L’appel du vide

person in brown coat and black hat standing near white and black floral wall

Nguyên văn: “tiếng gọi của hư không”

Hiện tượng suy nghĩ và tưởng tượng trong tâm trí những hành vi mang tính chất phá hoại hoặc huỷ diệt.

Cụm từ này không ám chỉ bản thân hành động phá hoại, mà là về việc chúng ta có xu hướng nghĩ đến những hành động ấy khi đứng trước một tình huống liên quan. Ví dụ như đang đứng trên nơi cao như sân thượng hay trước vực sâu, đang cầm dao trong tay, đang lái xe, đứng trước tàu điện đang chạy,…


11 giờ đêm.

Tôi rồ ga. Phóng đi. Công-tơ-mét chỉ 60 km/h. Nó nhảy loạn lên 62, 65, rồi 70.

Trừ đi cái mũ bảo hiểm trên đầu và thêm vào phong cách lạng lách rởm đời, tôi trông chẳng khác gì thứ thanh niên mà các cụ vẫn hay gọi là “bọn tóc xanh tóc đỏ”. Còn văn vở hơn, nói như Milan Kundera thì tôi đang “hiến mình cho cái tốc độ phi cơ thể, phi vật chất, tốc độ thuần tuý, tốc độ tự nó, tốc độ xuất thần”.*

Gió tấp vào mặt. Nhoè nhoẹt những xanh, đỏ, vàng trôi qua khoé mắt tôi. Đâu đó tiếng còi văng vẳng của những gã ô tô. Đã đêm rồi mà họ vẫn bắt tâm trí mình làm thứ công việc mang tên “bực bội” – cứ như thể họ chưa làm điều đó đủ nhiều.

Photo by Luca Campioni on Unsplash

Tôi đi nhanh không phải vì yêu tốc độ, mà vì phấn khích bởi sự sợ hãi rằng mình sẽ đâm phải ai đó khi tiếp tục đi như thế này.

Dĩ nhiên là tôi đã không đâm ai đó. Tôi chỉ nghĩ như vậy thôi.

Lần nào cũng như lần nào, ý thức của tôi bấm phanh trước khi tiếng gọi kì lạ kia nhấn tay ga lần nữa.


“Đôi khi chị có những suy nghĩ đen tối lắm. Xấu xa đến mức, nếu chị nói ra, người ta sẽ ghét bỏ chị. Chị sẽ mất hết bạn.”

Tôi nhìn đôi vai chị run lên, và nhận ra cơ hội để mổ xẻ tâm trí người ta dành cho tôi lần này bằng không. Tôi thôi chẳng hỏi thêm nữa. Mới chỉ mở đề câu chuyện đã khiến người ta hoảng loạn, việc phanh phui nội dung không phải là một ý tưởng hay.

Nhiều lần sau này, câu chuyện rằng chị có những suy nghĩ là chị cho rằng là “xấu xa” còn trở đi trở lại giữa chúng tôi, nhưng bao giờ cũng cứ đến câu nói trên kia là chị thôi. Vì không chịu nổi. Chị cảm thấy sợ hãi hay ghê tởm chính mình? Tôi không biết. Có uẩn ức nào hay tiềm tàng một sang chấn tâm lý trong vô thức của chị? Tôi cũng không hay.

Tôi chỉ biết nói với chị rằng những điều như vậy là bình thường. Vì ai mà chẳng có những suy nghĩ như thế? Sự khác biệt nằm ở chỗ hoặc là họ có nhận thức được nó hay không, hoặc nếu nhận thức được thì có lựa chọn để nói ra hay không.

Sự đánh giá này mắc phải hai vấn đề chính:

  1. Thế nào là tốt, và thế nào là xấu? Cách chúng ta đánh giá thứ gì đó phụ thuộc rất nhiều vào môi trường, hoàn cảnh, thế giới quan, xã hội, văn hoá, truyền thống, tín ngưỡng,… Tốt với bạn có khi cũng chẳng tốt trong mắt tôi. Xấu với tôi có khi lại là bình thường đối với bạn.

    Ví dụ như, một người lớn lên với tuổi thơ không mấy tốt đẹp thường có lòng tự tôn thấp và luôn “chấp nhận” những lời đánh giá không chính xác, thậm chí tiêu cực. Đối với họ như vậy là “bình thường”, nhưng với một người có tinh thần khoẻ mạnh, điều đó có thể không thực sự hay ho gì.

