Chạy đi mỗi sớm mai

rear view of silhouette man against sky during sunset

“Every morning in Africa, a gazelle wakes up. It knows it must run faster than the fastest lion, or it will be killed. Every morning a lion wakes up. It knows it must outrun the slowest gazelle, or it will starve to death. It doesn’t matter whether you are a lion or a gazelle – when the sun comes up, you better start running.”

(“Cứ mỗi buổi sáng ở châu Phi, một con linh dương thức dậy. Nó biết rằng mình phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất, nếu không nó sẽ bị giết. Mỗi buổi sáng, một con sư tử thức dậy. Nó biết rằng mình phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất, nếu không nó sẽ chết đói. Không quan trọng bạn là sư tử hay linh dương – khi mặt trời mọc, bạn tốt nhất nên bắt đầu chạy.”)

Ngạn ngữ

Sau nửa năm, tôi nhận ra là mình khá thích NCSC. Ngoài chiếc ghế sofa tôi luôn chiếm dụng để ngủ trưa sau khi đọc no bụng sách từ cái kệ trước mặt, sự cảm mến đó còn đến từ đống châm ngôn và trích dẫn từ khắp nơi trong Trung tâm. Tôi không theo chủ nghĩa đam mê, khá “dị ứng” khi người ta nói tôi như vậy, nhưng chí ít tôi cũng nỗ lực vứt bỏ gánh định kiến trước khi đọc một thứ gì đó.

Câu tục ngữ Phi châu trên kia, được in đậm trên tường hành lang, là thứ đầu tiên đập vào mắt tôi ngày tôi đi phỏng vấn. Tại sao lại phải chạy đi mỗi sáng mai thức dậy? Rõ ràng là có nhiều việc khác ta có thể làm sau khi mở mắt dậy. Tôi lủi thủi đi về trong dáng vẻ vô cùng đăm chiêu vì nhiều lý do:

  1. Tôi chẳng biết mình có đỗ hay không;
  2. Ngay sau đó tôi đi thi học phần Nhập môn An toàn thông tin (đi phỏng vấn là ôn thi cảm giác mạnh theo đúng nghĩa đen);
  3. Vậy mà tự dưng cái câu này lại len vào đầu tôi, thật là tốn năng lượng suy nghĩ.

Lúc bấy giờ tôi đã hiểu ra vài điều:

  1. Trên thực tế thì câu này sai bét. Sư tử dành phần lớn thời gian trong ngày để nằm ườn, và chỉ nhấc mông dậy kiếm ăn khi đói vàng con mắt. Linh dương cũng không kém: Chúng nhẩn nha hết bụi cỏ này đến bụi cỏ khác, và chỉ vùng căng chạy khi hoảng hồn nhận ra có con sư tử nào đó đã bắt đầu “vào việc”.
  2. Những thứ ẩn dụ khác, thứ mà một người đầu hay nghĩ ngợi, chân hay chạy – như tôi – có thể nảy ra.

Mây giờ nào gặp gió giờ đó

Người ta hay nói “Mây tầng nào gặp gió tầng ấy”, tôi nghe thấy… hay hay, nhưng không thấy nó hoàn toàn đúng với cuộc đời mình. Tập xã hội xung quanh tôi đa dạng và trải đều trên một thang biến thiên kéo một khoảng tương đối dài giữa hai cực về các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Thứ lỗi cho tôi vì thứ ngôn ngữ toán học. Tôi không nghĩ mình đủ thẩm quyền (thậm chí là có nên?) để đánh giá một ai đó là ngang bằng, cao hơn hay thấp hơn bản thân mình.

Nhưng có một điều tôi có thể khẳng định: Mây giờ nào gặp gió giờ đó.

Đi đâu tôi cũng hay để ý linh tinh. Có những người mà sáng nào tôi cũng chạy qua, lâu dần thành những kẻ lạ mặt thân quen.

Có người thong thả pace 7”, người đều đều pace 6”, kẻ bứt tốc pace 5”. Ai đó có thể đang ở ki-lô-mét thứ n trên cự ly 1 dặm/ 3K/ 5K/ 10K/ marathon. Thể chất, năng lực, tâm trạng khác nhau. Nhưng trong thời điểm đó, ở công viên đó, chúng tôi gặp nhau, chạy qua nhau, nghe tiếng thở và tiếng nện giày của nhau. Vì chúng tôi là những người đã xuất hiện, đã “show up”. Cùng giờ.

Mây bay gió thổi, rồi mỗi người rời đi và tiến theo hành trình riêng, nhưng điều đơn giản chung đó là thứ khiến chúng tôi gặp nhau mỗi sớm mai.

Mặt trời của cơ hội chiếu xuống chúng ta vào đầu ngày mới, bất kể ta là ai.

