Học Đại học – Ghi chép sao cho đúng? | Phần 1: Các cách thức ghi chép

woman in white crew neck t shirt using silver macbook

Còn một thời gian ngắn nữa thôi là các bạn tân sinh viên đã bắt đầu một hành trình học tập mới trên giảng đường đại học. “Học Đại học khác với học cấp 3”, người ta bảo bạn vậy, nhưng lại không nói gì thêm để giúp bạn chuẩn bị cho sự khác biệt ấy. Ghi chép bài như thế nào? Có phải dùng vở viết gì đặc biệt không? Có nên ghi bài bằng máy tính? Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau điểm qua những cách thức ghi chép phổ biến với ưu điểm và nhược điểm, cùng với một vài “mẹo nhỏ” từ kinh nghiệm của mình nhé!

Những vật dụng, sản phẩm được đề cập đến bên dưới là gợi ý chủ quan của người viết, hoàn toàn không phải là quảng cáo.


Vở giấy & Bút: Combo truyền thống

Đây là lựa chọn an toàn nhất nếu như bạn chưa có trải nghiệm đa dạng trong việc ghi chép hay không muốn tốn quá nhiều thời gian để thử nghiệm chuyển đổi sang một cách mới. Như quan sát của cá nhân mình, đa phần các bạn sinh viên vẫn sử dụng cách làm này – bởi nó đơn giản để bắt đầu, và hiệu quả của nó cũng đã được chứng minh qua trải nghiệm học 12 năm phổ thông.

Cá nhân mình cũng đã sử dụng phương thức này trong học kì đầu tiên tại trường trước khi chuyển sang phương thức sử dụng máy tính bảng và stylus.

Photo by Yellow Cactus on Unsplash
Các thầy cô sẽ không kiểm tra vở đâu – Cứ chọn loại vở mà bạn thích, kẻ ngang, grid (ô vuông) hay dot (chấm) đều được.

Những vật dụng cần có

Vở viết

Tốt nhất nên là loại có chất lượng, giấy không thấm mực sang mặt bên kia. Campus và Hồng Hà là hai nhãn hiệu có vở viết chất lượng tốt và giá cả phải chăng.

→ Vở bao nhiêu trang?

Đa phần các môn học đều kết thúc trong 1 học kì, và xong môn đó (và không tạch môn) thì thường chúng ta không cần phải đụng tới nó nữa. Mình đề xuất vở 70-90 trang, nhưng con số này còn phụ thuộc nhiều vào cách ghi chép, lượng nội dung ghi, cỡ chữ,… của các bạn nữa.

Đối với các môn học khoa học cơ bản (Giải tích, Vật lí đại cương,…) các bạn nên cân nhắc chia ra vở lí thuyết và vở bài tập (bởi khối lượng một tuần học khá nhiều, nếu ghi gộp sẽ rất khó tra cứu, lật giở lại sau này). Còn nếu các bạn gộp lại thì cứ quất vở 120 trang, hay 200 trang với bạn nào chăm làm bài tập nhé.

Bút viết

Bất kì bút viết nào mà bạn cảm thấy quen dùng và thuận tiện là được. Nên chú trọng những cây bút giúp bạn viết nhanh được nhé, vì tốc độ giảng sẽ nhanh hơn nhiều so với cấp 3. Bút mình thích là loại bút bi mực xanh 0.5mm của Thiên Long.

Bản in slide bài giảng

Kì lạ phải không? Thực chất có những môn học sẽ ghi rất ít, hoặc toàn bộ nội dung chính đã được thầy cô tóm gọn trong slide, bạn chỉ cần theo đó mà theo dõi bài giảng là được. Bạn nên in slide ra và đánh dấu vào đó những giải thích, câu hỏi, ghi chú… chi tiết hơn trong quá trình học. Có những môn mình học thầy cô còn chu đáo đến mức thiết kế slide một bên là nội dung, một bên là dòng kẻ để cho sinh viên in ra và ghi nữa cơ!

Ưu điểm

  • Đơn giản, dễ sử dụng. Mở vở, bật nắp bút, và thế là bạn đã có thể bắt đầu ghi chép ngay lập tức.
  • Giá rẻ. 3k cho một cây bút bi và khoảng 10k cho một cuốn vở. Mình mua cả hộp 20 cây bút và cả xấp vở, lúc nào cần thì thay.
  • Nhớ bài lâu. Việc ghi chép bài bằng tay đã được nhiều nghiên cứu chứng minh giúp nhớ bài lâu hơn so với việc ghi chép bài bằng gõ phím. Khi tốc độ viết tay không thể nhanh bằng tốc độ nói của giảng viên, bạn buộc phải bắt não mình “vận động” để có thể chắt lọc ý chính và ghi xuống – đó đã là một lần học bài và nhớ bài rồi!