  2. Như hai cực đối lập yin yang, sự tồn tại của cả cái mà ta dán nhãn là “tốt” hay là “xấu” là một sự tồn tại biện chứng. Cái này có thì cái kia cũng có. Tại sao ư? Nếu như trong suy nghĩ của bạn không tồn tại những thứ đối nghịch, vậy thì ngay từ đầu, đã chẳng có thứ gì là tốt hay xấu. Bạn cứ thử nghĩ mà xem. Nếu như tất cả những gì bạn nghĩ đều là những suy nghĩ “tốt”, vậy thì đâu là cơ sở để bạn nói rằng nó “tốt”? Cần phải có một hệ quy chiếu nào đó ở đây – và nếu nó tồn tại, hẳn nhiên, đó sẽ là những suy nghĩ từng xuất hiện và được bạn gán nhãn là “xấu”.

    Người ta vẫn nói, ánh sáng càng rực rỡ, bóng đổ càng dài. Ánh sáng không phải tốt, bóng tối không phải xấu. Ánh sáng chỉ là ánh sáng và bóng tối cũng chỉ là bóng tối mà thôi.

Ác độc (devil) và thánh thiện (devine) có cùng một từ gốc deva của chữ Phạn. Ác quỷ có thể thành thánh linh, bởi vì thánh linh đã trở thành ác quỷ. Cả hai có thể xảy ra. Chúng là hai đối cực của cùng một năng lượng.

— Osho, “Thiền”

Nếu như tới đây và bạn vẫn cảm thấy chưa thuyết phục, xin hãy chuẩn bị cho một câu trả lời dài – khi tôi mang đến cuộc đối thoại cả văn minh phương Đông lẫn phương Tây. Những gì tôi sắp viết hay trích ra sau đây sẽ có nhiều phần mang tính tâm linh, không giống lắm với giọng văn thường ngày. Nếu bạn vẫn quyết định đọc tiếp, hãy tiếp cận chúng với tinh thần rộng mở.

Câu trả lời của triết học phương Đông

Con người không muốn sống đời mình mà lại mơ tưởng một đời sống khác: không phải với bộ mặt thật mà lại muốn một cái giả dối, sơn phết. Vấn đề chỉ có thế thôi. Khi mới sinh bạn có một khuôn mặt thật – không ai phê bình, không ai thay đổi, nhưng dần dà xã hội tô điểm cho cái mặt của bạn. Nó sẽ che dấu cái mặt thật, cái mặt tự nhiên khi bạn mới sinh ra, và mỗi hoàn cảnh lại có một bộ mặt khác, bởi vì chỉ một cái thì không đủ.

Tình huống thay đổi luôn luôn nên bạn cần nhiều bộ mặt giả dối, nhiều mặt nạ. Từ sáng đến tối, rồi từ tối đến sáng, bạn phải dùng đến cả ngàn cái. Khi ông chủ đến, bạn niềm nở, mà khi thấy tên ăn mày, bạn lạnh lùng. Mỗi thời điểm, mỗi khoảnh khắc là một lần thay đổi. Bạn phải cảnh giác, vì sự việc đã trở thành máy móc nên bạn không để ý đến; tự nó cứ thay đổi mãi. Khi đầy tớ vô phòng, bạn chẳng thèm để ý, như thể người ấy không hiện hữu, như thể không có ai bước vào. Nhưng khi ông chủ vào, bạn nhảy nhổm, bạn cười vui vẻ, bạn săn đón, như thể có thần hoàng ghé thăm.

Photo by mostafa meraji on Unsplash

Hãy quan sát sự thay đổi liên tục của bạn. Hãy nhìn vào gương, và nghĩ đến bao nhiêu bộ mặt bạn sẽ dùng đến. Nhìn vào gương và nghĩ đến bộ mặt của bạn khi gặp vợ, khi gặp tình nhân, khi bạn tham lam, khi bạn giận dữ, khi bị nhục dục lôi cuốn, khi bạn không hài lòng, khi chán chường. Bạn sẽ thấy bạn không phải là một người, mà là một đám đông. Và lắm khi bạn không nhận ra là những bộ mặt ấy là của bạn. Gương rất hữu ích. Bạn có thể dùng gương mà suy tư về chính mình. Nó có thể giúp bạn đánh giá lại cuộc sống của bạn. Bạn sẽ nhận ra rằng không có bộ mặt nào chính thực là bạn cả.

