Được và mất

photo of two red dices

Hà Nội bắt đầu trở rét. Những ngày mùa đông, hổn hển đạp xe ngược chiều gió từ trường ra studio để tập, rồi lại đạp từ studio về nhà trong đêm muộn, tôi không khỏi thắc mắc với chính bản thân mình, “Tại sao mình lại làm cái thứ này nhỉ?”

Tổng quãng đường 18 cây số, cũng đủ để tôi nghĩ nhiều hơn một lần rằng mình thật ngớ ngẩn.

Câu chuyện số 1

Dạo gần đây tôi hay nghĩ ngợi về những cái được và mất trên con đường mình đi.

Số là có thằng bạn tôi ở trường Bách, nó vừa đẹp trai lại học giỏi, lâu nay nó vừa là đối thủ vừa là tấm gương sáng cho tôi học tập. Vậy mà đùng một cái đầu năm hai, nó đi học được ít bữa rồi tâm sự với tôi:

“Dạo này tôi chán đi học rồi Phương ạ.”

Chuyện là nó đang cảm nhận thấy những kiến thức ở trên trường phần thì tập trung vào khía cạnh lí thuyết theo kiểu “đánh đố”, phần thì những cái đi làm cần dùng nhiều thì cái thiếu cái đủ. “Tôi đang quen mấy anh trong nhóm nghiên cứu có theo một công ty này, tôi dựa vào cái họ yêu cầu để mà học theo, chứ học kiểu như trên trường thế này thì… lan man quá.”

Nghe nó giãi bày mà tôi cũng đâm ra nghĩ ngợi về cái sự học của chính mình. Quả thực tôi cũng thấy thứ mình học trên trường cũng cái thừa cái thiếu.

Bài học mà tôi sớm có được từ những ngày tháng cày chứng chỉ trên Coursera và đào bới về cách học thông mình: Luôn luôn bắt đầu từ tổng quan, hay mục tiêu của bản thân và mục tiêu môn học trước, rồi mới tập trung nghiên cứu từng cái nhỏ. Tức là lướt qua xem cả cái tuần đó sẽ học gì, bài quiz sẽ kiểm tra cái gì – rồi sau đó mới quay lại nội dung bài học để nghe, như vậy sẽ hiệu quả hơn. Vì khi đó ta sẽ xác định được cái “chìa khóa” để tập trung vào nó hơn giữa một lượng thông tin tương đối nhiều.

Photo by Javier Allegue Barros on Unsplash

Tương tự như thế, nếu như chúng tôi xác định được bản thân mình sẽ làm thứ công việc nào, việc “khai thông tư tưởng” để tập trung học tốt những thứ cần cho điều ấy ở trường sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nhưng trường học lại cho chúng tôi một danh sách những học phần cần phải học để tốt nghiệp, và tuy là biết thêm thứ gì thì hay thứ đó, nhưng có những học phần mà chúng tôi không nhất thiết phải học ở thời điểm ấy. Có những học phần nhập môn mà tôi cày bay trên mạng chỉ trong 1 tuần, ở trên trường nó bị kéo dài tới cả học kỳ. Tôi phải tới lớp học điểm danh để có được “điểm chuyên cần”, điều mà thực ra tôi nghĩ mình xứng đáng có hơn nếu như tôi ở nhà và tập trung học thứ thực sự cần thiết.

Trước khi vào đại học, tôi cũng từng nói với mẹ rằng, “Mẹ à, nếu như sau này con không đi làm IT mà đi nhảy thì mẹ đừng mắng con nhé.” Mẹ hay hiểu nó như câu nói đùa, trong khi tôi thực sự có ý đúng như với những gì mình nói. Ai mà biết được một ngày kia, khi tôi nhận ra mình không thực sự muốn sống bằng cái chuyên ngành đại học mình đã chọn mà muốn rẽ sang một lối khác?

