Chuyện Dance Battle: Phần 3 – Đi tập như đi đấu, đi đấu như đi tập

billiard ball on bright orange surface

Bài viết này là phần tiếp theo trong Series “Trà đá Hip Hop”, trong đó feature những đối thoại với hai người anh của mình là Quay Trần (Abnormal Conceptz) và Phương Xù (Wonder Sisters). Bạn có thể tìm đọc đầy đủ các phần tại đây.

Mình nghĩ mình là một người hiếu thắng. Và sớm nhận ra điều đó ngay từ hồi tiểu học.

Ở bức tường cuối lớp là một tấm bảng “Vở sạch chữ đẹp”, có 10 ô tương đương 10 tháng đi học. Mỗi tháng các thầy cô đều tổ chức cho một buổi “đọc chép”, viết vào giấy kiểm tra rồi nộp, chọn ra 10-15 bài chữ đẹp nhất ghim lên ô tương ứng với tháng ấy. Chữ viết phải đẹp, nét thanh nét đậm rõ ràng, không tẩy xoá, không sai chính tả. Các bài xếp từ trước tới sau theo thứ tự giảm dần về độ hoàn hảo.

Tháng nào mình cũng biết chắc bài mình sẽ được treo. Chỉ có điều nó chưa đủ để làm mình hài lòng.

Mình cảm thấy không vui khi bài của mình không phải là bài ở trên cùng – tức bài đẹp nhất – vào một tháng nào đó.

Photo by Aaron Burden on Unsplash

Có lần, không hiểu vì sao đó ngày hôm ấy đầu óc với tay chân mình không chịu phối hợp với nhau, kết cục là viết sai phải đến 4 – 5 lần. Mỗi lần sai là lại phải thay một tờ giấy mới và viết lại: Nếu bạn xác định bài mình được treo lên thì phải như vậy. Mình bỏ cả giờ thể dục để ngồi lại lớp viết, và cuối cùng đành phải nộp bài mà mình chẳng mấy hài lòng cho lắm.

Chữ viết của mình được đẹp như bây giờ là nhờ những ngày tháng tự giác luyện tập kia, với ngòi lửa của sự cạnh tranh.

Người thật – việc thật: Một note gần đây trong Goodnotes của mình, từ môn học Nhập môn Kỹ thuật truyền thông trong học kỳ này. Viết tay chứ không gõ chữ bằng font handwriting gì đâu nhé.

Tuy nhiên, không phải sự ganh đua nào cũng đưa cho người ta một động lực “healthy”.

Nếu như em cố gắng tập luyện để thể hiện tốt trong một giải đấu thì đó là một điều tích cực. Nhưng nếu em nghĩ rằng “Tao PHẢI vô địch cái giải này” thì anh cho rằng đó là một điều khá là tiêu cực.

— Nguyễn Trần Phương “Phương Xù” (Wonder Sisters)

Mình tìm thấy một bản thân vô cùng căng thẳng và luôn tự đặt áp lực lên bản thân trước thềm các giải đấu. Một thứ áp lực – khách quan mà nói thì – cực kì vô lý. Với trình độ của mình, khi xét đến danh sách thí sinh cùng thi đấu, người ta sẽ không kì vọng mình vượt qua được những người kia như một lẽ đương nhiên.

Mình ở trong những giải đấu mà đối thủ của mình là những người anh chị đi trước mình rất lâu, hay nói toẹt ra họ là thầy cô của mình: Toàn đi học lớp, học workshop nơi anh chị dạy cả. Thế nhưng dù vô lý, mình vẫn tự gây sức ép và dằn vặt bản thân: Vì đã không qua prelim, vì đã thua người này người kia, vì đã không giao lưu được với ai. (Dù rằng jam và cypher mang tinh thần vui vẻ giao lưu, nhưng mình cho rằng giống như cái cách ta lựa chọn những tương tác xã hội, “gió tầng nào gặp mây tầng đó”, một người biết suy nghĩ cũng sẽ cân nhắc cho bản thân xem liệu mình có vào được một vòng tròn nào đó hay không.)

Em phải thả lỏng ra… Tinh thần lúc nào cũng căng thẳng quá. Anh nhìn em, cái nhảy của em cũng toàn căng thẳng ở trong đấy.

— Quay Trần (Abnormal Conceptz)

Khi đi thi mình luôn luôn cảm thấy vô cùng tâm lí. Lo lắng, rồi chùn bước trước người giỏi hơn mình. Kết cục là lãng phí toàn bộ 30-45 giây trên sân khấu. Cứ thường xuyên như vậy.

Cũng phải nói thêm rằng, ở những kì thi khác nơi sự cạnh tranh không mang tính chất “ăn thua” như một trò chơi có tổng bằng 0*, mình hoàn toàn không có vấn đề tâm lí tương tự. Với những kì thi chuẩn hoá, thi học kỳ, thi sát hạch… khi kết quả của mình không phải là phần bánh bị mất đi của một người khác, mình hoàn toàn thoải mái và bung được hết những gì đã chuẩn bị.

Nghe mình ra sức “tâm sự tuổi hồng” bên cốc trà đá đã vơi đi một nửa, anh Quay và anh Phương Xù nhìn nhau gật gù. Rồi cười cười nhìn mình, như thể đây không phải lần đầu tiên hai người gặp một đứa em như vậy.

“Bây giờ nhé, em hãy chỉ nghĩ đi đấu là một buổi đi tập, còn đi tập thì như đi đấu. Thế thôi.”

Phương Xù tuyên bố, chuẩn bị lời kết thúc cho câu chuyện.

“Vấn đề ở đây, anh muốn em hiểu là cái ngày đi đấu của em nó chỉ là một phần rất nhỏ trên con đường nhảy múa của em thôi: Nếu em thua thì ok, chẳng sao cả, buồn, ngày mai em vẫn đi nhảy tiếp. Còn nếu em thắng, mọi người chúc mừng em, đăng story này kia, rồi sao? Ngày mai ngày mốt mọi thứ lại về bình thường. Em sẽ vẫn đi tập như mọi khi thôi.”

Ý tưởng thực sự hay và mới mẻ. Song mình nghĩ cũng phải có thời gian để thực sự thực hành được nó. Xin được để lại đây cho những người cần.

Bên cạnh câu chuyện cá nhân, gần đây ba anh em cũng có bàn thêm về câu chuyện tinh thần trong các giải đấu nói chung đang có phần tương đối căng thẳng: Ai nấy đều mong muốn chứng tỏ, giành thứ vị cao, ganh đua có phần thái quá. Một phần của điều này có thể đến từ việc tương đối thiếu các sân chơi văn hoá (jam, session, cypher…). Mình xin hẹn quay lại chủ đề này trong một bài viết khác.


* Trò chơi có tổng bằng 0 (Zero-sum game) là một khái niệm trong nhánh Lý thuyết trò chơi (Game Theory) của Kinh tế học. Nó chỉ một tình huống cạnh tranh nơi tổng phần thưởng là cố định cho tất cả các người chơi. Điều đó có nghĩa rằng chiến thắng của người này là thiệt hại của một người khác.