Đó là một trong những phương pháp quan trọng nhất của Thiền Tông, để tìm ra cái mặt thật của bạn. Họ gọi đó là bổn lai diện mục – tức là cái mặt trước khi bạn sinh ra, và sau khi bạn lìa trần, bởi vì bạn không thể mang theo tất cả mọi bộ mặt. Chúng là những mánh lới, những kỹ thuật để lừa dối, để phòng vệ; chúng là những áo giáp của bạn. Bạn phải bỏ những mặt nạ ấy thì mới nhận ra Chúa Giê-Su được, bởi vì khi nhận ra mặt thật của bạn, bạn sẽ thấy được Ngài.

(…)

Khi cảm thấy được chính bản thể bên trong của bạn, bạn sẽ nhận ra được bản thể bên trong của người khác. Ánh sáng chỉ nhận ra được ánh sáng; nó chưa hề thấy mặt bóng tối. Mà bằng cách nào bóng tối biết được ánh sáng? Nếu là người giả dối, bạn sẽ không nhận ra được người chân thật. Mà Chúa là người chân thật nhất, chân thật nhất trong số những người chân thật. Ngài không hề nói dối. Ngài là người đáng tin nhất. Mà nếu cả đời bạn chỉ biết dối trá – từ lời nói, đến cử chỉ tất cả đều giả dối – sao bạn có thể nhận ra Ngài được? Không thể có chuyện đó. Trong sự trinh bạch và hồn nhiên tuyệt đối bạn sẽ nhận ra cái bên trong của Ngài, và từ đó bạn sẽ nhận ra được cái bên ngoài. Cái bên trong phải được nhận ra trước, bởi vì nhận thức ấy bắt nguồn từ cái cốt lõi sâu thẳm nhất của bạn. Không có cách nào khác cả.

Photo by mostafa meraji on Unsplash

Người Do Thái thường nói rằng bạn bắt đầu đi tìm Thượng Đế chỉ khi Ngài đã tìm ra bạn. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng tuyệt đối đúng, bởi vì bạn biết Ngài ở đâu mà tìm, nếu không phải là Ngài đã tìm ra bạn? Bạn phải cảm thấy Ngài trong tim trước, nếu không thì sự tìm kiếm chỉ là giả dối. Sự tìm kiếm ấy bắt đầu và kết thúc tại cùng một điểm; bước đầu chính là bước cuối. Chỉ có một bước nằm giữa bạn và thánh linh. Vì không có hai bước nên không có con đường nào cả. Chỉ có một bước. Đó là vất bỏ tất cả những giả dối mà bạn đã khoác lên mình, tháo gỡ mọi mặt nạ ra.

Nhưng sao bạn có muôn mặt? Tại sao phải có, và sao lại sợ phải vất chúng đi? Phải hiểu rõ cách làm việc của chúng, bạn mới hiểu được những lời kinh này. Trước hết: bạn không hề yêu chính mình, chứ không thì chẳng cần mặt nạ nào cả. Bạn ghét chính mình, và vì ghét chính mình nên bạn phải che mặt đi. Nếu ghét chính mình, sao bạn có thể chường mặt cho người khác? Chính bạn cũng ghét nó, sao người khác mê được? Vậy thì khoe làm gì? Mà tại sao bạn ghét chính mình? Xã hội tồn tại vì bạn ghét chính mình, tự nguyền rủa chính mình, vì bạn có mặc cảm tội lỗi. Tôn giáo, thầy tu, xã hội và mọi hình thức bóc lột tồn tại chỉ vì bạn ghét chính mình.

Nếu không căm giận chính mình, bạn tìm tới thầy tu làm gì? Căm thù thì bạn cảm thấy tội lỗi; khi căm thù bạn thấy cần phải thay đổi nên bạn cần sự giúp đỡ. Bạn cần người giúp để làm cho bạn đáng yêu, xứng đáng với tình yêu. Cha mẹ bạn thì cứ nói, “Hư quá! Hư quá!” Họ cứ lặp đi lặp lại, “Đừng làm cái này, đừng làm cái kia!”

Photo by Caleb Woods on Unsplash

Tôi nghe kể rằng: Một đứa trẻ muốn chơi với cát trên biển. Mẹ nó nói, “Không được, vì nước sẽ làm dơ hết quần áo.” Nó muốn xuống nước thì mẹ nói, “Không được! Trơn trợt lắm. Con sẽ té đó.” Nó muốn chạy nhảy thì mẹ nói, “Không! Con sẽ bị lạc!” Nó muốn ăn kem thì mẹ nói, “Không! Ăn kem sẽ hư răng và không tốt cho sức khoẻ.” Sau đó bà quay sang người ngồi gần và nói, “Chị có thấy đứa trẻ nào khùng như nó không?”

