
Đang check-in thì… máy sập. Lúc đó đang là lúc còn 10 phút nữa buổi diễn bắt đầu, nên số lượng khán giả đến ngày càng đông. Nếu không check-in nhanh để cho họ vào thì rất dễ khiến cho sự nhốn nháo xảy ra. Chị Huyền, người bấy giờ đang phải vật lộn với cái máy tính, nhìn mình với ánh mắt hoảng hốt.
“Chị có giấy A4 không? Em xin một tờ. Với cái bút nữa!”
Và thế là mình bắt đầu check-in theo kiểu hết sức thủ công: Hỏi tên từng người và ghi xuống thông tin mà họ đã đăng kí, chờ tới khi sửa xong hay có máy thay thế thì sẽ cập nhật lại.
Tới lượt cái máy tính cứng đầu kia. Màn hình giờ đã xanh màu Windows chết chóc, bấm cái nút nào cũng không tắt đi được, đóng máy cũng không tắt được. Mình lộn trái nó lại, mở khóa gạt và gỡ viên pin ra. Khá may mắn là chiếc máy tính này là dòng HP Foliobook từ khá lâu đời, cùng model với chiếc máy xách tay trước đây của mình (một chiếc máy cũng dở chứng y như vậy) nên mình không gặp mấy lúng túng khi xử lí nó. Đợi khoảng 5 phút. Lắp pin lại, bật lên, chờ cập nhật bản Windows mới nhất, mọi thứ lại bình thường như cũ.
Nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế.
Tòa nhà 101A Nguyễn Khuyến, nhìn ở ngoài thì khá rộng, song nó chỉ rộng từ tầng 1 tới tầng 3. Các tầng ở phía trên, tới tầng 8 ở trên cùng, thụt vào hẳn bên trong với diện tích hành lang rất hạn hẹp: Chỉ chưa tới 2 mét chiều rộng và 5 mét chiều dài. Số lượng khán giả không hề ít, lên đến hơn trăm người, cộng với các diễn viên cùng công tác chuẩn bị của họ – nếu đứng ở cùng một tầng sẽ chẳng thể nào chứa nổi. Đặc biệt bài toán khó là ở các bé chỉ khoảng 4 đến 12 tuổi – đi kèm với các bé là rất đông những thành viên trong gia đình, và họ cũng cần sự quan tâm đặc biệt để giúp các bạn nhỏ chuẩn bị cho bài diễn.
Khi ấy là khoảng 6h tối. Và vì đã là cuối tuần, các đơn vị/ công ty thuê tòa nhà đều đã đóng cửa nghỉ. Và thế là anh Tân và chị Hải đã nhanh chóng đưa lệnh điều phối, san đều mọi người đi các tầng. Đội Ballet Kid và Theatre Dance Vietnam lên tầng 8. Đội Ballet người lớn xuống tầng 6. Cứ đến tầng 7 là mình hỏi luôn “Anh chị/ cô chú đi đâu? Có hỗ trợ diễn viên không?” và nhanh chóng chỉ lối cho họ tới nơi cần đi.
Không quên nhiệm vụ chính

“Nhớ sắp đến lượt mình diễn rồi đấy em”, nghe chị Hải nhắc mình mới sực nhớ ra mà dứt ra khỏi công tác hậu cần hiện tại. Buổi chiều, người mình ê ẩm vì những bó cơ căng cứng, chị Hương đứng bóp cho mình, và mình cũng ngồi đấm lưng cho chị ấy. Làm “mắc áo di động” giúp chị Trang sấy và là phẳng mấy bộ quần áo diễn. Diễn viên cứ tự chuẩn bị cho nhau, tự make up cho nhau như vậy.
Mon men theo lối đi duy nhất vào trong phòng, mình đứng vào sàn với mọi người, lúc bấy giờ đã ngăn cách với người xem bởi tấm rèm đen.
Giờ G: Không biết làm gì thì tĩnh lại
Vị trí ban đầu của mình là phía sau tấm rèm ở cuối sân khấu, đứng thụt vào trong phòng kho của Kinergie. Phải sau 2 nhịp 8 trước khi nhạc bắt đầu mới tới lượt mình ra khỏi rèm.
