Một tập người khác

grayscale photography of bottles on top of table

“Này, làm điếu không?”

Tay chị huơ huơ bao Marlboro mới cóng trước mặt tôi.

“À, em không hút thuốc.”

“Có thật không đấy?”

“Thật mà ạ.” Tôi ngập ngừng. “Nhưng sao chị lại hỏi thế?”

Chị tặc lưỡi, vẫn không khỏi nghi ngờ. “Ai mà biết được.”

10h tối. Ngoài ban công studio. Chúng tôi ai nấy đều nhễ nhại và mệt phờ. Không như người ta vẫn hay tưởng tượng về những vũ công, có những buổi tập không mấy vui vẻ hay đẹp đẽ, và hôm nay là một buổi như thế.

Tôi bần thần nhìn ra bên ngoài. Trên nền trời đen kịt nhạt nhẽo những xác mây, đèn đường, biển hiệu và ánh sáng từ các cửa hàng lấp lánh đến chói mắt. Cơn gió đêm mồ côi nào đó thổi vào mặt tôi, mang theo nào những mùi nước lẩu, khói thuốc lá, bụi xăng xe. Dưới tầng, vẫn ồn ào những tiếng hò dô, tiếng lon bia ly rượu cụng vào nhau canh cách, tiếng nói chuyện rổn rảng của cánh đàn ông và lời bàn tán chua ngoa của mấy cô nàng “gơn phố” ăn chơi.

Ở Hà Nội, quả thật có một thành phố không ngủ. Nếu tôi không đi nhảy, có lẽ tôi đã chẳng bao giờ biết đến nó.


Hồi đầu năm nay, tôi có dịp gặp lại hai cô bạn thời cấp ba. Hai nàng ấy bấy giờ đã là những cô sinh viên Ngoại Thương năm thứ ba, năng động, xinh đẹp và giỏi giang. Chúng tôi cập nhật cho nhau những điều mới và phản tư về những gì bản thân đã đi qua.

Cũng giống như bao nhiêu hội những cô bạn gái, câu chuyện của chúng tôi sớm quay sang chủ đề yêu đương và các mối quan hệ.

Hai đứa trước mặt tôi thuộc về hội những kẻ đã có người yêu. Và chúng nó ngồi ở đó, đặt câu hỏi cho một tên không kinh nghiệm tình trường là tôi. Hoá ra: Chưa có người yêu thì lo đi kiếm, nhưng yêu vào rồi lại có thêm nhiều vấn đề. Cô bạn bày tỏ cảm giác tương đối “chán chường” với những người nó từng hẹn hò, vì “chúng nó có cuộc sống giống nhau và cũng chẳng khác gì tao”.

Phải nói thêm ở đây, tập người nó cặp cùng chỉ quanh quẩn ở trong trường đại học. Tôi thở dài. “Dĩ nhiên là vậy rồi. Mày không thể kỳ vọng gặp được người nào đó mới mẻ khi chỉ mãi kiếm tìm trong môi trường cũ.”

Photo by Museums Victoria on Unsplash

Xuyên suốt từ những năm cấp một, cấp hai, cấp ba, rồi lên Đại học, những gì chúng tôi biết chỉ là học thật giỏi. Bao quanh là những đứa bạn có gia cảnh và xuất phát điểm na ná nhau. Ai nấy đi theo một lộ trình người ta đã bước mòn cả lối: Vào trường chuyên, lớp chọn, rồi vào đại học top. Mối quan tâm của chúng tôi quanh quẩn trong chuyện lấy điểm A, tham gia hoạt động ngoại khoá, nghiên cứu khoa học, làm đẹp CV và apply học bổng.

Nó suy nghĩ một lúc, rồi phá vỡ cái im lặng do chính nó tạo ra. “Tao nghĩ có lẽ mình nên gặp nhiều người đa dạng hơn”. Tôi gật đầu. Tôi nghĩ điều đó sẽ tốt cho nó.

