Trong tâm lý học có một thí nghiệm nổi tiếng: Nếu trên tay bạn cầm một cốc nước, tiếp theo bạn sẽ làm gì.
— Lý Thượng Long, “Đại học không lạc hướng”
Tôi cảm thấy đặc biệt thú vị, thế là đã hỏi rất nhiều người, câu trả lời của họ đa số là: uống, đổ đi, vẩy ra đất, hất đi.
(…) Nếu bạn có một cốc nước, tiếp theo bạn sẽ làm gì? Câu trả lời rất đơn giản, bạn phải làm chuyện mình muốn làm, không liên quan tới cốc nước. Cốc nước này có thể là công việc của chúng ta, là chuyên ngành của chúng ta, là trường học của chúng ta, tóm lại, là thứ mà chúng ta hiện có, nhưng có bao nhiêu người chỉ dán mắt vào cốc nước này mà quên mất mục đích sống thực sự của bản thân, quên mất rằng bản thân rốt cuộc muốn gì.
(…) Cho dù bạn học ở đâu, bạn không vừa ý trường mình như thế nào, không thích chuyên ngành của mình cỡ nào, chỉ cần bạn luôn luôn cố gắng, chịu đặt cốc nước đó xuống mà nỗ lực, thì ắt có một ngày người khác sẽ không hỏi bạn tốt nghiệp trường nào nữa, vì bạn đã đủ mạnh đến mức được cộp một cái mác uy tín hơn, có tầm ảnh hưởng hơn.
1 – Lựa chọn cái tên mà bạn sẽ xây dựng
Tuần vừa rồi, bạn bè của mình lục đục thay frame avatar Facebook, theo dòng thời gian chào đón Tân sinh viên K68 Bách Khoa, lại được vài giây nhớ về mình hai năm trước.
Trong cùng thời gian ấy, mình được biết kết quả đỗ-trượt của rất nhiều những người quen, con-em của bạn bè, anh chị, đồng nghiệp bố mẹ… đủ cả.
Có một cô bé được gia đình làm cỗ mừng đỗ Đại học mời nhà mình sang chơi. Nghe tiệc thì vui, nhưng câu chuyện của nhân vật chính thì khó mà vui được: Em trượt nguyện vọng ngành mong ước của tất cả các trường đã đăng kí, và buộc phải vào một ngành bản thân không quá hứng thú, ở một ngôi trường bình thường khá xa nhà.
Mình nghe chuyện cô bé khóc lóc 3 ngày liên tục; nhưng vì trước đây gia đình cũng đã làm tiệc như thế này cho hai cô chị, nên bố mẹ vẫn quyết định làm – vừa để an ủi em, vừa để em cũng có ngày chúc mừng giống như hai người chị.
Thỉnh thoảng có vài dịp đi với bố mẹ, gặp bác nọ, cô này, chú kia, chẳng thiếu gì người hỏi mình hoặc bố mẹ mình “Thế cháu học trường gì?” Chỉ cần nói ra cái tên là biết luôn diễn biến tiếp theo.
Mình hiểu ý nghĩa của một sự danh giá (prestige) trong một cái tên, và cũng biết giá trị của nó nên được sử dụng cho hợp lí. Ngành công nghệ mà làm trong FAANG thì chẳng ai quên việc đưa tên công ty vào CV; kế toán kiểm toán của Big 4 cũng rất tự hào để giới thiệu. Tội gì bỏ ra ngoài? Việc vào được những nơi như vậy chứng tỏ bạn có gì đó trong tay, bất kể thứ đó là gì.
Song một cái tên tổ chức chỉ nói được một phần về con người bạn, chứ nó không nói thay được cả câu chuyện cuộc đời bạn. Bạn có một cái tên cho riêng mình, bên cạnh cái tên của tổ chức.
Nếu cái tên của trường học không thể bổ trợ cho bạn, hãy xây dựng cái tên của chính mình.
Còn nếu có, cũng đừng ỷ lại vào danh tiếng của nơi bạn ở hiện tại mà không tiếp tục phấn đấu; khả năng cao là ở một nơi như vậy, tỉ lệ đào thải vô cùng cao.