Nhưng tôi cũng đủ lớn để nhận thức được những khoản đầu tư khổng lồ mà gia đình đã đổ vào để cho tôi được ngồi ở trên trường như ngày hôm nay. Không thể nói “thôi là thôi” như việc gạch đi một dòng viết sai, mà có khi là lại phải đi mua một cuốn vở mới để viết lại từ đầu.

Câu chuyện số 2

“Nào các chàng trai cô gái, sắp diễn rồi, đẩy thể lực lên!”

Thầy Ngọc nói lớn với chúng tôi, những đứa não không còn hoạt động trước chuỗi những combo kĩ thuật mà thầy hô cho tập.

Photo by ketan rajput on Unsplash

Gần cuối giờ thầy cho nghỉ giải lao một lúc. Tôi chạy vội ra cây nước gần cửa để uống lấy một hớp, nghe thấy thầy nói với một người anh cùng lớp:

“Đau chân gì thì đau chân, mệt đến mấy cũng phải múa. Không chạy được thì đi, không đi được thì quỳ, không quỳ được thì bò, phải lết người mà tiến. Khi mình ở trên này [sân khấu], mình buồn, mình vui, mình đau hay mình mệt, người ta không biết. Mãi đến khi vở diễn kết thúc, ra ngoài ôm hôn, nói chuyện với nhau mới biết. Mình đã chọn làm công việc này thì phải xác định như thế: Phải bỏ đi cái phiền muộn của riêng, tập trung làm cho vở diễn hoàn thiện trước hết.”

Tôi nghe mà thấy trong lòng mình trồi lên một mớ cảm xúc lẫn lộn.


Có lần tôi đọc blog của một cựu ballerina trên WordPress về chuyện chị ấy đã giải nghệ sau chấn thương. Phía dưới phần bình luận là chia sẻ của rất nhiều bà mẹ có con mình đi học ballet, vì nhiều lí do khác nhau mà sự đầu tư khổng lồ đã trở nên lỡ dở và đã không thứ gì hoàn thành. Có những cô bé bị chấn thương nặng tới mức buộc phải nghỉ để tránh không khiến cho phần cơ thể đó trở nên không sử dụng được nữa. Một số khác may mắn hơn đã đi được lâu hơn, nhưng cuối cùng phải dừng chân trước những kì thi gay gắt của các trường múa hay các công ty (dance company), hoặc vì những biến cố của gia đình.

Hồi cấp hai tôi có tập Parkour với một nhóm bạn, tổng có 5 người tính cả tôi. Tập hăng máu lắm, mấy viên gạch lát tường gần nhà thể chất trường tôi bị chúng tôi đạp rụng mất vì tập Wall Run. Mỗi đứa phải nộp phạt 50 nghìn, nhưng nộp xong rồi thì… vẫn tập tiếp. Không tập ở trong trường được nữa thì ra ngoài, lăm le các chung cư trong thành phố, chỗ nào có “map đẹp” là rủ nhau đến. Anh trưởng nhóm, người lớn hơn lũ còn lại chúng tôi một tuổi, đã phải tốt nghiệp trễ và vào cấp ba muộn hơn một năm. Vào mùa hè của năm cuối cấp, anh đã gặp chấn thương phải bó bột chân khi cố gắng thử một quả trick từ trên tầng 2 xuống dưới đất. Tôi may mắn hơn, vào gần thời điểm ấy chỉ bị rạn xương ngón chân cái bên phải do tập thêm ở lớp võ, nhưng riêng điều ấy cũng đã khiến tôi tập tễnh suốt 2 tháng trời.

Photo by Towfiqu barbhuiya on Unsplash

Lên cấp ba, nhóm Parkour mỗi đứa một ngả, tôi tìm cho mình niềm vui mới trên chiếc ván trượt. Trình độ thì gà mờ lắm, ollie tôi còn chưa làm được, nhưng tôi xem người ta trượt nhiều. SLS, Nike SB, Transworld, Braille Skateboarding, VL Skate, tôi xem đủ cả. Toàn là những video của những cú trick nhìn vừa đẹp vừa nhẹ nhàng.