Their lives were so cloistered and their concerns so foolish and foreign-seeming that it was as if they spoke some lost middle-school tongue I’d forgotten. They lived at home with their parents; they worried about things like grade curves and Italian Abroad and summer internships at the UN; they freaked out if you lit a cigarette in front of them; they were earnest, well-meaning, undamaged, clueless.

(Cuộc sống của những đứa nhỏ đó khép kín và những mối quan tâm của chúng ngu ngốc và xa lạ đến nỗi, cứ như thể chúng đang nói một thứ ngôn ngữ lạc lối thời cấp hai mà tôi đã quên tự bao giờ. Chúng sống ở nhà với bố mẹ; lo lắng về những thứ như đường cong điểm số, chương trình Du học Ý và kỳ thực tập mùa hè tại Liên Hợp Quốc; chúng sẽ hoảng sợ nếu bạn châm điếu thuốc trước mặt chúng; toàn những đứa nghiêm túc, có ý tốt, không hư hỏng, không biết gì về cuộc sống.)

— Donna Tart, “The Goldfinch”

Tuần vừa rồi, thể theo lời kêu gọi của thầy cô từ Trung tâm BKAI, cộng với sự thúc giục từ phòng Hợp tác đối ngoại, tôi đại diện cho Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông đi tiếp đón và dẫn đoàn sinh viên từ Temasek Polytechnic, Singapore đến tham quan.

HUST x TP, Cultural Exchange Session 2024. Tôi đã cúp học để được đi giao lưu văn hoá.

Mọi việc xong xuôi, ai nấy tay bắt mặt mừng, cảm ơn nhau rối rít. Còn lại mấy đứa, tôi và đoàn I-buddy* đứng lại tán gẫu với nhau.

Thằng bạn trong I-buddy chở tôi đi ăn. Nó mời. Ngồi sau lưng chiếc Yamaha XSR 155, tôi nhìn nó đạp côn lướt đi trên những con đường nhuộm tím hoa bằng lăng mà cảm giác đời thật không thể nào đẹp hơn thế này nữa. Chúng tôi chả đội mũ mão gì, may mà không bị bắt.

Tự dưng nó ngoái đầu ra sau hỏi:

“Bạn vào bar bao giờ chưa?”

Tôi chẳng mảy may đặt dấu hỏi cho lí do tại sao nó hỏi vậy, đáp gọn lỏn:

“Rồi. Nhiều là đằng khác.”

Qua chiếc gương chiếu hậu, tôi nhác thấy khuôn mặt nó nheo lại dưới cái nắng trưa hè, vẻ trầm ngâm. Bấy giờ tôi mới thấy ngờ ngợ. Sao nó lại hỏi thế nhỉ. Tôi lại phải giải thích thêm. “Vì nhiều giải đấu nhảy nó hay được tổ chức trong bar, trong club. Tập người ở đó đón nhận bọn tôi hơn. Nên muốn tham gia tôi phải đến đó thôi. Lúc đầu cũng sốc văn hoá lắm, nhưng dần dần rồi cũng quen thôi. Dù thế nào thì tôi đến vì nhảy. Người ta có thể hút hay không, tôi tôn trọng, nhưng với tôi thì tôi không hút hít gì hết.”

“Oh vậy hả. Nhưng mà bạn cũng ghê thật. Tôi còn chưa vào bao giờ.” Nó ậm ừ, có vẻ vẫn đang suy nghĩ điều gì đó.

Quả thật, nếu chỉ biết tôi ở trên trường, có lẽ chẳng ai nghĩ tôi lại mon men đến những nơi như thế.

Tôi cảm thấy mình cần phải kết thúc để chàng trai này khỏi bận tâm quá nhiều đến câu chuyện vừa rồi. “Mà bạn biết không, tôi có một biệt tài ít người biết: Chỉ cần ngửi mùi pod là tôi đoán được bạn đang hút vị gì. Vì tôi đã phải hít ‘khói’ ở chỗ tập quá nhiều rồi, haha.”

