Cảm giác trong “flow”

abstract painted background with wide wavy lines
Photo by Solen Feyissa on Unsplash

Sau khi biết về khái niệm “flow” của nhà tâm lí học Mihaly Csikszentmihalyi (vừa phải search để viết cái tên ổng cho đúng), mình tự ngẫm và thấy trước giờ bản thân không có nhiều lần trong trạng thái flow, và nếu có thì mình nghĩ mình cũng đã không nhận thức được nó và quên đi kha khá. Gần đây mình nhớ ra mình đã từng có một lần như vậy, và bản thân mình cũng đã nhận thức được nó ngay lúc đó, thật là may quá đi.

Đó là một tiết Ngữ văn năm lớp 6 (hay 7 gì đó), ngày học văn bản “Bức thư của thủ lĩnh da đỏ”. Đây chỉ là một văn bản đọc thêm, và cũng không mấy ai có hứng thú với nó, nhưng đó là bài mà mình thích nhất xuyên suốt cả chương trình. Trước ngày học hôm đó lâu lâu mình đã giở sách giáo khoa và có đọc qua một lượt, và bài này ở lại trong đầu mình, phần nhiều vì nội dung của nó. 

Bài đọc là một bức thư của một người tự xưng là thủ lĩnh da đỏ, gửi cho những kẻ da trắng đang cố tình giết chóc muông thú, phá hoại thiên nhiên, môi trường để làm lợi cho cái mà họ gọi là văn minh tư bản. Không nhớ rõ hồi đó mình có xem phim nào của Studio Ghibli làm về nội dung giống vậy – Tale of Earth Sea – hay không, nhưng phải nói bài đọc đó đã chạm tới tâm can mình một cách lạ kì. Mình có thể tưởng tượng ra giọng nói của người thủ lĩnh này nếu như ông ta nói thay vì viết. Mình có thể cảm nhận được cảm xúc của ông ta qua từng con chữ, cứ như thể văn bản kia đã ngấm vào người mình từng chút từng chút một vậy. Mình đọc một lần, rồi đọc đi đọc lại, chẳng phải vì luyện tập do biết sau này sẽ có ngày học tới bài đó, mà chỉ đơn giản là cảm thấy quan tâm, cần phải nghiền ngẫm lại cho ngấm, nhặt lại những gì có thể mình đã bỏ sót. (Một điều bình thường ta làm với quyển sách ta thích, bài hát ta thấy hay, hay những gì tương tự vậy.) Mình mường tượng câu chữ vang lên trong đầu mình, và nếu như mình nhớ không nhầm, văn bản đó đã là một trong những tác phẩm Ngữ văn hiếm hoi lấy đi nước mắt của mình. 

Ngày học “Bức thư của thủ lĩnh da đỏ”, cô giáo chỉ cho một bạn đọc qua văn bản cho mọi người nghe để biết, sau đó sẽ chuyển sang bài quan trọng tiếp theo. Có thể nói là chẳng quan trọng gì, ai nấy cũng không tỏ ra quan tâm lắm. Lúc cô hỏi, chỉ có duy nhất mình ngồi ở dãy bàn bên trái gần cuối lớp giơ tay. Bình thường khi gọi người đọc các văn bản chính, có khá nhiều người giơ tay và mình chẳng bao giờ được gọi, có vẻ như mình mờ nhạt sao đó – nhưng hôm đó không hiểu mặt mình có cái gì đó đặc biệt hơn chăng, kiểu như bừng sáng trong ánh mắt như mấy nhân vật anime, chậc, chắc chẳng phải vậy, nhưng đúng là chúng ta có thể cảm nhận được khi người nào đó thực sự đang mong muốn mãnh liệt thứ gì đó – và thế là mình được đọc. 

Và mình đọc thôi. Mọi thứ đi đúng như những gì mình đã tưởng tượng ra trước đó. Trước đó mình đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần, vì vậy hoàn toàn không bị vấp từ một chút nào. Não bộ không còn cần phải phân ra một phần để suy nghĩ về việc đọc cho đúng kĩ thuật, tròn vành rõ chữ nữa – lúc bấy giờ nó chỉ quan tâm tới nhịp điệu của câu chữ, tốc độ đọc, ngắt nghỉ, và đặc biệt là thể hiện cảm xúc qua giọng đọc. Nói chung là những yếu tố của sự “trình diễn”, còn phần kĩ thuật giờ đây đã được cơ chế tự động đảm bảo. Tới đoạn cao trào, đã có lúc mình cay cả mắt, nhưng đã tìm cách kiềm chế lại được đó, giữ cho cảm xúc không rơi vào trạng thái “sổ lồng” – một nguyên tắc để giữ cho mọi thứ hoàn hảo mà mãi sau này khi học nhảy và đi thi đấu mình mới lại ngộ ra lần nữa. Mình đã đọc với tất cả mình có – giọng đọc rõ ràng nhất, con mắt tập trung nhất, những cảm xúc thật nhất của mình: giận dữ, buồn đau, và hi vọng; và một sự đồng cảm kì diệu với người viết thư kia.

Một điều nữa. Dường như não mình nó thăng hoa tới cái độ còn thừa chỗ để phân tách ra thêm một bản thể nữa đứng bên ngoài. Mình còn có thể nghe và nhìn thấy mình đang thể hiện như thế nào, như thể phần hồn nó đang bay lơ lửng lên trên cao hơn với bản thân mình một chút. (Không tới nỗi thoát xác đâu =)) Nhưng đúng là cảm giác nó khá kì lạ, cái trạng thái rơi vào flow đấy thật là đặc biệt. Và sẽ khó thể có nó khi ta không có đủ “mental space”, hay nôm na là phần não còn trống để thêm thắt hoa lá cành cho bài biểu diễn tuyệt vời.

Đọc xong khoảng 5 phút mới hoàn hồn khi ngồi lại xuống ghế. Nghe loáng thoáng tiếng cô nhận xét “Bài đọc rất tốt, bạn đọc rất diễn cảm.” Cô tuy hay nói cười thoải mái, hay động viên nhưng là người luôn giữ tiêu chuẩn cao, lần đầu tiên mình nghe cô khen như vậy. Lớp mới đầu còn ồn ào, lúc nghe mình đọc im phăng phắc, tuyệt nhiên không nghe thấy được cả tiếng bấm bút hay giở vở. Lúc mình đọc xong ai nấy cũng cứ như thể vừa được nghe một bài giảng gì đó kì lạ lắm, cứ thấy im im, một số người nhìn mình với con mắt lạ lùng và ngạc nhiên.


Kể chuyện vì chợt nhớ ra vậy thôi, chứ mình nghĩ trải nghiệm mỗi người một khác, mà flow không nhất thiết là lúc nào cũng phải “high-on-drug” kiểu như thế =))) Nhưng mình nghĩ trong một số trường hợp, khi ta ở trong một trạng thái flow mạnh mẽ tới độ người khác có thể cảm nhận được, thì chúng ta cũng có thể tạo nên một ảnh hưởng lớn hơn vậy.

Và tác phẩm ấy cũng đã khiến mình nhận ra phần nào sức mạnh của con chữ, cũng như là một phần của những viên gạch xây nên sự nhận thức của mình với việc bảo vệ môi trường.