Nhược điểm

  • Dễ lộn xộn. Bạn không có thói quen đánh dấu nhãn vở, đánh đề mục hợp lí? In tài liệu xong là kẹp lung tung và để cả đống giấy dúm dó dưới đáy cặp? Cần rèn cho bản thân tính ngăn nắp thì mới có thể “sống sót” với giấy bút trên Đại học đấy nhé – vì bạn sẽ học một khối lượng kiến thức đồ sộ hơn nhiều.
  • Thường xuyên cần thay thế. Bạn cần chú ý khi nào bút hết mực và mang phòng dư thêm mấy cái nữa nhé, đặc biệt là đừng để điều đó xảy ra vào ngày thi. Đối với vở thì các bạn cố gắng lựa được vở có số trang phù hợp (như gợi ý ở trên) thì hết vở lúc kết thúc môn học là vừa đẹp.
  • Phải thu xếp sách vở. Chuyện quên vở, quên sách sẽ gây khó khăn không nhỏ trong quá trình theo dõi bài giảng đấy nhé.
  • Không bền (rách, nát, bị ướt, bị mất,…).
👉   Một cách sắp xếp khác cũng liên quan tới phương thức này là sử dụng Binder (sổ còng). Với cách này, bạn có thể để bài ghi của tất cả các môn vào chung một binder, và phân cách chúng bằng các trang đánh dấu. Có thể mở còng để thêm giấy khi cần, và bỏ giấy lúc không cần một trang nào đó nữa. Tham khảo nếu bạn đang muốn một cuốn vở lớn đa năng và có khả năng thay ruột nhé.

Máy tính & Bàn phím: Combo điện tử

Một trong những vật dụng không thể thiếu của sinh viên là một chiếc máy tính xách tay. Bạn sẽ cần tới nó không lúc này thì lúc khác – và sử dụng nó cho ghi chép cũng là một lựa chọn không tồi. Ghi chép bằng máy tính có những ưu nhược điểm của nó, nhưng trước hết bạn hãy tìm hiểu (nếu có thể) xem giảng viên của bạn có cho phép sử dụng máy tính trong giờ không đã nhé!

Photo by Kaitlyn Baker on Unsplash

Những vật dụng cần có

Máy tính xách tay

Lựa chọn máy tính nào thì lại là cả một câu chuyện dài – đòi hỏi bạn phải nghiên cứu từ nhiều nguồn uy tín và có chuyên môn tốt. Gợi ý nho nhỏ là nếu chỉ để sử dụng cho các tác vụ như ghi chép, làm Office (Word, Excel, Powerpoint…) thì bạn không cần máy cấu hình khủng đâu.

Đặc biệt lưu ý tới cân nặng của máy nữa nhé – nhiều bạn hay quên mất điều này – việc vác một chiếc laptop gaming trên lưng và phải đi bộ trong trường cả ngày là trải nghiệm không mấy dễ chịu đâu.

Sạc

Đã mang máy thì nên mang sạc – bạn không biết nó hết pin lúc nào đâu.

Chuột có dây hoặc không dây

Dành cho những bạn không cảm thấy thoải mái khi sử dụng trackpad của laptop.

Ưu điểm

  • Ghi bài nhanh. Đặc biệt đúng với các bạn có khả năng gõ phím tốt.
  • Dễ dàng tìm kiếm, chia sẻ, truy cập. Bạn không cần phải lật hết từ trang này sang trang khác để tìm một nội dung nào đó. Chỉ cần sử dụng tính năng tìm kiếm và gõ từ khóa, bùm! Ghi chép bạn cần đã ở ngay trước mặt. Gửi vở gửi bài cũng đều nhanh chóng, không phải mất công chụp lại nữa.
  • Tiện lợi. Không cần phải xách theo 7749 quyển vở nữa. Và nếu bạn ghi chép bài vào ứng dụng có đồng bộ trên đám mây (Notion, Microsoft OneNote, Evernote…), bạn có thể ghi bài bằng cả các thiết bị điện tử khác (điện thoại chẳng hạn) khi không có laptop khả dụng.