Tôi nghĩ quan trọng nhất không phải chạy nhanh, mà là bền bỉ có mặt đúng giờ và chạy. Một con sư tử bấm “snooze” báo thức, đi bữa đực bữa cái, dù cho chạy nhanh đến đâu, cũng không thể bắt kịp con linh dương đã dậy sớm hơn nó vài tiếng đồng hồ.

Số má gì, kệ nó đi!

Điều hay – và cũng là điều dở – của việc có công nghệ tích hợp trong tập luyện là chuyện chúng ta đo được rất nhiều thứ và rồi đồng thời chẳng đo được cái gì cả.

Tôi có thể nhìn thấy thời gian, cự ly, nhịp tim, tốc độ hiện tại, VO2 max, và đủ thứ chỉ số khác chỉ từ chiếc màn hình vuông vắn 1.57″ bé xinh trên cổ tay mình. Song, tôi không thể tìm ra từ đó vị trí hiện tại của tâm trí tôi, thang tâm trạng hay chỉ số thái độ của tôi với buổi chạy hôm đó.

person in purple shirt wearing a smartwatch
Photo by Oleksandr P on Pexels.com

Dĩ nhiên là các chỉ số quan trọng cho việc tập luyện. Chúng là nguồn phản hồi nhanh và chính xác để ta tiến hành những điều chỉnh và cải thiện phù hợp.

Nhưng tracklog không nói lên tất cả. Nó chỉ cho bạn biết cự ly, thời gian, nhịp tim, tốc độ trung bình, bản đồ đường chạy. Chỉ có thế. Bạn chẳng biết người kia đã chạy thế nào, cảm thấy ra sao, khung cảnh xung quanh thế giới đổi thay trước mắt họ ra sao – chỉ qua một status cập nhật buổi chạy trên mạng xã hội.

Điều duy nhất khiến tôi thực sự có hứng thú với tracklog của bản thân hay người khác là việc bản đồ đường chạy có vẽ ra hình gì thú vị hay không.


Tôi có những tracklog khá kinh khủng với cự ly dài và pace ấn tượng (tự tôi cho là thế), nhưng có những buổi tất cả những gì tôi làm là vừa chạy vừa chửi thề (!), chỉ mong cho đủ thời gian/ cự ly để nghỉ.

Cũng có những tracklog mà người khác nhìn vào sẽ nghĩ tôi ghi nhận nhầm việc đi bộ thành một cuốc chạy, hoặc tôi là một tay mơ yếu nhớt nào đó. Họ chẳng thể biết là tôi đã nhởn nhơ giữa hoa cỏ bạt ngàn, hít gió trời mát lạnh ngày mưa tạnh, hay kịp ngắm hoàng hôn và một mình nhấm nháp thứ niềm vui nho nhỏ. Hoặc đơn giản hôm đó tôi đang đau chân, phải tập trung lắng nghe cơ thể mình gấp đôi so với mọi khi.

Nếu như sư tử và linh dương chỉ suốt ngày nhìn vào bên kia để tính toán việc nâng tốc độ chạy, tôi nghĩ chúng sẽ bỏ lỡ nhiều điều đẹp đẽ khác trên đồng cỏ. Chúng nên bỏ việc thư giãn trong một ngày nắng đẹp, bỏ cả việc tìm khóm cỏ ngon, bỏ luôn việc tìm bạn đời phù hợp – mà nên đi tập chạy thì hơn.

Tiến vào hiện tại

Nếu tâm trí tôi có một bản đồ đường chạy, tôi nghĩ nó sẽ khá rối rắm. Đó cũng là lý do tôi đi chạy: Để chân tôi chạy thay cho đầu tôi. Khi bàn chân tôi bắt đầu nắm bút vẽ bản đồ, tâm trí ngồi yên không vẽ nữa.

Khi bạn không đi vào tương lai, không đi tới quá khứ, thế thì bạn bắt đầu đi vào bên trong bản thân mình – bởi vì bản thể của bạn là ở đây và bây giờ, nó không phải là ở trong tương lai. Bạn hiện diện ở đây và bây giờ, bạn có thể đi vào thực tại này. Nhưng thế thì tâm trí phải ở đây.

— Osho, Đạo tu Yoga

Điều tôi nhớ nhất trong 3 tuần ở Singapore, kỳ lạ thay, không phải là một chuyến đi chơi hay món đồ ăn nào đó.

Đó là hoàng hôn lúc 6 rưỡi chiều, xa xa dưới chân đồi khi tôi chạy dọc từ University Town xuôi về Clementi Road trong khuôn viên Đại học Quốc gia Singapore.

Chạy cùng tôi là Shiu Charlton, một bạn trẻ Đài Loan tuyệt vời (diễn giả TEDx, tác giả sách, học giả, nhà hoạt động xã hội cộng đồng LGBTQIA+ – tất cả khi mới chỉ 22 tuổi – và tất nhiên, một vận động viên marathon). Một lần nữa, không hiểu tôi ăn ở thế nào mà cứ toàn rớ phải những siêu sao, thế mới chết cơ chứ.