Anh chàng nghe vậy cười phá lên và rồ ga chạy ra đường cái, khiến cho tôi phải vội túm lấy hắn để không ngã ra đường.


Tập tành “chơi” Hip Hop, tôi dần hiểu được tại sao các anh chị OG** vẫn hay nói “Hip Hop saves my life.” (Hip Hop đã cứu rỗi cuộc đời tôi.) Ở Việt Nam những năm 90, niềm đam mê với “bộ dẻo” và “bộ khoẻ” là thứ kéo thanh niên ra khỏi đua xe, hút chích, bài bạc. Bây giờ, nhảy múa đã có một chỗ đứng lớn hơn trong đại chúng, song những giá trị mà nó đem lại vẫn vẹn nguyên với những người theo đuổi.

Photo by Inès d’Anselme on Unsplash

Đi nhảy, tôi gặp đủ mọi thể loại người.

Tôi được nghe chuyện của những mảnh đời vốn đã bị tước đi quá nhiều từ ngày đầu tiên.

Tôi mở mắt trước bao con đường khác ngoài con đường mang tên “trường học” để tìm một chỗ đứng trong xã hội.

Tôi va chạm với nhiều xu hướng tính dục đa dạng từ cộng đồng LGBTQ+.

Tôi biết ơn vì tấm lòng tốt, nghĩa cử đẹp, biết ơn cả những lọc lừa và dối gian.

Tôi ngạc nhiên vì những bài học chẳng sách vở nào dạy tôi.

Dù đời có vất vả, có nhục nhã, cay đắng thế nào, họ vẫn đi nhảy. Vẫn giữ niềm tin yêu cuộc sống. Mới đầu có lẽ chỉ là nhảy cho vui. Nhưng đi lâu rồi, theo mãi với nó, nhảy thành thứ gì đó không thể thiếu, là mối neo tinh thần còn sót lại để con người ta giữ liên kết với cuộc sống.

Photo by Minh Dương on Unsplash

Nhưng vẫn phảng phất ở đó cái nhọc nhằn họ mang năm nào, đến bây giờ đã thành một thói quen. Tôi tìm thấy những dấu vết ấy trong cái gạt tàn, sự thức khuya, câu từ chợ búa, và đủ thứ thói hư tật xấu khó bỏ khác. Tràn đầy mâu thuẫn, ấy là một con người.

Đi nhảy đã là dịp gặp ít nhiều những thành phần xã hội gai góc và bụi bặm; điều ấy đã rèn luyện kỹ năng xã hội cho tôi.

Và như một lẽ tự nhiên, tôi không mấy khi gặp khó khăn khi đi chơi, đi làm, gặp gỡ anh chị em bạn bè ở mọi lứa tuổi, vùng miền, quốc tịch. Tôi hiểu được con người ta có thể đa sắc đến nhường nào, học được cách mở mình ra để chấp nhận cả những sự khác biệt, bất luận điều ấy có vô lý đến đâu.

Như một món quà nhỏ bé kèm theo, tôi lại quý trọng hơn nữa mỗi giây phút bản thân có được một cuộc trò chuyện chất lượng với ai đó. Tôi khám phá họ và khám phá chính mình, với niềm hân hoan nho nhỏ như khi ta khui một chai đồ uống. Đó có thể là một chai vang hay sake, thậm chí là brandy hay whisky – tôi ung dung nếm thấy nhiều tầng vị khác nhau và vui sướng vì những phát hiện của mình, hệt như một tay bartender yêu nghề.

Lời bạt

Nói đi cũng phải nói lại, tôi không nói người chơi văn hoá đường phố nào cũng phải “hút hít” và bản thân hành động ấy không làm bạn “phố” một tí nào. Đương nhiên, làm gì là lựa chọn của bạn. Nhưng nói trắng phớ ra thì tôi cực kỳ ghét mấy đứa học đòi hời hợt và nhận “Tao là Hip Hop” chỉ với mấy bộ quần áo và cái pod trong tay. Bớt bớt đi giùm tôi với.

