Cách take note trong tranh biện

person writing a to do list

Đã bao giờ bạn tham gia một cuộc thi tranh biện, bắt đầu trận đấu và bắt đầu phát hoảng vì đội đối phương nói quá nhanh, ý này nối tiếp ý kia, mọi thứ quay mòng mòng trong đầu bạn và không thể ghép lại thành bức tranh hoàn chỉnh? Bạn bắt đầu nhìn sang bên cạnh và thấy đồng đội đang hí hoáy ghi chép với tốc độ “thần thánh”, ý nào ra ý đó, còn tờ giấy của bạn thì có ghi được một chút nhưng bạn vẫn chưa biết sẽ phải làm gì khi đến lượt. “Đến lượt mình rồi, hic.” Bạn đứng lên và trình bày luận điểm của mình, hơi lộn xộn tí, thôi kệ, chêm thêm một chút mắm muối cho nó thuyết phục. Bỗng dưng hết ý tưởng, hoặc hết thời gian. Bạn ngồi xuống, thở phào. Cuối cùng cũng xong.

Đây là tình huống mình đã từng gặp phải trong nhiều lần đi thi đấu và cũng đã thấy một số bạn mắc phải vấn đề này. Một phần gây ra tình huống khó khăn này là do các bạn chưa biết cách ghi chép những ý tưởng mình sẽ trình bày cũng như luận điểm của đối phương sao cho khoa học. Vậy trong bài viết này mình sẽ chia sẻ cho các bạn một cách take note mà mình đã học được nhé.

Đây là những gì bạn sẽ cần:

  • 1 tờ giấy A4 trắng hai mặt
  • Bút đỏ hoặc bút đậm màu
  • Bút viết thường

Sau đây là cách làm:

1. Gập giấy làm ba (hoặc làm tư tùy theo số lượt nói)

Ở đây mình sẽ xét theo luật WS (World School Style Debate) với sáu lượt nói của hai bên Ủng hộ và Phản đối với lượt cuối Reply Speech. Do Reply Speech ngắn và có tính phổ quát lại toàn bộ, không còn phải phản biện giữa hai bên nữa nên chúng ta sẽ không cần giấy để ghi chép phần này. Đối với những luật khác, các bạn có thể chủ động tùy biến số lần gập giấy theo số lượt nói tương ứng.

Hiện tại các bạn sẽ có 3 hình chữ nhật, ta tạm gọi nó là các “ô” để ghi chép. Tổng cộng có 6 ô, 3 ô mặt trước và 3 ô ở mặt sau.

Source: cakechooser.com

2. Đánh dấu theo thứ tự người nói

Hãy lấy bút đỏ hoặc bút đậm màu đánh dấu vào góc trên của từng ô một với tên lượt nói nhé. Ở mặt trước, các bạn hãy đánh dấu: A1, A2, A3 theo thứ tự từ trái sang phải — Đó là nơi để bạn ghi chép lượt nói của ba người đội Ủng hộ. Lật sang mặt bên, hãy viết N3, N2, N1 theo thứ tự từ trái sang phải — Đây là phần để viết luận điểm của đội Phản đối.

Tại sao chúng ta lại đánh dấu như vậy? Để cho các lượt nói tương ứng cùng rơi vào một phần ba giấy hình chữ nhật. Nếu có A1 ở mặt trước thì khi lật sang sau, bạn có thể dễ dàng tìm thấy phần nói của người N1. Điều này sẽ giúp cho bạn dễ dàng hệ thống các ý của hai bên và nhìn ra được mấu chốt mâu thuẫn của trận tranh biện.

Hai bước này cần phải được bạn chuẩn bị từ trước khi bước vào trận tranh biện để chúng ta có đủ thời gian ghi chép khi vào trận đấu. Giống như việc chuẩn bị sẵn giấy làm bài trước khi thi vậy, hãy luôn nhớ trang bị đầy đủ khi vào trận đấu nhé!

3. Ghi chép lại lời nói của mình, người đội mình và người đội đối phương

Sau khi đã set-up một tờ giấy ghi chép như vậy rồi, việc bạn cần làm tiếp theo là viết lại một cách hệ thống những luận điểm mà người chơi hai bên đưa ra. Hãy viết thêm những ý mà bạn muốn nói trong phần phản biện xuống phía dưới mỗi phần luận điểm của từng người nếu cần.

Hãy chú ý về phần ghi chép này: Hãy vừa nghe và vừa viết để nắm được các luận điểm chính. Chú ý rằng, ghi được nhiều không có tác dụng bằng việc ghi và nắm được các ý chính. Bạn hãy rèn nhiều để có một chữ viết dễ nhìn, nhất là khi chúng ta phải “tốc kí” như vậy. Nét chữ không cần phải quá đẹp, nhưng cần phải đọc được, bởi mình đã thấy nhiều bạn viết vô cùng thần tốc nhưng lúc trình bày lại phải nheo mắt nhìn xem bản thân đã viết những cái gì cho phần nói.

Photo by Green Chameleon on Unsplash

Về phần nói của chúng ta, mình khuyên bạn nên viết riêng ra một tờ giấy khác để có nhiều diện tích phát triển ý cho riêng mình.

4. Giữ lại làm tư liệu để tham khảo cho các lượt thi sau

Sau khi đã ghi chép cho một trận tranh biện căng thẳng như vậy rồi, giờ chúng ta đã có một tờ giấy với đầy những ý tưởng hay và lập luận xuất sắc. Hãy ghi thêm vào phần giấy còn lại đề bài của trận tranh biện, và giữ chúng trong một tệp file để làm tài liệu cho những lần thi sau. Chúng có thể rất hữu ích cho bạn, nhất là khi sau này có thể bạn sẽ gặp đề bài này một lần nữa.

Photo by Sear Greyson on Unsplash

Tranh biện ở Việt Nam còn rất mới nên không có nhiều tài liệu cũng như diễn đàn như ở nước ngoài. Từ lúc bỡ ngỡ làm quen với tranh biện mình đã lên google tìm cách take note nhưng không hề thấy có bài viết nào về chủ đề này. Chủ yếu các bạn debater học hỏi kinh nghiệm từ những lần đi thi, làm panelist, làm observer và sao chép, cóp nhặt cách làm từ những người giỏi hơn. Cách ghi chép này cũng là mình bắt chước một bạn trong một trận đấu. Nó có thể hữu ích với một số bạn, nhưng lại không có tác dụng với bạn khác. Các bạn nên đi thi nhiều, học hỏi nhiều hơn để tìm ra phong cách debate cũng như cách take note riêng phù hợp với mình nhé!