Ở quê mình hay có tập tục lấy vôi ra vẽ những hình mũi tên ở khoảng sân trước cổng nhà. Các cụ giải thích là “lấy mũi tên ấy để bắn ma quỷ, không cho vào nhà”.
Đứng trước những cổng nhà đặc những mũi tên vôi, văng vẳng tiếng chó sủa từ trong vọng ra, mình thoáng nghĩ, có lẽ cả những thần tiên thiện ý nhất cũng cảm thấy bản thân không được chào đón ở đây.
Mỗi dịp Tết đến mình lại hay nghe những câu khấn quen thuộc “Tống khứ điềm dữ, mang tới điềm lành”, đại loại vậy. Chẳng nói đâu xa, ngay ở nhà mình ba mình cũng khấn như vậy. Nó làm mình suy nghĩ một nỗi lo lạ lùng: “Vậy thì cái dữ ai phải chịu?”
Ôi giời, bạn có thể tặc lưỡi, nhà nào mà chẳng ước mong như vậy. Cầu chúc cho điều tốt như vậy thì cũng đâu có vấn đề gì đâu?
Mình nghĩ việc mong đợi một điều như vậy khá giống với việc người ta muốn chỉ có một mảng trắng hay chỉ một mảng đen thôi trong một bức tranh giữa Yin và Yang. Trong cái này luôn có cái kia, và ngược lại – thậm chí là cái này sinh ra cái kia, và cái kia lại sinh trở lại cái này. Nó là một sự tồn tại biện chứng mà nếu bạn chỉ muốn có một thứ thì cũng có nghĩa là bạn không có gì, hoặc là bạn sẽ nhận lại cả hai.
Hơn nữa, giống như ông già trong câu chuyện “Tái ông thất mã” (Ông già mất ngựa), chúng ta chẳng nói được đích xác rằng một thứ này cố hữu là tốt hay là xấu.
Dĩ nhiên là chúng ta hôm nay hướng tới những giá trị tốt đẹp hơn so với ngày hôm qua.
Nhưng đôi khi (hay thường thì) đời hay đưa đến những vé mời theo cặp.
Và có lẽ chúng ta nên chờ lâu hơn, trước khi dán nhãn cho điều xảy đến với cuộc đời mình.