Tháng 7. Bách Khoa rục rịch thi cuối kỳ. Chỉ còn vài tuần nữa là hết năm thứ hai đại học, và mình thực sự rất biết ơn những gì ngôi trường này đã dạy mình trong thời gian qua. Thiết nghĩ có lẽ phải viết thành series, định kì mỗi năm một lần.
Ghi lại đây những bài học lớn trong năm, mình hi vọng chúng sẽ có ích cho những người cần.
1 – Làm bài tập lớn, phải “đúng” và “trúng”
Với mình, mỗi lần bảo vệ bài tập lớn là một lần pitching dự án khởi nghiệp.
Nói như vậy là vì sinh viên ai nấy đều đem đứa con tinh thần (là sản phẩm project) đi “bỏ chợ” (tức để thầy cô bạn bè, tất cả mọi người đều biết và nhận xét). Bất kể bạn có dành tâm huyết đam mê, hay vật vã vật lộn cho xong với “đứa con” ấy, những lời đánh giá hay điểm số sau đó đều là những thứ ảnh hưởng lớn. Nó nói cho bạn biết bạn đang làm ra sao, đứng ở đâu giữa những gì người khác đang làm và kì vọng của thầy cô, và chỉ cho bạn cách để trở nên tốt hơn.
Giống như pitching start-up, để kêu gọi được vốn của nhà đầu tư, bạn không chỉ phải hiểu cái mình làm, bạn còn phải hiểu người đang nghe bạn trình bày, ở đây chính là những thầy cô.
Hiểu giảng viên tức là hiểu 2 điều: Điều mà họ quan tâm và điều mà họ muốn cho những sinh viên.
Điều giảng viên quan tâm
Cái mà thầy cô quan tâm chính là cái lõi của bài tập lớn. Nguồn lực hữu hạn, bạn cần phải xác định được nó để mà tập trung hết mức vào đó. Giống như những bài “tủ” cần phải ôn để cầm chắc tấm vé “qua môn”, những điều thầy cô nhấn mạnh chính là những gì trọng tâm nhất của một học phần.
Khi bạn nắm rõ điều này, có 2 lợi ích mà bạn sẽ đạt được:
- Bạn học đúng thứ, thực hành và rèn luyện đúng trọng tâm;
- Bạn được thầy cô đánh giá cao trong project.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn mình mắc phải và cũng đã chứng kiến là việc nhiều sinh viên tập trung vào thứ không đáng để tập trung.
Ví dụ như học kì này của mình: Một bài tập lớn môn Tính toán khoa học (Scientific Computing) có trọng tâm là việc hiểu và ứng dụng được những mô hình toán học và thuật toán. Sinh viên hoàn toàn có thể dùng thư viện có sẵn, dẫn code rất nhiều người khác đã làm trên Internet – miễn là hiểu được bản chất của thuật toán ấy và chứng minh, xây dựng lại được nó.
Mặc dù vậy, vẫn rất nhiều nhóm cắm cúi vào việc viết code, in ra kết quả đẹp, mà hoàn toàn không hiểu được tại sao thuật toán lại cho ra kết quả như vậy, hay thậm chí còn không biết mô hình được xây dựng như thế nào.
Làm thế nào?
Có một số học phần việc xác định chủ đề trọng tâm khá quan trọng, song trong một vài trường hợp khác việc làm này khá khó khăn.
Theo kinh nghiệm của mình, trường hợp sau xảy ra thường là trong những môn học mang tính pha trộn (ví dụ như Tính toán khoa học là pha giữa Toán và Tin) như đã nói ở trên. Nó cũng xảy ra trong những bài tập lớn nơi thầy cô đưa yêu cầu có phần hơi nhiều thứ “râu ria” (ví dụ, thiết kế cơ sở dữ liệu, có giao diện chạy được là một điểm cộng). Sinh viên hay tập trung vào làm cái râu ria, tỉa tót cho thật đẹp, mà quên đi yêu cầu cốt lõi.