2 – Giây phút tiếp theo ẩn chứa những khả năng
Mình hiểu rằng khi bạn mới là một sinh viên, nếu chưa có thành tích gì thực sự nổi bật; người ta rất hay đánh giá bạn qua ngôi trường mà bạn học.
Nhưng bạn có quyền không đánh giá bản thân mình như vậy.
Bạn vừa mới vào trường, và còn có cả một chặng đường trước mắt. Ai mà biết được bạn sẽ trở thành con người như thế nào sau những tháng năm tới đây?
Trong lý thuyết Xác suất và Thống kê, có một khái niệm mang tên Phân phối xác suất (Probability Distribution), dùng để mô tả tần suất xảy ra của các kết quả có thể xảy ra cho một biến ngẫu nhiên. Một số phân phối xác suất có vai trò quan trọng trong lý thuyết và ứng dụng đến mức chúng đã được đặt tên; trong số đó có Phân phối hình học (Geometric Distribution) và Phân phối mũ (Exponential Distribution).
Hai phân phối này lại cùng có một tính chất rất thú vị mang tên “memorylessness” (tạm dịch: tính không nhớ/ không bộ nhớ).
Giải thích một cách dễ hiểu thì xác suất cho biến cố tiếp theo hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi quá khứ trước đó của quá trình.
Một ví dụ đơn giản (và kinh điển) cho điều này là việc bạn tung một đồng xu lí thuyết (fair coin) với xác suất cho mỗi mặt xuất hiện đều là 50%. Trong lần tung xu tiếp theo, việc bạn tung được bao nhiêu mặt sấp hay bao nhiêu mặt ngửa trước đó hoàn toàn không quan trọng. Đồng xu không “nhớ” về việc trước đó nó hiện ra mặt gì – lần tung tiếp theo xác suất vẫn là 50/50, kể cả trước đó nó có ra cả 100 lần là 100 mặt ngửa.
Về cơ bản thì lớp toán với mình có phần hơi… lê lết, chỉ trừ một vài điểm sáng. Ví dụ như việc khám phá ra tính chất trên đây.
Nó nhắc nhở mình về việc những thất bại của mình không ảnh hưởng tới khả năng mình có thể vươn tới sau đó. Chí ít thì – để cho đúng hơn với thực tế cuộc sống, không bạn lại bảo mình “súp gà” quá độ – nếu như mình không phạm phải cái lỗi quá to đến mức huỷ hoại cuộc đời.
Người ta đi chơi bạc hay thua là vì kể cả họ biết nhà cái luôn luôn thắng, họ nghĩ rằng lượt tiếp theo họ sẽ có khả năng thắng, vì họ trông đợi vào một cái may mắn vốn đã có thể bị “kìm hãm” trong lịch sử các lần đánh thua trước.
Còn có những người sinh viên vào trường học thì ngừng cố gắng vì cho rằng cả quá trình trước đó đã đánh giá xong năng lực của họ, chỉ đến mức này, cố hơn làm gì vì khả năng cho lần tiếp theo vẫn vậy.
Nhưng chúng ta đều hiểu là không phải thế.
Việc bạn vào trường top không có nghĩa là bạn sẽ mãi là một người học giỏi.
Việc bạn vào trường thường không có nghĩa là bạn chỉ làng nhàng vứt đi.
Hãy tập trung trong những ngày tháng tới nhé.
3 – Người ngoài ước ao, người trong ước… out?
Tôi cứ có một cảm giác: Có vẻ như càng ngày, các bạn sinh viên càng ‘không yêu’ trường – các bạn khắt khe hơn, và trường học luôn có cái gì đó khiến các bạn cảm thấy không hài lòng. Khác hẳn với thế hệ của chúng tôi khi xưa.
— Thầy Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin & Truyền thông, trong Buổi triệu tập Cán sự lớp các khoá Việt-Nhật và Global ICT, 2023
Trước đây mình ngây thơ nghĩ là vào ngôi trường mơ ước thì cuộc sống đại học của mình sẽ cực kỳ rực rỡ.
Và sau khi chiếu được “trải ra” thì mình hiểu là thực tế nó không như thế. Ít nhất là không phải luôn luôn như vậy. Nơi nào cũng có cái hay, cái dở của nó.