Tôi nhờ Charlton giữ pace cho tôi. Tầm 6”30 thôi, lâu nay tao ăn chơi phè phỡn quá, có tập tành gì đâu.

Tôi muốn tắt thở đến nơi khi tim tôi trong Zone 4** đến quá nửa hành trình, nhưng lại cảm thấy tuổi trẻ chảy trong máu của mình âm ỉ mà mạnh mẽ.

Có những giây phút hiếm hoi trong đời, tôi cảm thấy việc mình đang sống một cách rõ ràng và mãnh liệt. Khi ấy là một trải nghiệm như thế. Tôi biết ơn cơ thể mình, không khí mình đang hít thở, mặt đất đang nâng đỡ tôi bấy giờ. Giữa một quần thể NUS toàn những thanh niên trẻ đẹp và đầy tài năng, tôi cảm thấy được an ủi khi biết rằng mình cũng vẫn còn có thể chạy.

Charlton chạy mỗi ngày ở tất cả các quốc gia nó đặt chân tới. “Đây là cách tao kết nối với những nơi chốn mới. Tao cảm nhận nó trong lá phổi mình, trong trái tim mình, trong giọt mồ hôi đua nhau chảy xuống. Chỉ đơn giản thế thôi.”


Olympic Paris năm nay có thật nhiều câu chuyện để nói, một trong số đó là những hồ sơ “hàng khủng” của những idol vừa đẹp trai xinh gái, vừa học giỏi, vừa thể thao đỉnh cao. Tôi đọc mà thấy mình chưa là ai, lại nhận ra bản thân không có gì lắm mà lại “nổ” hơi nhiều.

Anh Uông Thuận, đội tuyển bơi lội Trung Quốc.
Chị Vivian Kong, nữ kiếm sĩ Đài Loan. Photo: Reuters

Có nhiều yếu tố cấu thành nên cái kết quả là ai đứng bục, ai không, và cầm miếng kim loại màu gì, nhưng những cái đó tôi xin nhường cho những tay viết tuyệt vời hơn trên Internet.

Đọc cái tít thì hay thấy thèm thuồng, muốn “xin vía”, tìm hiểu kỹ ra khiến tôi muốn lắc đầu lè lưỡi, người đâu mà sáng nào cũng “chạy” như vậy, bền bỉ suốt nhiều năm, quả thật là hảo hán. Họ chọn một cuộc chiến khốc liệt trên đồng cỏ châu Phi, chẳng có lựa chọn nào khác là tiếp tục tiến lên mỗi sáng mai thức dậy.

Kể cả khi bạn không định ăn thịt ai, tôi tin là ai cũng nên có nghi thức “chạy” của riêng mình. Vì tôi nghĩ, một con sư tử nằm dài cả năm, nếu không chết vì đói thì hẳn nó sẽ chết vì béo.


P.S. Vài dòng cuối:

  1. Người ta nói tuổi trẻ phải bùng cháy, quả thực, hè này tôi đã cháy ra tro. Dưới cái nắng 39-40 độ và độ ẩm không dưới 80%, tôi uể oải xỏ giày mỗi buổi sáng và tự tiến hành nghi thức “nướng” mình giữa đất trời bao la.

    Sau chuỗi ngày fartlek*, long run và recovery run đằng đẵng, tôi đã thấy mình béo lên mấy cân (tự hào vận động viên tự giác bồi bổ dưỡng chất nhưng trót bù đắp hơi thừa) và chạy dài hơn được một tí.

    Liệu đến cuối năm nay tôi có đủ trình làm một chặng marathon bổ đôi?
  2. Xin hãy cho tôi biết “Mr. T” ở NCSC là ai.

*Fartlek là một phương pháp tập luyện chạy bộ có nguồn gốc từ Thụy Điển, trong đó người chạy kết hợp giữa các đoạn chạy nhanh và chạy chậm theo ý muốn hoặc địa hình, không theo một cấu trúc cố định nào.

**Zone (Vùng) trong thang đo nhịp tim, là các khoảng nhịp tim mục tiêu tương ứng với mức độ cường độ tập luyện khác nhau. Các vùng này thường được tính dựa trên phần trăm của nhịp tim tối đa (max heart rate) và được chia thành 5-6 vùng, từ cường độ thấp đến cường độ cao.

Lên Zone 4 là tôi bắt đầu niệm các cụ. Chỉ có những sự kiện rất hiếm hoi đưa tim tôi lên Zone 5 (với tôi hiện tại là 180~200 nhịp/ phút), ví dụ như những ngày training khủng khiếp múa liên tục 1 giờ đồng hồ hay bị chó đuổi trên đường, và những thứ tương tự như thế.

Góc flex: Resting heart rate (nhịp tim nghỉ ngơi) của tôi hiện tại là 44 nhịp/ phút.