Đối với tôi, chơi Hip Hop nghĩa là hết mình với cái mình say mê, đồng thời là những con người trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Câu chuyện về văn hóa Hip Hop ở Việt Nam sẽ mãi là câu chuyện không hồi kết nếu như chúng ta không dám chấp nhận nhìn thẳng và cùng nhau giải quyết những vấn đề bất ổn, những câu hỏi luôn đau đáu trong ta bấy lâu nay.

Tất cả chúng ta ai cũng đều nhận thấy đây là cái thời mà Hip-Hop nó cập nhật đến chóng mặt, đến mức ai cũng nhận mình là có máu Hip Hop trong người. Quay ra hỏi mấy câu về Hip Hop thì thụt hết cả lưỡi, ngớ hết cả người.

Đương nhiên là thời nào cũng vậy, thời nào cũng có cái hay cái dở của nó, nhưng bản chất của Hip Hop đã đề ra từ khi khai sinh là hướng con người thoát khỏi tiêu cực và hướng đến những điều tích cực, giúp tránh xa tệ nạn, dối trá,…để trở thành một người tốt.

Cái thời bây giờ đi đến chỗ tập nhảy, hay giải đấu hay mấy chỗ gọi là Hip Hop Hood còn thấy hương “hoa cỏ” bay phấp phới, suốt ngày mở mồm nói “Chill Chill”, chẳng bù cho cái thời xưa đi tập mà lớ ngớ cầm điếu thuốc lá thôi là bị thầy Hip Hop vả cho mấy vả sưng hết cả mồm.

Nếu các anh chị có học lịch sử Hip Hop thì các anh chị đều biết Hip Hop sinh ra và khởi nguồn những năm 70s là từ đâu và hình thành nên nền văn hóa Hip Hop vì lí do gì, cái này mà không biết thì đúng là 0 điểm về chỗ. Còn khi nó du nhập đến Việt Nam những năm đầu 90s thì việc nó hình thành cũng như bản chất nó hoàn toàn giống nhau. Không biết bao nhiêu giới trẻ thời đó vì Hip Hop mà thoát khỏi ma túy, cờ bạc, giang hồ,…Nếu nói về tệ nạn thì Việt Nam những năm 90s thì các anh chị có thể về hỏi bố mẹ ông bà mình để hiểu hơn về xã hội và môi trường khi Hip Hop hình thành ở Việt Nam.

Thế nên cần sa, ma túy chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là 1 phần của Hip Hop. Đừng bao giờ nhầm lẫn những khoái lạc với hạnh phúc. Khoái lạc là mức hời hợt nhất trong các mức độ thỏa mãn cuộc sống, vì nó là cái dễ đạt được nhất. Khoái lạc được marketing thần thánh hóa và bán cho các anh chị như một sản phẩm. Lạm dụng nó đồng nghĩa các anh các chị phụ thuộc vào định nghĩa của người khác. Nó chỉ là công cụ chính các anh chị dùng để gây tê và đánh lạc hướng bản thân mình. Còn hạnh phúc nó đến từ những thứ có thật và các anh chị chỉ có nó khi các anh chị là một Hip Hop thật sự.

Đương nhiên chúng tôi không rảnh để khuyên các anh chị đừng hút với hít vì suy cho cùng đó là quyết định của mỗi con người cũng như mục đích sử dụng nó. Tuy nhiên các anh chị cũng cần biết ở xã hội và đất nước này nó vẫn là thứ phạm luật và với những thứ đã trải qua, nó làm chúng ta mất nhiều hơn được. Bài học thất bại và nhục nhã của Hip Hop chúng ta nhất chính là giai đoạn cuối những năm 2000s khi cần sa lan tỏa khắp vào Hip Hop Việt Nam, được lan tỏa bằng sự ảnh hưởng của rất nhiều các nhóm nhảy, cá nhân có số má và dẫn đến một giai đoạn thế hệ Hip Hop còn trẻ chưa già nhưng đã ểnh ương nằm hưởng, những thế hệ kế tiếp không có người giảng dạy và bắt chước một cách mù quáng. Chính cần sa cũng làm Hip Hop phải mất đi rất nhiều con người tài năng sau song sắt.