Những thứ chưa hợp lí hay không phù hợp ở trường hẳn cũng sẽ khiến chúng ta bực dọc đôi chút. Hoặc bạn có thể thử thách nó, góp ý về nó, tạo ra sự thay đổi về nó; hoặc chấp nhận chơi luật chơi hiện tại của tập thể, vì cũng có thể thứ gì đó được đặt ra như vậy mà bạn chưa hiểu hết, khi bạn không ở vị trí của người xây dựng và quản lí.
Mình cũng có tập hợp của những thứ khiến mình không vừa lòng, dù là ở trong môi trường nào.
Trong quá trình ấy, mình phải học một bài học tương đối “khó nhằn”: Biết được thứ mình có thể kiếm soát và thứ mình không thể. Có những thứ làm mình cũng cay, cũng suy; nhưng mình biết mình không thể thay đổi được. Kể cả có rất nhiều người chứ không chỉ mình mình hợp lực, sự thay đổi cho một số điều vẫn sẽ chỉ diễn ra với tốc độ cực kỳ chậm chạp.
Tức không? Tức chứ.
Mình nghĩ, việc tối thiểu mà ta có thể làm là giải quyết được sự mâu thuẫn ấy bên trong chính bản thân. Còn nếu không, mâu thuẫn đó sẽ được nuôi thành một thứ cảm xúc gần như là hằn học.
Nó tạo ra một con người luôn luôn không hài lòng với mọi thứ; song không làm gì để thay đổi tình hình. Mở miệng ra là tích cực “chê”: Chê trường, chê thầy cô gây khó khăn, chê hệ thống giáo dục, chê bạn bè không giúp đỡ, chê hôm nay thời tiết không đẹp (!?). Chỉ trừ việc tìm cái để “chê” trong chính bản thân mình.
4 – Không có đường đi, thì tự phát lối mở đường mà đi
“Hừmm… Bố trông con không có tướng học kỹ thuật lắm đâu con ạ.”
Bố mình đã nói như thế bên bàn ăn, trước xấp thư mời nhập học của các trường đại học đã nhận mình, đúng cái ngày xấp thư đó có thêm phong bì mép đỏ viền vàng đặc trưng của Bách Khoa. Đa phần trong số đó đều là nguyện vọng ngành Công nghệ thông tin.
Mình biết bố cũng chẳng có ý gì xấu, nhưng nói thật lúc đó tụt mood thực sự.
Lúc đó mình quên không hỏi ông, thế liệu bố trông con có tướng giống như làm ngành gì. (Ông nuôi mộng kinh doanh nhưng không làm, nên thích mình đi học Kinh tế, làm CEO các thứ đồ lắm. Chứ xem tướng thì đã học ngày nào đâu…) Chỉ biết là sau đó gần một năm, khi bố biết thêm chuyện mình dành nửa ngày để học IT và nửa ngày thực hành nghệ thuật; ông lại nói:
“Nếu con thích múa thì đáng ra lúc đầu ta phải đăng kí vào trường múa hay nhảy gì đó chứ. Giờ học thế này rồi thì nhảy múa làm sao?”
Mình cảm thấy biết ơn, vì về cơ bản, bố mẹ mình là những người tương đối không quá áp đặt con cái: Chỉ cần làm được nghề hợp pháp, có thể sống độc lập, tiến lên một bước giúp đỡ được người khác, vậy là được.
Nhưng mình cũng suy nghĩ lung lắm chứ.
Nhiều những lớp học mà mình đi qua, khi bản thân chưa thể tiếp nhận được đầy đủ khối lượng kiến thức, hay làm bài chưa được tốt, kết quả không như kì vọng; là một lần mình nghi ngờ liệu mình có kém cỏi quá không.
Ngồi cạnh bạn bè, vục vặc mãi với việc code, mình chưa làm được bài ngay cả khi tất cả đã ra về. Một mình trong giảng đường, mình lại bần thần nghĩ ngợi có phải mình rơi vào nhầm chỗ. Có thể đây là Impostor Syndrome, hoặc có thể là do mình cùi thật so với mặt bằng chung. Ai mà biết là cái nào. Kể cả khi ta có kiến thức về những điểm mù trong tâm lý con người thì điều đó cũng không giúp ta tránh khỏi việc rơi vào nó, giáo sư Todd Rose đã nói vậy.
