Góp ý dưới góc nhìn của một học sinh
Mình theo học nhảy ở studio hiện tại cũng đã được gần một năm (chính xác ra là 11 tháng). Khoảng thời gian đó cũng là khá đủ để mình có thể làm quen với không gian sàn tập, thời gian biểu trong tuần, giáo viên dạy cho mình cũng như có bạn tập trong lớp, và thỉnh thoảng nhận ra được một vài khuôn mặt thân quen hay xuất hiện trên phòng tập.
Nói chung là trải nghiệm tập của mình ở đây cũng khá tốt và mình cũng đã có được nhiều kinh nghiệm quý báu và học hỏi được nhiều thứ khác ở đây. Cho tới tuần trước, trong lúc chờ đợi thang máy cùng với một anh bạn cùng lớp để ra về, bạn lễ tân gọi chúng mình lại hỏi:
Hai cậu có feedback gì dành cho lớp hiện tại các cậu đang theo học không?
Feedback, hay trong tiếng Việt dịch thẳng ra thì là “phản hồi”, là cảm nhận, trải nghiệm, đóng góp ý kiến sửa đổi, nhắn nhủ và đôi khi cả là lời cảm ơn — nói chung là tất cả những gì bạn có thể nói về sự trải nghiệm của mình với một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó.
Thông thường để có được phản hồi thì nhanh nhất là những phản hồi về lỗi — người ta có thể không nhận ra khi mọi thứ đều đi theo ý muốn, nhưng lại rất nhanh để có thể cảm thấy khó chịu về một rắc rối và chỉ trích thậm tệ.
Tiếp theo sau đó là những góp ý về sửa đổi bổ sung và ý kiến cá nhân. Loại này khá phổ biến, chỉ có điều người ta sẽ không chủ động như là loại thứ nhất. Nó có thể là tích cực hoặc tiêu cực, tùy theo trải nghiệm của người đó. Và cuối cùng, có lẽ không mấy phổ biến, nhưng đối với những sản phẩm hay dịch vụ có giá trị cao (ở đây không nhất thiết hiểu là tiền) và cho trải nghiệm tốt thì sẽ có những feedback nói lên cảm nhận, cảm xúc của người dùng, đôi khi là kèm theo những câu chuyện của bản thân họ.
Tựu chung lại, mình muốn nói rằng góp ý có thể đến dưới nhiều dạng, và nếu người hay một tổ chức có thể nhìn nhận được tầm quan trọng của nó và biết cách tiếp nhận đúng — họ hoàn toàn có thể có khả năng phát triển và cải thiện.
Quay về câu chuyện tại phòng tập. Vừa mới nghe câu hỏi, anh bạn bên cạnh mình đã nhanh nhảu trả lời:
Hê hê, không có feedback gì cả, lớp học rất vui, thế thôi!
Mình thì đứng đấy ậm ừ một lúc, muốn chủ động góp ý để cải thiện trải nghiệm học của mình, cũng như muốn studio thực sự tốt lên. Biết ý, bạn lễ tân cũng đứng đợi, bút và giấy cầm sẵn trên tay.
Ngay sau khi được hỏi câu hỏi đó, mình mới tự hỏi “Sao mình học ở đây đã lâu đến thế rồi họ mới nghĩ tới việc hỏi mình câu hỏi này? Còn tên kia (ý chỉ anh bạn) chỉ được cái nhanh nhảu, người bình thường nếu họ không quá quan tâm thì cũng không bận tâm đi ngồi nghĩ feedback để làm gì.”
Quả đúng vậy thật. Mình đã có cơ hội được đi thực tập tại một vài dự án học sinh, và đã đi xin feedback sau mỗi mùa tổ chức để có thể cải thiện dự án. Tuy vậy nhưng những góp ý chúng mình nhận được toàn là “Dự án rất hay, cực cháy cực tuyệt luônnn”, hay “Em rất yêu dự án, trên cả tuyệt vời!” Đọc một hai cái cũng có cảm giác ấm lòng, nghĩ rằng bản thân mình đã làm một điều tốt cho mọi người.
