Học cách yêu cả bộ

woman looking at hot air balloons

Bạn tôi đi châu Âu.

4h chiều, nó gọi điện Messenger inh ỏi. Đúng lúc tôi đang buồn thối ruột, vì lại vừa bị từ chối một học bổng trao đổi nữa.

Nó gọi cho tôi để giải sầu.

Hoá ra người ở hải ngoại cũng sầu à. Tôi chua chát nghĩ. Trong khi tôi còn chưa được biết thế nào là nước ngoài.

Đây cũng chẳng phải lần đầu nó gọi cho tôi. Nó đi gần nửa năm, gọi cho tôi đều đều cứ hai tuần một lần. Lần nào gọi cũng là để than thở. Lần này cũng thế. Chuyện học hành, giao lưu văn hoá, kỷ niệm, vi vu trời Tây thì chẳng thấy nói gì. Nó cũng thừa nhận vậy. Xin lỗi bà. Nhưng vì tôi cũng chẳng có ai lắng nghe được như bà để kể.

Số là đoàn Việt Nam sang bên đó có mấy đứa sống “hãm” quá, qua bển ở chung không chịu được. Nó chung phòng với hai bạn nước ngoài, nhưng đi học và các hoạt động của đoàn thì vẫn cần có tụi Việt. Vậy là vẫn phải tìm cách hoà nhập. Cực kỳ mệt mỏi và tốn năng lượng. Mấy đứa bạn nó gọi điện hỏi, đứa nào cũng khuyên là cố gắng mà “diễn” tiếp đi, cho qua giai đoạn này.

Tôi nói luôn: Không có “diễn” gì hết nhé. Cố thân thiết với người toxic thì chẳng khác gì tự bòn rút năng lượng và cảm xúc của chính mình.

“Thế bây giờ tôi nên làm thế nào?” Những người bạn hay gọi cho tôi vì họ nghĩ tôi có câu trả lời. Bấy giờ thì tôi chưa nghĩ ra.

15 phút im lặng. Chúng tôi nhìn nhau ngao ngán qua hai tấm màn tinh thể lỏng.

“Mệt mỏi quá nhỉ. Hay thôi kệ đi! Dù sao cũng chỉ còn có gần một tháng nữa thôi là về nước. Khi ấy tôi dứt khoát sẽ không phải chạm mặt nó nữa.” Nó thở dài.

Photo by Sasikan Ulevik on Unsplash

“Không, không, việc này cũng không thể kệ được!” Tôi bực cả mình. “Bà đã gọi cho tôi bao nhiêu lần vì việc này rồi. Nếu nó khiến bà mệt mỏi đến mức ấy thì phải xử lý đi thôi. Những thứ này, bà để lại thì nó như cái vòi nước hỏng, nhỏ tong tong trong các hộ gia đình ấy. Ai nấy bảo nhau là rồi sẽ phải sửa thôi, tưởng chừng nó cũng chẳng quan trọng nên họ để lại đấy. Một thời gian sau nhìn lại, mới tá hoả nhận ra chính điều ấy khiến hoá đơn tiền nước của họ tăng đột biến.”

Nó không nói gì. Tôi lại tiếp. “Còn như bà, nếu cứ tiếp tục như thế này thì một tháng hay một năm nữa, châu Âu cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Bà sẽ đếm số ngày còn lại như tù nhân đếm ngày mãn hạn mà thôi.”


Trong cái khoảng yên ắng trì trệ ấy, cái buồn bực ban nãy lại trồi lên trong lòng tôi. Tôi sẽ chẳng đi được đến đâu nếu người ta không đài thọ cho tôi mọi chi phí. Nó thì vừa được một phần học bổng, phần còn lại gia đình lo cho hết. Tôi vật vã apply đủ thứ học bổng để mong được đi nước ngoài mở mang đầu óc mãi không được. Trong khi có cái đứa đã ngồi dưới trời Tây kia thì lại cả ngày ở trong dorm và vật vờ trên cái giường với cái điện thoại.

Photo by Jon Tyson on Unsplash

Bình thường tôi để ý lời ăn tiếng nói lắm, có là bạn thân tôi cũng hiếm khi lớn tiếng mắng mỏ. Nhưng lần này tôi nhất quyết phải chửi nó một trận.