Mẹ khùng chứ không phải con. Xây nhà bằng cát có gì là khùng? Bơi lội, chạy nhảy có gì là khùng?” Nhưng đầu óc bệnh hoạn luôn luôn nói “Đừng!” Nó không hề biết nói “Được,” bởi vì đầu óc bệnh hoạn không hề biết đến tự do. Cho nên sao nó cho phép bạn được tự do? Mà hầu hết cha mẹ nào cũng thế. Và khi làm cha mẹ bạn thì bạn cũng vậy. Tự do phải bị tiêu diệt. Đứa trẻ dần dần cảm thấy nó khùng khùng, cảm thấy nó làm gì cũng sai; những gì nó muốn làm thì bị nói “Đừng!”

Một đứa trẻ ngày đầu đi học. Khi trở về nhà mẹ nó hỏi, “Hôm nay con đã học được gì?” Nó trả lời, “Bây giờ con mới biết tên con không phải là ‘Đừng’. Vậy mà con cứ tưởng tên con là ‘Đừng’ – ‘Đừng làm cái đó, đừng đi đến đó, đừng làm như vậy!” Cho nên con nghĩ tên con là ‘Đừng’. Nay đi học con mới biết đó không phải là tên của con.


Nếu bạn bị tâm bệnh, và cả xã hội này bị tâm bệnh, thì bệnh sẽ truyền từ đời này sang đời khác. Cho đến nay chưa có xã hội nào không bệnh hoạn, không có kỷ nguyên nào không loạn thần kinh. Thỉnh thoảng mới có một vài cá nhân trốn khỏi nhà tù. Mà những người ấy chỉ đếm được trên đầu ngón tay vì nhà tù quá lớn, lại được xây trên những nền móng quá kiên cố. Truyền thống quá lâu đời, lại có cả một quá khứ lâu dài theo sau, nên khi một đứa trẻ được sinh ra, khó mà không bị ô nhiễm. Bởi vì không có người nào hoàn toàn bình thường cả, nên họ buộc nó phải giống họ. Họ sẽ tiêu diệt tự do của nó, sẽ làm cho nó có mặc cảm tội lỗi, sẽ làm nó mất tự tin. Kết quả là nó sẽ tự nguyền rủa nó – nó bắt đầu thù ghét chính nó. Mà đừng quên là nếu bạn thù ghét chính mình, bạn không thể yêu người khác được. Sao bạn có thể yêu người khác nếu bạn thù ghét chính mình? Nếu tại trung tâm có chất độc, mọi liên hệ sẽ bị truyền nhiễm. Cho nên bạn không thể yêu bất cứ người nào được.

Photo by Verne Ho on Unsplash

Và hậu quả kế tiếp là nếu bạn ghét chính mình, bạn không thể nghĩ là người khác có thể yêu bạn được. Chính bạn còn không thương mình, ai có thể thương bạn được? Cho nên bạn biết rõ là không có ai yêu bạn. Mà nếu có người yêu bạn, bạn cũng không tin. Bạn nghi ngờ rằng người đó sẽ gạt bạn. Làm gì có người yêu bạn được? Chính bạn cũng không yêu mình cơ mà! Thậm chí nếu người nào đó yêu bạn, bạn sẽ nghi ngờ, sẽ đặt dấu hỏi. Bạn không thể tin. Bạn sẽ tìm đủ chứng cớ để chứng minh rằng người ấy không yêu bạn. Lúc ấy bạn mới yên tâm.

Lòng căm thù này là cơ sở của mọi giả dối. Quần áo không phải vì thời tiết mà có – chỉ một phần nhỏ thôi. Chúng được dùng để che dấu thân thể, để che dấu những gì không đẹp mắt, để che con thú trong người của bạn. Nhưng những gì sống động của bạn đều giống thú vật. Trừ cái đầu ra, không bộ phận nào của bạn không giống thú vật. Cho nên tất cả đều phải che dấu, ngoại trừ cái đầu, vì đầu không giống con vật vì được dùng để suy nghĩ nên được phép để lộ ra. Xã hội sẽ rất hài lòng nếu chỉ cái đầu của bạn còn sót lại.