Đành rằng khi đèn lên thì bạn đã ở giữa sân khấu, khi ấy bạn chẳng có lựa chọn nào khác ngoài bắt đầu diễn. Còn mình lại có thêm 2 nhịp 8, đâu đó khoảng 10 giây thấp thỏm chờ đợi khi vở diễn đã bắt đầu và những con mắt đã ngước lên sân khấu. Trong kho tối đèn, chỉ có chị Hương ngồi chuẩn bị cho bài diễn cuối cùng, bài diễn “Tam sinh” ngay sau bài của mình.
“Hic, chị Hương ơi, em ôm chị một cái được không? Em thấy run quá. Lần đầu em đi diễn thế này.”
Chị Hương nhìn mình, cười cười, rồi ôm mình một cái thật lâu.
“Không biết làm gì thì tĩnh lại. Lắng nghe. Nhìn mọi người.”
Và với những lời ngắn ngủi ấy, mình bước ra ngoài. Phần còn lại là lịch sử của câu chuyện.
Xóa nhòa những khoảng cách
“Comedians often say that the highest badge of honor is to make a fellow comic laugh; magicians like fooling audiences but live to baffle their brethren.”
Adam Grant, “Original”
Có một điều rất hay mình được quan sát được ở Kinergie là những khán giả tới xem biểu diễn ở đây thuộc nhiều thành phần đa dạng, song có một điểm chung là họ đều vốn là những người vốn đã/ đang thực hành nghệ thuật, hoặc là người có sự yêu thích đặc biệt với bộ môn này.
Có lẽ cũng chính vì thế mà họ là những người mà chúng mình mong chờ nhất. Bởi họ cũng đang thực hành những bộ môn ít nhiều gần với những gì chúng mình đang làm, những lời nhận xét và chia sẻ từ họ là nguyên liệu tuyệt vời cho sự phát triển. Là người cùng làm, họ hiểu những gì những diễn viên và nghệ sĩ đã và đang trải qua. Họ không phải là những quản lí hay đạo diễn khó tính, xem tác phẩm với con mắt của một nhà phê bình – cũng không phải là những người quá lạ lẫm với việc làm sáng tạo nghệ thuật, những người khó đưa ra những nhận xét cụ thể và chuyên sâu hơn.
Bên cạnh đó, cũng có không ít những người là bạn bè, người thân của chính những diễn viên tới xem. Mình tin rằng họ là nguồn động lực lớn nhất cho những người làm, cả ở bên trong hay bên ngoài sân khấu. Thường ngày, các diễn viên cũng là những người con, người anh chị em, người vợ, người chồng của những gia đình; là công nhân viên, hay dân văn phòng trong mắt đồng nghiệp. Có thể mời được những người thực sự thân thiết và yêu thương tới cùng tận hưởng nghệ thuật, nhìn thấy mình là một người nghệ sĩ – mình cho rằng đó là một niềm hạnh phúc cho tất cả những người tham gia.
Tổng động viên

“Sau cuộc chơi ngày hôm nay, thầy có mấy lời tổng động viên tất cả mọi người. Mặc dù là để có buổi hôm nay, những ngày hôm trước và hôm trước nữa chúng ta còn những cái nó chưa đâu vào đâu cả, thế nhưng đến ngày hôm nay, vừa rồi, chúng ta thắng. Chúng ta thắng lớn. Bời vì sao? Thầy nói điều này không phải cho chỗ chúng ta, mà là cho những người chuyên nghiệp.
Chúng ta thắng bởi vì chúng ta được nghe những người chuyên nghiệp nói. Những người chuyên nghiệp, họ là nghệ sĩ của các nhà hát, họ vẫn đến đây xem mình. Khi các em đang ở trong này chụp ảnh thì thầy có cuộc nói chuyện với các bạn ấy. Các bạn ấy bảo, “Rất sướng khi được xem nghệ thuật như thế này. Bởi vì mặc dù chúng tôi vẫn đang làm nghệ thuật tại các nhà hát lớn, nhưng chúng tôi không bao giờ được làm những cái sáng tạo như vậy. Hấp dẫn, và phải nói là chuyên nghiệp hơn cả chuyên nghiệp… bởi các bạn được làm những cái các bạn thực sự thích, thực sự đam mê.”
