2 – Tư duy thiết kế là chân ái
“Em biết cái máy CNC không? Nó được gọi là ‘máy vạn năng’, vì từ nó người ta làm ra được rất nhiều thứ. Em vừa có thể làm ra những trục hoặc côn; nhưng cũng có thể cắt khoét được lõi thành ren hay lỗ. Bọn anh học là để vẽ nên những chi tiết máy như thế này. Có cái có sẵn, nhưng có cái mình phải tự thiết kế theo yêu cầu thực tế.
Rồi sau đó là chuyện lập trình. Em viết code cho nó, rồi cắm USB chứa dòng lệnh của em vào máy. Nó sẽ làm ra chi tiết mà em muốn.
Nói chung cũng có nhiều công đoạn… Nhưng cái anh bấm máy để dùng nó thì chỉ là người sử dụng thôi. Còn kẻ ngồi vẽ nên chi tiết mới, hay những người làm thiết kế, anh mới thấy thực đấy là cái khó.”
Giờ bổ trợ. Giở ra bản vẽ khổ A0, anh trai trường Cơ khí cùng nhóm ngồi trả lời, phục vụ cho sự tò mò của mình.
Đâm đầu lựa chọn toàn bộ học phần tự chọn đều có chữ “thiết kế”, mình nghe anh nói mà gật đầu lia lịa. Vì mình cũng đã sớm thấm được cái khó của hai chữ này.
Những bài toán khó
Trước đây, mình nghĩ khó nhất là giải được bài đánh dấu sao. Mấy bài cuối của đề thi. Những bài cần sự kết hợp của nhiều định lý định đề. Bài hay được gọi là “đánh đố nhau”.
Nhưng giờ thì khác. Bài tập chia dạng ra rồi làm được trôi chảy là ắt giỏi. Đánh đố, nếu luyện đề đủ nhiều thì cũng có khả năng nhìn ra.
Khó nhất với mình là giải được bài toán của đời sống. Làm sao để từ một nhu cầu của đời sống, ta kiếm được giải pháp cho nó? Làm sao nhận biết được một nỗi đau chung, và rồi kiếm ra phương thuốc chữa trị? Làm sao để phân tích một yêu cầu, đưa lời giải vừa hay lại vừa tối ưu?
Những bài toán muôn hình muôn vẻ, không còn sản sinh từ một template có sẵn.
Để giải được những bài toán thiết kế, ngoài kinh nghiệm thực tiễn ra, ta thực sự rất cần những gì được học trên trường. “Học xong có áp dụng được không” đôi khi không phải là câu hỏi để chỉ trích thứ kiến thức được truyền đạt, mà phải là điều người học cần tự vấn bản thân.
Người ta nói, học là để rèn tư duy, sau ra trường dùng thì tốt mà không thì cũng chẳng sao. Một thời gian dài mình cứ bức bối, không hiểu cái “tư duy” này là cái gì. Trước mắt chỉ thấy phí tiền phí thời gian, khi học mà không biết sẽ để làm gì. Và rồi mãi gần đây mình mới hiểu ra.
Một trong số những tư duy ấy là tư duy thiết kế. Từ yêu cầu, làm sao ta phân tích nó, xây dựng giả thuyết, làm sản phẩm thử nghiệm, kiểm tra, nghiên cứu thực tế, và lại lặp lại. Cho đến khi giải được vấn đề thực tiễn kia.
Kiến thức là một chuyện, nhưng phương pháp hay tư duy lại là một chuyện khác. Nếu đang đi học, đừng quá chú trọng vào việc ghi nhớ “fact”, hay những thứ chỉ Google một phát là ra. Hãy tập trung vào việc nhận biết những phương pháp tiếp cận được lặp đi lặp lại ở bên dưới nền những lý thuyết ấy.
Cho những ai còn băn khoăn
Nghe người ta hay chê trách “Học hành sách vở lý thuyết cho lắm vào, lại rời xa đời sống”, mình cũng nghĩ lung lắm. Mình có đang bị như thế không? Chưa đi làm, lại được bảo “Học vừa thôi em ơi, ra đời có dùng đến mấy đâu”, mình không khỏi lăn tăn trước ý nghĩ về giá trị của những gì mình học được. Trái ngành trái nghề thì không kể đến, nhưng ngay cả làm đúng ngành nghề cũng có người nói vậy.
Mình nghĩ vấn đề là bởi vì nhiều người vốn học để trở thành “nhà thiết kế” cuối cùng lại đi ra để làm “người bấm nút”. Chính sự “lệch pha” này dẫn đến khẳng định phía trên kia.
Vấn đề của chuyện học và làm lắm lúc giống như chuyện con gà và quả trứng: Nếu như không học thì chưa thể làm được. Nhưng nếu không làm thì khó mà biết được mình cần phải học gì.
Đôi khi mình cũng ước có cái kiểu được vừa làm vừa học. Sinh viên là người đi làm luôn, cần đến đâu học tới đó. Phải chăng sẽ học đúng được cái mình cần hơn?
Nhưng có những thứ mà ta chỉ nhận ra giá trị của nó sau khi đã học được nó một thời gian rất lâu. Đôi khi việc tốt nhất mà người học trò có thể làm, ấy là dẹp bớt băn khoăn sang một bên và làm theo những gì thầy dạy.
Nhưng mình tin, tư duy thiết kế là thứ bạn sẽ cần – kể cả làm thầy hay làm thợ.
Nếu như ngày mai bạn có quên sạch mọi thứ đã được học, nhất định phải giữ lại những phương pháp tư duy. Chúng phổ quát và xuất hiện ở nhiều nơi, không chỉ trong lĩnh vực chuyên môn của riêng ai.