Thực tế thì nó vẫn đang còn lan tỏa rộng ra hơn với tất cả các thể loại, yếu tố của văn hóa Hip Hop lẫn văn hóa đường phố nói chung. Và nói thẳng tưng luôn không chỉ mỗi Việt Nam gãy cánh mà các nước quanh khu vực cũng gãy cả chân lẫn cổ. Chúng ta đang hoàn toàn thiếu những thế hệ kế tiếp trong một thời gian dài, chắc đếm ra cũng được 10 năm hơn. Hiện tại thì chúng ta cũng nhen nhóm một số thế hệ trẻ đang được một số các anh chị khác quyết tâm gây dựng lại nhưng để mang lại điều gì đó đặc biệt chắc cũng phải 5 – 10 năm nữa nếu chúng ta không đi chệch hướng.

Nói về những ảnh hưởng của cần sa, ma túy với Hip Hop thì chắc chắn nói cả tháng cũng không hết. Và khi nói những vấn đề này đương nhiên sẽ chạnh lòng những anh chị đang coi cần sa là một thú vui của cuộc sống, nhưng thà nói thẳng còn hơn nói xiên nói xẹo.

Đừng hòng mà ta có thể giống được văn hóa gốc Mỹ vì chúng ta không sinh ra và lớn lên tại đó. Chúng ta chỉ là những người tiếp nhận nền văn hóa và chuyển hóa phát triển nó theo chính bản thân và xã hội hiện tại. Đã bao giờ các anh chị thắc mắc tại sao Nhật, Hàn, Pháp, Nga,…họ có những nét riêng biệt và nhận diện trong Hip-Hop Thế Giới? Hay các anh các chị muốn muôn đời mãi chỉ là những đứa đi Like và Follow hay thả tim? Hay ngộ nhận những thứ ảo ảnh có thể mang đến cho mình sự tự tin, sáng tạo và thành công? Các cụ có câu “Muốn ăn thì lăn vào bếp” nó giống như việc Không có ai bưng sẵn mọi thứ cho chúng mày ăn đâu, mày muốn giỏi hay thành công thì có 1 con đường đó là cắm đầu vào làm và thực hiện nó cho bằng được.

Thôi thì đời các anh chị có lỡ “hư” thì đừng có “hỏng” luôn. Hãy làm cái gì đó cho thế hệ trẻ của mình vì khi Hip Hop bị thoái hóa và chết đi thì còn chó gì để tự hào xưng danh “Tao là Hip Hop”.

Vậy chốt lại là văn hóa Hip Hop nói riêng và văn hóa đường phố của chúng tôi ở đây không cổ xúy những vấn đề liên quan đến cần sa, ma túy hay tất cả những thứ gây ảnh hưởng đến nền văn hóa này. Chúng tôi đang cố gắng xây dựng một nền văn hóa sạch cho Hip Hop và đường phố Việt Nam. Chúng tôi cần một không gian, một môi trường sạch cho thế hệ trẻ kế tiếp, để họ làm nên những điều cho chính chúng ta tự hào về một nền văn hóa đường phố của người Việt.

Tái bút.

— “Thư gửi các anh chị Hip Hop Việt Nam”, Văn hoá đường phố

*I-buddy: Viết tắt của “International Buddy”, I-buddy là tên gọi của đội tình nguyện hỗ trợ sinh viên trao đổi quốc tế trực thuộc Phòng Hợp tác Đối ngoại của Đại học Bách khoa Hà Nội.

**OG: Viết tắt của “Original Gangster”, chỉ thế hệ đầu khởi xướng và tiên phong cho một nền văn hoá.