Tại sao các bạn ấy lại nói những điều đó? Là bởi vì các bạn luôn luôn khẳng định mình là người chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp thì sẽ chỉ làm những cái việc “như thế này”, không làm việc “như thế kia” – điều mang tính chất đóng khung, khiến cho các bạn không được phát triển. Trong khi đó, sự phát triển là điều luôn luôn phải đi song hành với người nghệ sĩ. Nếu chúng ta đang chơi cuộc chơi của nghệ thuật mà không có sự phát triển đó thì chúng ta nên xác định một điều là chúng ta đang đi xuống, chứ không bao giờ đi lên được.Tại sao họ lại nói họ đến để xem chúng ta, mặc dù chúng ta ở đây rất thô sơ? Chúng ta không có cái gì gọi là chuyên nghiệp, không có cái gì gọi là kỹ thuật lớn, không có cả âm thanh ánh sáng sân khấu quá hoàn thiện – thế nhưng họ lại bảo rằng rất may mắn, khi có những người đến muộn vẫn có thể kịp hưởng thụ giây phút này. Đó là điều mà chúng ta đã thắng.
Hơn nữa, bạn bè của chúng ta, tất cả mọi người đến đây – ai cũng thế – đến, cảm nhận và ra về: Không chỉ khán giả mà cả chúng ta [diễn viên] – tất cả cùng cảm nhận với nhau. Những giây phút này là những giây phút mà, thực sự, cuộc đời hoàn toàn không có nhiều. Chúng ta không biết mình có thể làm như thế này với nhau bao nhiêu lần, đi với nhau bao nhiều lâu nữa, vì mỗi một cá nhân đều có những công việc riêng. Thế nhưng chúng ta đã có thể tụ tập với nhau, chơi được với nhau – điều ấy ngay từ đầu đã là chiến thắng rồi.
Nói bên lề chuyện nghệ thuật, chúng ta, mỗi người đều có một chuyên môn, hay vì đam mê mà chúng ta cố gắng. Thế nhưng điều quan trọng không phải chỉ vì cái bên ngoài, mà là cái đầu. Chúng ta sẽ sáng tạo ra điều gì? Mỗi một ngày chúng ta đi, chúng ta lại sáng tạo thêm một bước nữa. Ngày mai xem lại, chúng ta lại thấy những cái ta đã làm thật buồn cười. Đó là bởi vì ta đã cao lên một bậc nữa. Hi vọng rằng, với mỗi bậc thang ấy, chúng ta dần dần có thể gặp nhau thêm được nhiều lần – không biết là bao nhiêu – song mỗi lần gặp chúng ta lại làm được cái gì đó cùng với nhau, và thắng hơn nữa.
Sang năm mới, hi vọng là chúng ta sẽ làm một cuộc chơi kĩ càng hơn lần này, lớn hơn lần này, và tại một sân chơi chuyên nghiệp hơn. Chúng ta đã được nghe những lời như thế, tại sao chúng ta lại không cố gắng để đi ra bên ngoài? Chúng ta phải dám đương đầu với một điều: Chúng ta là người nghiệp dư, nhưng chúng ta đã chơi thì phải chơi hơn cả chuyên nghiệp. Đấy là điều mà thầy mong muốn.
Và có thể không có ai công nhận điều đó. Có nghệ sĩ có thể nhận xét thế này thế kia, vấn đề vẫn nằm ở quan điểm. Quan trọng hơn hết, khán giả sẽ là người trả lời cho chúng ta.”
Nghệ sĩ múa/ thầy Đỗ Hoàng Thi Ngọc
Lời cảm ơn
Em xin cảm ơn chị Minh Hải, anh Tân Trương, chị Mơ – những người đã đóng nhiều hơn một vai diễn trong đêm ngày hôm ấy. Nhờ có anh chị – những người kiêm cả MC, kỹ thuật ánh sáng, âm thanh, hậu cần, biên tập viên – mà những diễn viên đã có thể có thêm nhiều không gian và thời gian để tập trung cho việc biểu diễn của mình.
Tiếp theo là lời cảm ơn tới tập thể những anh chị bạn tập lớp Đương đại Tiền nâng cao ở Kinergie: chị Dung, chị Trang, chị Phương, chị Huyền, chị My, chị Hương. Anh chị vừa là những người bạn diễn, và cũng vừa là ekip sản xuất “đa zi năng” nhất mình từng có cơ hội làm việc cùng. Từ hoa tặng và kỉ niệm chương, đồ ăn nước uống cho khán giả và diễn viên, dán sàn, sơn tường, dọn gióng, đi mua đồ, đi in ấn… anh chị là những người đã đóng góp rất nhiều.
