Hà Nội trong tôi

city buildings and street in hanoi

Quả thực có những điều phải đi mới hiểu.

Hồi tháng 10 năm ngoái, tôi có cơ hội trò chuyện với bác đạo diễn Đặng Nhật Minh. Sự kiện chiếu phim “Hoa nhài”, bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp của bác. Phim kiểu “cây nhà lá vườn”, gom góp tiền túi của những người bạn, cốt là để kể một câu chuyện, chốt lại một đời cống hiến cho điện ảnh nước nhà. Tôi thấy “Hoa nhài” giống với “Điều kỳ diệu ở tiệm tạp hoá Namiya” của Higashino Keigo, chỉ có điều nó giản dị hơn và mang màu sắc Việt Nam thời bao cấp.

Bộ phim kết thúc, bác Đặng Nhật Minh cùng chú Trần Lương ngồi giao lưu với khán giả. Đa phần người tham dự là những bạn trẻ giống như tôi – những nghệ sĩ trẻ, sinh viên các ngành văn hoá nghệ thuật hay người có hứng thú với điện ảnh.

Tôi xem xong phim mà cứ thấy chưng hửng, kiểu như thấy trong mình hụt đi một thứ gì. Sao Hà Nội của bác đẹp thế, sao bác thấy nó đáng yêu thế. Hà Nội của tôi chỉ có bụi mịn và tắc đường. Một Hà Nội mà khi sống trong nó, tôi cảm thấy bị bắt nạt thường trực. Không tỏ ra lõi đời hay khôn ngoan một chút, là kiểu gì cũng có kẻ lợi dụng. Hay do tôi ngu ngơ?


“Tôi nhận thấy mình nghèo, rất nghèo. Từ câu chuyện lấy tiền đâu để đi, nhiều người có định kiến là phải giàu mới đi. Trên thực tế, những người đi nhiều là người nghèo. Nghèo cảm nhận về thế giới, về kiến thức, chính vì nghèo nên họ phải đi để lấp đầy những khoảng họ thiếu. Càng đi càng cảm thấy thế giới nó rộng, càng đi càng cảm thấy mình phải đi nữa và thế giới đa dạng thế nào.

Chúng ta chỉ sống có một lần, chúng ta sinh ra không chỉ ở một nơi, chúng ta đi khắp nơi được mà. Vấn đề là cho mình các cơ hội để đi thôi.”

— Nhà báo Trương Anh Ngọc

Không lâu sau khi tôi viết bài Học cách yêu cả bộ, tôi được đi xuất ngoại thật. Lần đầu ra nước ngoài, biết thế nào là nhà ga quốc tế T2, biết thế nào là được đóng chiếc dấu xuất nhập cảnh lên quyển hộ chiếu mới cóng chưa dùng một trang nào.

Cái gì lần đầu thì hay ấn tượng đậm sâu. Tôi mở căng con mắt đôi tai, cốt cho làm sao ghi được mọi điều về Singapore vào trong mình.

Tôi tuyệt nhiên không mang đồ Việt, không mì gói, không phở gói, chỉ tập trung ăn và trải nghiệm đồ nước bạn. Đồ Malay cay bỏng cả lưỡi, đồ Ấn trộn đủ thứ không thể gọi tên, đồ Hoa mùi thuốc bắc cả bát to sụ. Ngày nào cũng đi trên 10,000 bước chân. Kỷ lục có ngày rã rời gần 20,000 bước. Tôi sì sụp ăn laksa, thosai, ban mian, samosas, biryani, kaya toast, cơm gà, carrot cake, bù vào chỗ năng lượng mất đi.

Tôi được đi 3 tuần. Có lẽ vì đất nước sư tử biển cũng nhỏ (read: Little Red Dot), và cũng vì tôi là thành phần tranh thủ đi mọi lúc mọi nơi, chẳng ở trong khách sạn bao giờ – nên có chỗ nào tôi cũng đi cả rồi.


Quay lại buổi chiếu phim. Một người anh bạn tôi đặt câu hỏi cho bác đạo diễn. “Với chúng cháu, Hà Nội bây giờ đã khác xưa rất nhiều. Cháu cảm thấy Hà Nội trong ‘Hoa nhài’ có phần mang tính cổ tích và ‘sến’ hơn so với thực tế.”

“Cái này cũng thực tế thôi. Tại vì cuộc đời tôi gặp người tốt nhiều. Chứ đi ra đường mà gặp toàn người xấu, nó đánh mình vỡ mặt ra thì… Tuỳ trải nghiệm thôi – tôi đi ra đường tôi gặp toàn người tốt. Nhưng có nhiều người bây giờ người ta không thích như thế trong điện ảnh: Phải có xung đột, bặm trợn, xăm mình, trợn trạo… thì mới kịch tính; rồi kịch tính được giải toả… Tôi làm từ trải nghiệm mình thôi. Trải nghiệm mình thì, phố Lò Đúc của tôi đấy. Ra ngoài cửa gặp bà hàng nước với ông bán cà phê, tại sao bây giờ tôi lại phải tìm nhân vật bặm trợn vào trong phim để cho hấp dẫn người xem? Ngay từ đầu, người tốt cũng có thể tạo nên cái phim này chứ?”


Về nước, việc tôi làm đầu tiên là đi cắt tóc.

Trong tiệm cắt tóc thân quen ở khu nhà tập thể, tôi nhìn ra bên ngoài cửa kính. Leng keng những tiếng khua khoắng của kẻng đổ rác, các bác ới nhau mua nốt gánh hàng để đi về. Văng vẳng đâu đây những tiếng rao của những thức quà vốn tôi đã quá quen mỗi sớm mai.

Tôi ngồi chuyện trò với cô cắt tóc và cô hàng xóm người quen đang ngồi chờ đến lượt. Tôi nói chuyện thằng em tôi lại đi theo vết xe đổ của tôi mà vào IT1 Bách Khoa, chuyện bố mẹ tôi vẫn khoẻ, còn cô, chuyện nghỉ hè, chuyện cháu đang đi thực tập rồi cô ạ.

Tôi nhắm nghiền mắt. Nắng tháng 7 rọi vào mặt tôi, xuyên qua những lượt tóc cắt rơi xuống, đặt lên tôi một cái chào ấm áp. Tự nhiên trong lòng tôi có cái gì đấy vỡ ra, khe khẽ như một tiếng thì thầm.

Sau tháng ngày trải qua những điều lạ lẫm bên nước bạn, tôi mới nhận ra những gì đã là một phần của mình suốt 20 năm qua.

Thì ra đây là Hà Nội của tôi. Nó tái sinh, theo một cách tôi khó có thể nói thành lời.

In