Gian lận trong thi cử là một cách ta gian lận với chính mình. Những gì ta mất đi đắt đỏ hơn nhiều so với một điểm số.
Dưới đây là một note của mình 3 tháng trước:
Đầu tháng này là thời gian thi cuối kỳ 1 của Bách khoa. Tuần vừa rồi, tôi lên trường, thi kết thúc học phần Database (Cơ sở dữ liệu).
Môn này là môn lí thuyết, không phải môn thực hành, song chúng tôi vẫn lên phòng máy vì bài thi là bài trắc nghiệm làm trên hệ thống Moodle của nhà trường. Hiểu đơn giản thì là làm bài trên máy tính, máy chấm luôn và cũng có kết quả ngay sau đó.
Tôi được phân vào một kíp thi với số thứ tự 33, cũng là cái tên cuối cùng trong danh sách sinh viên gọi vào trong phòng đó. Số thứ tự dán sẵn trên góc ở mặt sau màn hình máy tính, ai có số nào thì ngồi vào máy đó. Tôi ngồi ở cuối phòng – từ chỗ này nhìn lên có thể thấy được màn hình của hầu hết tất cả những người khác.
Đăng nhập các thứ xong xuôi, tôi ngẩng đầu lên nhìn đồng hồ, vẫn chưa đến giờ làm bài. Nhìn ngó chúng bạn xung quanh, thấy có mấy đứa mở một cửa sổ trình duyệt mới và đăng nhập vào tài khoản ChatGPT.
Cũng phải nói thêm là phòng thi không phải chỉ có mỗi lớp tôi, mà còn có lớp của các anh chị khóa trên học cùng học phần này. Điều tôi lấy làm lạ là rất nhiều người cùng làm cái động tác bật 2 cửa sổ trình duyệt như trên mà không ai phải bảo ai điều gì. Như thể họ cùng đồng ý với nhau rằng họ đang phải bơi ra biển mà việc trang bị AI cũng cần thiết tựa như phao cứu sinh vậy.
Tôi thừa biết ChatGPT có thể làm được gì, và cũng biết nó rất hay được sinh viên chuộng để sử dụng như một công cụ giải đáp thắc mắc. Nhưng đó là câu chuyện ngoài phòng thi. Ở trường, nơi mà nói như thầy tôi thì “Chúng tôi được trả tiền để làm ra những câu hỏi và bài thi mà các anh chị không thể Google được.” hay “Trông thi ở Bách khoa rất nhàn – vì với đề thi ấy thì một sinh viên chỉ chật vật làm được bài của cậu ta là đã hết thời gian rồi.” – việc mở thêm một tab mới và đem con ChatGPT tới ngồi cạnh trong phòng, cá nhân tôi thấy không có quá nhiều ý nghĩa.
Quay ra hỏi người bạn ngồi cạnh, ê này, bạn dùng ChatGPT à. “Ừ. Tôi bật lên cho yên tâm thôi. Chứ con chatbot này cũng không phải lúc nào cũng đúng. Mà cũng chưa chắc đã tra được.”
Tôi nghĩ thầm. “Yên tâm ư? ChatGPT khiến cho bạn cảm thấy yên tâm về điều gì vậy? Bạn biết bạn cũng ít có cơ hội sử dụng nó và nó cũng có giới hạn nhất định kia mà.”
12 năm học phổ thông, rồi lên tới đại học, kinh qua cả trường tư lẫn trường công, trường chuyên và trường thường – mình đã chứng kiến một mẫu số chung ở mọi lớp học mình đã đi qua: Luôn có những người bạn học, bất kể lí do, lựa chọn tìm tới những điều vốn nằm ngoài luật chơi của phòng thi.
Mình sẽ không bàn tới chuyện việc làm này là sự tiêu cực thế nào, hay việc giáo dục đang có vấn đề gì, hay nhân phẩm người này người kia ra sao. Những điều này quá lớn để có thể nói hết trong một bài viết, và mỗi người lại có nhiều câu chuyện với rất nhiều những lí do vượt ra khỏi lằn ranh trắng đen của cái đúng cái sai.
Trong phạm vi bài viết này, mình chỉ xin được đề cập điều mà mình nghĩ là một người sẽ mất đi khi anh ta phá vỡ với lời thề trung thực trong học thuật của mình.
Chuyện anh mù và cây đèn tắt
Trong bài pháp thoại số 6 radio “Nâng dậy tâm hồn”, thầy Minh Niệm đã kể về một câu chuyện của một anh chàng mù: Anh này đến chơi nhà bạn và mải vui nên về muộn, chỉ về khi trời đã tối. Khi ấy anh ta mới được bạn đưa cho một cây đèn, với lí do rằng nếu nhìn thấy đèn sáng thì người khác sẽ tự động tránh anh ta. Anh mù cảm ơn bạn, đi vô tư trên đường buổi tối, mẩm chắc sẽ không có ai đâm phải mình, cũng chẳng bận tâm dùng gậy mò đường như mọi khi.
Cuối cùng thì lát sau có người đâm sầm vào anh ta, cả hai ngã lăn quay ra đất. Anh mù cáu và trách người kia không nhìn thấy cây đèn của mình, khi ấy người kia mới cười nói: “Anh mù ơi, cây đèn của anh đã bị gió thổi tắt từ lâu rồi.”
Khi chúng ta quen với việc dựa dẫm vào thứ gì đó quá lâu, ta dần quên đi thứ mà mình vốn có. Như anh mù ở trong câu chuyện trên: Vì quá tự tin về việc cây đèn có thể giúp mình, anh ta đã không sử dụng đến kĩ năng tìm đường vốn đã có từ trước.
Khi thứ mà ta phụ thuộc vào không còn thì khả năng cao là ta rất dễ trượt ngã. Giống như khi đèn tắt, người ta rất dễ đâm vào anh mù đương đi vô tư giữa đường kia. Giả dụ như một ngày kia thứ công cụ mà ta vốn dựa vào không thể nào sử dụng được, liệu khi ấy ta có ngồi suốt thời gian tiếp theo và nhìn trân trân vào một tờ giấy trắng?
Sự bất lực tập nhiễm
Khái niệm về bất lực tập nhiễm được khám phá lần đầu tiên vào những năm 1960s bởi hai nhà tâm lý Martin Seligman và Steven Maier. Những nhà nghiên cứu đã đặt những con chó vào những buồn chứa hai ngăn với vách ngăn ở giữa, đủ để cho chúng nhảy qua. Một ngăn sàn có điện, ngăn còn lại thì không – và chúng chỉ cần nhảy qua là sẽ thoát khỏi việc bị điện giật.