Nhược điểm

  • Ghi chép không chọn lọc. Vì tốc độ gõ nhanh nên chúng ta dễ sa đà vào chép y nguyên những gì được giảng, thay vì hệ thống thông tin và chỉ ghi những ý chính.
  • Gây xao nhãng. Một điều dễ hiểu, nhất là khi bạn lại còn có kết nối mạng trong lớp học.
  • Khó khăn với các công thức. Với các công thức toán học, việc gõ lại thường khá khó khăn, và kể cả bạn có trình độ gõ LaTeX thượng thừa, thời gian để bạn viết ra một công thức cũng đủ để thầy xóa cái bảng đi và viết sang nội dung khác rồi.
  • Lỗi kĩ thuật. Nhất là nếu máy tính bạn là một chiếc máy vốn đã có lịch sử “dở chứng” lâu dài. Đang viết thì sập máy? Một ngày đẹp trời nọ bỗng mất hết dữ liệu? Hãy nhớ backup thường xuyên nhé.

Máy tính bảng & Stylus: Combo vở ghi số

Cá nhân mình đang sử dụng phương thức ghi chép này là chính và nó hiệu quả đối với mình. Nó sở hữu lợi ích của cả phương thức ghi chép truyền thống bằng vở và bút (viết bằng tay giúp nhờ bài lâu) và phương thức ghi chép số (dữ liệu lưu trong máy được sao lưu, không sợ mất, dễ tìm, chia sẻ và sắp xếp). Tuy nhiên, các bạn sẽ cần phải bỏ ra một khoản tiền để có thể sở hữu thiết bị này (máy tính bảng và bút điện tử stylus), cộng với những khoản phí phát sinh (mua app hỗ trợ ghi chép, mua dung lượng lưu trữ đám mây…) nên hãy cân nhắc kĩ càng nhé.

Photo by Dose Media on Unsplash

Những vật dụng cần có

Máy tính bảng

Hiện mình đang sử dụng iPad 3rd Generation, model đời cũ với nút home nhưng vẫn dùng tốt sau hơn 2 năm (mình viết trên máy hầu như hàng ngày). Trên thị trường hiện có rất nhiều các mẫu máy tính bảng các bạn có thể tham khảo, nhưng nổi bật hơn cả thì có Apple iPad, Samsung Tablet, và Xiaomi Pad.

Bút viết

Nếu không có bút thì bạn chỉ có thể ghi chép trên máy tính bảng bằng cách gõ phím – một trải nghiệm không được thoải mái lắm so với gõ trên máy tính xách tay. Mỗi model máy tính bảng sẽ có bút tương ứng của cùng hãng mà nó hỗ trợ – bạn chỉ cần tìm hiểu hoặc hỏi người bán là được. Dùng bút đến từ hãng sẽ cho bạn trải nghiệm được đảm bảo hơn, nhưng bên cạnh đó cũng có những cây bút tới từ những nhà sản xuất bên ngoài với giá “hạt dẻ” hơn, hãy xem review cho chắc chắn khi mua nhé.

Dán màn hình

Để có thể ghi chép trên máy thì về cơ bản là không có miếng dán bạn vẫn ghi chép được, tuy nhiên nếu bạn ghi chép nhiều (như ghi vở) thì bạn cần phải mua thêm thứ này. Nó giúp bút không cào gây xước màn và mòn bút, đặc biệt là có độ nhám nhất định giống như giấy viết chứ không khiến đầu bút bị trơn tuột đi. Dán màn hình này cần là loại chuyên dụng cho viết vẽ chứ không phải là loại để bảo vệ màn hình như trên điện thoại đâu nhé. Mình sử dụng dán màn của Paperlike, một hãng uy tín trong dòng hàng này.

Sạc

Để “quyển vở” của bạn không hết pin lúc cần.

Khác

Ứng dụng ghi chép

Có nhiều ứng dụng hỗ trợ ghi chép, cả miễn phí và trả phí. Mình dùng Goodnotes 5 (mất phí, chỉ có trên các thiết bị Apple).

Lưu trữ

Về cơ bản, ghi chép của bạn sẽ được lưu vào bộ nhớ trong của máy. Tuy vậy, để phòng dư (mất dữ liệu) và thuận tiện (truy cập được ở các thiết bị khác), ta cần sao lưu (backup) lên đám mây. Thường trong các ứng dụng sẽ hỗ trợ các lựa chọn sao lưu – mình đưa vở của mình lên iCloud và OneDrive.

Ưu điểm

  • Nhẹ cặp. Máy tính bảng thay thế những quyển vở của bạn, và nó thường nhẹ hơn laptop nhiều.
  • Thân thiện với môi trường. Thầy cô gửi tài liệu ư? Chỉ cần đưa nó vào trong máy, và đánh dấu ghi chú trực tiếp lên file như cách ta làm với tài liệu giấy.
  • Vở sạch chữ đẹp. Có khả năng xóa sạch sẽ khi viết sai, kéo thả chữ để dàn trang, và các chức năng format tiện lợi khác.