Sau đây là một vài cách để bạn có thể xác định được điều đó:
1 – Trực tiếp hỏi thầy cô
Trăm nghe không bằng… hỏi luôn. Bạn cứ tưởng tượng thầy cô như vị khách hàng khó tính sau này của bạn. Bạn làm theo yêu cầu của họ, nếu không hiểu hay chưa rõ thì phải hỏi. Đừng im lặng rồi tự hiểu theo cách mà bạn muốn hiểu. Vì khách hàng có thể hủy hợp đồng còn thầy cô thì có thể cho bạn cái lắc đầu (và con số mà sau đó chúng ta đều biết là không cao lắm).
2 – Tham khảo bài làm của các lớp trước đó
Việc nhìn thành phẩm hoàn chỉnh của người đi trước sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn với những gì được yêu cầu. Bạn cũng sẽ biết được mình phải làm những gì và phân bổ nguồn lực cho hợp lí. Dĩ nhiên là tham khảo chứ đừng có nhân tiện “bê vào” toàn bộ luôn nhé.
Điều thầy cô muốn cho sinh viên
Điều thứ hai này có phần bao hàm ý mà mình đã nói trên đây. Giảng viên nào cũng muốn sinh viên nắm được cái cốt lõi cả. Ngoài chuyện nắm được kiến thức, với việc cho làm bài tập lớn, mình tin rằng thầy cô muốn nhiều hơn thế cho những học trò.
Chỉ nắm kiến thức theo nghĩa “ghi nhớ” thì học và thi giấy là cũng đủ. Việc làm là để thực sự in sâu điều ấy và sử dụng nó để biến thành của mình. Và trong quá trình học và làm, bạn sẽ phát triển vô khối những kĩ năng khác, như kĩ năng chịu áp lực, xác định yêu cầu, phân công công việc hay giao tiếp hiệu quả.
Khi hiểu điều này, bạn sẽ:
- Trong tâm thế đón nhận bài tập như một thử thách để cải thiện kĩ năng, chứ không phải một đầu mục nặng gánh và phiền phức;
- Quan tâm tới việc đánh giá chính mình trước và sau học phần để chú trọng vào phát triển bản thân trên hết. Kết quả quan trọng, nhưng nó chỉ là một phần của câu chuyện. Quan trọng là bạn còn lại gì sau khi học phần kết thúc.
Trải qua 2 năm học, những lần làm project với mình là đủ những trải nghiệm lên xuống của mọi cung bậc cảm xúc và hàng tá bài học mình phải tiếp thu. Có những project cho về kết quả tốt, nhưng cũng có những project đã chẳng ra gì đặc biệt. Như mình đã nói trong bài Chuyện teamwork trong trường Đại học, đồng đội của mình không bao giờ cố định – mình gặp đủ kiểu người, và mỗi người lại đưa cho mình một bài học quý giá.
Những thứ mình học tốt nhất lại là những lần làm nhóm tồi tệ nhất. Nó chua chát và đập vào mặt mình, nhắc nhở mình trong những lần tiếp theo. Kiểu như một thứ bài học cấp bách: Nếu như mình không chịu tiếp thu nó bây giờ thì sau này mình sẽ còn phải gánh những hậu quả lớn hơn.
Dù sao thì mình cũng thấy thật may mắn, vì đã đi qua những lần như vậy. Bạn hãy cứ tưởng tượng bạn phải học nó mãi sau này khi cái giá của sai lầm lớn hơn rất nhiều xem…
Làm thế nào?
Với những gì mình nói trên đây, hẳn là bạn cũng đã phần nào rõ ràng về câu trả lời.
Tuy vậy, ngoài việc muốn sinh viên làm được điều này điều kia, thường thì các giảng viên cũng rất mong muốn họ có thể hỗ trợ mỗi khi bạn cần. Nhưng để được hỗ trợ thì bạn cần phải chủ động hỏi – vậy nên, hãy tạo điều kiện để thầy cô có thể thực sự giúp đỡ bạn nhé!
Từng có cơ hội nói chuyện 1-1 với một vài thầy cô, mình cảm nhận được rằng họ thực sự rất muốn sinh viên của mình đặt câu hỏi, đưa ra thắc mắc, cùng thảo luận vấn đề. Nhưng để làm điều đó thì công sức của thầy cô thôi là chưa đủ – chúng ta, những người học, cũng phải làm phần việc của mình nữa.