Một điều mà thí nghiệm này đã nhận thấy là việc có những chú chó đứng im chịu sốc điện mặc dù chúng hoàn toàn có khả năng nhảy sang buồng bên kia. Khi tìm hiểu thêm, họ phát hiện ra chúng vốn ở trong hoàn cảnh đã bị giật nhiều lần nhưng không tài nào thoát ra được. Kết cục là kể cả khi những chú chó hoàn toàn có khả năng thoát ra, chúng chấp nhận sự “bất lực” của mình mà chấp nhận bị giật, như một bài học về mặt nhận thức rằng chúng không thể làm được gì để ngăn ngừa hay loại bỏ cú sốc điện lên mình trước đây.
Khái niệm tâm lý học này đã được chứng minh nhiều lần sau đó qua một loạt các thí nghiệm khác trên cả động vật và con người.

Trong quá trình phụ thuộc vào những công cụ đáng ra không nên được sự dụng, khả năng cao chúng ta đang tự dạy cho mình những trải nghiệm của sự bất lực tập nhiễm. Vì chúng ta không học, nên chúng ta sử dụng đến công cụ. Không có công cụ thì khó mà làm được bài. Cứ nhiều lần như thế, ngay cả khi chúng ta hoàn toàn có thể động não trong nhiều tình huống, ta từ chối việc làm đó vì ta đã dạy cho chính mình rằng ta hoàn toàn bất lực trước những vấn đề nếu như không có sự hỗ trợ của công cụ bên ngoài.

Lời bạt: Cho những người mong muốn sự thay đổi
Mình nhớ mãi cái trưa hè năm lớp 12, đi dạo cùng với một người em khối chuyên Sử. Em vừa nhận kết quả bài thi: Cô giáo phê bình em về những lỗi sai trong bài, và so sánh em với bài làm điểm cao hơn của những đứa chép nguyên xi từ những nguồn trên Internet. Em khóc nấc lên giữa câu chuyện giữa hai người: “Rốt cục thì thi và kiểm tra để làm gì, khi thực lực của em hoàn toàn không được công nhận?”
Cảm xúc lúc đó của mình khá hỗn độn. Mình rất muốn an ủi em bằng một cách nào đó, nhưng cũng nhận ra đó cũng là vấn đề mà mình chưa có cách giải quyết. Mình chỉ gật đầu, lờ mờ cảm thấy sự bất lực và giận dữ lớn dần lên và đè nén âm ỉ trong lòng, như nắng hè đổ xuống sân trường đầy thiêu đốt trong cái im lặng tới bức bối của bầu trời xanh.
Hiện tượng này thực sự đã khiến cho mình có một cuộc “khủng hoảng đạo đức” dài trong suốt những năm tháng cấp hai và cấp ba, song mình nhận thức bản thân chưa đủ khả năng để làm điều gì thay đổi nó. Lí do cho việc này đã được Adam Grant chứng minh trong cuốn “Originals”: Nếu ta cố gắng thay đổi một hệ thống khi ta không có quyền lực bên trong nó, kết cục thường nhận lại chẳng tốt đẹp gì. Việc cần làm là phải tạo dựng được chỗ đứng bên trong nó, và đánh từ bên trong.
Nếu như bạn là một người nào đó đang cần những dòng này, mình hi vọng là bạn có thể tìm ra cách của riêng mình để làm nên những thay đổi. Một gợi ý nho nhỏ: Bạn sẽ cần phải khẳng định bản thân mình bên trong bộ máy ấy trước tiên.