Còn chuyện làm nghệ thuật, mình thừa biết mình chẳng phải dân “chính quy”, học trường múa ra, có tấm bằng biên đạo, hay được cái giải cấp Bộ nào hết.
Thời gian trôi đi, có thêm bạn bè mới, được tiếp xúc, hỏi chuyện, lại nhận ra rằng mình không cô đơn.
“Giờ tao làm nhanh hơn là bởi vì những bài này tụi tao đã tích luỹ được rất lâu trong những ngày ở tuyển Tin cấp ba rồi. Còn bây giờ mày mới bắt đầu thì cứ phải từ từ, đừng có áp lực bản thân mình quá. Bây giờ, mày cứ lên mấy trang này, tao thì hay luyện Codeforces, tuỳ nhé, chọn bài theo mức Level. Ban đầu thì làm từ mức dễ nhất, cho tới khi mày gặp bài mày bí, không làm được.
Đến lúc đó thì mày hãy xem lời giải. Đừng có dành quá nhiều thời gian cho một bài toán rồi nghĩ mình kém cỏi vì mãi không giải được. Quay lại làm lại để hiểu. Rồi bắt đầu sang bài mới, lúc này hãy tìm bài với mức độ khó ngay trước mức khiến mày không làm được ban nãy.”
“Mấy đứa mới ấy, nhận được đề bài là xông vào code ngay, chẳng làm cái gì khác. Bây giờ anh bày cho này: Đứng trước cái đề bài, em phải đọc cho thật kỹ, hiểu nó yêu cầu cái gì. Lấy giấy ra nháp. Tư duy cho ra đường hướng giải quyết vấn đề. Rồi lúc ấy em hẵng code. Code chỉ là một thứ công cụ để em hiện thức hoá cái lời giải ấy thôi.”
Hay một diễn biến khác từ những người bạn nhảy:
“Lúc người ta đưa cho anh tờ giấy để điền thông tin tác phẩm múa, nó phân ra đến mấy cột liền: Nào là Biên đạo, Diễn viên, Người hướng dẫn, Người huấn luyện. Anh cầm bút mà nghĩ ngợi toát mồ hôi luôn. Chẳng nhẽ lại điền tên mình vào tất cả các cột – khi mình là người tự biên tự diễn tất cả các khâu?
Đi thi kì thi của Bộ cũng chỉ xác định là mở mang tầm mắt, xem người ta thế nào, cộng với đưa cho người ta thấy được màu sắc của thử nghiệm mà bọn anh làm. Chứ còn anh, một thằng học cấp ba một trường bình thường, lên học biên đạo múa mới tốt nghiệp, làm cộng tác viên nhà hát, thì sánh được với ai hả em…”
“Người ta mà hỏi anh học trường gì, anh nói luôn: ‘Tao bụi đời… Làm nghệ thuật vì đam mê!’ Học Hip Hop ở nước mình, đâu đã được coi là chính quy?”
Có đường để đi dĩ là dễ dàng hơn phải mở lối mở đường.
Nhưng đường nhựa đẹp cũng không có nghĩa là không gặp phải ổ voi, ổ gà, chướng ngại trên đường.
Ai cũng có những chướng ngại của riêng mình. Hãy mở lấy cho mình một lối đi.
Lời bạt
Viết những lời này trong những ngày hè chuẩn bị bước tiếp sang năm ba, trong lòng cảm thấy không khỏi bồi hồi. Mình cảm thấy mình vẫn còn đã và đang phải học đi học lại những bài học này thêm một thời gian nữa.
Bạn hỏi mình đã “figure it out” chưa, thì dĩ nhiên câu trả lời với mình vẫn là “Chưa”, nhưng với tập trung và cố gắng thì cũng có thể nói là có nhiều điều sáng tỏ.
Hy vọng với những lời này, mình có thể tiếp sức cho một ai đó trong hành trình sắp tới! Mình chúc bạn luôn luôn sống hết mình.