Có những người đã hỗ trợ rất nhiều cho vở diễn nhưng hoàn toàn không xuất hiện trên sân khấu: Đó là anh Hưng vừa biên bài, vừa mắc rèm; là anh Alex vừa sửa soạn máy chiếu phim, vừa chạy deadline trong cái tối thui của phòng tập; và là chị Hoàng Hà chỉnh đèn cho duyệt bài và đưa ra nhiều góp ý sửa đổi. Phía sau băng rôn và biểu ngữ tưng bừng dành cho những người trong ánh sáng spotlight luôn là những người anh hùng thầm lặng như thế này.
Em xin cảm ơn thầy Ngọc, người đã luôn khắt khe và luôn luôn động viên tất cả những lứa học trò. Nhờ có thầy mà mình dần dà hiểu được một phần thế nào là đặt ra tiêu chuẩn cho những tác phẩm nói riêng và cho những thứ mình làm nói chung. Thầy cũng chính là “bàn tay ma thuật” cho việc bật tắt đèn (aka. kỹ thuật ánh sáng) ngày hôm ấy.


Để cùng tạo nên trải nghiệm này đã có rất nhiều những con người cùng tham gia, nhiều trong số đó mình đã chưa có cơ hội được biết mặt nhớ tên. Em xin được phép gửi lời cảm ơn tới tất cả mọi người, những người đã đứng cùng sân khấu và những người đã cùng chúng em chia sẻ khoảnh khắc giao lưu giữa nghệ sĩ và diễn viên. Cảm ơn các bé lớp Ballet Kid, các chị lớp Ballet Tiền nâng cao, tập thể Theatre Dance Vietnam, bé Yuriko Aguin, anh Bách và chị Hoa. We’ve made the stage together.
Mình còn nhớ mãi một người chị khi cuối giờ đã lên gửi tặng mình một đóa hướng dương, nói rằng chị là người đã học cùng mình trong lớp “Open Your Mind” của anh Nam Nguyễn vài tháng trước đó tại Last Fire Studio. Tuy chưa có cơ hội được biết tên chị, song nhờ có chị mà mình thực sự hiểu được tại sao mình lại cảm thấy hạnh phúc khi tìm ra và ở lại với nhảy múa: Nó là điều khiến mình được kết nối với thế giới xung quanh.
And lastly, thank you so much – to my bestie – the only one who made it to my performance that night. You’ve made my day.
Prologue: Bài toán nguồn lực cho nghệ sĩ
Hôm bữa mình vừa mới xem một phóng sự của VTV nói về việc những rạp chiếu phim như Kim Đồng, Thanh Niên, Tháng 8… đều đang dần mất đi và chỉ còn tồn tại như một biểu tượng – thay vì hoạt động bình thường – trước làn sóng nổi lên của những dịch vụ streaming online như Netflix, Apple TV… và những rạp chiếu phim mới CGV, Lotte Cinema,… Đa phần phim chiếu rạp bấy giờ là phim của nước ngoài, còn phim Việt tuy có nhưng hoàn toàn lép vế trước làn sóng hải ngoại. Người ta đặt ra câu hỏi “Trách nhiệm làm những tác phẩm nghệ thuật mang giá trị văn hóa nước nhà giờ đây là của ai?”
Mình nghĩ ngoài câu hỏi về trách nhiệm cũng cần đặt ra một câu hỏi nữa quan trọng không kém: “Nguồn lực cho những nghệ sĩ để làm ra những sản phẩm như thế đến từ đâu?” Rõ ràng người ta không làm ra phim từ không khí.
Làm việc cùng những anh chị chuyên làm sản xuất (production), mình hay nhận được câu nói đùa: “Ai rồi cũng phải làm tất cả thôi em à.” rồi “Mình làm việc vì đam mê chứ đâu phải vì tiền!” Mình hiểu đó là một phần khó khăn cần phải khắc phục (trong hầu hết ngành nghề chứ không riêng gì sản xuất) khi chúng ta thường không bao giờ đủ vốn để mà thuê người làm tất cả mọi thứ. Song nó cũng là một câu chuyện cũng cần được đem ra bàn bạc nghiêm túc, nếu ta mong muốn có thể làm những sản phẩm tốt hơn, hay hơn, lớn hơn, sánh vai được với bạn bè quốc tế.
Những nỗ lực tình nguyện, hay “làm vì đam mê” đều đáng được ghi nhận, song, đến cuối ngày, một người chỉ có thể cho đi tới một mức độ nào đó. Cần có một mô hình nào đó đem đến sự hỗ trợ thực sự, để người nghệ sĩ có thể đi lâu và dài, làm nghề một cách bền vững.