Cho đến ngày tôi tìm thấy chuyên mục “Hall of Meat” của tạp chí Thrasher Magazine. Nhìn họ ngã mà tôi thấy sởn da gà…

Câu chuyện số 3

Tháng vừa rồi tôi ngồi nói chuyện với một người chị trong câu lạc bộ GDSC-HUST, nhân lúc một bạn team Sự kiện đang pitching ý tưởng về một dự án chuỗi sự kiện phổ biến thông tin ngành Công nghệ cho các bạn học sinh cấp ba, tôi hỏi:

“Đi những sự kiện phổ biến thông tin và định hướng ngành nghề như thế này, chị có cảm thấy mình được “khai sáng” hơn tí nào không?”

Chị cười:

“Tiếc là… không em ạ. Người ta chia sẻ câu chuyện của người ta, học được gì thì học, nhưng cuộc đời mình thì vẫn mù mờ và là một thứ hoàn toàn khác. Người ta nói với tư cách là người đã thành công hay đạt được cái gì đó, ngoái đầu lại và “connect the dot” (kết nối những dấu mốc), chứ không phải người nhìn về một tương lai mịt mù. Chưa kể các thông tin rất chung chung. Đa phần chị vẫn phải nhờ các mối quan hệ thì mới biết thêm cái này cái kia, họ mới chỉ cụ thể. Nhưng kể cả thế rồi thì trải nghiệm của mình cũng chỉ có mình mình biết thôi.”


Kết

Người ta hay nói với tôi, “Không sao, thất bại hay dừng lại thì bản thân mình cũng vẫn còn có gì đó, vẫn học được bài học và khám phá được thêm về chính mình.”

Tôi hiểu được ý của người kia muốn nói, nhưng không phải lúc nào tôi cũng chấp nhận được lời an ủi ấy. Có những thứ ta đổ rất nhiều tiền bạc, công sức và thời gian vào, để đến một ngày không nhận lại được thành quả, điều ấy cũng khó khăn lắm chứ. Không phải chỉ là vốn liếng của chính bản thân ta, cả những người xung quanh cũng đã góp cho ta nhiều thứ. Có những thất bại mà ta nằm xuống thì ta… nằm luôn, hoặc cũng phải tốn rất nhiều thời gian mới có thể hồi phục, và chưa chắc là được như ban đầu.

Trước đây, hàng xóm của tôi là một gia đình có bác trai là một nhạc sĩ chỉ huy dàn nhạc. Bác có nhận tập private 1-1 tại nhà cho một vài bạn có dự định đi theo hướng nghệ sĩ dương cầm. Tôi hay thích ra đứng cạnh cửa, vừa nghe lỏm các bạn chơi đàn, vừa đôi lúc vô tình nghe được cả những cuộc đối thoại giữa bác và các bậc phụ huynh. Đối với những gia đình như vậy, những gì bỏ ra đã lớn đến độ, nếu như không thành công, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn và phải suy nghĩ nhiều để đi được bước tiếp theo.

Người ta cũng hay nói “Tuổi trẻ mà, cứ thử đi, đâu có gì để mất.” Tôi cảm nhận được tuổi trẻ đang chảy trong mình, nhưng cũng đủ nhận thức để thấy được mình cũng có những thứ trách nhiệm hay kì vọng, của chính bản thân hay những người khác, để nói rằng cũng không hẳn là chúng tôi “không có gì để mất”. Một câu hỏi cứ lơ lửng mãi trong đầu tôi, “Mình cố gắng đến như vậy, nếu một ngày kia mọi thứ chẳng làm nên điều gì, lúc đó mình sẽ như thế nào nhỉ?”

Có lẽ tôi sẽ để lửng câu chuyện này ở đây, để bản thân có thêm thời gian suy nghĩ và chiêm nghiệm bằng chính cuộc đời mình.