Vậy có nhất quyết phải hoà nhập với tập thể ấy không? Có, vì không hoà nhập thì bị cô lập. Tôi không chịu được cảm giác bị cô lập.
Con người là sinh vật xã hội, chẳng ai chịu được điều ấy đâu. Bạn đã nói thế thì tôi đồng ý là cũng cần phải tiếp xúc. Nhưng nói chuyện với chúng nó khó chịu lắm.
Vậy thì hãy đặt ranh giới đi. Cho phép mình gặp những người ấy khi nào, và trong thời gian đó thì chấp nhận một khả năng là họ sẽ có thể khiến mình khó chịu. Những thời gian còn lại thì đừng giao lưu nữa. Thử đi xem nào. Tôi cũng thử rồi. Giờ có ba khả năng, hoặc là đi với tụi nó hẳn, hoặc là tách đàn hẳn, hoặc là nửa này nửa kia. Hai cách đầu tôi thấy đều dở.
Thế thì chẳng phả phải cách thứ ba chính là cái tôi bảo bà đó sao. Nửa đó nằm ở đâu, là do ranh giới mình đặt. Ừ nhỉ.
Còn cái vụ đi thăm thú đó đây, sang đấy tưởng định đi, hoá ra không đi đâu cả à. Nhưng tôi thấy đi một mình nguy hiểm lắm. Tôi lại còn là con gái nữa.
Sợ thì đi gần thôi. Chiều ra phố dạo bộ quanh kí túc. Có cái hàng nào thì tấp vào. Ăn thử một món gì đó của họ. Ừ, nhưng đi với bạn cũng vui hơn. Mà kiểu có người chỉ dẫn cho mình biết chỗ này chỗ kia ấy.
Thế không có bạn nước ngoài nào đi cùng được à. Tôi chưa hỏi. Kiểu cũng có một bạn bản địa, cũng muốn rủ đi cùng từ lâu rồi những chưa dám. Trông mọi người cũng bận ấy.
Rủ đi, mất gì đâu. Nếu nó không đồng ý thì đi một mình, sợ nguy hiểm thì đi gần. Ừm, vậy thì để tôi thử.
Ôi, tôi cũng nhớ phở Việt Nam, nhớ bánh xèo, nhớ nem lụi… Nhớ nhà nữa… Ừ ừ, biết rồi, còn một tháng thôi mà. Về rồi tôi khao!

Cuối cùng nó cũng hết ý để vặn lại tôi.

Tôi vung tay lên trời, ra dấu chấm hết cho một cuộc đàm đạo quá đỗi dài dòng.

“Trời ạ! Nếu như bạn chỉ nhớ một điều sau cuộc điện thoại lê thê này thôi, thì xin bạn hãy nhớ là thứ mà bạn đang có là thứ mà đầy người mong ước. Những điều như thế không có nhiều lần trong đời đâu.”

Nó mở to mắt. Có vẻ cô nàng đã hiểu rồi.


Ngồi vắt óc cùng giải quyết vấn đề với nó, tôi nhận ra, khi tôi tháo được nút cho bạn, tôi cũng vừa giải quyết vấn đề của chính mình.

Photo by Vinh Thang on Unsplash

Trong khi nó có châu Âu và những đứa bạn hãm, tôi có phở và một Hà Nội đặc bụi mịn. Đứa nào cũng có đủ cả – hay dở lẫn lộn – những thứ nhất quyết luôn song hành với nhau.


Sau một tiếng được làm công tác tư tưởng, nó cảm ơn tôi rối rít vì đã được “thông não”. Tôi đóng máy để chuẩn bị tắm giặt, tối đi party Hip Hop* giao lưu văn hoá địa phương. Chưa được đi bển thì mình cứ là thành viên tích cực của cộng đồng bản địa vậy.

Photo by Joshua Earle on Unsplash

5 phút sau, nó gọi lại. “Bạn ấy đồng ý đi với tôi rồi! Cảm ơn bà nhiều lắm, ahihi.” Rồi cúp máy. Spam tôi cả đống tin nhắn. Dĩ nhiên là cùng với những âm thanh chó sủa minh hoạ, thứ minh chứng cho một tình bạn thân thực thụ.

Có lẽ dù ở đâu, học cách yêu cả bộ vẫn sẽ là câu trả lời đúng!


*Shout out to “Circle Flow”: Đây là một dự án dài hơi của Wonder Sisters trong nỗ lực mang văn hoá jam, cypher, party gần hơn đến cộng đồng Hip Hop Freestyle. Bạn đọc quan tâm có thể theo dõi @circleflow.vn trên Instagram.