Nhược điểm

  • Tốn (nhiều) tiền. Bạn nào mà chưa có máy tính xách tay thì tập trung để mua laptop đã nhé, đừng nghĩ chuyện máy tính bảng vội vì bạn sẽ cần cái laptop nhiều hơn.
  • Gây xao nhãng. Nhất là nếu bạn có 7749 ứng dụng giải trí, nhắn tin… cũng cài trên thiết bị đó – và không tắt thông báo.
  • Phải nhớ sạc. Mở máy ra chuẩn bị ghi bài mới thì nhận ra nó đã hết pin từ hôm qua.
  • Lỗi kĩ thuật. Có thể gặp các lỗi như crash (văng ứng dụng), lỗi backup (không sao lưu lên đám mây được)… khá phiền toái.
  • (Với một số bạn thích ghi vở đẹp – như mình) Mất thời gian làm cho vở “đẹp” mà không tập trung vào nội dung chính của bài.

Lời kết: Phương thức “Hybrid”

Trên thực tế, khi lên trường, mình sử dụng cả ba phương thức ghi chép này. Lí do là bởi mỗi lớp học trên trường đại học có nhiều sự khác biệt rõ rệt và yêu cầu khác nhau, chứ không na ná trong phương thức dạy và học như hồi cấp ba nữa. Và cũng bởi để tối ưu hóa hiệu quả học tập, mình lựa chọn phương pháp hợp lí nhất cho từng trường hợp chứ không giới hạn bản thân trong cách nào cả. Để làm được điều này đòi hỏi bạn phải có khả năng sắp xếp và tổ chức thông tin tốt, nếu không mỗi thứ sẽ đi một nơi và sẽ rất khó để tìm lại tài liệu sau này – nhưng nếu bạn có thể làm được thì mình tin chắc phương thức hybrid này sẽ đem lại những hiệu quả tuyệt vời.

Dưới đây là một vài kinh nghiệm của mình:

Với các lớp khoa học cơ bản (Giải tích, Vật lí…)

Viết tay là chân ái, vì bạn sẽ không bao giờ có thời gian để gõ được những công thức ấy đâu. Làm bài ra giấy cảm giác cũng tự nhiên hơn và ghi nhớ lâu hơn.

Với các lớp đại cương bắt buộc, không liên quan chuyên ngành

Thường nhiều lí thuyết, nhưng ghi ít. Thầy cô sẽ chú tâm vào giảng nội dung chứ không căn đề mục rồi đọc ý cho các bạn chép như hồi cấp ba. Tốt nhất bạn nên có sườn của cả môn học ngay từ đâu – đó có thể là mục lục của một quyển giáo trình sẽ được sử dụng, và ghi chép dựa theo đó. Mình sử dụng Notion trên laptop, ghi cho nhanh và tập trung nghe nhiều hơn.

Với các lớp chuyên ngành

Tùy ngành học mà bạn tham khảo các anh chị đi trước nhé. Mình học IT nên đa phần không phải ghi chép tay bao giờ. Mình viết thẳng vào slide cho trước với các tiết lí thuyết, và ngồi thực hành (code trên máy) với các tiết bài tập. Việc chép lại code bằng tay khá thừa thãi với mình – mình tập trung vào hiểu và code lại nhiều hơn.


Nếu bạn đã đọc đến đây rồi thì mình tin bạn không phải là sinh viên đến giảng đường chỉ để chụp ảnh. Như quan sát của mình, có không ít các bạn sinh viên tới lớp và lười ghi chép bài, họ chỉ giơ điện thoại lên chụp mỗi lúc thầy cô chuẩn bị chuyển sang bảng mới hay xóa bảng. Bạn về nhà và có cả chục tấm ảnh nhìn qua trông na ná nhau (cái bảng, mặt của thầy nhìn bạn ngán ngẩm, và đầu của mấy thằng bàn trên lọt vào), mới lướt qua thôi đã không muốn đụng vào. Đấy là chưa nói có khi bạn còn không nhớ là mình đã chụp ảnh để mà giở ra xem.

Việc ở nhà, không nghe bài giảng và tự đọc sách thậm chí còn hiệu quả hơn nhiều. Mình cho rằng đây là điều tệ nhất bạn có thể làm khi đến một lớp học. (Dĩ nhiên là cũng có ngoại lệ – mình đã gặp những “chiến thần” chỉ làm như vậy và vẫn học tốt. Nhưng họ vẫn có giở ra để xem lại nhé. Và nếu bạn không chắc mình là người như vậy thì… bạn biết phải làm gì rồi đấy.)

Chúc bạn sớm tìm ra được cách thức ghi chép phù hợp và học thật tốt!