Nhưng càng đọc đến cuối, hơn một trăm phản hồi từ Google Form, cái nào cũng giống cái nào, toàn là những lời khen và tuyên dương làm mình không khỏi đặt câu hỏi. Có gì đó sai sai. Một sự kiện được tổ chức ra hoàn hảo không tì vết cũng giống như một con người đã đạt đến độ hoàn hảo vậy — chẳng còn chỗ nào để người đó hay sự kiện đó có thể phát triển cả.
Đọc hết đống đơn, mình và team ngồi thở dài thườn thượt — vậy là chúng mình không có gì trong tay để đi tiếp — vì khi bạn thấy mình đặt chân lên đỉnh núi cao rồi thì bạn chẳng biết đi đâu nữa ngoài chuyện trèo xuống cả.
Mình hiểu tại sao lại có toàn những góp ý như vậy. Bởi những góp ý phân tích từ nhiều mặt để thấy ra cái hay, cái dở của một thứ gì đó thực sự cần thời gian, và cần cả một sự gắn bó riêng tư về cảm xúc của người đó với thứ đó nữa. Còn công việc nặn ra một câu khen khách sáo hệt như bao câu khác thì thật dễ, nhất là đôi khi người ta bị hỏi và phải làm công việc feedback như là một nhiệm vụ không mong muốn. Ở đây mình không có ý nói rằng khen thì là sai, bởi tranh cãi như vậy thật là ngu ngốc. Mình muốn nói rằng để có những feedback thực sự có ích cho sự phát triển thì rất khó.
Một sự kiện được tổ chức ra hoàn hảo không tì vết cũng giống như một con người đã đạt đến độ hoàn hảo vậy — chẳng còn chỗ nào để người đó hay sự kiện đó có thể phát triển cả.
Lại quay lại bàn lễ tân của studio. Sau khi mình nghĩ một lúc, tầm 2–3 phút gì đó, mình mới tiến đến bàn của lễ tân để nói chuyện và trao đổi những ý kiến của mình. Cả hai nói chuyện một lúc, rồi cuối cùng đi đến tổng kết, bạn ấy ghi chép lại và cảm ơn, còn mình và anh bạn chào tạm biệt bạn ấy rồi vào thang máy ra về.
Người ta rất hay nói mãi về câu hãy hỏi ý kiến góp ý và học hỏi từ nó thật nhiều, nhưng chưa bao giờ cho bạn biết đâu là thứ góp ý thực sự cần cho sự cải thiện của bạn.
Theo mình, để có được feedback chất lượng và thực sự hữu ích, đầu tiên bạn hãy cứ hiểu được về tầm quan trọng của nó, và nhìn nhận rằng đó cũng là một phần của phát triển dự án hay dịch vụ. Thứ hai, không phải là đi lấy feedback của khách hàng ngay, bạn hãy cố gắng tạo ra được mối liên kết cá nhân của người dùng với dịch vụ của bạn, không chỉ là đơn thuần là tôi cần — anh cung cấp, mà đó nên là một trải nghiệm, cảm xúc hay kỉ niệm đáng nhớ với họ — nhất là đối với dancer trong một studio nhảy, trải nghiệm rất quan trọng với họ. Và cuối cùng mới là xác định đối tượng và đi thu thập góp ý từ họ.
Và bên cạnh đó cũng là lời nhắn gửi đối với các dancer, mỗi người có thể đến studio vì mục đích riêng, nhưng hãy thử nghĩ về trải nghiệm của mình và học thử cách tư duy phản biện xem sao. Nó sẽ có ích nhiều không chỉ là đi nhảy mà còn nhiều thứ khác trong cuộc sống của bạn.
Trên đây chỉ là ý kiến cá nhân của mình dưới góc độ đi học ở một studio gần nhà, hoàn toàn không có ý áp đặt lên bất kì mô hình, tổ chức hay cá nhân nào. Mong rằng những gì mình viết sẽ có ích cho những người cần, và có thể nhận được ý kiến đóng góp từ các bạn. (ây chà mình đang xin feedback đấy :))
Happy dancing!