(…)

Đừng nghĩ về những bộ mặt khác nhau, về quần áo, về những cái giả dối. Hãy trung thực, hãy chấp nhận chính mình. Khó mà làm được, bởi vì nếu suy tư về con người thật của mình, bạn sẽ thấy khó chịu. Sự khó chịu này do đâu mà có? Từ giáo viên. Họ là những người làm hại cho đời nhất. Họ không thực sự là thầy giáo; họ là kẻ thù. Họ không ngớt rêu rao, “Cái này là thú tính, cái kia là thú tính – mà mày là NGƯỜI!” Họ nói gì vậy? Họ nói, “Hãy chối bỏ những gì là thú vật trong con người của bạn!” Mà tôi nói với bạn rằng người không phải là cái gì chống lại thú vật; người là con vật cao cả nhất. Không phải là ngược lại, mà là cái cao nhất, là đỉnh cao. Nếu chối bỏ những gì là tự nhiên của bạn, bạn cũng chối bỏ ngay cái nguồn sống của mình. Kết quả là tất cả đều giả dối.

— Osho, “Hạt cải trời”

Câu trả lời từ tâm lý học phương Tây

Tôi cho rằng phân tâm học có thể đem đến cho chúng ta một vài câu trả lời thú vị. Từ lâu, các nhà tâm lý học đã luôn dành một sự quan tâm đặc biệt đến câu hỏi “Cái gì tạo nên con người?” hay cụ thể hơn là “Cái gì tạo nên nhân cách chúng ta?”

Sigmund Freud (1856 – 1939)

Sigmund Freud cho rằng hành vi của con người chịu ảnh hưởng bởi các ký ức, suy nghĩ và thôi thúc từ tiềm thức. Lý thuyết này cũng đề xuất rằng cái tôi (the psyche) được cấu thành từ 3 khía cạnh:

Nguồn: Psych-Mental Health Hub
  • Id (Bản năng): Kích hoạt ở khoảnh khắc bạn được sinh ra, Id nằm hoàn toàn ở trong tiềm thức. Nó hoạt động theo cơ chế của sự thoả mãn tức thời (instant gratification).

    Ví dụ: cảm giác đói, khát gia tăng kéo theo việc cố gắng ăn uống ngay lập tức. Bản năng rất quan trọng trong khoảng thời gian đầu đời vì nó đảm bảo các nhu cầu của đứa trẻ đều được đáp ứng. Nếu đứa trẻ đói hay không thoải mái, nó sẽ khóc đến khi đòi hỏi của nó được thỏa mãn.

  • Ego (Bản ngã): Hoạt động trong ý thức bình thường. Nó cân nhắc những yếu tố của hiện thực, đóng vai trò ức chế những bất mãn có thể có của bản năng để ta hành động sao cho thực tế và được xã hội chấp nhận.

    Freud so sánh bản năng như 1 con ngựa và cái tôi như người cưỡi ngựa. Con ngựa có sức mạnh, nhưng người cưỡi có khả năng điều khiển. Không có người, con ngựa sẽ chỉ lang thang bất cứ đâu nó muốn và làm những gì nó thích. Người cưỡi sẽ cho nó biết nên đi đâu và hướng nó đến nơi anh ta muốn đến.

    Ví dụ: Hãy tưởng tượng bạn đang kẹt trong 1 cuộc họp nhiều giờ ở cơ quan. Bạn cảm thấy càng lúc càng đói. Trong khi bản năng có thể bắt bạn nhảy khỏi ghế và chạy sầm sập vào phòng nghỉ để ăn chút gì đó đi, cái Tôi bảo bạn ngồi yên và đợi đến cuối cuộc họp. Thay vì hành động theo các ham muốn nguyên thủy của cái Nó, bạn dùng khoảng thời gian còn lại của buổi họp để tưởng tượng cảnh mình đang ăn 1 cái hamburger phô mai ngon lành. Khi cuộc họp kết thúc, bạn có thể tìm kiếm thứ mà bạn đã tưởng tượng và thỏa mãn đòi hỏi của bản năng theo cách phù hợp và thực tế.

  • Superego (Siêu ngã): Siêu ngã là biểu tượng cho những phần đạo đức và giá trị cao nhất. Đây là những tư tưởng hay niềm tin nền tảng được xác lập bởi giáo dục gia đình hay xã hội, thứ giúp ta quyết được đúng và sai.

