Trong những bài trắc nghiệm tính cách nhan nhản ở trên mạng, tôi hay nhìn thấy những bài kiểu “Chỗ ưa thích trong nơi ABC sẽ nói lên điều gì về bạn?”. Tôi không thích những bài trắc nghiệm kiểu này, một phần là vì có lúc nó sai, một phần là vì tôi nhận ra nếu như bạn mở tất cả đáp án trong tất cả các trường hợp và đọc một lượt, thì tự dưng bạn sẽ thấy mỗi đáp án lại đúng với mình một tí. Tuy vậy nhưng tôi cũng hay có thói quen chọn chỗ ngồi ưa thích hay chỗ đứng mà tôi đã quen ở những nơi tôi đi. Đối với xe buýt, tôi thích đứng ở cửa cuối đuôi xe, một cánh cửa không mở ra bao giờ.
Chỗ này có hơi hiếm bởi không phải xe nào cũng có cánh cửa này. Nó chỉ xuất hiện ở những tuyến xe mới đầu được thành phố lập ra, như xe 01, 02, những xe dài nhất do lượng người lưu thông luôn đông mỗi ngày. Những chiếc xe này có tới ba cửa lên xuống, nhưng cái cuối cùng nằm sát đuôi xe đã bị đóng lại và không sử dụng nữa. Tôi không biết liệu trước đây nó có được sử dụng không, nhưng tính tới lúc tôi bắt đầu đi xe buýt thì nó đã bị đóng lại từ bao giờ, nằm im lìm và luôn là nơi phủ bụi cho dù tài xế và phụ xe có ưa sạch sẽ tới mức nào.
Cánh cửa thứ ba có cấu trúc khá giống cánh cửa thứ hai, với hai bên cánh gập sẽ thu vào hai bên khi cửa mở bởi một cái cần cửa ở trên cao, nối với gạt điều khiển của tài xế. (Tôi không rõ lắm về cấu trúc thiết kế thực sự của xe, chỉ là quan sát mà đoán vậy.) Trước cửa có hai bậc thang để đi xuống, cũng giống y hệt. Chỉ khác một điều là nó không hề có tay vịn, cái thanh chắn màu vàng xẻ đôi không gian trước cánh cửa.
Lúc xe đi, phần đuôi của xe lúc nào cũng là phần rung nhất, vì vậy nên những người say xe hay được nhường ngồi lên ghế phía đầu. Cánh cửa ấy rung lên bần bật theo từng cái lăn bánh, nhiều lúc làm tôi mất thăng bằng. Nhưng không hiểu sao tôi lại thích nó. Tôi thích đứng vào bậc thứ nhất phía dưới sàn ở cửa, rồi lấy tay vịn vào thành lưng ghế của hàng ghế cuối cùng. Đứng ở đó, tôi cảm nhận được từng viên đá, từng vũng nước mà cái xe lội qua, hệt như cô công chúa hạt đậu vậy. Cửa bị rung lắc nhiều nên lề cửa trệ hẳn xuống dưới, để lộ ra phần trên có gió thổi vào. Gió táp vào mặt tôi, cái khe càng bé thì gió càng mạnh; cuốn theo bụi bặm, khói bẩn từ ngoài đường vào, cả những hạt mưa nếu hôm ấy trời mưa. Chữ “CỬA XUỐNG” bị đứa nào nghịch bóc đi một vài chỗ còn lại mấy kí tự vô nghĩa. Nhìn xuống dưới chân nơi bậc thang, tôi thấy thềm xung quanh cửa bẩn và đôi khi còn có rác, như thể phụ xe đã hốt rác rồi hất luôn xuống đây vậy.
Cánh cửa thứ ba vẫn ở đó, hệt như một món đồ chơi bị bỏ quên. Ngày ngày nó vẫn phải cùng cả xe đi làm, đi học, cũng chịu nắng, chịu mưa nhưng chẳng ai thèm để ý. Cái thứ người ta nhắm đến là cái cửa xuống đang hoạt động kia, cánh cửa của sự khẩn trương, nhanh nhẹn, cánh cửa đưa họ đến với bộn bề cuộc sống, để tiếp tục đi làm, đi học. Còn cánh cửa bị lãng quên, nó như một đôi mắt nhắm nghiền không động đậy, thỉnh thoảng hé ra định nói với tôi điều gì đó, rồi lại thôi …