Ngày đầu tiên đi học, anh dẫn tôi tới trường…
Tôi vô cùng lo lắng. Chuyện là tôi học Công nghệ thông tin, nhưng khoa đó lại ở thành phố Taganrog, cách Rostov hơn 70 cây số. Vậy là Đại học Liên bang xếp tôi luôn vào khoa Toán của họ.
Mà tôi học Toán không được… giỏi lắm. Tôi yêu Toán vì thầy cô, mà cũng ghét Toán bởi chính người dạy mình. Hồi cấp hai tôi đi thi toán quốc tế còn có giải; lên Đại học, điểm toán cao nhất của tôi chỉ có B+, còn lại toàn C. Nhưng tôi sẽ kể chuyện mình và Toán trong một bài viết khác.
Tên đầy đủ của Khoa này là «Институт математики, механики и компьютерных наук» tức Khoa Toán học, Cơ khí và Khoa học Máy tính. Dính được một chút ở cuối tên liên quan tới ngành tôi, thế nên họ mới đưa tôi vào đó chăng. Dù sao thì cũng đâu còn lựa chọn nào khác?
Nhưng hoá ra tôi đã nhầm. Vì có người còn lo lắng hơn tôi.
Người đó là thầy của tôi. Thầy rất trẻ, chỉ đáng tuổi anh, đang là nghiên cứu sinh (PhD candidate) của trường. Nói chuyện với thầy Trưởng khoa, tôi được biết rằng tháng 3 tới này thầy tôi sẽ lên Moscow để bảo vệ Luận án tiến sĩ. “Có vẻ thầy ấy sẽ khá bận đấy. Tôi không biết có phải thầy ấy sẽ đứng lớp hay không, hay là sẽ nhờ một người khác dạy thay.”
Môn này có tên “Mathematical Foundation of Information Security”, dịch ra là “Nền tảng toán học cho An toàn thông tin”, nghe cũng liên quan nên tôi học thôi.
Giờ tôi ngồi trong lớp học rồi, mới đinh ninh có lẽ đúng là người mình đã nghe nói.
Lớp dạy bằng tiếng Anh nên toàn sinh viên quốc tế. Tôi vào lớp được 15 phút thì quen mặt được đâu đó 7 anh chàng gốc Phi và Mỹ Latinh. Nhanh chóng thành một “bro” mới giữa chúng nó. Biết sao được, trường kỹ thuật mà, tôi cũng quen với việc cả lớp chỉ mình tôi là nữ rồi.
Nhiều đứa đến muộn, trong lúc chờ tôi và một bạn khác ngồi nói chuyện với thầy.
Thầy hỏi tôi đã học gì. Tôi kể một hồi. Mã hoá đối xứng và bất đối xứng, hạ tầng khoá công khai,… toàn mấy cái đã học trong học phần Nhập môn ATTT ở Bách Khoa. Thầy nghe xong ngẩn người. “Ờm, ờ, tôi sẽ cố gắng để đan xen thêm những chủ đề nâng cao; mong là em không bị chán khi học lớp này.”
Đó là khi tôi nhận ra, hoá ra ở Bách khoa, trường rèn cho tôi nâng tạ 100kg, sang tới Nga thì trường chỉ bắt tôi nâng tạ 20kg mà thôi. Một buổi chỉ học được một phần nhỏ của bài, trong khi ở Bách khoa cày hết chương đầu của giáo trình là chuyện bình thường.
Nhưng tôi vẫn thích lớp học bên này, đi chậm nhưng được cái vì thế mà thầy cô giảng kỹ, hiểu đến mức bản chất, không ai mặc định rằng tôi đã giỏi tới mức tự hiểu hay tự chứng minh được cái này cái kia. Họ đi từ cái đơn giản tới mức buồn cười, rồi sau đó vẽ lộ trình để đến thứ phức tạp hơn, ứng dụng cao hơn.
Trong khi ở Việt Nam thường tôi hay được học theo kiểu “mổ gà” – giới thiệu cái cuối cùng rồi mới bẻ nhỏ, rồi cóp nhặt từng mẩu; hoặc mặc định là sinh viên tự hiểu. Cũng hiếm khi giải thích lý thuyết đó được dùng cho cái gì ở cuối con đường.
Ở tốc độ đó, thầy cô cũng chẳng có thời gian chứng minh hay thậm chí giới thiệu từng định lý, nhiều lúc (đôi khi quá nhiều khiến tôi khó chịu) thầy trò chấp nhận luôn lý thuyết để áp vào giải bài tập.
Nếu bạn là sinh viên Bách khoa, hãy hỏi thầy Bùi Xuân Diệu về một cô nàng tóc ngắn như trai đã từng chất vấn thầy về mục đích của việc học tích phân bội ba.
Tôi không chuyện về giáo dục nên chẳng dám nói cái nào tốt hơn cái nào, chỉ thấy là bên này người ta không quá “tham”, nhồi nhét quá nhiều kiến thức vào trong một bài giảng để bắt sinh viên tự chật vật “lấy gốc” ở nhà.
Có lẽ tôi hơi sa đà vào chuyện bàn về giáo dục rồi.
Quay trở lại lớp học. Mới đầu thầy tôi run lắm, cứ bước đi tưng tưng trên bục giảng, khoát tay viết thừa năng lượng hơn bình thường. Hết làm gãy phấn lại đến rơi khăn lau bảng, nói lắp và đủ thứ khác. Tôi cứ ngồi dưới tủm tỉm cười trong lúc vẫn ghi bài.
Ngày hôm ấy tôi lên xung phong làm bài, một bài về Thuật toán Euclid để tìm ước chung lớn nhất, thứ ứng dụng cho mã hoá RSA sau này. Tôi chẳng mang máy tính bấm tay nên tính nhẩm, vậy mà cũng vẫn nhanh ra trò.
Chỉ trong 30 giây tôi viết xong đáp án.
“Victory!”
“Bravo”
Tụi ngồi dưới bắt đầu nói.
Và thế là hôm đó tôi đi về, với một biệt danh mới:
“Kylian Mbappé”