    Cái Siêu tôi cung cấp những nguyên tắc để đánh giá. Theo Freud, cái Siêu tôi bắt đầu xuất hiện vào khoảng 5 tuổi.

Carl Jung (1875 – 1961)

Trong khi đó, Carl Jung cho rằng nhân cách (psyche) của con được cấu thành từ 3 phần chính:

  • Consciousness (ý thức)
  • Personal unconscious (vô thức cá nhân)
  • Collective unconscious (vô thức tập thể)

Trong lý thuyết của Carl Jung (1875 – 1961), vẫn có những thành phần thuộc tâm trí như đã thấy trong lý thuyết của Freud như ý thức, vô thức nhưng chúng ít nhiều mang những ý nghĩa mới khác biệt so với quan điểm của Freud. Ý thức bao gồm cái tôi (ego) và cái bề ngoài/mặt nạ (persona). Cái tôi là những gì con người ý thức, suy nghĩ, nhớ lại và cảm nhận; cái bề ngoài là hình ảnh cái tôi muốn thể hiện mình cho thế giới bên ngoài.

Vô thức bao gồm vô thức cá nhân (personal unconscious) và vô thức tập thể (collective unconscious). Vô thức cá nhân là những gì đã từng ở trong ý thức nhưng đã bị dồn nén, quên hay không thể nhớ lại. Vô thức cá nhân gồm các phức cảm: một nhóm ý tưởng gây lo lắng cho cá nhân được liên kết với nhau bởi một loại cảm giác chung. Vô thức tập thể là những kinh nghiệm được đúc kết dưới dạng những nguyên mẫu (archetypes) và được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.

— Lê Thành Nhân (Biên soạn), “TÓM LƯỢC HỌC THUYẾT NHÂN CÁCH CỦA CARL JUNG”
Nguồn: The Pathfinder Coach.

Cốt lõi của hệ thống lý thuyết của Carl Jung là niềm tin rằng toàn bộ trải nghiệm của cá nhân cần được tôn trọng và tính đến, thay vì bị coi là bệnh lý hoặc bị khoả lấp; điều này bao gồm những khía cạnh ‘bóng tối’ không mong muốn của bạn – chẳng hạn như những phẩm chất hung hăng, đố kỵ, phá hoại, cũng như những khao khát và trải nghiệm tâm linh.


Jung và Freud vốn đã là những người bạn hữu thân thiết, và rồi lại trở thành những kẻ thù không đội trời chung. Tôi không muốn bàn luận sâu về tranh cãi học thuật giữa hai ông, mà chỉ muốn giới thiệu sơ lược lý thuyết của từng người để bạn có thông tin suy xét và đối chiếu.

Hai nhà tâm lý học có thể đã không có nhiều lắm những đồng thuận trong quá trình nghiên cứu, song điểm chung giữa lý thuyết của hai ông là khẳng định về sự tồn tại của cái được gọi là tiềm thức (the unconscious mind). Tiềm thức này ẩn chứa nhiều cảm xúc, suy nghĩ hay ký ức mà thường ngày ta không nhận diện được, hay cố tình phủ lấp đi. Nó là một phần của bản thể của bạn, và bạn đơn giản là không thể chối bỏ nó được.

Kết

Bài viết này tôi viết dành cho một người bạn. Tôi nghe chuyện của cậu, một giấc mơ kì quái nơi cậu tìm thấy mình làm những điều tồi tệ với một người từng quen. Cậu cảm thấy kì quặc, và có lẽ cũng nhiều phần ghê tởm – tôi không dám khẳng định – với giấc mơ, hay với bản thân cậu; vì đã mơ một giấc mơ như thế.

Tôi vỗ vai, bảo cậu hãy đọc Sigmund Freud đi. Nhưng có lẽ đến bây giờ thì điều ấy cũng chẳng cần thiết nữa.

Suy cho cùng, cho dù chúng ta cấu thành bởi thứ gì, sẽ tốt hơn nếu ta học được cách tôn trọng tất cả các phần của bản thân mình, cho dù điều ấy có thể xấu xa ra sao. Tôi tin, nếu không có chúng, những khía cạnh tốt đẹp nhất của ta cũng sẽ chẳng thể nào tồn tại.


*Trích chương đầu tiên của “Chậm” (Nguyên bản Pháp: La Lanteur), một tiểu thuyết của nhà văn Tiệp Khắc Milan Kundera.